Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Năng
25.09.2008
Khẩu hiệu Giám mục: "Vâng lời Thầy con thả lưới".
ĐỨC GIÁM MỤC PHÊRÔ NGUYỄN NĂNG
1) Thiếu thời và học vấn
Đức Cha Phêrô Nguyễn Năng sinh năm 1910 tại xứ Kẻ Gai, hạt Xã Đoài, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Giáo phận Vinh. Ngài là con thứ năm trong một gia đình đạo đức cổ truyền và thuần tuý nông nghiệp.
Ngài là cháu cha già Ngãi, em ruột của ông nội Ngài. Thân phụ Ngài tên là Nguyễn Văn Đang, chết năm 1957 tại Kẻ Gai hưởng thọ 89 tuổi. Thân mẫu Ngài tên là Nguyễn Thị Vừa, chết năm 1964 tại Kẻ Gai hưởng thọ 84 tuổi. Ngài hiện có một người chị ruột tên là Nguyễn Thị Hợi đã chết và hai người em trai: Nguyễn Hảo chết tại quê và em trai thứ hai là Nguyễn Xuân Lập, vì bị đấu tố nên phải đổi tên là Nguyễn Thiết Thạch, hiện ở giáo xứ Tân Lập, Hàm Tân.
Lúc còn nhỏ, Ngài được cha mẹ cho đi học chữ Hán và chữ Quốc ngữ và luôn đã tỏ ra là một người nết na, đức hạnh. Thấy có đức độ hiền lành và hiếu học, năm 1921, cha Kiên (Nguyễn Đồng Quê) quản xứ Lưu Mỹ, hạt Bảo Nham nhận làm nghĩa tử. Được hai năm cha Kiên qua đời. Cha già Giuse Dy hồi đó giúp cha Kiên lại nhận Ngài và cho đi học tại Chủng viện Xã Đoài vào năm 1924. Suốt thời gian học tại Chủng viện, Ngài được cha Giám đốc Văn (Père Le Gourierec), các cha giáo sư Trần Hữu Đức, Trần Đình Nhiên, các thầy giáo và anh em đồng hương yêu mến phục vì đức độ nết na và chăm chỉ học hành.
Tháng 5/1931, mãn Tiểu Chủng viện, Đức Cha Eloy Bắc sai Ngài về giúp Sở Quản Lý của Cố Laygue Kính đặc trách nhà Lẫm, tức là coi sóc vấn đề lúa má, tài sản Nhà chung Xã Đoài. Trọn đời thầy giảng, Ngài đã đem hết thành tâm thiện chí hoàn thành mọi trách nhiệm được giao phó một cách tốt đẹp và được người ta mến phục.
Tháng 8/1935 hết hạn thực tập, Ngài được gọi về Đại chủng viện Xã Đoài. Lần lượt lãnh nhận chức vụ từ nhỏ đến lớn và cuối cùng Ngài được thụ phong linh mục do Đức Cha Eloy Bắc tại nhà thờ Chánh Toà Xã Đoài, ngày 23/12/1941.
2) Linh mục quản xứ
Sau một tháng nghỉ ngơi, Ngài được sai phụ trách Giáo xứ Voi (Hưu Lễ) hạt Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Bước đầu ra đi nhận xứ, thấy cảnh con chiên đói khổ, vì là năm đại hạn mất mùa mà đa số con chiên trong giáo xứ chuyên sống về nông nghiệp, cơm không có đủ ăn. Ngài phải dấn thân đi xin xỏ khắp nơi đem về cứu đói đồng bào, không phân biệt lương giáo. Đồng thời Lạc Sơn là họ lẻ thuộc Giáo xứ Voi, số giáo dân đông mà chưa có nhà thờ xứng đáng để nơi thờ phượng. Ngài đã xoay xở trăm đường và kiến tạo được ngôi thánh đường làm thoả mãn lòng ước mong của mọi người con chiên trong họ Lạc Sơn.
Vì phải lăn lộn vất vả phục vụ con chiên, thân Ngài trở nên già yếu, màu da hoá ra xám đen, đến nỗi một lần thân mẫu Ngài đến thăm mà khó nhận ra hình. Vì những lẽ trên khi được lệnh ra đi làm cho mọi người trong vùng Voi bất phân lương giáo bùi ngùi thương tiếc.
