1. Những nét lịch sử chính yếu khai sinh ra giáo phận Hạt giống Tin Mừng được mang đến phần đất Nghệ - Tĩnh - Bình, tức lãnh thổ giáo phận Vinh ngày nay, có thể là rất sớm. Nhưng một cách chính xác, phải nói đó là năm 1629, tức là 2 năm sau khi nhà truyền giáo vĩ đại Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đặt chân lên Cửa Bạng - Thanh Hoá, đi tiên phong cho đội ngũ thừa sai dòng Tên, đặt nền móng cho Giáo hội Công giáo tại Đàng Ngoài (Bắc Hà) Việt Nam. Năm 1629, giáo sĩ Đắc Lộ và giáo sĩ P. Marques ở Thăng Long, bị bức xuống thuyền theo đường biển, vào Nam, để về Macao. Đoàn tranh thủ giảng đạo tại những cửa biển thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình: Cửa Chúa, Cửa Lò, Cửa Rùm, Cửa Sót. Năm 1634, Cửa Rùm đã là một giáo khu phồn thịnh với 4.183 tín hữu. Năm 1659, Toà Thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên ở Việt Nam: giáo phận Đàng Trong và giáo phận Đàng Ngoài. Phần giáo phận Vinh ngày nay thuộc giáo phận Đàng Ngoài. Hai mươi năm sau, năm 1679, Toà Thánh lại chia giáo phận Đàng Ngoài thành giáo phận Đông Đàng Ngoài và giáo phận Tây Đàng Ngoài, Nghệ -Tĩnh - Bình vẫn thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. Năm 1846, giáo phận Vinh được thành lập, tách từ giáo phận Tây Đàng Ngoài, gọi là giáo phận Nam bên Bắc Kỳ về sau gọi là giáo phận Vĩnh, rồi giáo phận Vinh. Trước lúc thành lập, điều lý thú là phần đất Nghệ - Tĩnh - Bình này, tuy thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài, nhưng theo nhận xét của lãnh đạo giáo phận Tây - vì xa xôi, lại có lòng đạo vững vàng sốt sắng và có giọng nói khác biệt với phần còn lại, nên đã được dành cho một quy chế đặc biệt: giám mục chính ở Hoàng Nguyên, Hà Nội, thì giám mục phó hay linh mục tổng đại diện chốt ở phần phía nam xa xôi này. Cụ thể là: - Từ 1690 đến 1796, ở Trang Đen, bây giờ thuộc huyện Nam Đàn, Nghệ An, 106 năm với 3 giám mục phó lần lượt coi sóc. Hiện nơi đây còn mộ hai giám mục là Đức Cha Edme Bélot (+1717) và Đức cha L.M. Deveaux (+1756). Vị phó thứ ba tại Trang Đen là Đức cha Jean Davoust, thụ phong năm 1771, đến năm 1780 ra thay Đức cha chính là Đức cha Bennetat qua đời. Nhưng vì quyến luyến Xứ Nghệ, nên khi thì ngài ở Hà Nội, khi thì ở Trang Đen. Ngài mất năm 1789. Năm 1792, cha J.B. Longer Gia từ Hướng Phương (Quảng Bình) được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Tây, nên ngài ra Hà Nội. - Đức cha Longer Gia được đặc ân chọn kế tiếp nhau 4 giám mục phó. Vị đầu tiên là Đức cha Charles de la Motte Hậu I (1796-1816), ngài bỏ trụ sở Trang Đen về đóng tại Thọ Kỳ tức Thọ Ninh ngày nay. Tiếp theo là Đức cha J. Jaques Guévard Đoan (1816-1823). Cả 2 vị qua đời và đều được an táng tại Thọ Kỳ. Vị thứ ba là Đức cha F.M. Pellerin Phan, mất và an táng tại Nam Định. Vị thứ tư là Đức cha J.M. Havard Giu, chỉ ở Thọ Kỳ được 2 năm rồi ra Hà Nội, lên kế vị Đức cha Longer (+1835). Thánh giám mục Pierre Borie Cao đắc cử giám mục khi đang bị giam tại nhà tù Đồng Hới, Quảng Bình. Ba