Lược sử Giáo hội Công giáo (Chương XIX)
10.05.2008
.
Chương XIX
GIÁO HỘI
TỪ THẾ CHIẾN II ĐẾN CÔNG ĐỒNG
VATICAN II
Trong Thế chiến II, Giáo Hội trong các nước tham chiến bị
liên lụy nhiều. Lương tâm người kitô hữu bị tra vấn nhiều khi phải lực chọn
thái độ. Tuy nhiên, chiến tranh cũng là một giai đoạn giúp trưởng thành và suy
nghĩ. Giai đoạn canh tân thần học và thử nghiệm độc đáo này có những khó khăn
và khủng hoảng trong những năm cuối thời của Đức Piô XII.
I.
NGƯỜI KITÔ HỮU TRONG THẾ CHIẾN II
1.
Những thảm họa của chiến tranh
Cũng như mọi công dân khác, người kitô hữu phải chịu những
hậu quả của cuộc chiến : tàn phá chết chóc trong một Châu Âu mà 3/4 bị Đức Quốc
Xã thống trị. Lương tâm Kitô giáo bị đặt trước những lựa chọn khó khăn : thái độ
với kẻ chiếm đóng như thế nào ? Có phải tuân phục chính quyền hiện hữu ? Có được
thụ động trước việc người Dothái bị hủy diệt ? Bạo động có hợp pháp để giải
phóng tổ quốc không ? Các thái độ khác nhau tùy thuộc từng nước và ngay ở trong
mọi nước.
Balan : phần phía tây bị sát nhập vào Đức. Tôn giáo bị bách
hại. Tại Nga, chính quyền cộng sản thúc đẩy lòng ái quốc của tôn giáo để chống
Phát xít, nhưng khi hòa bình lập lại, họ lại trở mặt đàn áp tôn giáo. Ở Hòa
Lan, Công Giáo và Tin lành phối hợp chống lại việc đàn áp người Dothái, nên bị
quân Đức trả đũa nặng nề. Ở Pháp chính quyền Pétain dành nhiều thuận lợi cho
Công Giáo, nhưng một số tín hữu Công Giáo đã sớm đứng về phe kháng chiến.
2.
Thái độ thinh lặng của Đức Piô XII
Khác với Đức Bênêđíctô XV, người đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã
kêu gọi hòa bình ở Thế Chiến I, Đức Piô XII hồi sinh tiền hầu như được mọi người
ca ngợi về thái độ của người trong cuộc chiến. Thế nhưng, sau này người ta lại
chỉ trích thái độ im lặng của người. Thật ra người đã nỗ lực ngăn chặn chiến
tranh từ 1939-1940, sau đó người đã kêu gọi Moussolini đứng ngoài cuộc chiến,
cuối cùng người đã thúc đẩy nhà vua loại trừ Moussolini và phản đối những cuộc
oanh tạc.
Thật ra có những lúc người phải im lặng, kể cả trước việc người
Dothái bị tiêu diệt. Người cảm thấy bất lực, và với sự khôn ngoan suy đoán, sự
im lặng của người có lợi hơn. Thực tế cho thấy đường lối ngoại giao của người đạt
kết quả hơn là lên tiếng phản đối. Có những nơi giáo quyền can thiệp thì quân Đức
lại tàn sát dữ dội hơn.
II.
GIÁO HỘI SAU THẾ CHIẾN THỨ II
1.
Hoạt động của một Giáo Hoàng uyên bác
Cũng như vị tiền nhiệm, khi thấy nhiệm vụ cấp bách nhấn mạnh
công lí và hòa bình trong một thế giới có chiến tranh, hoặc có nguy cơ đe dọa
các vấn đề quốc tế và xã hội, Đức Piô XII vẫn không quên nhiệm vụ chuyên biệt
của mình là lãnh đạo, giảng dạy và thánh hóa toàn dân Chúa. Người là vị Giáo
Hoàng có nhiều văn kiện giáo huấn nhất. Riêng Thông Điệp đã lên tới con số 43.
Người cáo giác phong trào "thần học mới", người e ngại trước chủ
thuyết "hòa đồng". Các văn kiện của người trải rộng từ các vấn đề
thần học rộng lớn nhất đến những vấn đề trần tục thường ngày.
Qua các văn kiện của người, người ta thấy rõ sự uyên bác sâu
sắc của một vị tiến sĩ.
Chính Đức Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Hồn
Xác Lên Trời (1950). Thời của người còn là thời Công Giáo Tiến Hành nở rộ và là
thời khai sinh Tu Hội đời.
2.
