Lược sử Giáo Hội Việt Nam - 3. Thời kỳ hình thành (1659-1802)
18.05.2008
.
LƯỢC SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT
NAM
1.
Nhập đề 2.
Thời kỳ khai sinh (1533-1659) 3.
Thời kỳ hình thành (1659-1802) 4.
Thời kỳ thử thách (1892-1885) 5.
Thời kỳ phát triển (1885-1960) 6.
Thời kỳ trưởng thành (1960 đến nay)
Sau khi bị
trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1645, cha Đắc Lộ về châu Âu tường trình
cánh đồng truyền giáo chín vàng ở Việt Nam để kêu gọi có thêm thừa sai và giám
mục sang Việt Nam. Ngày 9-9-1659, Đức Thánh Cha Alexander VII, qua Sắc chỉ Super
Cathedram, quyết định thiết lập ở Việt Nam hai giáo phận và chọn hai vị thừa sai
thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP) làm Đại diện Tông toà. Giáo phận Đàng Trong từ
sông Gianh trở vào Nam, gồm cả phần đất Chiêm Thành, Chân Lạp do Đức cha Pierre
Lambert de la Motte cai quản. Giáo phận Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra Bắc, bao
gồm cả Lào và 5 tỉnh miền Nam Trung Quốc do Đức cha François Pallu coi sóc.
Đức cha
Pallu đã nhiều lần muốn tới Đàng Ngoài để nhận nhiệm sở, nhưng bị cản trở nên
đành nhờ Đức cha Lambert de la Motte giám quản giùm và đặt cha François Deydier
Phan làm cha chính (tổng đại diện) giáo phận. Đến năm 1679, Toà Thánh bổ nhiệm
Đức cha Pallu làm giám mục giáo phận Phúc Kiến (Trung Quốc). Ngày 27-1-1684, Đức
cha lên đường nhận nhiệm sở và 9 tháng sau, ngài qua đời tại đó. Năm 1669, Đức
cha Lambert tới Phố Hiến (Hưng Yên). Đầu năm 1670, ngài truyền chức linh mục cho
7 thầy, chủ toạ công đồng đầu tiên ở Phố Hiến, lập dòng Mến Thánh Giá tại Kiên
Lao (Bùi Chu) và Bái Vàng (tỉnh Hà Tây, giáo phận Hà Nội).
Năm 1679,
giáo phận Đàng Ngoài được chia thành hai: Tây và Đông, lấy sông Hồng và sông Lô
làm ranh giới. Tây Đàng Ngoài do Đức cha Jacques de Bourges Gia, MEP (1679-1714)
coi sóc. Đông Đàng Ngoài được trao cho Đức cha François Deydier Phan (MEP).
Trong suốt hơn một thế kỷ, các giám mục Đại diện Tông toà kế tiếp nhau (7 vị ở
Đàng Trong, 7 vị ở Tây Đàng Ngoài, 9 vị ở Đông Đàng Ngoài). Tất cả đã làm việc
hết sức mình, trải qua nhiều gian khổ, để xây dựng Giáo Hội trong địa phương
được giao phó cho mình. Chúng ta ghi nhận một số khó khăn chính của thời kỳ này.
Khó khăn
trước hết là sự bất hoà giữa các thừa sai dòng Tên và các giám mục Đại diện Tông
toà thuộc Hội Thừa sai Paris cũng như giữa các thừa sai thuộc nhiều quốc tịch
khác nhau. Khó khăn thứ hai là tính cách bất hợp pháp của Công giáo do các sắc
chỉ cấm đạo của vua chúa. Nhiều vị thừa sai nước ngoài cũng như linh mục Việt
Nam đã bị giết hại dưới thời các chúa Trịnh Cương, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm ở
ngoài Bắc, cũng như thời vua Cảnh Thịnh, nhà Tây Sơn ở miền Trung. Hàng chục
ngàn giáo dân đã bị giết chết chỉ vì muốn bảo vệ đức tin của mình. Trước tình
cảnh đó, các vị thừa sai đã đi tìm một giải pháp mới, khiến cho sau này người
Pháp có điều kiện can thiệp và xâm chiếm Việt Nam bằng vũ lực (x. Nguyễn Văn
Kiệm, Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam,
UBKHXH, Viện KHXH và Ban Tôn giáo của Chính phủ, 1988, tr. 29-42).
