Lược sử Giáo Hội Việt Nam - 4. Thời kỳ thử thách (1802-1885)
18.05.2008
.
LƯỢC SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT
NAM
1.
Nhập đề 2.
Thời kỳ khai sinh (1533-1659) 3.
Thời kỳ hình thành (1659-1802) 4.
Thời kỳ thử thách (1892-1885) 5.
Thời kỳ phát triển (1885-1960) 6.
Thời kỳ trưởng thành (1960 đến nay)
Năm 1802,
Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, mở đầu triều đại nhà Nguyễn
(1802-1945) đóng đô ở Phú Xuân, tức Huế ngày nay. Vì nhớ công ơn Đức cha Bá Đa
Lộc, nên vua Gia Long đã cho phép tự do truyền bá đạo Công giáo. Nhà vua có
thiện cảm với đạo nhưng không muốn theo vì thấy luật lệ đạo quá nghiêm khắc đối
với tục đa thê và việc thờ cúng tổ tiên. Ông nói: “Đạo Thiên Chúa rất hợp với
đạo lý nhưng quá nghiêm khắc với tục đa thê. Đối với ta, không thể chỉ lấy một
vợ, mặc dù ta thấy là trị cả nước còn dễ dàng và ít mệt mỏi hơn là giữ cho gia
đình ta được yên ấm” (x. Nguyễn Văn Kiệm, Một số vấn đề lịch sử..., sđd, tr.
27). Sau gần 20 năm được yên ổn dưới triều vua Gia Long (1802-1820), người Công
giáo bắt đầu gặp những thử thách lớn lao và cả những cuộc bách hại kể từ triều
vua Minh Mạng cho đến năm 1885.
Một vài lý do tiềm ẩn
Hoàng tử
Cảnh chết vì bệnh đậu mùa năm 1801 lúc mới được 22 tuổi, vua Gia Long phế bỏ
người cháu đích tôn là Đán và chọn người con bà thứ phi là hoàng tử Đảm kế vị,
mặc dù nhiều quan lại triều đình lúc ấy can gián vua nên giữ chính tông, “đích
tôn thừa trọng”, trong số đó, Tả Quân Lê Văn Duyệt là người phản đối mạnh mẽ
nhất. Sau khi vua Gia Long chết, hoàng tử Đảm lên ngôi (15-2-1820) lấy niên hiệu
là Minh Mạng. Vì muốn bảo vệ ngai vàng cho dòng tộc nên vua đã xử tội hoàng tôn
Đán thông dâm với mẹ là bà Vương Cơ Tống Thị Quyên năm 1824. Bà bị dìm xuống
nước cho chết, còn Đán và con cháu bị giáng làm thường dân (x. Trần Đình Sơn,
Sđd, Tạp chí Xưa và Nay, số 81B, tháng 11-2000, tr. 26-27).
Dù Lê Văn
Duyệt đã chết (25-8-1832), vua Minh Mạng vẫn giữ lòng hận thù. Vua bãi bỏ chức
Tổng Trấn, lập toà án xét xử Lê Văn Duyệt tội hà lạm công quỹ. Vua cho đào mả và
san bằng mộ bia khiến cho người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi nổi loạn chống
lại triều đình. Cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi cũng là một lý do thúc đẩy vua
Minh Mạng thù ghét và bách hại người Công giáo và tạo nên những hiểu lầm về
Thánh tử đạo Joseph Marchand Du. (x. Gs. Lê Văn Sáu, Một vấn đề lịch sử, Sđd,
tr. 101). Ngày 8-9-1835, quân triều đình chiếm lại được thành Phiên An. Vua
truyền chém đầu, phân thây 1.994 người, trong đó có cha Phước, cha sở Chợ Quán,
và chôn chung trong một hố sâu gọi là Mả Nguỵ. Sáu người còn lại bị giải về kinh
đô Huế, trong đó có cha Marchand Du, người đã bị Lê Văn Khôi dùng vũ lực ép phải
vào thành Phiên An, vì tin tưởng cha có phép mầu và lôi kéo được các tín hữu
chống lại triều đình, như các thư cha Marchand Du còn để lại đã minh chứng điều
đó. Thật ra, trong số 2.000 người phản loạn, chỉ có 26 người đàn ông và 40 đàn
bà trẻ con là người Công giáo (x. Nguyễn Văn Quý, Địa phận Sài Gòn 1835-1944, tư
liệu, 1993, tr. 5-39).
