Lược sử Giáo hội Công giáo (Chương V)
10.05.2008
.
Chương V
SỰ HÌNH
THÀNH KINH THÁNH, CÁC CÔNG ĐỒNG
CHUNG ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI
Trong thánh lễ mỗi Chúa Nhật, chúng ta vẫn tuyên xưng đức
tin bằng Kinh Tin Kính Nicêa - Constantinople.
Bản văn này không được soạn thảo trong bầu khí ôn hòa trao đổi ý kiến, nhưng thường
là trong những cuộc xung đột dữ dội vượt quá những vấn đề tín lí. Hậu cảnh của
việc hình thành Kinh Tin Kính (KTK) là sự xung đột giữa những : cá nhân, văn
hóa, địa phương. Những cuộc lưu đày, ẩu đả đẫm máu, những lần quân đội và cảnh
sát can thiệp.
I. TRANH LUẬN VỀ THẦN TÍNH
CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
1.
Phái Ariô
Ariô là một linh mục
khắc khổ và được quí trọng ở một giáo xứ tại Alexandria. Cũng như nhiều người trước, Ariô
muốn bảo vệ các ưu phẩm của một Thiên Chúa duy nhất. Chỉ mình Người là Đấng
không có khởi đầu. Sở dĩ Thiên Chúa là Cha, vì một lúc nào đó Người đã sinh ra
Con. Vậy Con có khởi đầu. Con không hoàn toàn thuộc cùng một bản tính với Cha.
Con lệ thuộc Cha... Ariô dựa vào các bản
văn Kinh Thánh (Ga 14,28...) để khẳng định như trên.
Giám mục Alexandria không chấp nhận
quan điểm của Ariô. Nếu Ngôi Lời không hoàn toàn là Thiên Chúa, thì loài người không thể được thần hóa hoàn toàn, vì
Người không phải là Thiên Chúa nhập thể trong một con người. Vậy, con người
không thể được cứu rỗi. Năm 318, Ariô bị vạ tuyệt thông. Dĩ nhiên ông
không nhận vạ này. Khi ông đi thăm những
người theo ông ở Đông Phương, thì tại đây nhiều người cho rằng quan điểm của
ông đúng với truyền thống. Hỗn loạn xảy ra ở Alexandria. Hoàng đế Constantinô muốn có sự
yên ổn ở Đông Phương, nên ông khuyên mỗi bên phải cố gắng hòa giải vì đây chỉ
là những tranh cãi về từ ngữ. Những xáo trộn vẫn tiếp tục, nên ông quyết định
qui tụ các Giám mục họp Đại Công Đồng.
2. Công Đồng Chung đầu tiên - Nicéa (325)
Công Đồng Nicéa là
công đồng chung đầu tiên, qui tụ khoảng 300 Giám mục. Đa số các vị này thuộc Đông
phương theo văn hóa Hi Lạp, các ngài rất quan tâm đến những tranh luận tín lí.
Công Đồng gây ấn tượng mạnh, vì chưa bao giờ các chức sắc của Giáo Hội có mặt đông
đủ như thế.
Công Đồng đã chấp
nhận bản Kinh Tin Kính của Giám mục Eusêbiô thành Césarée, khi Giám mục này đề
nghị. Nhưng theo yêu cầu của Constantinô, các Giám mục thêm tính từ
"Homoousios" khi nói về Con Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Con cùng một
bản thể "Ousia" với Chúa Cha, đồng bản thể với Chúa Cha. Hạn từ này
khẳng định sự ngang bằng hoàn toàn giữa Chúa Cha và Chúa Con. Do đó, (trừ một
vài) tất cả các Giám mục đã phê chuẩn hạn từ này.
Quyết định tín lí của
Công Đồng Nicéa nhanh chóng gây ra nhiều phản ứng. Nhiều người không chấp nhận
hạn từ "Homoousios", vì cho rằng từ
này không có trong Kinh Thánh. Giáo Hội Đông Phương không chấp nhận công
thức của Công Đồng Nicéa. Giáo Hội Tây Phương La-tinh nói chung là trung thành
với Nicéa.
3. Công Đồng Constantinople
(381)
Năm 380, hoàng đế
Thêodosiô bên Đông Phương quyết định nhận Công Giáo là quốc giáo, và năm 381
triệu tập Công Đồng tại thủ đô Constantinople. Công Đồng này lấy lại Kinh Tin
Kính Nicéa và thêm vào đó phần về Chúa Thánh Thần : "Chúng tôi tin Chúa
Thánh Thần là Chúa hiển trị và là Đấng ban sự sống. Người bởi Chúa Cha mà ra,
và Người cũng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con". Thế kỉ
VII, Giáo Hội La-tinh thêm vào một chữ nổi tiếng "Filioque". Đây là
một trong những nguyên nhân gây ra sự li khai giữa Giáo Hội La-tinh và Giáo Hội
Hy-lạp ở thế kỉ XI.
II. TRANH LUẬN KITÔ HỌC
1. Nguồn gốc cuộc tranh luận
Suy tư và bàn cãi
không bao giờ ngưng nghỉ, khi sự đồng hàng giữa Cha và Con được chấp nhận thì
một vấn đề khác lại nảy sinh : phải hiểu thế nào về sự kết hợp giữa thần tính
và nhân tính nơi Đức Giêsu ? Ngôi Lời thì vĩnh cửu nhưng Đức Giêsu lại được
sinh ra, chịu khổ và chịu chết. Có thể nói rằng Thiên Chúa đã được sinh ra,
chịu khổ và chịu chết không ? Nếu tách rời Thiên Chúa và con người nơi Đức
Giêsu, thì nói thế nào về nhập thể, về xác phàm được Ngôi Lời mặc lấy ?
