Lược sử Giáo hội Công giáo (Chương VI)
10.05.2008
.
Chương VI
CÁC GIÁO
PHỤ - NHỮNG VĂN SĨ KITÔ GIÁO CỦA NHỮNG THẾ KỈ ĐẦU
I. GIÁO PHỤ LÀ NHỮNG AI ?
1. Những người cha trong đức tin
Từ "Phụ” (Cha) hướng
chúng ta về cội nguồn, về tổ tiên. Chúng ta nói về người cha trong đức tin.
Thời Thượng cổ, người thầy được gọi là cha, tức
người thông truyền sự khôn ngoan. Hạn từ được dùng rộng rãi trong Giáo
Hội. Trong những thế kỉ đầu nhiệm vụ giảng dạy thuộc về Giám mục nên các ngài được
gọi là cha, nhiều người là nhà giáo huấn hay giảng thuyết dù không phải là Giám
mục cũng được mang danh hiệu đó. Hạn từ này chứa đựng sự an toàn, tin cậy. Cha
là người mang truyền thống.
2. Những người gần với nguồn mạch
Những bản văn của các
Giáo Phụ dẫn chúng ta đến nguồn mạch đức tin, mà xét theo thời gian các ngài
gần gũi hơn chúng ta. Giáo Phụ ở vào số những độc giả đầu tiên của Tân Ước. Các
ngài ban Tân Ước cho các tín hữu làm lương thực trong một ngôn ngữ chưa bị hệ
thống hóa. Các ngài đề ra một cách đọc Cựu Ước dưới ánh sáng Kitô học, có Chúa
Thánh Thần linh hứng. Vì vậy, trở về với những bản văn Giáo Phụ giúp ta hiểu hơn
sứ điệp Kitô giáo khi chưa bị con người tô vẽ. Truyền thống thường coi thời
Giáo Phụ bắt đầu với những tác phẩm tiếp sau Tân Ước và chấm dứt ở thế kỉ thứ
VII.
3. Những chứng nhân của cuộc gặp gỡ giữa Phúc
Âm và các văn hóa
Các Giáo Phụ không
chỉ dừng lại ở việc suy niệm Kinh Thánh, hoặc đưa ra những huấn dụ luân lí sử
dụng trong nội bộ cộng đồng. Hoàn cảnh buộc các ngài bảo vệ ki-tô giáo đang bị
tấn công nhân danh lí trí. Các ngài đã loan báo Phúc Âm bằng những phạm trù văn
hóa Hy-La để người nghe hay đọc có thể hiểu được. Các ngài tìm những điểm hội
tụ giữa sự khôn ngoan Hy-lạp và sứ điệp Kitô giáo. Dần dần các Giáo Phụ biến
tất cả văn hóa cổ thành của mình bằng cách Kitô hóa nó.
4. Những người bảo đảm cho sự chính thống và
sự thánh thiện của Giáo Hội
Các Giáo Phụ là những
chứng nhân ưu tuyển của truyền thống Giáo Hội, tức của Phúc Âm được sống trong
những thế kỉ đầu. Vì thế, nếu như truyền thống Giáo Hội đòi các ngài phải có
giáo lí chính thống thì cũng đòi các ngài phải có sự thánh thiện. Giáo Phụ là
người sống điều mình dạy.
II. THỜI HOÀNG KIM CỦA CÁC GIÁO PHỤ
Nhờ Giáo Hội được
bình an và các Công Đồng lớn được triệu tập mà văn chương Kitô giáo có điều
kiện triển nở. Thời kì từ Công Đồng Nicêa (325) tới Công Đồng Chalcédônia (451)
được coi là thời vàng son. Chúng ta ghi nhận một số tên tuổi.
1. Các đại Giáo Phụ Hy lạp
Các văn sĩ Kitô giáo
lớn nhất thế kỉ IV đều thuộc văn hóa Hy lạp.
- Athanasiô (295-373)
trưởng thành cùng thời với lạc giáo Ariô. Năm 328 làm Giám mục Alexandria. Ngài bảo vệ đức
tin của Nicêa, chống lại lạc giáo Ariô. Bị trục xuất khỏi Alexandria năm lần. Tác phẩm của Ngài chủ yếu
bảo vệ trình bày thần học về Ngôi Lời Nhập Thể đồng hàng với Chúa Cha.