Một câu
hỏi đặt ra cho những người thời trước và ngay cả thời nay: tại sao người Việt
Nam thời đó lại theo đạo Công giáo bất chấp những thử thách, gian
lao?
Đi tìm con đường sống
Câu trả
lời đơn giản là người Công giáo thời đó muốn đi tìm con đường sống trong cái lẽ
tử sinh của kiếp người. Hơn nữa, với những sắc dụ cấm đạo, nhiều người đã gặp
khó khăn trong việc học hành, thi cử, làm lụng, bán buôn. Có người còn bị đày
ải, giết hại. Họ vẫn muốn sống với tất cả niềm vui của Tin Mừng và muốn chứng
minh sự thật của Tin Mừng.
Nho giáo
dạy người dân phải trung với vua, vì vua là thiên tử thay trời trị dân, có toàn
quyền sinh sát đến độ “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Người Công giáo
lại được dạy chỉ có Chúa Trời là chủ của sự sống và tất cả đều là anh em, con
cái của Cha trên trời, nên đều bình đẳng với nhau về mặt giá trị làm người dù
vẫn có tôn ti trật tự trong xã hội. Hơn nữa, sau cuộc sống lữ hành ở trần thế
này còn có cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới bên kia mà người ta sẽ đạt được nhờ
lòng tin vào Đức Giêsu. Chính trong tinh thần ấy, giá trị con người được nâng
cao đến tột đỉnh.
Niềm tin
vào đời sống vĩnh cửu lại thể hiện rất trong sáng và tích cực trong đời sống
thường ngày và nó trở nên một sức hút kỳ lạ của tôn giáo mới. Người Việt Nam
thời đó chưa hiểu biết nhiều về khoa học, chưa biết giữ vệ sinh nên nhiều trẻ sơ
sinh bị chết, các sản phụ mắc bệnh rất nhiều. Hằng ngày, người ta thường dùng
nước ao tù để tắm rửa, ăn uống, nên dễ bị các bệnh toét mắt, ghẻ lở, giun sán,
đường ruột… Các Kitô hữu, nhờ được các giáo sĩ Tây Phương, các thầy giảng, các
dì phước Mến Thánh Giá dạy khoa học phổ thông nên đã biết lọc nước để dùng và
nấu nước chín để uống, giữ vệ sinh thân thể nên trở thành những người khoẻ mạnh,
xinh đẹp và thông minh hơn. Các nữ tu Mến Thánh Giá thời ấy trở thành những nữ
hộ sinh và là y tá nông thôn.
Trong xã
hội phong kiến xây dựng trên Khổng giáo: nữ giới bị khinh miệt bởi quan niệm
“nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Đạo Công giáo, với chế độ một vợ một
chồng, nam nữ bình đẳng và quan niệm mỗi người đều là con cái Chúa, đã giới
thiệu những nét mới cho xã hội Việt Nam.
Thời đó,
chữ nghĩa “quý giá” và đắt đỏ, cả làng may ra chỉ có một vài người giàu mới dám
cho con đi học. Nhưng mọi Kitô hữu, bất luận nam nữ, đều được khuyến khích học
hành, lúc đầu là chữ Nho, chữ Nôm, sau là chữ Quốc ngữ. Kinh sách đọc hằng ngày,
giáo lý học hằng tuần, càng làm cho người có đạo dễ học hành và truyền bá chữ
nghĩa cho nhau hơn.
Trong dân
chúng, chữ Quốc ngữ được phổ biến rộng rãi càng làm cho những quan lại theo Nho
học sợ hãi đến nỗi thi sĩ Trần Tế Xương (1870-1907) đã phải thốt lên:
“Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười
người đi học chín người thôi”
Vì thế,
ngay sau khi người Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862) thì tờ Gia Định Báo
đã được phát hành ở Nam bộ (1865) bằng chữ Quốc ngữ. Chắc chắn người dân Nam bộ
phải biết thứ chữ này cả trăm năm trước thì mới có thể đọc báo được. Chúng ta
đừng quên chữ Nho cho đến đầu thế kỷ XX vẫn là chữ chính thức của nhà nước quân
chủ ở Việt Nam. Sự đố kỵ của các Nho sĩ và quan lại đối với chữ Quốc ngữ là một
trong những lý do quan trọng dẫn đến những cuộc tàn sát trong phong trào Văn
Thân. Thật ra, chữ Nôm vẫn được tôn trọng trong cộng đồng người Việt Công giáo
với hàng trăm tác phẩm đủ thể loại được biên soạn trong thời kỳ này. Ta có thể
nêu tên một tác phẩm tiêu biểu: Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành của Cố
Chính Philipphê Trung (M. Sérard), viết năm 1799. Sách gồm 24 quyển, mỗi quyển
trung bình 200 trang, toàn bộ là 4.800 trang. Mỗi trang có từ 10-12 dòng, mỗi
dòng từ 30-32 chữ. Tổng cộng khoảng 1.500.000 chữ Nôm, dài gấp 9 lần Truyện Kiều
của thi hào Nguyễn Du.
