Lễ giỗ Cha Cố Phêrô Lê Duy Lượng: Mười năm… hạt bụi vẫn còn “say”
21.02.2018
Khi nhắc đến lòng trung thành của các vị mục tử, Thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng lời Chúa cho anh em. Hãy nhìn xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ” (Dt 13,7). Đó cũng là tâm tình của quý Cha, anh chị em linh tông huyết tộc, cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận quy tụ về sở hạt Bột Đà vào chiều Mồng Năm Tết Mậu Tuất để dâng Thánh lễ cầu cho Cha Cố Bề trên Đại Chủng viện Vinh Thanh Phêrô Lê Duy Lượng nhân dịp 10 năm Chúa gọi Cha về.
Nợ Ân Tình...
Giảng trong Thánh lễ, Cha
Giuse Phan Sỹ Phương đã mời cộng đoàn ngược dòng chảy lịch sử, trở về với những
hồng ân mà Cha Cố Phêrô đã lãnh nhận từ bàn tay từ ái của Thiên Chúa và ngang
qua Cha Cố Phêrô, mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài giáo phận được đón nhận
những quà tặng của Ngài:
“Thưa Cha giáo, trong tình yêu của Chúa, Cha giáo đang
nhìn thấy chúng con. Cha chính là hạt lúa miến gieo vào lòng đất, chịu mục nát
để cho chúng con được sống dồi dào. Suốt 80 năm, Cha đã hy sinh để cho cây đức
tin của giáo phận nhà mạnh mẽ lớn lên.”
Cha Giuse nhấn mạnh đến ơn gọi
của Cha Cố Phêrô được đan dệt bởi biết bao người – Ơn gọi có được là nhờ tình
thương của Chúa:
“Để có thiên chức linh mục, anh trai của ngài là ông Phêrô
Lê Thế Cao đã hy sinh “đi tù thay” cho người em của mình, chỉ mong người em
trai đạt được ước nguyện. Thật là kỳ diệu, khi Cha Cố Phêrô được thụ phong linh
mục (1963), cũng là năm anh trai của mình hy sinh tại nhà giam Cổng Trời.”
Cha già JB. Nguyễn Văn Kính
lúc còn sống khi nhắc đến Cha Cố Bề trên cũng chung một tâm tình: “Khi được nói về Cha Cố Phêrô, tôi lấy làm
hãnh diện, một bộ óc thông minh, một nhân cách cao đẹp, môn nào Ngài cũng giỏi.”
Hạt Bụi Nghiêng Mình Nhớ Đất Quê
Hơn ai hết, Cha Cố Phêrô là một
người mang tình sâu nghĩa nặng với quê hương đất nước. Nhớ ngày nào đó, cậu bé
Lượng cất tiếng khóc chào đời, bên hữu ngạn sông La, vùng đất địa linh nhân kiệt,
đã sản sinh cho Giáo Hội, non sông nước Việt biết bao danh nhân văn hóa, tuy giờ
các ngài khuất bóng nhưng danh thơm tiếng tốt vẫn còn lưu truyền cho hậu thế.
Có lẽ ý Chúa nhiệm mầu đã đặt để Cha Cố Phêrô để ngài viết tiếp câu chuyện
thiên tình sử của vùng đất Đức Thọ nói riêng, giáo phận nhà nói chung. Những
áng thơ văn của ngài chất chứa một nỗi niềm yêu quê hương tha thiết:
Quê tôi đó: sông La dòng nước biếc
Sóng hiền hòa nhẹ đẩy mái phiêu lưu
Giọng đò đưa câu hát dặm đêm thâu
Làm sóng sánh cả trời sao rớm lệ.
Bãi cát trắng vươn dài nằm ủy mị
Nghe thuyền về kể lể chuyện xa xăm
Chở phồn vinh từ xứ Nghệ sông Lam
Từ mạn ngược miền xuôi về Thượng, Hạ:
Khoai anh từ Thị xã
Mít tôi từ Hương Sơn
Anh buôn về chợ Trổ
Chị bạn tận Nga Sơn
Thuyền cụ ngược Phó Châu
Đò mẹ ghé chợ Cầu
Hàng tôi từ cửa Sót
Hến Thọ Ninh ngọt
Bún Đức thọ ngon
Miến Hạ Tứ rẻ
Gạo Can Lộc thơm
Đó đây chung một giang sơn
Rẻ đắt trao đổi một lần làm quen
Đôi ta chung bến chung thuyền
Sông La vui cảnh đẹp duyên thì về
Ai về Đức Thọ thì về
Nước trong gạo trắng dễ bề
làm ăn…
(Quê
Tôi Đó, 1955)
Mỗi khi nhắc đến quê hương, Cha cố như rạo rực
trong lòng, “biết mấy đau thương, biết mấy tự hào”:
Quê tôi đó thánh đường cao bóng tháp
Nhạc chuông vàng ấp ủ mộng sầu thương
Ngân ngân vang như lời nguyện vấn vương
Lòng tín hữu dâng lên toà Thượng đế
Chuông báo hiệu giờ cầu kinh lễ tế
Mở lòng đau trút vợi nỗi ưu sầu
Giữa hương hoa và nến nhạc nao nao
Niềm
dương thế đẹp duyên lòng Cao Cả...
