Giáo Hội và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (1)
09.05.2008
.
GIÁO HỘI
Trong
quá trình hình thành và phát triển đất nước Việt Nam có sự góp phần của nhiều
dân tộc. Đó là một thành tựu tốt đẹp trong sự nghiệp chung của đất nước, trải
qua các giai đoạn của lịch sử. Khi Đạo Chúa được truyền bá vào Việt Nam, nhiều
dân tộc trong cộng đồng dân cư sinh sống trên lãnh thổ cũng dần dần biết đến Tin
Mừng. Tuy các nhà truyền giáo châu Âu đã tiếp xúc với Việt Nam từ thế kỷ XVI,
nhưng Đạo Chúa chưa được truyền bá cho các dân tộc thiểu số ngay vì nhiều nguyên
nhân, chẳng hạn như sự khác biệt ngôn ngữ, điều kiện tiếp xúc khó khăn (các cộng
đồng dân tộc thiểu số (DTTS) chỉ có ít người, cư trú rải rác trong những vùng
rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt…). Không kể sự tiếp xúc với các nhóm Khơ
Me hay Chăm từ thế kỷ XVI, việc truyền bá Đạo Chúa cho dân tộc ít người dường
như chỉ bắt đầu sớm nhất từ khoảng giữa thế kỷ XIX. Từ đó đến nay, vai trò của
các dân tộc ít người ngày càng quan trọng hơn trong Giáo Hội, nhất là khi thiên
niên kỷ thứ ba bắt đầu và việc hội nhập Đạo Chúa vào bối cảnh văn hoá châu Á
ngày càng được Giáo Hội quan tâm.
Quả
thật, các DTTS là một cánh đồng truyền giáo rộng lớn mà cộng đoàn dân Chúa Việt
Nam, trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xu thế toàn cầu hoá, không
thể không quan tâm đến họ. Chúa đến để cứu độ mọi người trong mọi dân tộc, trong
đó có các anh chị em DTTS. Họ là những người đã và đang sinh sống trên lãnh thổ
Việt Nam và cùng chia sẻ chung số phận trên đất nước thân yêu này.
Đây là
lần đầu tiên, các anh chị em tín hữu DTTS có mặt trong cuốn Niên Giám, với số
lượng chưa được thống kê chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ được nhiều
người quan tâm đến để có những bài nghiên cứu sâu xa hơn và các số liệu đầy đủ
hơn.
Trước
khi trình bày một số nét về lịch sử phát triển Công giáo nơi các DTTS, chúng ta
nên có cái nhìn khái quát về các cộng đồng dân tộc này.
Theo
danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam được Nhà nước công nhận, dựa vào kết
quả Tổng điều tra dân số năm 1999, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có 54 dân tộc,
trong đó người Kinh (Việt) chiếm đa số (84,21%) và 53 dân tộc còn lại được xem
là những DTTS hay dân tộc ít người. Mỗi dân tộc này còn được gọi bằng nhiều tên
gọi khác nhau.
BIỂU ĐỒ THỐNG KÊ DÂN SỐ CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM 1999
Chú
thích:
1. Trong
tổng số dân, còn phải kể thêm số người Việt Nam ở nước ngoài: 39.532; và người
không xác định được: 1.333.
2. Dấu x ở
cột (4) có nghĩa là có tín hữu Công giáo trong các dân tộc, nhưng số liệu cụ thể
chưa được thống kê.
3. Dấu ?
có nghĩa là không rõ.
Dựa
vào các tiêu chuẩn về nguồn gốc nhân chủng, đặc điểm sinh hoạt và ngôn ngữ, các
nhà nghiên cứu đã phân loại các dân tộc ở Việt Nam theo ba khối ngữ hệ chính:
Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Mã lai-Đa đảo, Malayo-Polynesian hay
Austronesian) và Hán Tạng (Sino-Tibetan).
Trong quá
trình hình thành các giáo phận, mỗi giáo phận chịu trách nhiệm truyền giảng Lời
Chúa cho một hay nhiều dân tộc thuộc địa bàn hành chính được phân bổ. Ta có thể
hình dung một biểu đồ các dân tộc thiểu số thuộc mỗi giáo phận theo thực tế cư
trú của họ như biểu đồ trên.