Chúng ta
cũng nên ghi nhận rằng: đạo Công giáo đã góp phần không nhỏ vào cuộc thăng hoa
các nền văn hoá của người Chăm, người Khơ Me ở phương Nam. Nền văn hoá tinh thần
của Kitô giáo theo đoàn người mở đất Phương Nam đã thay đổi nền văn hoá vật
chất, tính giao với những Linga và Yoni của Chiêm Thành, Thuỷ Chân Lạp.
Về phương
diện kinh tế, người theo đạo cực khổ tư bề vì bị áp bức bởi bọn cường hào ác bá
trong làng, vì sưu cao thuế nặng, vì bị cấm hành nghề. Họ chỉ còn cách từ Bắc
xuôi vào miền Nam, đến những phiên trấn mới mở, sống chung với những kẻ bị kết
án lưu đày, cùng che giấu lai lịch của mình bằng những tên gọi trống không: anh
Hai, chị Ba, cô Tư... để được yên thân giữ đạo. Họ sống đùm bọc lẫn nhau, coi
nhau như anh em họ hàng, nên gọi là họ đạo (giáo xứ), truyền nghề cho nhau để
cùng làm cùng hưởng, làm ra cái gì cũng phải thật tốt, bán ra cái gì cũng phải
thật rẻ, lúc nào cũng nói thật, nói thẳng để khỏi làm “ô danh Chúa và nhục cho
người có đạo”. Cùng lắm, trong cơn bách hại gắt gao, họ rủ nhau trốn vào những
nơi hoang vu, phá rừng làm rẫy như ở La Vang, Trà Kiệu. Không ngờ, chính lối
sống này lại làm cho đất nước phát triển về mặt kinh tế, bờ cõi được mở mang.
Sống và sống dồi dào
Năm 1844,
Đức Thánh Cha Gregorius XVI chia giáo phận Đàng Trong thành 2 giáo phận mới: Tây
Đàng Trong (Sài Gòn) gồm Lục tỉnh Nam Kỳ và Cao Miên do Đức cha Dominique
Lefèbvre Ngãi coi sóc, Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) do Đức cha E.T. Cuénot Thể cai
quản. Năm 1846, giáo phận Tây Đàng Ngoài được chia làm hai: Tây Đàng Ngoài (Hà
Nội) với 50 linh mục, 6 trợ sĩ và 140.000 giáo dân do Đức cha P.A. Retord Liêu
chăn dắt và Nam Đàng Ngoài (Vinh, gồm Nghệ An, Hà Tĩnh) do Đức cha Gauthier Hậu
quản trị với 35 linh mục, 4 trợ sĩ và 60.000 giáo dân. Năm 1848, giáo phận Đông
Đàng Ngoài lại chia thành Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) với 45.000 giáo dân, 30
linh mục và 8 thầy giảng và Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu) với 135.000 giáo dân
trong hai tỉnh Nam Định và Hưng Yên. Năm 1850, Toà Thánh lại chia địa phận Tây
Đàng Trong thành hai: Tây Đàng Trong (phần đất của các tỉnh Biên Hoà, Gia Định,
Định Tường, Vĩnh Long) do Đức cha Lefèbvre cai quản và Nam Vang (phần đất các
tỉnh phía Nam Hậu Giang của Việt Nam và cả nước Cao Miên) do Đức cha J.C. Miche
Mịch coi sóc. Giáo phận Đông Đàng Trong cũng chia thành hai: Bắc Đàng Trong là
Huế (gồm Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) với 12 linh mục, 2 trợ sĩ và
24.000 giáo dân do Đức cha F.M. Pellerin Phan quản trị và Đông Đàng Trong gồm
các tỉnh từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận và các tỉnh Cao Nguyên với 50.000 giáo
dân do Đức cha Cuénot Thể coi sóc.
