Lược sử Giáo hội Công giáo (Chương XII)
10.05.2008
.
Chương XII
CUỘC CANH
TÂN CÔNG GIÁO (Thế kỉ XVI-XVII)
Song song với phong trào Tin lành, trong Giáo Hội có một
cuộc canh tân sâu xa về mọi mặt. Trước hết, đó là do sáng kiến của các tu sĩ,
và đôi khi của các Giám mục. Sau đó, các Giáo Hoàng dù nhiều khó khăn, đã triệu
tập Công Đồng chung Trento 1545. Công Đồng kéo
dài đến 18 năm, qua nhiều thời kỳ gián đoạn, và được áp dụng chậm chạp. Thế nhưng,
Công Đồng đã đưa vào Giáo Hội những đường hướng vững chắc, mặc dầu có nhiều
khủng hoảng và xung đột.
I. CANH TÂN CÔNG GIÁO Ở THẾ KỶ XVI
1.
Về phía Dân Chúa
Lòng đạo đức và ưu tư tôn giáo đã khiến các nhà cải cách
tách khỏi Rôma, thì chúng cũng đã khơi nguồn cho nhiều nỗ lực cải tổ trong lòng
Giáo Hội Rôma. Từ dòng Phan sinh phát xuất một ngành mới là Capucins (1562).
Hội gồm các giáo dân và linh mục. Các thành viên của hội này cùng nhau cầu
nguyện, săn sóc người nghèo và bệnh nhân. Có cả các Giám mục cũng tham gia. Sau
đó, một thành viên của hội lập môt hội gồm các linh mục liên kết việc tông đồ
hàng ngày với sự điều hòa đời sống tu trì : hoạt động mục vụ với kỷ luật đời
tu. Đây là khởi điểm của các giáo sĩ dòng, trong đó nổi bật nhất là Dòng Tên,
do Ignatio Loyola (1491-1556) lập, có thêm lời khấn thứ tư là vâng phục Đức
Giáo Hoàng.
2.
Về phía Giáo quyền
Công Đồng Trento
(1545-1563). Dù có nhiều đòi hỏi phải có một Công Đồng chung, trong một thời
gian lâu, các Đức Giáo Hoàng vẫn do dự không triệu tập. Có nhiều lí do khách
quan cũng như chủ quan : chiến tranh liên miên giữa các hoàng đế và vua Pháp.
Phải đợi đến Đức Phaolô III mới có quyết định triệu tập Công Đồng.
Lúc khai mạc chỉ có 34 nghị phụ trong tổng số 500 Giám mục
trên thế giới. Số nghị phụ tăng dần tới tối đa là 237 trong những khóa họp cuối
cùng. Cũng có vài đại biểu của Thệ phản tới dự. Chủ tọa Công Đồng là đặc sứ của
Giáo Hoàng.
Công Đồng xác định nhiều điểm Tín lý : sự công chính hóa, sự
cộng tác giữa Thiên Chúa và con người trong việc cứu độ. Công Đồng cũng quyết định
nhiều điểm về kỷ luật, trong đó có khoản về việc thiết lập chủng viện.
Sau Công Đồng, Đức Piô IV truyền ấn hành chính thức các văn
kiện và thiết lập một ủy vụ thi hành. Đức Piô V (1566-1572) liên tiếp cho ấn
hành sách giáo lý Rôma, sách nguyện Rôma, sách lễ Rôma... Đức Gregorio XIII
(1572-1583) cải cách niên lịch (bỏ 10 ngày, 4-15/10 của năm 1582 cho trùng với
mùa thời tiết) Đức Sixto Quinto (1585-1590) tổ chức giáo triều 15 thánh bộ, đưa
con số Hồng Y lên tới 70 vị. Đức Phaolo V (1605-1621) cho ấn hành sách nghi
thức Rôma.
3.
