Sự phản bội của Giuđa Ítcariốt
28.03.2018
Mỗi lần nhắc đến Giuđa Ítcariốt, người ta lại nhớ đến một trong những câu chuyện bi thảm nhất của cuộc đời Chúa Giêsu, và có thể nói là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của lịch sử loài người về sự phản bội. Tuy nhiên, câu chuyện lịch sử vốn để lại nhều thắc mắc ấy vẫn luôn rất hiện sinh, rất thời sự với mỗi chúng ta.
Trong Tin
mừng, mỗi lần nêu danh sách Nhóm Mười Hai, các tác giả không những nêu
tên Giuđa Ítcariốt ở vị trí cuối cùng mà còn kèm theo cái đuôi ‘kẻ phản
bội,’ ‘Giuđa kẻ phản bội.’ Và mọi ánh mắt nhìn ông dường như không chút
thiện cảm trong mọi hoàn cảnh. Ta tự hỏi: Tại sao chỉ gán cái danh ‘kẻ
phản bội’ cho Giuđa mà không gán cho 11 vị kia, vì nói cho cùng, ai
trong các ông cũng đã chẳng một lần phản bội? Thiết tưởng, có lẽ, khác
với họ, sự phản bội của Giuđa là trực diện và đưa tới kết quả bi đát
quá! Và cũng còn có thể rằng, tên “Giuđa” đặt ở cuối để rồi sẽ được tiếp nối, thay thế bằng tên tôi, vì không chừng, tôi cũng có thể là một người như thế. Nhắc
đến sự phản bội của Giuđa, điều thắc mắc trước nhất có lẽ là lý do phản
bội Thầy mình. Dựa theo những bằng chứng Phúc âm, một số người khẳng
định nguyên nhân chính là tham tiền, điều vẫn không ngừng tái diễn trong
nhân sinh từ cổ chí kim. Một số khác lại cho rằng Giuđa, người miền Nam
duy nhất trong Nhóm Mười Hai, người xem ra quyết liệt và “kiên định”
nhất trong lý tưởng chính trị, cho mình đã bị Đức Giêsu phản bội và
lường gạt, khi Ngài đã không hoàn thành Nước Thiên Chúa tại thế với
những hứa hẹn (x. Mt 10,27-28) như ông hiểu. Một số khác lại cho việc
phản bội ấy như một “chiêu thức” ‘nhất cử lưỡng tiện’ của Giuđa: Đặt Đức
Giêsu vào một tình thế phải ra tay, trước là để cứu mình và rồi sẽ tiếp
tục bằng một cuộc cách mạng, giải phóng đất nước khỏi ngoại bang và
thiết lập vương quốc như Người đã loan báo. Với quyền năng đã được thể
hiện qua các phép lạ, ông nghĩ Đức Giêsu dư sức làm được; khi đó, chẳng
những “giấc mơ” chính trị được thành toàn mà chính Đức Giêsu cũng sẽ
chẳng hề hấn gì. Và ông, ngay lúc này cũng kiếm được 30 đồng bạc. Tuy
nhiên, đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của con người; mọi
toan tính trần thế, thậm chí là biến Thiên Chúa thành công cụ cho những
toan tính đó… thì kết cục thật bi thảm. Và điều ấy cũng đang len lõi, có
thể cách kín ẩn trong chính cuộc đời và hành trình đức tin, ơn gọi của
chúng ta. Một khi những toan tính thế gian nấp bóng dưới các hình thái
đạo đức, khi giá trị thế gian được ưu tiên trên những giá trị vĩnh cửu;
khi con người “lên kế hoạch” cho Thiên Chúa, muốn và “bắt” Người theo ý
mình; khi con người biến Thiên Chúa thành phương tiện, khi chúng ta biến
những bổn phận được Lòng Thương Xót ủy thác thành công cụ của quyền uy…
chúng ta cũng thất bại như thế. Chúng
ta, những môn đệ theo Chúa ngày nay, có thể cũng không khác các môn đệ
thủa ban đầu của Đức Giêsu lắm đâu, cũng tiềm tàng một Giuđa tính toán ở
đâu đó. Chúng ta có mở lòng ra để Thánh Linh biến cải những động lực
chưa phù hợp ấy không hay cứ khép kín, co cụm trong ý riêng của mình?