Giáo Hội ở một số nước Tây Âu
Sau chiến tranh, Âu Châu chia làm hai khối : khối Đông Âu
gồm các nước Cộng sản chịu ảnh hưởng của Liên Xô và khối Tây Âu Tư Bản. Sự phân
chia này gây hệ quả quan trọng cho tôn giáo. Ở Tây Âu, người kitô hữu giữ một
vai trò khá lớn trong chính trị. Trong nhiều nước, họ trở thành một lực lượng
thứ ba chống lại Cộng sản.
- Pháp : Giáo Hội biểu lộ sức sống dồi dào về các mặt chính
trị xã hội, mục vụ, tông đồ, thần học, trí thức... Công Giáo Tiến Hành phát
triển mạnh. Các hội truyền giáo Pháp và Hội truyền giáo Paris hoạt động mạnh. Phong trào "linh
mục thợ" ra đời. Có những nỗ lực nghiên cứu Kinh Thánh và thần học : bản
dịch Thánh Kinh Giêrusalem, bộ Lectio Divina gom góp tác phẩm của các nhà chú
giải Thánh Kinh Công Giáo...
- Ý : năm 1946, chính thể Cộng Hòa nhìn nhận thỏa ước
Latêranô. Nhưng Đảng Cộng sản rất mạnh. Đảng Dân chủ Kitô giáo hoạt động rất
tích cực, nhưng không chiếm được ưu thế.
Giáo Hội rất lo lắng.
- Tây Ban Nha : cuộc nội chiến 1936-1939 chấm dứt, tướng
Franco nắm chính quyền, coi Công Giáo là đạo duy nhất của nước Tây Ban Nha. Các
hoạt động của Giáo Hội có nhiều thuận lợi.
3.
Giáo Hội tại các nước Đông Âu
Cuộc bách hại đạo được thực hiện khắp các nước Đông Âu với
những hình thức và cường độ khác nhau.
Ở Liên Xô, chính sách và hành động bài tôn giáo rất mãnh
liệt, nhất là ở vùng biển Ban Tích, nhà nước triệt hạ phần lớn hàng giáo sĩ.
Trong tất cả các nước Đông Âu, nhà nước đều mở những phiên tòa đại hình xét xử,
các nhà lãnh đạo Công Giáo thường bị buộc vào tội thông đồng với kẻ thù và
nhiều tội trạng khác : Hồng Y Mindzenty ở Hung, Giám mục Béran ở Tiệp Khắc,
Giám mục Stépinac ở Nam Tư, Hồng Y Wyszynski ở Ba Lan...
Ngoài chính sách bách hại nặng nề, các nước Đông Âu còn dựng
lên những nhóm giáo hội cấp tiến tự trị trong lãnh thổ của mình.
4.
Việc giải thực (décolonisation) và các Giáo Hội trẻ
Trong vòng 20 năm sau Thế chiến II, các Đế quốc thực dân
thay nhau sụp đổ. Các nước thuộc địa lần lượt đứng lên giành độc lập. Trong
tình huống này, Kitô giáo bị liên hệ và được coi là tôn giáo do thực dân Âu Châu du nhập. Họ đổ lỗi cho Kitô giáo cùng với
thực dân làm lu mờ truyền thống văn hóa lâu đời của họ. Cùng lúc giành độc lập
chính trị, họ cũng độc lập tôn giáo.
Từ năm 1949, nhà nước Cộng sản Trung
Quốc đòi người kitô hữu phải thoát khỏi ảnh hưởng của ngoại bang, giành quyền
tự trị trong ba lãnh vực : lãnh đạo, quản trị tài chính và giảng đạo. Do đó,
các giáo sĩ ngoại quốc bị trục xuất hoặc hành quyết.
Các quốc gia mới độc lập làm thành thế
giới thứ ba qui lỗi cho Tây Phương trong đó có Kitô giáo đã làm cho họ nghèo đói.
Các vị lãnh đạo Giáo Hội phải ra sức lên tiếng phân biệt
việc rao giảng Phúc Âm và công cuộc thực dân.
Nhiều vị giám mục các nước thuộc địa khẳng định đấu tranh
giành độc lập là hợp pháp.
Các giám mục bản quốc dần dần được thay thế các giám mục
Châu Âu. Các xứ truyền giáo trực tiếp tùy thuộc Rôma qua các vị Đại Diện Tông
Tòa, nay trở thành các giáo phận tương tự như các giáo phận trong Giáo Hội cũ
Âu Châu. Công cuộc giải thực làm phát sinh các Giáo Hội trẻ thật sự tự lập.
Phải nói ngay rằng sự tự lập này đã khởi đầu sớm hơn nơi các giáo hội Thệ Phản
hải ngoại, vì họ ít hướng về Âu Châu hơn so với các Giáo Hội Công Giáo.
|