KHỐI NGỮ HỆ NAM Á
I. Nhóm Việt-Mường
Đây là
nhóm dân ngữ (dân tộc - ngôn ngữ, ethno-linguistic) quan trọng nhất tại Việt
Nam. Nhóm dân ngữ này có trình độ phát triển kinh tế xã hội cao với số dân chiếm
khoảng 89% dân số cả nước. Nhóm này có 4 dân tộc chính: Việt, Mường, Thổ, Chứt.
Không kể dân tộc Việt (Kinh) chiếm đa số, cư ngụ rải rác trên các vùng lãnh thổ
hiện nay, 3 dân tộc còn lại là thiểu số.
Tên gọi và địa bàn cư trú
1. Mường
(tên gọi khác: Mol, Mul, Mọi, Mọi Bi, Ao Tá, Ậu Ta): cư ngụ ở các tỉnh Hoà Bình,
Sơn La, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh khác, như Đăklăk,
Lâm Đồng; thuộc các giáo phận Hà Nội, Hưng Hoá, Phát Diệm, Thanh Hoá, Vinh.
2. Thổ
(Kẹo, Mọn, Cuối, Họ, Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng, Con Kha, Xá Lá Vàng): cư trú ở
tỉnh Nghệ An (huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Tương Dương, Con Cuông) và Thanh
Hoá; thuộc giáo phận Vinh và Thanh Hoá.
3. Chứt
(Sách, Mày, Rục, Mã Liềng, Arem): cư trú tại các tỉnh Quảng Bình (huyện Minh
Hoá, Tuyên Hoá) và Hà Tĩnh (huyện Hương Khê); thuộc giáo phận Vinh và Thanh Hoá.
Đặc điểm văn hoá
Đời
sống chủ yếu của nhóm Việt-Mường là canh tác lúa nước trên đồng ruộng, lúa khô
và các loại hoa màu trên nương rẫy, với kỹ thuật khá cao, năng suất cây trồng ổn
định. Các sinh hoạt kinh tế khác còn có chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề thủ
công gia đình. Người Mường có nghề dệt thổ cẩm tạo ra một mặt hàng nhiều màu
sắc, với nét hoa văn độc đáo, được nhiều dân tộc chung quanh ưa thích. Sinh hoạt
kinh tế này mang tính cách tự cung tự cấp.
Xã hội
Việt-Mường có sự phân hoá giai cấp rõ nét, nhưng tính chất cộng đồng vẫn được
bảo lưu trong các sinh hoạt.
Nhóm
Việt-Mường theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình. Người Mường cũng thờ
cúng “Thành Hoàng” trong các đình làng. Họ cũng có những tập tục kiêng cữ, lễ
nghi nông nghiệp mang tính chất đa thần, sùng bái vật tổ (totem). Công giáo và
Phật giáo đều có những ảnh hưởng đối với nhóm Việt Mường này.
Kho
tàng văn học dân gian Việt Mường khá phong phú với các thể loại truyện thơ, ca
dao, tục ngữ, dân ca, lễ ca, truyền thuyết. Nhiều nhạc cụ cùng với các vũ điệu
dân gian Mường độc đáo được nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm biên soạn.
II. Nhóm Môn-Khơ Me: Nhóm dân ngữ này gồm có 21 dân
tộc:
Tên gọi và địa bàn cư trú
Lần lượt
từ Bắc xuống Nam ta có:
1. Khơ Mú
(Kmụ, Kưm Mụ, Xá Cẩu, Mứn Xen, Khạ Klẩu, Pu Thềnh, Tềnh, Tày Hạy), cư trú tại
Sơn La, Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh; thuộc giáo phận Hưng Hoá, Hà
Nội, Vinh.
2. Xinh
Mun (Xá Puộc, Pnạ), cư trú tại Sơn La, Lai Châu; thuộc giáo phận Hưng Hoá.