Canh tân Công Giáo và chống cải cách sau Công Đồng
Trong thời kỳ
này có hai nhân vật góp phần rất lớn vào việc canh tân theo ý hướng Công Đồng : Phêrô Canisio và Carolo Borromeo. Canisio (1521-1597) là
một tu sĩ dòng Tên, người Hòa Lan, đi khắp Âu châu, đặc biệt trong nước Đức để
thực hiện canh tân Công Giáo. Còn Borromeo (1538-1584) là Giám mục Milano. Ngài
sống khắc khổ, triệu tập Công Đồng giáo tỉnh, lập trường học và chủng viện. Các
văn thư của Ngài phổ biến trong khắp Âu châu Công Giáo.
Trong thời kỳ này, linh đạo và dòng tu phát triển. Téréxa
Avila (1515-1582) lập tu viện Cát minh canh tân đầu tiên ở Avila (1562), và đi
khắp Tây Ban Nha để cải tổ tu viện Cát minh nam nữ khác, với sự trợ giúp đắc
lực của Gioan thánh giá (1542-1591).
Ở Ý, Philiphe Neri (1515-1585) qui tụ giáo dân và linh mục để
cầu cầu nguyện, ca hát, diễn giảng Thánh Kinh, học lịch sử Giáo Hội, phục vụ
bệnh nhân... Đó là tu hội Diễn giảng.
Khắp nơi các dòng tu phát triển mạnh mẽ. Dòng Tên đạt tới 10
ngàn tu sĩ năm 1600, và 15 ngàn năm
1650. Dòng Capucin là 20 ngàn đầu thế kỷ XVII. Nói chung, sau Công Đồng Trento,
Giáo Hội Công Giáo được ổn định, được tổ chức qui củ, tập trung quanh vị thủ
lãnh là Giáo Hoàng.
II. SỰ TRIỂN NỞ TÔN GIÁO Ở THẾ KỶ XVII
1.
Tôn giáo và chính trị
Các vua Công Giáo cũng như Thệ phản đều muốn coi mình là chủ
của mọi định chế, kể cả Giáo Hội. Tôn giáo phải phục vụ lợi ích của họ. Họ
không nhượng bộ dù phải chấp nhận những nghịch lý : ví dụ : nước Pháp liên minh
với các ông hoàng Thệ phản và cả Thổ Nhĩ Kỳ, khi chống lại hoàng đế Đức và vua
Tây Ban Nha là những người bảo vệ Công Giáo.
2.
Những Giám mục và linh mục mới
- Thánh Phanxico Sale (1567-1622), Giám mục Genève và
Annécy. Đặc điểm của ngài là lạc quan, giảng thuyết đơn sơ và dựa vào Phúc Âm.
Hai tác phẩm của ngài là : "dẫn vào đời sống đạo đức" (1608) và
"khảo luận về tình yêu Thiên Chúa" (1616) rất có ảnh hưởng về linh đạo
giáo dân, tu sĩ, linh mục.
- Trường phái linh đạo Pháp : Phêrô de Brulle (1575-1629),
du nhập dòng Cát minh canh tân vào nước Pháp, lập hội các linh mục tức hội Diễn
giảng (1611), để tôn kính chức linh mục của Chúa Giêsu và phục hưng bậc sống
của các linh mục. Tất cả lo truyền bá Phúc Âm trong dân chúng và quan tâm tới
việc đào tạo các linh mục. Gioan Eudes (1601-1680), lập hội dòng và phát triển
việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Gioan Giacobe Olier (1608-1657) lập hội linh
mục Xuân bích, nhằm đào tạo hàng giáo sĩ. Vincente Phaolo (1581-1660), lập hội
dòng truyền giáo (Lazaristes), nhắm tới việc rao giảng Tin Mừng cho dân quê.
Ngài cũng lập hội Nữ tử baõc ái (1633), phục vụ người nghèo.
Thời ấy, Giáo Hội chưa đặt ra một điều kiện nào để làm linh
mục. Những chủng viện đích danh chỉ xuất hiện vào giữa thế kỷ và phải cuối thế
kỷ mới được thiết lập trong mỗi giáo phận. Các Giám mục giao trách nhiệm điều
hành chủng viện cho các linh mục thuộc hội Diễn giảng, Xuân bích... Thời gian ở
chủng viện thay đổi từ vài tháng tới một năm (cuối thế kỷ XVII) rồi hai năm
(thế kỷ XVIII).