- Basiliô (330-379)
sống đời đan tu trước khi làm Giám Mục tại Césaréa. Ba mối bận tâm chính : tổ
chức bác ái ; tổ chức một đời sống đan tu cộng đồng ; quan tâm đến sự chính
thống và hiệp nhất Giáo Hội.
- Grégoriô thành Nazianzé
(330-390) bạn thân của Basiliô. Một thời gian ngắn làm Giám Mục
Constantinopoli. Để lại những diễn từ thần học, những bài tán dương, thi tập và
nhiều thư từ.
- Gioan Kim Khẩu
(345-407) sinh tại Antiokia, đan sĩ rồi làm linh mục. Là nhà giảng thuyết lừng
danh, được phong làm Giám Mục Constantinopoli. Ngài muốn canh tân phong hóa của
hàng giáo sĩ và cận thần trong triều. Bị hoàng hậu thù ghét và Giám Mục
Alexandrie hãm hại. Bị bách hại và lưu đày lần đầu năm 403, lần hai 404. Gioan
tiên vàn là một vị chủ chăn, diễn giải Kinh Thánh trong các bài giảng thuyết
chuẩn bị cho người ta chịu phép Rửa và khuyên bảo các tín hữu trong các bậc
sống khác nhau của họ.
2. Các đại Giáo Phụ La tinh
- Ambrosio (340-397)
tổng trấn Milano. Còn đang là một dự tòng ngài đã được một trẻ em la lên :
“Ambrosio là Giám Mục”. Trong vài ngày người lãnh bí tích Rửa tội rồi chức Giám
Mục. Phân phát của cải cho người nghèo và yêu cầu tín hữu thực thi công bình xã
hội. Ngài chu toàn mọi chức năng của Giám Mục.
- Giéronimo (347-420)
quê ở Đanmatia (Nam Tư). Sống đời sinh viên phóng đãng ở Rôma. Sống thử đời đan
tu ở Đông phương, chịu chức linh mục miễn cưỡng. Đến Rôma lần hai giúp Đức Giáo
Hoàng và các nhóm phụ nữ đạo đức. Rồi đến Belem.
Ngài là một người hay thay đổi, khó tính, lời lẽ thô bạo, có nhiều kẻ thù. Hoạt
động của ngài chủ yếu dành cho Thánh Kinh. Ngài duyệt lại bản văn Kinh Thánh
La-ngữ. Thực hiện một bản dịch mới về Cựu Ước dựa trên bản gốc Hipri và Aram.
Bản Kinh Thánh mới này được gọi là Bản Phổ thông (Vulgata). Đây là bản Kinh
Thánh chính thức trong Giáo Hội.
Giéronimo còn để lại những bản diễn giải Thánh Kinh, những tác phẩm bút chiến
và những lá thư đáng lưu ý.
- Augustino (354-430)
là Giáo Phụ có ảnh hưởng sâu xa nhất trên tư tưởng tôn giáo Tây phương. Sinh ở Numiđia
(Angiêri). Sinh viên rồi giáo sư ở Carthgo, tới Rôma và Milano. Một thời gian
dài cố tìm chân lí qua triết lí và chủ thuyết Mani. Quan hệ với một người nữ và
có một con trai. Cuối cùng gặp được ánh sáng chân lí nhờ ảnh hưởng của Giám Mục
Ambrosio. Augustino chọn đời đan sĩ, nhưng rồi làm linh mục rồi Giám Mục (395).
Giám Mục Augustino phải đốïi diện với mục vụ : giảng dạy, gặp gỡ đồng nghiệp,
tham dự các công đồng địa phương. Có những cuộc xung đột với phái Đônatô một
Giáo Hội đối địch, tranh luận với Pélagio về ân sủng.
Augustino đã để lại
cho chúng ta nhiều tác phảm nhất với những bài giảng thuyết và huấn giáo, những
bài diễn giải uyên thâm, về Thánh Kinh, những khảo luận triết học và thần học
mà một số là nhắm chống lại những sai lầm. Nổi tiếng nhất là cuốn “Tự thú”, một
lời nguyện dài vì được Chúa hoán cải, cuốn “Thành trì của Thiên Chúa”, một suy
tư về lịch sử và khảo luận về Chúa Ba Ngôi. Tất cả các thần học gia sau này cho
tới Luther, Calvin, và Giansénio đều nại tới Augustino.
|