Như thế,
chỉ trong vòng 6 năm, Toà Thánh đã chia nhỏ các giáo phận do số giáo dân tăng
lên rất nhanh. Giáo hội Việt Nam vào năm 1850 có 8 giáo phận với số giáo dân ở 4
giáo phận miền Bắc là 380.000 người, 147 linh mục và 4 giáo phận trong Nam
khoảng 120.000 người và 80 linh mục.
Vào năm
1883, Toà Thánh tách giáo phận Đông Đàng Ngoài thành hai Đông (Hải Phòng) và
Bắc (gồm các tỉnh ở phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng Lạng
Sơn) và trao cho Đức cha Colomer Lễ cai quản.
THỐNG KÊ NĂM 1889
(theo Adrien
Launay, Atlas des Missions de la Société des MEP, Lille, 1890)
gm: Giám
mục
lm.ts: Linh
mục Thừa Sai
lm.VN: Linh
mục Việt Nam
nt: Nhà thờ
cs: Chủng
sinh
ts.nam: Tu sĩ
nam
tg: Thầy
giảng
ts.nữ: Tu sĩ
nữ
cs.ba: Cơ sở
bác ái
gd: Giáo
dân
Tây Đàng
Trong (Sài Gòn): 1 gm. MEP, 52 lm.ts, 42 lm.VN, 189 nt, 214 cs, 425 ts.nữ, 117
cs.ba, 56.000 gd.
Đông Đàng
Trong (Quy Nhơn): 1 gm MEP, 25 lm.ts, 14 lm.VN, 40 nt, 54 cs, 440 ts.nữ, 12
cs.ba, 17.773 gd.
Bắc Đàng
Trong (Huế): 1 gm MEP, 20 lm.ts, 26 lm.VN, 58 nt, 51 cs, 420ts.nữ, 36 cs.ba,
19.932 gd.
Nam Vang (Cần
Thơ): 1 gm MEP, 26 lm.ts, 3 lm.VN, 58 nt, 96 cs, 24 tg, 42 ts.nữ, 61 cs.ba,
17.500 gd.
Tây Đàng
Ngoài (Hà Nội): 1 gm MEP, 43 lm.ts, 97 lm.VN, 425 nt, 355 cs, 200.000
gd.
Nam Đàng
Ngoài (Vinh): 1 gm MEP, 22 lm.ts, 59 lm.VN, 160 nt, 266 cs, 140 ts.nữ, 58 cs.ba,
72.000 gd.
Đông Đàng
Ngoài (Hải Phòng): 1 gm OP, 10 lm.ts, 32 lm.VN, 321 cs, 82 tg, 64 ts.nữ, 5
cs.ba, 41.120 gd.
Trung Đàng
Ngoài (Bùi Chu): 1 gm OP, 16 lm.ts, 66 lm.VN, 118 cs, 3 cs.ba, 189.110
gd.
Bắc Đàng
Ngoài (Bắc Ninh): 1 gm OP, 5 lm.ts, 17 lm.VN, 37 cs, 50 tg, 8 ts.nữ, 35.000
gd.
Tổng cộng: 9
gm, 219 lm.ts, 356 lm.VN, 930 nt, 1.246 cs, 156 tg, 1.399 ts.nữ, 292 cs.ba,
648.435 gd.
Những số
liệu trên nói lên sức sống của Giáo hội Việt Nam dù phải chịu nhiều thử thách
đau thương. Người ta ước tính có thể có hàng trăm ngàn người bị bách hại trong
gần một thế kỷ (1802-1885), đặc biệt dưới triều vua Minh Mạng và Tự Đức. Phong
trào Văn Thân với khẩu hiệu “bình Tây sát Tả”û vào những năm 1867-1868,
1873-1874 và 1883-1885 càng làm cho cuộc bách hại thêm gay gắt.
Thật vậy,
trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, những cuộc giết hại một số đông người
Công giáo đã gây nên tiếng vang quốc tế khiến cho các nước như Anh, Pháp, Tây
Ban Nha (x. Một số vấn đề lịch sử…, sđd, tr. 19) muốn can thiệp vào Việt Nam,
nhân danh quyền sống và quyền tự do tôn giáo của con người, dù ẩn ý của họ là để
chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Một số sử gia đã ghép việc một vài giám mục thừa
sai người Pháp như: P. de Béhaine (Bá Đa Lộc), Lefèbvre, Pellerin, Retord,
Puginier giúp đỡ thực dân Pháp với việc thực hiện thành công cuộc xâm lược Việt
Nam (x. Một số vấn đề lịch sử, sđd, tr. 17-21).