3.
Sự biến đổi trong đời sống dân Chúa
Cuộc cải cách của Thệ phản cũng như cuộc canh tân của Công Đồng
Trento là khởi điểm của một cuộc Phúc Âm hóa
mọi tín hữu theo chiều sâu.
Trong các giáo xứ, cha xứ cố làm cho giáo dân thực hành đều đặn
một số việc : cho Rửa tội 3 ngày sau khi
sinh, Thêm sức khi Giám mục đến, rước lễ mùa Phục sinh. Việc dự lễ Chúa nhật
cũng nhiệm nhặt hơn. Biểu lộ lòng tôn sùng Thánh Thể bằng việc rước lễ, đặc
biệt là kiệu Thánh Thể trong ngày lễ Thánh Thể. Cha xứ củng cố đức tin cho giáo
dân bằng việc dạy giáo lý. Cũng có nhiều nhà hảo tâm mở trường học miễn phí
trong các giáo xứ.
III. NHỮNG TRANH
CHẤP VÀ KHỦNG HOẢNG NỘI BỘ
Công Đồng Trento
đã không giải quyết mọi vấn đề thần học do cuộc cải cách nêu ra. Những cuộc
tranh cãi còn kéo dài. Truyền thống Kinh Thánh bắt đầu va chạm với những tìm
tòi và khám phá khoa học đầu tiên
1. Cuộc va chạm đầu tiên giữa khoa học và truyền thống
Thánh Kinh
Môt tu sĩ Ba Lan là Kopernik đã khám
phá ra rằng, không phải mặt trời quay xung quanh trái đất, nhưng là trái đất
quay xung quanh mặt trời và quanh mình nó (1543). Nửa thế kỷ sau, lý thuyết này
gây xáo động ở Rôma khi nó được Bruno, rồi Galilei lặp lại. Theo các nhà thần
học Công Giáo cũng như Thệ phản, hệ thông Kopernik đi ngược lại những xác quyết
của Thánh Kinh (Hc 1,4 ; Yos 10,12-13). Thực ra, từ lý thuyết của Kopernik,
Bruno đã rút ra những kết luận xa rời Kitô giáo, và ông đã bỏ những lời khấn
dòng. Vụ án kéo dài 7 năm, và kết thúc bằng việc Bruno bị thiêu sống ở Rôma năm
1600. Đến lượt Galilei cho rằng trong
Thánh Kinh : "ý định của Chúa Thánh Thần không nhằm cho ta bầu trời xoay
chuyển thế nào, nhưng là người ta lên trời thế nào". Ông bị giam lỏng năm
1633. Đây là bước đầu hiểu lầm giữa Giáo Hội và khoa học.
2. Giáo thuyết
Giansenio
Giáo thuyết này bắt nguồn từ cuộc tranh luận thời cải cách :
đâu là vai trò ân sủng và tự do trong việc
cứu rỗi con người ? Truyền thống Augustin nhấn mạnh ân sủng và sự tiền định,
làm phương hại đến tự do của con người. Những luận đề của Baio, nhà thần
học ở Louvain, đi
theo hướng này và bị kết án (1567). Ngược lại, các cha Dòng Tên nhấn mạnh về tự
do (tuy không phủ nhận ân sủng).
Dựa vào Augustino, Giansenio đưa ra một quan niệm thật bi
quan về bản tính của con người bị tội nguyên tội làm cho hư hoại. Rôma kết án 5
luận đề rút ra từ cuốn Augustinus. Cuộc tranh cãi còn tiếp tục giữa phe
Giansenio và phe Dòng Tên. Nhiều người theo phe Giansenio bị cầm tù. Giáo Hoàng
kết án 101 luận đề rút ra từ cuốn sách của Quesnel (1713). Phe Giansenio còn
tiếp tục chống đối trong thế kỷ XVIII.
|