3. Kháng
(Háng, Brển, Xá, Khao, Xá Súa, Xá Dón, Xá Dẩng, Xá Hốc, Xá Ái, Xá Bung, Quảng
Lâm), cư trú tại Lai Châu, Sơn La; thuộc giáo phận Hưng Hoá.
4. Mảng
(Mảng Ư, Xá Mảng, Niểng O, Xá Bá O), cư trú tại Lai Châu; thuộc giáo phận Hưng
Hoá.
5. Ơ Đu
(Tày Hạt), cư trú tại Nghệ An, Hà Tĩnh; thuộc giáo phận Vinh.
6. Bru-Vân
Kiều (Vân Kiều, Ma Coong, Trì Khùa), cư trú tại Quảng Trị; thuộc giáo phận Huế.
7. Tà Ôi
(Tôi Ôi, Pa Cô, Tà Uốt, Pa Hi), cư trú tại Thừa Thiên; thuộc giáo phận Huế.
8. Cơ Tu
(Ca Tu, Ka Tu, Cao, Hạ, Phương, Catang), cư trú tại Thừa Thiên, Quảng Nam; thuộc
các giáo phận Huế, Đà Nẵng.
9. Co
(Cor, Kor, Col, Cùa, Trầu), cư trú tại Quảng Nam, Quảng Ngãi; thuộc các giáo
phận Đà Nẵng, Quy Nhơn.
10. Hrê
(Chăm Rê, Chom, Krẹ, Mọi Luỹ, Mọi Sơn Phòng, Mọi Đá Vách), cư trú tại Quảng Ngãi
và Bình Định; thuộc các giáo phận Đà Nẵng, Quy Nhơn.
11.
Gié-Triêng (Gié-Triêng, Đgieh, Tareh, Giang Rẫy, Pin, Triêng, Treng, Tariêng,
Ve, Veh, Lave, Catang), cư trú tại Quảng Nam và Kontum; thuộc các giáo phận Đà
Nẵng, Kontum.
12. Brâu
(Brao), cư trú tại Kontum; thuộc giáo phận Kontum.
13. Rơ
Măm, cư trú tại Kontum; thuộc giáo phận Kontum.
14. Xơ
Đăng (Xơ Teng, Hđang, Xđang, Mnâm, Ha Lăng, Ca Dong, Kmrâng, Con Lan, Brila,
Tang), cư trú tại Quảng Nam và Kontum; thuộc các giáo phận Đà Nẵng, Kontum.
15. Bana
(Gơlar, Tolo, Rơ Lơng, Y lăng, Rơ Ngao, Krem, Roh, Kon-Kđe, Ala Kông, Kpang
Kông, Bơ-Nâm), cư trú tại Kontum, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà; thuộc các giáo
phận Kontum, Quy Nhơn, Nha Trang.
16. Cơ Ho
(Kơho, Xrê, Nộp, Tulôp, Cơdon, Chil, Lat, Lách, T’ring), cư trú tại Lâm Đồng,
Ninh Thuận, Nha Trang; thuộc giáo phận Đà Lạt, Nha Trang.
17. M’nông
(M’nông Gar, Nông, Préh, Bu Đâng, Đíp Preh, Gar, Bhiêt, Rlâm, Chil), cư trú tại
Đăklăk, Lâm Đồng, Bình Dương; thuộc các giáo phận Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Phú
Cường.
18. Mạ
(Châu Mạ, Chô Mạ, Chê Mạ, Ma Ngăn, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung), cư trú tại Lâm
Đồng, Đồng Nai; thuộc các giáo phận Đà Lạt, Xuân Lộc.
19. Xtiêng
(Xa Chiêng, Xađiêng, Bù Lơ, Bù Đek, Bù Điêk), cư trú tại Bình Phước và Tây Ninh;
thuộc giáo phận Phú Cường.
20. Chơ Ro
(Châu Ro, Chro, Dơ Ro, Châu Ro Thượng), cư trú tại Đồng Nai; thuộc giáo phận
Xuân Lộc.