tháng sau, ngài chết để làm chứng cho Chúa tại Đồng Hới. Đức cha P.M. Retord Liêu được thụ phong vào năm 1840, đã đặt giám mục phó là Đức Cha J. Denis Gauthier Hậu II (1844). Đức cha phó bỏ Thọ Kỳ dời trụ sở về Xã Đoài. Hai năm sau, Toà Thánh tách Xứ Nghệ khỏi Tây Đàng Ngoài và thành lập giáo phận Nam Đàng Ngoài, đặt Đức cha Gauthier Hậu II làm đại diện tông toà đầu tiên của địa phận mới (1846) tức là giáo phận Vinh ngày nay. 2. Đặc điểm tình hình giáo phận Năm 1659, khi Toà Thánh thiết lập hai giáo phận đầu tiên ở Việt Nam, vùng đất Nghệ-Tĩnh-Bình đã có nhiều cơ sở và giáo xứ do các cha dòng Tên, các linh mục Hội Thừa sai Paris và linh mục Việt Nam coi sóc. Trong tập “Lịch sử nước Annam” do Bentô Thiện gửi cho cha Marini năm 1659 viết: “Nghệ An xứ những nhà thờ Đức Chúa Blờy đựac bải mươy lăm nhà thánh”. Năm 1707, theo báo cáo của Đức cha Jaques de Bourges, tình hình giáo dân ở vùng giáo phận Vinh lúc này: xứ Nghệ An, cha Bảo Lộc Tri coi sóc 3.000; Bố Chánh, cha Giuse Phước coi 4.000. Năm 1846, khi thành lập, giáo phận có một giám mục, 35 linh mục Việt Nam, 4 thừa sai, 75 thầy giảng, 69 chủng sinh, 220 nữ tu, 18 giáo xứ và 66.350 giáo dân. Thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nhiều thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bị giết hại, trong số đó có 6 vị đã được Đức Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh ngày 19-6-1988. Ngày 15-8-1892, Đức cha Louis Pineau Trị dâng hiến giáo phận cho Đức Mẹ. Năm đó, giáo phận có: 1 giám mục, 31 thừa sai, 72 linh mục Việt Nam, 224 thầy giảng, 16 đại chủng sinh, 200 tiểu chủng sinh, 175 nữ tu, 88.227 giáo dân, 56 giáo xứ, 514 giáo họ và 300 nhà thờ. Ngày 3-12-1924, tất cả các giáo phận ở Việt Nam đổi tên theo địa bàn hành chính nơi đặt toà giám mục, nên giáo phận Tông toà Nam Đàng Ngoài đổi thành giáo phận Vĩnh, về sau được gọi là giáo phận Vinh do Đức cha André Léonce Eloy Bắc coi sóc. Ngày 24-11-1960, Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam và nâng các giáo phận tông toà lên hàng chính toà, giáo phận Vinh cũng được nâng lên vào ngày này và thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Hiện nay, Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên là giám mục chính cai quản giáo phận (x. Danh sách các giám mục GHCGVN, Chương 15). 1. Ranh giới: Địa giới giáo phận Vinh gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Diện tích: Nghệ An 16.692km2, Hà Tĩnh 6.054km2, Quảng Bình 8.037km2. Tổng cộng: 30.783km2. Ranh giới: phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Nam tỉnh Quảng Trị, phía Đông là biển Đông, phía Tây giáp nước Lào. Tổng số dân: 5.876.000 người, Công giáo 466.497 người. Dân cư đa số làm nghề nông, nghề cá, nghề muối, và nghề thủ công. Núi cần nhớ: Núi Hoành Sơn, núi Hồng Lĩnh. Sông chính: sông Lam, sông La, sông Gianh. Những sắc tộc sống trong vùng: Kinh, H’mông, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Thái, Mường, Chứt. 2. Địa chỉ Toà giám mục: Toà giám