Chúng ta nhớ rằng, cũng như Giuđa, đặc ân được Chúa chọn gọi ngay từ
đầu, được sống trong nhà Chúa… chưa là một đảm bảo cho chúng ta không
phản bội. Một khi Đức Kitô chưa thành hình trọn vẹn và vĩnh viễn nơi ta,
với tự do, ta vẫn có thể khước từ Chúa và sa ngã bất cứ khi nào. Thánh
sử Luca viết: “Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành một kẻ phản bội” (Lc
6,16). Như thế, Giuđa không phải là một kẻ phản bội ngay từ đầu và cũng
không phải ở một khoảnh khắc đột nhiên nào đó, mà ông bước dần đến hố
thẳm… Có điều, mỗi lần ông bước thêm một bước là một lần ông được Chúa
nhắc nhở, cảnh báo cách kín đáo nhưng thật rõ ràng (x. Ga 6,
67; 12,5-6). Chúa biết rất rõ Giuđa sẽ phản bội, sẽ bán đứng mình bằng
một cái hôn, nhưng Người cũng biết rất rõ là ông vẫn có nhiều khả năng
để chọn không làm như thế và Ngài hy vọng ông sẽ biến đổi để đời ông đơm
hoa kết trái. Ngài đã chọn Giuđa, hẳn không phải vì ông xứng đáng mà để
ông được biến đổi và nên xứng đáng hơn. Tuy nhiên, Giuđa đã bỏ lỡ nhiều
cơ hội, từ chối nhiều cánh cửa Chúa mở cho ông! Trong bữa tiệc cuối
cùng, khi cúi xuống rửa chân cho Giuđa, Chúa đã muốn thức tỉnh ông lần
nữa; khi trao tấm bánh cho ông, Người mở thêm một cánh cửa để ông trở
về. Người ‘không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói’
(Mt 12, 20), nhưng tìm mọi cách để mong tự do ông đáp trả; nhưng rồi
chẳng thấy. Thật sự, chúng ta đang đứng trước huyền nhiệm lớn lao của
tình yêu cũng như mối tương quan “mầu nhiệm” giữa tự do và ân sủng. Và ở
đây, chúng ta gặp thấy một trong những thảm kịch bi đát nhất của tự do
con người. Đành
rằng, Tin mừng nói đến việc phản bội của Giuđa như thể một “mắt xích”
để ứng nghiệm lời Kinh thánh (x.Ga 17,12), nhưng điều ấy không miễn
chước trách nhiệm của Giuđa, bởi lẽ, Thiên Chúa không tiền định cho ông
phạm tội, ông có tự do để chọn lựa, và chính Ngài đã cảnh giác để ông
không làm như vậy. Giuđa đã khước từ cơ hội Chúa trao và như thế ông đã
tự mở cửa đón Satan nhập vào mình (x. Ga 13,2; Lc 22,3-4). Lẽ ra, khi
cất tiếng: “thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” (Mc 14,19), Giuđa đã có thể từ
bỏ ý định của mình. Nhưng không! Ông vẫn quyết chí thực hiện. Hẳn khi
đặt nó trong bối cảnh bữa tiệc ly, các tác giả Tin mừng cũng muốn nhắc
nhớ chúng ta phải tự vấn lương tâm mình như thế mỗi khi đến với bàn tiệc
Thánh Thể, cũng như phải tự hỏi mình hằng ngày trong suốt cuộc sống đức
tin, một hành trình đầy trắc trở và khó khăn đối với bản tính yếu hèn
của con người. Với
việc dùng nụ hôn vốn là cử chỉ yêu thương để thực hiện hành vi phản
bội, Giuđa như đã đẩy hành động của mình lên đến đỉnh điểm, mặc cho nó
một sự trơ trẽn đến khủng khiếp. Tuy nhiên, xét cho cùng, có thể nó cũng
đang diễn ra trong chính cuộc đời của tôi và của chúng ta. Khi viện cớ
để chối bỏ, lẩn tránh trách nhiệm, khi nhân danh điều tốt để thực hiện
những toan tính, những ý đồ xấu xa của mình… ấy là khi chúng ta trao cho
Chúa, cho tha nhân những “nụ hôn không tình yêu” như Giuđa vậy. Dĩ
nhiên, Chúa vẫn sẽ đón nhận như Người đã nhận của Giuđa, hầu trao thêm
cho ta cơ hội để cứu lấy mình. Chúng ta có đón lấy cơ hội đó hay tiếp
tục chối từ như Giuđa để rồi trả giá cho số phận của mình? Thánh
Phêrô mô tả kết cục của Giuđa thật khủng khiếp: “y đã ngã lộn đầu
xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra (Cv 1,18). Còn Mátthêu thì nói “Giuđa
ném số bạc vào Ðền thờ rồi lui ra và đi thắt cổ” (Mt 27,5). Ta không cố
đi xác minh tính chính xác hành vi của Giuđa, nhưng hẳn đây là một thảm
kịch, và càng bi thảm hơn khi chính ông chủ động thực hiện. Hành động
đó của ông như thể là màn kết cho chuỗi những thất bại, đồng thời là sự