21. Khơ Me
(Cur, Cul, Cu, Thổ, Việt gốc Miên, Khơ Me, K’rôm), cư trú tại Sóc Trăng, Trà
Vinh, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau; thuộc các giáo
phận Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên.
Đặc điểm văn hoá
Nhóm
Môn-Khơ Me có địa bàn cư trú từ các tỉnh phía Tây Bắc xuống đến các tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long.
Ngoài
người Khơ Me canh tác lúa nước ở Nam Bộ, 20 dân tộc thiểu số còn lại đều sinh
hoạt trên các vùng sườn núi, đồi thấp và cao nguyên. Canh tác lúa và các loại
hoa màu trên nương rẫy là sinh hoạt chính của họ, với công cụ thô sơ, kỹ thuật
canh tác đơn giản, năng suất cây trồng thấp, mùa màng tuỳ thuộc nhiều vào thiên
nhiên. Đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Săn bắt, hái lượm còn giữ vai
trò khá quan trọng, chăn nuôi và nghề thủ công là hoạt động kinh tế phụ.
Bon,
plei là cơ sở thôn làng mang tính cộng đồng. Xã hội truyền thống chưa phân hoá
giai cấp rõ nét. Nhiều phong tục tập quán chưa tiến bộ còn gò bó người Môn-Khơ
Me. Ngoài nhóm Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long tin theo Phật giáo Tiểu Thừa,
các dân tộc khác theo tín ngưỡng đa thần, với nhiều kiêng kỵ và lễ nghi mang
tính vật tổ giáo. Trong những thập niên gần đây, có nhiều ảnh hưởng Kitô giáo
trên các cư dân Môn-Khơ Me.
III. Nhóm Tày-Thái
Đây là
nhóm dân ngữ đông đảo phân bố trên một địa bàn rộng lớn ở phần lãnh thổ Trung
Quốc và nhiều nước ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam từ Bắc xuống Nam, nhóm Tày-Thái
gồm có 8 dân tộc: Nùng, Sán Cháy, Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Tày, Thái.
Tên gọi và địa bàn cư trú
1. Nùng
(Xuống, Giang, Nùng An, Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Lòi, Quý Rịn, Khèn Lài…), cư
trú tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc
Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai; thuộc các giáo phận Lạng Sơn, Hưng Hoá, Hải Phòng,
Bắc Ninh.
2. Sán
Cháy (Sán Chay, Caolan-Sánchỉ, Cao Lan, Mán Cao Lan, Hờn Bạn, Sán Chỉ, Sơn Tử),
cư trú tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc
Giang, Lào Cai; thuộc các giáo phận Lạng Sơn, Hưng Hoá, Hải Phòng, Bắc Ninh.
3. Bố Y
(Chủng Chá, Trọng Gia, Tu Dí, Tu Dìn), cư trú tại Hà Giang, Lào Cai; thuộc các
giáo phận Hưng Hoá, Lạng Sơn.
4. Giấy
(Nhắng, Dẩng, Pầu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xa), cư trú tại Lai Châu, Lào Cai, Hà
Giang; thuộc giáo phận Hưng Hoá.
5. Lào
(Lào Bốc, Lào Nọi), cư trú tại Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá; thuộc các giáo phận
Hưng Hoá, Thanh Hoá.
6. Lự (Lừ,
Nhuồn, Duồn), cư trú tại Lai Châu; thuộc giáo phận Hưng Hoá.
7. Tày
(Thổ, Ngạn, Phén, Thù Lao, Pa Dí), cư trú tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang,
Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Yên Bái, Bắc Giang, Lâm Đồng;
thuộc các giáo phận Hưng Hoá, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đà Lạt.
8. Thái
(Tày, Tày Khao, Thái Trắng, Tày Đăm, Thái Đen, Tày Mười, Tày Thanh, Mán Thanh,
Hàng Tổng, Tày Mường, Pú Thay, Thổ Đà Bắc), cư trú tại Sơn La, Lai Châu, Nghệ
An, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hoá, Lâm Đồng; thuộc các giáo phận Hưng
Hoá, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Lạt.