Năm 1954, Ngài đổi đi phụ trách Giáo xứ Dũ Yên cũng trong hạt Kỳ Anh. Thấy tình cảnh nhà xứ sụp nát, Ngài bình tĩnh vui tươi không tỏ chút gì buồn chán. Thế rồi hai năm làm việc, kiếm tìm phương tiện, vận động tiền của, nhân công, mỗi khi mỗi ít gom lại để rồi Ngài đã làm ngôi nhà Dũ Yên khang trang mát mẻ.
Năm 1946 đang khi hăng say phục vụ cho Giáo xứ Dụ Yên, Ngài được lệnh đổi về Quản hạt Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đến Kỳ Anh tuy phải đỡ lo lắng về vật chất, nhưng phải lo hoạt động về tôn giáo. Đối với chính quyền địa phương đã gặp nhiều trường hợp gay go, nhưng Ngài vẫn bình tĩnh, sáng suốt và giải quyêt êm đẹp các vấn đề, đến nỗi họ đã không bắt Ngài được lỗi gì. Vì vậy mà làm cho các cha cùng giáo dân trong hạt mến phục Ngài.
Năm 1952, khắp nơi trong Giáo phận, bổn đạo bị đấu tố, vu khống, các cha bị bách hại tù đày. Cha Cát, nguyên Quản lý Giáo phận bị bắt, Đức Cha đem Ngài về thay thế chuyên lo vấn đề Giáo phận trong cơn phong ba. Được quyền giao phó, Ngài đã xoay xở đóng tô nộp thuế cho chính quyền...
Nói tóm lại, biết bao cảnh lo âu đau khổ, Ngài đã cùng Đức Cha già Trần Hữu Đức đáng kính phải chịu trong thời gian suốt 18 năm trường. Và bây giờ đến phiên Ngài một mình cô độc phải gánh vác mọi trách nhiệm nặng nề của Giáo phận: mọi người chỉ biết cầu xin Thiên Chúa mãi mãi ở cùng Ngài trên mọi bước đường và trên mọi hoàn cảnh.
3) Thăng quyền giám mục
Đang lúc còn chịu khó như vậy thì Đức Cha già Trần Hữu Đức qua đời. Sau mấy tháng thì Ngài được Toà Thánh cử lên làm Giám mục kế vị và được tấn phong tại Hà Nội năm 1971. Cũng như Đức Cha Trần Hữu Đức, Ngài phải chăm sóc Giáo phận trong hoàn cảnh tan hoang nghèo khổ. Năm 1976 với sự yêu cầu của cá linh mục và giáo dân cùng một phần hỗ trợ tượng trưng của nhà nước. Ngài đồng ý cho chương trình tái thiết nhà thờ Chính Toà Xã Đoài.
Với sự cộng tác đắc lực của cha Quản lý Cao Đình Thuyên, công trình đã được khởi đầu năm 1977. Công tác lớn lao vất vả nhiều bề, nhưng nhờ ơn Chúa công việc đã hoàn thành và được cung hiến ngày 3 tháng 3 năm 1979 và long trọng khánh thành sau một ngày vào dịp lễ tấn phong tân Giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp.
Tên tuổi của Ngài được gắn liền với thời kỳ khó khăn nhất của Giáo phận Vinh, di cư, sơ tán, hồi cư, bom đạn tan hoang vật chất và tinh thần. Ký ức về đời chủ chăn Giáo phận của Ngài là ấn tượng về một người Cha dịu hiền, yêu thương con cái, khiêm tốn tột bậc đối với mọi người. Khẩu hiệu Giám mục của Ngài nói rõ thái độ phục vụ trong chức vụ chủ chăn Giáo phận: “Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Ngài qua đời ngày 6/7/0978, thọ 68 tuổi, làm Giám mục 7 năm, 3 tháng 7 ngày. Ai cũng nhận ra rằng Ngài mất và mất sớm như thế là vì Ngài quá lo cho Giáo phận trong thời kỳ Quản lý cũng như trong thời làm Giám mục.
|