Chúng ta
nên nhớ chỉ có một vài người trong số hơn 200 giáo sĩ đang truyền giáo tại Việt
Nam thời gian đó (x. Thống kê Giáo hội Việt Nam năm 1889). Con số quá ít để ta
phải phân biệt mà không thể “vơ đũa cả nắm” để kết tội tất cả. Hơn nữa, các giám
mục dù là người Pháp hay không đều hiểu rằng cuộc sống ở Việt Nam hay ở nước
Pháp chỉ là một giai đoạn của đời sống con người, tất cả đều qua đi để chỉ còn
tồn tại Nước Thiên Chúa. Do đó, họ không phục vụ trực tiếp cho nước Pháp hay bất
cứ nước nào. Theo não trạng và cách nhìn của người phương Tây thời đó, hành động
của họ chỉ là muốn cứu giúp những người Việt Nam đang gặp khốn khổ, bị bách hại
dã man, cho những người này có quyền được sống đúng phẩm giá con người và sống
theo niềm tin của mình. Đó là nghĩa vụ lương tâm đối với người bị nạn mà sau này
chúng ta định danh là những người bị xúc phạm nhân quyền theo Hiến chương Liên
Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ngày 10-12-1948.
Ngày nay,
người ta hiểu rằng không thể đổ lỗi cho một vài vị giáo sĩ nước ngoài hay một ít
đồng bào Công giáo Việt Nam là nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất nước,
như một số quan lại và nho sĩ trong phong trào Văn Thân đã kết án. Sự chiến
thắng của người Pháp ở Việt Nam hay của các cường quốc Tây Phương xâu xé Trung
Quốc trong cuộc Chiến tranh Nha phiến (1839-1842) là hậu quả tất yếu của một đất
nước lạc hậu trước nền văn minh khoa học, quân sự hùng mạnh với ý đồ bành trướng
xâm lược của phương Tây. Lịch sử thế giới cũng cho thấy những đất nước nhỏ bé
như Nhật Bản dưới triều Minh Trị Thiên Hoàng (Mutsuhito, 1852-1912) hay Thái Lan
dưới triều vua Chulalongkorn-Râma (1868-1910) cùng thời với Việt Nam, đã thoát
cảnh xâm lăng và đô hộ của phương Tây nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, biết nhìn xa
trông rộng và nhất là sự đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin,
người tín hữu lúc nào cũng nhận ra, qua những thăng trầm ấy, ý định cứu độ của
vị Chúa lịch sử.
Một số nhà
Nho có tâm huyết như Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926) nhận
chân được giá trị của người Công giáo Việt Nam. Các vị đó đã hô hào dân chúng
sống tinh thần của người Công giáo Việt Nam: bỏ đi cái học từ chương cổ hủ của
Nho giáo, cắt bỏ búi tóc, móng tay, nhận thức rõ mọi người đều là anh em chứ
không ai có quyền sinh sát đối với người khác, nam nữ bình đẳng, bỏ chế độ đa
thê trong gia đình, học chữ Quốc ngữ và chịu khó mở mang tâm trí cho nền văn
minh khoa học Tây Phương. Đây là những điểm cơ bản trong phong trào Duy Tân,
Đông Du của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn
Can... Nhưng đó lại là những sự thật mà người Công giáo Việt Nam đã phải chứng
minh bằng cả mạng sống mình (x. Một số vấn đề lịch sử, sđd, tr. 78). Phan Bội
Châu trong cuốn hồi ký Phan Bội Châu Niên Biểu đã kể rõ tên của một số linh mục,
giáo dân và xứ đạo đã giúp đỡ mình. Trong đó ông đã nhắc đến Mai Lão Bạng, quê ở
Thọ Ninh, Hà Tĩnh, tháng 3-1908, đã đem vài chục thanh niên Công giáo sang Hồng
Kông trong chương trình Đông Du (x. Một số vấn đề lịch sử, sđd, tr. 45.
Quả thật,
người Công giáo Việt Nam không phải chỉ đi tìm một sự sống dồi dào cho riêng cá
nhân hay cộng đồng nhưng đã góp phần rất lớn vào sự sống của cả dân
tộc.
1.
Nhập đề 2.
Thời kỳ khai sinh (1533-1659) 3.
Thời kỳ hình thành (1659-1802) 5.
Thời kỳ phát triển (1885-1960) 6.
Thời kỳ trưởng thành (1960 đến nay)
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
|