Đặc điểm văn hoá
Sinh
hoạt chính của nhóm Tày-Thái là canh tác lúa nước tại các thung lũng, trồng các
loại hoa màu trên nương rẫy, với trình độ kỹ thuật cao, năng suất ổn định, đan
xen với chăn nuôi, nghề thủ công. Trong nhóm, dân tộc Tày và Thái có trình độ
phát triển xã hội khá cao, với hai giai cấp rõ rệt, quý tộc và nông dân. Các
“mừng” mang tính cách tổ chức xã hội tương đối hoàn chỉnh.
Họ tin
vào các sức mạnh thiên nhiên chi phối đời sống của họ, tin thần linh trên trời
và ma quỷ dưới trần, tin vào sự phù hộ của tổ tiên cho người đời sau. Trước khi
làm việc gì quan trọng, họ đều cúng tế thần thánh, ma quỷ. Đó là tín ngưỡng vạn
vật hữu linh hay hồn linh giáo (animism).
Văn hoá
Tày-Thái là thứ văn hoá thung lũng riêng biệt khác với văn hoá châu thổ hay đai
sườn đồi của nhóm Môn-Khơ Me.
IV. Nhóm H’mông-Dao
Nhóm
dân ngữ này gồm 3 dân tộc xuất xứ từ Trung Quốc di cư sang Việt Nam qua nhiều
giai đoạn khác nhau: người Dao (thế kỷ XIII-XIV) H’mông (thế kỷ XVII-XIX), Pà
Thẻn (thế kỷ XVII-XVIII).
Tên gọi và địa bàn cư trú
1. H’mông
(Mèo, Mẹo, Miếu Hạ, Na Miẻo, Mèo Hoa, Mèo Xanh, Mèo Đỏ, Mèo Đen, Mán Trắng), cư
trú tại Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái
Nguyên, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An; thuộc các giáo phận Hưng Hoá, Lạng Sơn, Bắc
Ninh, Vinh.
2. Dao
(Mán, Động, Trại, Xà, Dìu Miền, Kiều Miền, Quần Trắng, Dao Đỏ, Quần Chẹt, Lô
Gang, Dao Tiền, Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn, Đại Bản, Tiểu Bản, Cóc Ngáng, Cóc Mùn,
Sơn Đầu), cư trú tại Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Thái
Nguyên, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hoá; thuộc các giáo phận Hưng Hoá,
Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá.
3. Pà Thẻn
(Phà Thẻn, Pà Hưng, Tống), cư trú tại Hà Giang, Tuyên Quang; thuộc các giáo phận
Hưng Hoá, Bắc Ninh.
Đặc điểm văn hoá
Sinh
hoạt chủ yếu của nhóm này là canh tác lúa, ngô và hoa màu trên các thửa ruộng
bậc thang, nương rẫy vùng núi cao, với công cụ còn thô sơ, năng suất chưa ổn
định, nếp sống du canh du cư tàn phá môi sinh rừng, nhất là ở vùng giáp biên
giới Việt - Hoa và Việt - Lào. Sinh hoạt của người H’mông là tiêu biểu cho lối
sống du canh du cư, vì “lửa cháy đến đâu, người H’mông chạy theo đến đó”, và
“người chạy theo nương”.
Người
H’mông nổi tiếng về canh tác cây anh túc chứa chất thuốc phiện. Họ cũng chăn
nuôi gia súc, gia cầm, nhất là ngựa, lợn, gà, kết hợp với thủ công gia đình, dệt
vải lanh (H’mông), làm đồ trang sức bằng đồng và bạc, làm giấy (Dao).
Nhóm
này ưa sống trên vùng cao dưới 1.000m, vừa định canh, vừa du canh, luôn di
chuyển nơi cư trú. Cách ăn mặc và trang sức màu mè sặc sỡ. Tín ngưỡng với những
lễ nghi theo chu kỳ nông nghiệp và mang tính cách mê tín tin theo các thầy mo
(shaman). Xã hội xây dựng trên huyết thống mạnh hơn trên quan hệ láng giềng.