dứt khoát cho liên tiếp những chối từ. Ánh mắt Chúa đã tìm, đã gặp và đã
cảm hóa được Phêrô, ánh mắt ấy chắc cũng đã đi tìm Giuđa, nhưng không
gặp được vì ông thất vọng, lẩn tránh và đi tìm cho mình một “lối thoát”
riêng. Tội lớn nhất của Giuđa có lẽ không phải là phản bội Chúa cho bằng
là lúc này đây, nghi ngờ và đoạn tuyệt lòng thương xót vô biên của
Chúa. Đó là điều quyết định nhất cho số phận của ông. Dĩ
nhiên rằng đây chỉ là một nhận định bên ngoài có phần võ đoán của chúng
ta, vì thật ra, ta không thể khẳng định được số phận đời đời của Giuđa;
điều ấy là một “đặc quyền” bất khả xâm phạm của Thiên Chúa. Chúng ta
không có nhiệm vụ đo lường hành động đó thay thế cho Đấng vô cùng từ bi
và công chính. Biết đâu, tình yêu kiên nhẫn của Chúa đã gặp được một tia
sáng cậy trông kịp lóe lên trong tâm hồn ông trong những khoảnh khắc
cuối cùng ấy! Chính những lời của Chúa Giêsu: “không một ai trong họ
phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng”(Ga 17,12); và “khốn cho kẻ nào nộp Con
Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (Mc 14,21) cũng được hiểu là một
lời than vãn của tình yêu hơn là lời chúc dữ. Chúa đã tìm ra Phêrô sau
khi chối Chúa để tha thứ, và có thể Người đã tìm ra Giuđa tại chỗ nào đó
trên đường lên núi Sọ! Khi cầu nguyện từ trên thập giá: “Lạy Cha, xin
tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34), chắc hẳn
Người đã không loại trừ Giuđa trong lời ấy. Khủng khiếp là bản chất của
tội lỗi, nhưng lòng thương xót vô biên mở rộng vòng tay của mình cho bất
kỳ ai tìm kiếm nó. Bài
học lớn nhất ở đây chính là lòng cậy trông. Sau khi sa ngã, Phêrô đã
hối hận ăn năn và được tha thứ. Giuđa cũng hối hận nhưng sự hối hận của
ông không trở thành sám hối mà là nỗi tuyệt vọng, và như thế là tự hủy
hoại mình. Hành
trình nhân sinh và đời dâng hiến của chúng ta cũng chất đầy nhưng lần
phản bội dưới nhiều hình thức, chúng ta hãy như Phêrô, ném mình vào cánh
tay đang dang ra của Đấng chịu đóng đinh, sấp mình trước Đấng không bao
giờ mệt mỏi để tha thứ (ĐGH. Phanxicô), đứng lên để trở về với Đấng
luôn sẵn sàng chờ đợi để ôm vào lòng với trọn tình yêu. Thiên Chúa giàu
lòng từ bi và thương xót, hằng kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải của chúng
ta. Trong vòng tay yêu thương của Người, cho dù có chậm chạp, té ngã
nhiều đến đâu, nếu biết chỗi dậy, chúng ta không bao giờ trễ. Đó là chân
lý hy vọng của niềm tin Kitô giáo. Câu
chuyện Giuđa là một sự kiện quá khứ, nhưng nó cũng đang rất thời sự
trong chính hiện sinh của mỗi chúng ta. Chúng ta có quyền lên án Giuđa
vì hành vi phản bội xấu xa cũng như sự tuyệt vọng của ông, nhưng xét cho
cùng, ai trong chúng ta cũng ít nhiều là một Giuđa dưới nhiều hình
thái. Rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn như ông có thể chúng ta còn hơn thế
nữa. Chân
thành tự vấn lương tâm, không khó để chúng ta nhận ra mình đã và đang
phản bội, bán Chúa để đối lấy những giá trị thế gian khác hơn 30 đồng
bạc. Thiết tưởng, “lạy Chúa, có phải con không?” là câu hỏi của chính
chúng ta mỗi lần nhìn Giuđa trên bước đường theo Chúa. Điều đó không chỉ
thêm một lần giúp ta phản tỉnh nhưng còn chất vấn thái độ chọn lựa của
chúng ta: chọn khiêm tốn cậy trông để được Chúa biến đổi, chữa lành và
nâng lên; hay chọn kiêu căng, tuyệt vọng, xơ cứng, chối từ tình yêu để
mãi mãi đi vào bóng tối? Đó là tự do của chúng ta, điều mà Thiên Chúa
vẫn hằng tôn trọng. Nhưng, chúng ta nên xác tín rằng, trong mọi hoàn
cảnh, Thiên Chúa vẫn ở đó, dang cánh tay từ bi, thương xót chờ đợi chúng
ta. Trong Ngài, sự sám hối của chúng ta không bao giờ là quá muộn./.
PM. Lê Hùng K.12, ĐCV. Vinh Thanh
|