mục Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An. Đt: 038 861171 - 861259 Email:tgmxadoai2004@yahoo.com 3. Các giáo hạt và giáo xứ: (xin xem trang Giáo hạt - Giáo xứ riêng) Giáo phận có 19 hạt, 166 giáo xứ, 446.300 giáo dân. Giám mục : Phaolô Maria Cao Đình Thuyên. Tổng đại diện : Lm PX. Võ Thanh Tâm. Thư ký Văn phòng : Lm. Antôn Phạm Đình Phùng. Quản lý giáo phận : Lm. Phaolô Nguyễn Xuân Hoá. Các Uỷ ban Giám mục: - Uỷ ban Bác ái Xã hội: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh. - Uỷ ban Giáo dân: Lm. Giuse Nguyễn Đăng Điền. - Uỷ ban Giáo lý Đức tin: Lm. Martin Nguyễn Xuân Hoàng. - Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh: Lm. Phêrô Lê Duy Lượng. - Uỷ ban Loan báo Tin Mừng: Lm. Martin Nguyễn Xuân Hoàng. - Uỷ ban Phụng tự: Lm. Giuse Nguyễn Đức Châu. - Uỷ ban Thánh nhạc và Nghệ thuật Thánh: Lm. Giuse Nguyễn Đức Châu - Uỷ ban Tu sĩ: - Uỷ ban Văn hoá: Toà án giáo phận: - Gm. Phaolô Cao Đình Thuyên và các thành viên: - Lm. Phêrô Lê Duy Lượng (chánh án). - Lm. Giuse Nguyễn Đức Châu (thẩm phán). - Lm. Gioan Nguyễn Hồng Pháp (thẩm phán). - Lm. Antôn Phạm Đình Phùng (lục sự). - Lm. Phanxicô Võ Thanh Tâm (bảo hệ). Theo thống kê của giáo phận ngày 31-12-2006 Diện tích: 30.594,9 km2 Dân số: 5.790.000 Số giáo dân: 474.143 Linh mục: 171 Nữ tu: 426 Đại chủng sinh: 57 Chủng sinh dự bị: 24 Giáo lý viên: 7.635 Rửa tội: 10.222 Hôn phối: 4.707 1. Nhà thờ Chính Toà: Nhà thờ Chính Toà hiện nay là công trình xây dựng thứ ba sau khi nhà thờ thứ nhất bị đốt thời Minh Mạng. Ngôi nhà thờ thứ hai được xây dựng lại vào thời Đức cha Hoà nhưng đã bị bom Mỹ phá sập năm 1968. Ngôi thánh đường hiện nay được khởi công năm 1977 và được cung hiến ngày 3-3-1979 ngay trước ngày tấn phong Đức cha Phêrô Trần Xuân Hạp (4-3-1979). 2. Đền thánh: - Đền thánh dâng kính Thánh tử đạo Phêrô Hoàng Khanh, ở giáo họ Trung Hậu, giáo xứ Xã Đoài; - Đền thánh dâng kính Thánh tử đạo Phêrô Vũ Đăng Khoa ở Thuận Nghĩa; - Nhà thờ Thánh Antôn hay làm phép lạ, trung tâm hành hương ngày 13-6 hằng năm ở họ Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên; - Nhà thờ Đá và Lèn Bảo Nham. 3. Danh nhân Công giáo: - Nguyễn Trường Tộ: một danh nhân sống ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sau một thời gian có điều kiện tham quan Châu Âu, ông đã dâng lên vua Tự Đức lần lượt 58 bản kiến nghị, đề xuất những cải cách làm cho dân mình theo kịp các nước phương Tây, nhưng triều đình lúc đó quá bảo thủ, không chấp nhận những đề nghị của ông. - Linh mục Nguyễn Hoàng: người huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, (1839-1909), là cậu ruột thân phụ của Đức cha Trần Hữu Đức, làm đến Lễ Bộ Tá Tham Tri ở Huế thời vua Đồng Khánh, từng là thành viên trong phái bộ Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp (x. Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử I, tr. 501). 4. Danh lam thắng cảnh: - Cảng biển: Cảng Cửa Lò - Bãi tắm: Cửa Lò, Thiên Cầm - Đền An Dương Vương, động Phong Nha, Nhà thờ Đá và Đền Đức Mẹ Bảo Nham. |