V. Nhóm Kađai (Tiền Thái)
Nhóm
dân ngữ này gồm 4 dân tộc: Cờ Lao, La Chí, Pu Péo và La Ha.
Tên gọi và địa bàn cư trú
1. Cơ Lao
(Tứ Đư, Hoki, Voa Đề), cư trú tại Hà Giang; thuộc giáo phận Bắc Ninh.
2. La Chí
(Cù Tê, Thổ Đen, Mán Xá), cư trú tại Hà Giang, Lào Cai; thuộc giáo phận Bắc
Ninh.
3. Pu Péo
(Ka Beo, Penti Lô Lô), cư trú tại Hà Giang; thuộc giáo phận Bắc Ninh.
4. La Ha
(Xá Cha, Xá Khao, Klá Phlạo, Bủ Hả, Pụa), cư trú tại Sơn La, Lào Cai; thuộc giáo
phận Hưng Hoá.
Đặc điểm văn hoá
Nhóm
này xuất xứ ở Quý Châu (Trung Quốc), di cư sang Việt Nam từ các thế kỷ XI đến
XVIII.
Sinh
hoạt chính là canh tác lúa, ngô và hoa màu trên các thửa ruộng bậc thang, nương
cuốc, nương cày và thể canh hốc đá, kết hợp với trồng cây ăn quả như lê, mận,
đào, với kỹ thuật khá cao và năng suất ổn định.
Họ sống
định cư trong những làng khá đông trên các sườn núi cao. Xã hội xây dựng trên hệ
thống tiểu gia đình phụ quyền. Tín ngưỡng thờ cúng gia tiên là chính yếu kết hợp
với nhiều lễ nghi theo chu kỳ nông nghiệp.
KHỐI NGỮ HỆ NAM-ĐẢO
Nhóm Mã lai-Đa đảo
Ở Việt
Nam, khối này có một nhóm dân ngữ mang tên Nam-Đảo, gồm 5 dân tộc: Chăm, Ra
Glai, Chu Ru, Gia Rai và Ê Đê.
Tên gọi và địa bàn cư trú
1. Chăm
(Chàm, Chiêm, Chăm Pa, Chiêm Thành, Hời, Hroi), cư trú tại Bình Định, Phú Yên,
Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang; thuộc
các giáo phận Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, TP. HCM, Long Xuyên, Xuân Lộc,
Phú Cường.
2. Ra Glai
(Raclây, Rai, Hoang, La Oang, Rangglai), cư trú tại Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh
Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng; thuộc các giáo phận Quy Nhơn, Nha Trang, Phan
Thiết, Đà Lạt.
3. Chu Ru
(Chơru, Kru, Thượng), cư trú tại Ninh Thuận, Lâm Đồng; thuộc các giáo phận Đà
Lạt, Nha Trang.
4. Gia Rai
(Giơ Ray, Chơ Ray, Tơ Buan, Hơban, Hdrung, Chor…), cư trú tại Gia Rai, Kontum,
Đăklăk; thuộc giáo phận Kontum, Ban Mê Thuột.
5. Ê Đê
(Ra Đê, Đê, Kpa, Adham, Krung, Ktul, Đliê Tuê, Blô, Êpan, Mđhur, Bih…), cư trú
tại Phú Yên, Khánh Hoà và Đăklăk; thuộc giáo phận Quy Nhơn, Nha Trang, Ban Mê
Thuột.
Đặc điểm văn hoá
Về
nguồn gốc của các dân tộc thuộc khối ngữ hệ Nam-Á tại Việt Nam và tại nhiều nơi
khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với các giả thuyết
khoa học được đề xuất dựa trên các cứ liệu đa ngành và liên ngành.
Sinh
hoạt chính của nhóm này là canh tác lúa, ngô và hoa màu trên ruộng rẫy. Công cụ
và kỹ thuật thâm canh không đều ở mỗi dân tộc. Chăm và Chu Ru canh tác lúa nước
trên ruộng với kỹ thuật khá cao và năng suất ổn định.