(Quê Tôi Đó, 1955).
Trước thời cuộc nhiễu nhương, một giai đoạn đau
thương của dân tộc, người người ly tán, trái tim của Cha Cố như se thắt, tan
nát, thổn thức với dân tộc:
Nơi đây sáng sáng chiều chiều
Mấy năm xa cách đã nhiều nhớ thương
Nhưng một buổi trên đường “cải
tạo”
Nhìn quê hương... ảo não tâm can
Xưa kia dân sống bình an
Xôn xao tấp nập tươi vui xóm làng
Bây giờ bỗng vườn không nhà trống
Con đê buồn tiếp gượng khách xa
Còn đâu giọng hát thiết tha
Nụ cười tình tứ lời ca thanh bình
(Quê Tôi Đó, 1955)
Nhưng vượt lên tất cả vẫn là niềm hy vọng về một cuộc
sống bình yên, khát mong hòa bình công lý được giao duyên:
Bao giờ bóng tháp sum vầy ?
Bao giờ nến cháy ngất ngây rộn bừng ?
Bao giờ bếp rực than Hồng
Giá lòng sưởi ấm, tơ lòng chắp xe ?
Bao giờ thắm lại đồng quê
Trong veo tiếng hát đê mê cung đàn ?
Xứ nhà rộn rịp liên hoan
Gia đình họp mặt an nhàn vui ca
Bắc Nam
thống nhất một nhà ?
(Quê Tôi Đó, 1955)
Hạt Bụi Nguyện Lót Êm Chân Khách Bộ
Hành
Thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương hơn một lần bộc bạch:
Mai
sau cát bụi hoàn nguyên thủy
Nguyện
lót êm chân khách bộ hành
Hai câu thơ trên cũng diễn tả thật đúng về cuộc đời
của Cha Cố Phêrô Lê Duy Lượng.
Sau khi Đại Chủng viện Vinh Thanh được mở cửa trở lại
(1988), cũng là lúc Cha Cố Phêrô cùng với giáo phận xắn tay vào đào tạo, ươm trồng
ơn gọi linh mục. Cái trực giác nhạy bén của Cha Phêrô như muốn nói rằng: Đào tạo
Linh mục khẩn thiết hơn bao giờ hết, vì lẽ có linh mục thì có sự hiệp nhất, có linh
mục thì có bí tích, và đặc biệt, có linh mục thì có thánh lễ, mà có thánh lễ là
có tất cả.
Như chú ong thợ chăm chỉ không biết mệt mỏi, các thế
hệ mục tử dưới sự dìu dắt của ngài đã và đang hoạt động mục vụ trên địa bàn rộng
lớn của hai Giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Tinh thần, gương sáng và cốt cách sống
của ngài như tiếp lửa cho các thế hệ học trò. Những tài liệu được Cha Cố chuyển
ngữ, những bài giảng của ngài vẫn đang mang tính thời sự và sống động với thời
gian. Đặc biệt, tầm nhìn thời cuộc và hội nhập vào thế giới của Cha đáng để các
thế hệ sau ngưỡng mộ. Khi còn là Bề trên Đại Chủng viện, Cha đã chủ động mời
các giáo sư giỏi, tâm huyết trong và ngoài nước về giảng dạy và bồi đắp tri thức
đa diện cho chủng sinh. Tinh thần đó vẫn đang được Đại Chủng viện duy trì và
phát huy. Hạt lúa miến có rơi vào lòng đất, có chết đi mới sinh nhiều hoa trái.
Lời của Chúa đã được cha Cố biến thành hành động và trở thành máu thịt của ngài.
Thưa Cha Cố Phê-rô, chúng con tài hèn sức mọn làm sao
nói hết về Cha được, vì lẽ “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”.Chúng con mắc nợ Cha quá nhiều, đặc biệt cái nợ "ân tình
- ân nghĩa" biết đến khi nào chúng con đền đáp cho cân xứng. Hương thơm
nhân đức và cốt cách sống của Cha đang và sẽ lưu lại cho hậu thế. Mỗi khi nhắc
đến hay được nghe kể về Cha, chúng con cảm phục, tự hào và biết ơn Cha. Chúng
con tạ ơn tình thương của Thiên Chúa đã ban cho chúng con một người Cha mẫu mực,
tha thiết với quê hương, cháy hết mình cho Giáo phận nhà, đau đáu - khắc khoải
cho vận mệnh, tiền đồ non sông dân tộc; một nhân cách cao đẹp, một thế đứng
hùng anh; một đôi mắt rực sáng luôn hướng về trời cao...
Xin Cha nhận lấy nơi tấm lòng nhỏ bé chúng con tấm
lòng thành và xin Cha tiếp tục bầu cử cho chúng con để con cái Cha luôn sống xứng
đáng, sống trọn Đạo Chúa, son sắt Đạo Hiếu, bền chặt Đạo
Đời.
Đức La
|