Ở
Alexandria, người
ta nhấn mạnh sự duy nhất của Đức Kitô, khởi đi từ Logos (Ngôi Lời). Đức Kitô là
Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy một xác phàm. Chính đó là điều kiện để con người được
thần hóa. Còn ở Antiokia, người ta lại nhấn mạnh hai khía cạnh của hữu thể Đức
Kitô, tức là hai bản tính khởi đi từ bản tính để đi đến sự duy nhất, và giữ
vững nhân tính đầy đủ của Đức Kitô.
Sự dị biệt hai quan điểm
trên đã biến thành cuộc xung đột mạnh mẽ qua lại đối đầu giữa hai Giám mục là
Cyrillô thành Alexandria và Nestôriô thành Constantinople. Nestôriô chỉ trích lối tôn sùng bình dân
gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Théotokos). Theo Nestôriô hạn từ này không có
trong Kinh Thánh, và Đức Maria chỉ là Mẹ của con người Giêsu. Đối lại, Cyrillô
muốn bảo vệ tính duy nhất của Đức Giêsu và niềm tin phổ biến của tín hữu. Người
cho rằng chỉ có một "bản tính" duy nhất trong Đức Kitô.
Cyrillô liên lạc với
Giám mục Rome
là Célestino, người kết án Nestôriô năm 430. Cyrillô yêu cầu Nestôriô kí một
bản văn xác nhận nơi Đức Kitô, Ngôi Lời và con người kết hợp trong một bản tính
mà thôi. Nhưng Nestôriô lại tố cáo Cyrillô theo lạc thuyết Apollinariô. Vì việc
này, hoàng đế Thêodosiô triệu tập công đồng tại Êphêsô yêu cầu mọi Giám mục
hiện diện.
2. Công Đồng Êphêsô (431)
Cyrillô chủ động khai
mạc công đồng cho dù nhiều giám mục chưa có mặt và dù đại diện Hoàng Đế phản đối.
Nestôriô bị hạ bệ như một Giuđa mới, một kẻ lạc giáo. Quần chúng tán thành phấn
khởi. Nhưng không lâu sau đó các giám mục theo phe Nestôriô và những vị không
tán thành hành động của Cyrillô lần lượt tới. Họ lên án Cyrillô và các bạn của
Người. Để giải hòa 2 bên, đại diện Hoàng Đế đã truất phế cả Nestôriô lẫn
Cyrillô, Cyrillô trốn được và trở về Alexandrie như một kẻ chiến thắng, còn
Nestôriô kết thúc cuộc đời trong cảnh lưu đày.
Nội dung tín lí của
Công Đồng Êphêsô thực chất là củng cố uy tín Nicéa và nhấn mạnh sự duy nhất của
Đức Kitô. Hạn từ Théotokos sẽ không còn bị tranh cãi nữa.
Năm 433, một đối thủ
của Cyrillô là Gioani, giám mục Antiokia đề nghị một công thức hòa giải : “Có
một sự kết hợp không lẫn lộn giữa hai bản tính, và do sự kết hợp này, chúng ta
tuyên xưng rằng Đức Trinh Nữ Thánh là Théotokos, bởi vì ngôi Con Thiên Chúa đã
trở thành xác phàm và đã làm người”. Cyrillô phấn khởi nhận công thức này. Giám
mục Rôma là Sixtô chúc mừng sự hòa hợp của hai người bằng cách phê chuẩn công
thức.
3. Tranh luận tiếp tục Công Đồng Calcêđônia
(451)
Dù đã có công thức
hòa giải trên, nhưng các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục, và lần này là Eutykê,
một đan sĩ ở Constantinople. Eutykê cho rằng trong
Đức Kitô, thần tính làm nhân tính tiêu tan. Thân xác Đức Kitô không cùng bản
chất với thân xác ta. Đó là thuyết nhất tính. Ông bị kết án và bị vạ tuyệt
thông trong một hội nghị do giám mục Constantinople
là Flavianô triệu tập. Eutykê kháng cáo lên Giáo Hoàng Lêô (440 - 461) và
Dioscorê, giám mục Alexandrie.
Hoàng Đế Théodosiô
II, bạn của Eutykê triệu tập Công Đồng. Hầu như ông chỉ mời những người theo
phe Eutykê và giám mục Rôma. Đức Lêô giao cho các đặc sứ của Người một bản văn
trình bày mầu nhiệm nhập thể. Theo Người, Đức Kitô có một thân xác đích thực,
cùng bản tính với thân xác của Mẹ Người. Cả hai bản tính được bảo toàn, kết hợp
với nhau trong một ngôi vị duy nhất. Trong tiếng Latin, từ lâu, người ta đã làm
sáng tỏ sự phân biệt giữa bản tính và ngôi vị, còn trong tiếp Hi Lạp thì không
như vậy. Công Đồng họp tại Êphêsô năm 449 do Dioscorê chủ động : Flavianô và
những vị khác phân biệt hai bản tính bị truất phế. Đức Lêô gọi đây là “Mẻ cướp
ở Êphêsô”.
Đường lối chính trị và tôn giáo mới của Marcianô đã khiến ông triệu tập một Công Đồng mới ở Calcêđônia. Đặc sứ của Giáo Hoàng chủ tọa Công Đồng, Flavianô được phục hồi danh dự. Kinh Tin Kính Nicée - Constantinople được tuyên đọc. Công Đồng công bố một công thức đức tin “Đức Kitô là một ngôi vị trong hai bản tính”. Kể từ nay, công thức này là nền tảng của Kitô Học.
|