Trong
nhóm này, xã hội người Chăm phát triển cao với quá trình lịch sử hình thành một
vương quốc thời cổ trung đại khá hùng mạnh, với một nền văn minh Champa toả sáng
mang nhiều dấu ấn của Ấn giáo và Hồi giáo. Trình độ phát triển xã hội ở các dân
tộc còn lại thấp hơn, chưa phân hoá thành giai cấp. Plei vẫn là đơn vị xã hội cổ
truyền cao nhất của họ.
Nhóm
này theo tín ngưỡng đa thần, thể hiện trong các lễ nghi và tập quán kiêng kỵ
theo chu kỳ nông nghiệp. Họ có một kho tàng văn hoá dân gian phong phú với các
sử thi, anh hùng ca, vũ điệu và nhạc cụ độc đáo. Công giáo và Tin Lành đang phát
triển nơi các dân tộc này, kể cả người Chăm.
Dù có
chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế xã hội giữa Chăm và các dân tộc Nam
Đảo khác, vẫn còn nhiều nét tương đồng trong văn hoá truyền thống của các cư dân
nhóm này.
KHỐI NGỮ HỆ HÁN-TẠNG
I. Nhóm Tạng- Miến
Nhóm
dân ngữ này có 6 dân tộc: Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La. Trừ Lô Lô,
năm sắc tộc sau đều thuộc giáo phận Hưng Hoá.
Tên gọi và địa bàn cư trú
1. Lô Lô
(Mùn Di, Di, La La, Qua La, Ô Man), cư trú tại Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Giang;
thuộc các giáo phận Lạng Sơn, Bắc Ninh.
2. Phù Lá
(Bồ Khô Pạ, Lao Va Xơ, Mù Di Pa, Xá Phó, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang, Cần Thìn), cư
trú tại Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu.
3. Hà Nhì
(U Ní, Xá U Ní), cư trú tại Lào Cai, Lai Châu.
4. La Hủ
(Khù Xung, Cò Xung, Khá Quy, Cọ Xọ, Nê Thú), cư trú tại Lai Châu.
5. Cống
(Xắm Khống, Mấng Nhé, Xó Xeng, Phuy A), cư trú tại Lai Châu.
6. Si La
(Cù Dề Xừ, Kha Pẻ), cư trú tại Lai Châu.
Đặc điểm văn hoá
Thuỷ tổ
của nhóm này, nhất là Hà Nhì và Lô Lô, bắt nguồn từ dân tộc Di, chủ nhân của văn
hoá kim khí điền vào thời các nhà nước cổ Nam Chiếu và Đại Lý ở thế kỷ X-XIII
trên các vùng Vân Nam và Tứ Xuyên ở Trung Quốc ngày nay. Khi các nhà nước kia
tan rã, một phần cư dân từ đó di cư sang Việt Nam trong các thế kỷ XVI-XVIII.
Sinh
hoạt chính của họ là canh tác lúa, ngô và các hoa màu trên nương rẫy, các triền
ruộng bậc thang trên các sườn núi cao, với công cụ thô sơ và kỹ thuật canh tác
đơn giản. Trong nhóm có sự chênh lệch về kỹ thuật: Hà Nhì, Lô Lô có phần cao hơn
La Hủ, Phù Lá, Cống và Si La. Kinh nghiệm khai thác các triền ruộng bậc thang
của họ thật đáng cho nhiều người khâm phục. Ngay trong xã hội truyền thống, xã
hội Hà Nhì và Lô Lô cũng có nhiều nét phân hoá sớm hơn các dân tộc khác. Nhưng
tất cả đều phảng phất những ảnh hưởng văn hoá Trung Á.
II. Nhóm Hán (Hoa)
Nhóm
dân ngữ này có ba dân tộc: Ngái, Sán Dìu và Hoa.
1. Ngái
(Sán Ngải, Sín, Lê, Xuyến, Hẹ, Đản, Khách Gia), cư trú tại Cao Bằng, Lạng Sơn,
Quảng Ninh, Bắc Giang; thuộc các giáo phận Lạng Sơn, Hải Phòng. Hiện một số
người còn lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu
Long.