Sau khi
vua Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh ở Thăng Long ngày 30-1-1789 và mất
năm 1792, con là Quang Toản mới 10 tuổi lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh
Thịnh. Mọi việc triều đình do các quan lại chuyên quyền nắm giữ, tướng tá thì
ganh ghét xâu xé lẫn nhau, trong khi thế lực của chúa Nguyễn Phúc Ánh ngày một
mạnh ở Gia Định. Ông là người biết tổ chức, chỉnh đốn lại xã hội về mọi lĩnh
vực, không xâm phạm đến tín ngưỡng của dân chúng nên ông được người dân Nam bộ
tin tưởng.
Đức cha
Pigneau de Béhaine, quen gọi là Bá Đa Lộc, Đại diện Tông toà Đàng Trong
(1771-1799), đã hết lòng giúp đỡ Nguyễn Phúc Ánh, lúc đó đang bị khốn đốn bởi
cuộc vây hãm của quân Tây Sơn. Ngài đã đưa hoàng tử Nguyễn Phước Cảnh (lúc bấy
giờ mới lên 4 tuổi) sang Pháp và vận động người Pháp giúp đỡ tàu chiến, vũ khí
để Nguyễn Phúc Ánh chống Tây Sơn và chúa Trịnh. Ước nguyện của các vị thừa sai
và của Đức cha Bá Đa Lộc là chỉ muốn cho người Công giáo Việt Nam được an thân
giữ đạo và đạo Chúa được mở rộng, vừa có lợi cho Giáo Hội, vừa tốt đẹp cho dân
tộc Việt Nam. Đức cha đã nuôi dạy hoàng tử Cảnh ở dinh Tân Xá. Năm 13 tuổi,
hoàng tử được phong làm Nguyên Soái Quận Công, theo cha đi chinh chiến, lập
nhiều chiến công. Sau khi ở Pháp về năm 1789, hoàng tử Cảnh không chịu làm lễ
bái trước bàn thờ chư vị tiên đế khiến vua Gia Long rất bực tức. Đây cũng là một
trong những nguyên nhân sâu xa khiến vua Gia Long không chọn hoàng tôn Đán mà
lại chọn người con nuôi là hoàng tử Đảm sau này. Chính Đức cha cũng đã khuyên
hoàng tử Cảnh phải tôn trọng tục lệ thờ kính ông bà và lễ bái trước bàn thờ chư
vị tiên đế (x. Trần Đình Sơn, Vua Gia Long với quyết định chọn người kế vị, tạp
chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 81B, tháng 11-2000, tr.
26-27.34). Ước mơ của các thừa sai về một ông vua theo đạo Công giáo và cho
người Công giáo được hoàn toàn tự do hành đạo như vua Constantinus ở đế quốc
Roma vào năm 313 hoàn toàn tan biến với cái chết của Đức cha Bá Đa Lộc
(9-10-1799) và của hoàng tử Cảnh (1801).
Tuy nhiên,
dù chịu nhiều thử thách và bách hại vì đức tin, số tín hữu ở cả 3 giáo phận vẫn
tăng lên không ngừng. Vào năm 1802, Giáo hội Việt Nam đã thành hình cơ cấâu tổ
chức gồm 3 giáo phận với 121 linh mục Việt Nam, khoảng 320.000 tín
hữu.
- Đàng
Trong: 1 giám mục, 5 thừa sai, 15 linh mục, 60.000 giáo dân.
- Tây Đàng
Ngoài: 1 giám mục, 5 thừa sai, 65 linh mục và 120.000 giáo dân.
- Đông
Đàng Ngoài: 1 giám mục, 4 thừa sai, 41 linh mục và 140.000 giáo dân (x. Eugène
L. Louvet, Les Missions Catholiques au XIXè siècle, tr 207).
1.
Nhập đề 2.
Thời kỳ khai sinh (1533-1659) 4.
Thời kỳ thử thách (1892-1885) 5.
Thời kỳ phát triển (1885-1960) 6.
Thời kỳ trưởng thành (1960 đến nay)
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
|