Sinh
hoạt chính của họ là canh tác lúa, ngô, hoa màu. Một số cư trú ở các hải đảo hay
ven biển và làm nghề đánh cá. Các loại thuyền như thuyền vây, thuyền kéo, thuyền
rê, thuyền câu trở thành phương tiện và môi trường sinh hoạt cho họ. Họ còn làm
thủ công như đan mành trúc, dệt chiếu cói, làm mộc, nề, rèn, gạch ngói, nung
vôi. Họ là những bộ phận dân tộc góp phần duy trì giao lưu văn hoá giữa Việt Nam
và Trung Quốc.
2. Sán Dìu
(Sán Dẻo, Trại, Trại Đất, Mán Quần Cộc), cư trú tại Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc
Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; thuộc các giáo phận Bắc Ninh, Lạng Sơn,
Hải Phòng.
Họ là
một dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, chịu nhiều ảnh hưởng Hán tộc. Do áp lực cuộc
sống tại Trung Quốc, họ đã di chuyển sang Việt Nam từ hơn 3 thế kỷ qua.
Sinh
hoạt chính của họ là canh tác lúa nước với kỹ thuật thâm canh cao, năng suất ổn
định, kết hợp với khai hoang phục hoá các sườn đồi thành nương rẫy định canh,
trồng các loại ngô, khoai, đậu, mía, bầu bí, rau, cây ăn quả. Họ trao đổi sản
phẩm với các dân tộc khác trong vùng.
3. Hoa
(Khách, Tàu, Hán, Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Hạ Xạ Phang…), cư
trú rải rác trên nhiều địa phương tại Việt Nam, tập trung đông nhất lần lượt tại
TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Nai, An Giang, Bắc Giang, Hà Giang,
Tuyên Quang, Quảng Ninh, Minh Hải, Tiền Giang...; thuộc các giáo phận: TP. Hồ
Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Xuân Lộc, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên…
Người Hoa di cư sang Việt Nam vì nhiều nguyên nhân và vào nhiều thời điểm khác
nhau.
Từ giữa
thế kỷ XVI trở về trước, họ sang Việt Nam tập trung chủ yếu ở vùng Vân Đồn, Phố
Hiến và một số địa phương khác tại phía Bắc để lo làm ăn. Từ nửa sau thế kỷ XVI,
nhiều người Hoa bắt đầu đến buôn bán và lập nghiệp ở Đàng Trong.
Từ nửa
sau thế kỷ XVII, do việc nhà Mãn Thanh lật đổ nhà Minh lên nắm quyền tại Trung
Quốc, nhiều người Hoa, đặc biệt nhóm Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn
Địch đến lập nghiệp tại vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Biên Hoà, Mỹ Tho. Sau đó, khi
người Pháp xâm lược Việt Nam, các đợt di dân người Hoa khác nhau đã diễn ra trên
nhiều địa phương tại Việt Nam, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sinh
hoạt chính yếu của người Hoa ở Nam Bộ là canh tác lúa gạo, làm vườn, làm rẫy,
trồng cây ăn quả. Những người sống ở thành thị làm đủ mọi nghề, nhất là buôn
bán, sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ, công nghiệp chế biến kim loại, thực phẩm,
đan dệt, giày dép, vải sợi...
Tín
ngưỡng truyền thống của người Hoa vẫn là tam giáo đồng nguyên: Nho, Lão, Phật.
Trong những thập niên gần đây, Công giáo và Tin Lành đã có ảnh hưởng trên cộng
đồng người Hoa.
Văn hoá
cổ truyền của người Hoa khá phong phú với các làn điệu dân ca, đặc biệt là hát
sơn ca, gồm nhiều thể loại như hát ví, hát ghẹo,... Họ còn duy trì nhiều hội múa
lân, múa sư tử, múa quyền. Trong các lễ nghi cúng bái, còn có các điệu múa cây
tiền, bướm lượn hoàng cung, vương mẫu rửa mặt, chải đầu, giã gạo, với các nhạc
cụ như sáo, kèn, hồ, nhị, đàn tì bà, đàn tam thập lục, trống, thanh la, não
bạt...
|