GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


Xem tiếp...
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 25
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 025
 Lượt tr.cập 055583579
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Chuyên mục » Các tin-bài khác 29.04.2024
Vấn đề xuất khẩu lao động nội địa
01.08.2007

Xem hình
Một buổi sinh hoạt của anh chị em công nhân
Trong bài «Xuất khẩu lao động: Những điểm tích cực và tiêu cực», được đăng tải trên mạng điện toán www.vietcatholic.net vào ngày 29.01.2007, chúng tôi đã trình bày tình trạng cụ thể của vấn đề xuất khẩu các công nhân Việt Nam ra ngoại quốc lao động làm kinh tế. Hôm nay, trong bài «Vấn đề xuất khẩu lao động nội địa», chúng ta thử tìm hiểu hoàn cảnh và tình trạng thực tế của những tầng lớp thanh niên thiếu nữ Việt Nam trong tuổi lao động đã rời bỏ làng mạc để tìm lên các thành phố lớn nói chung và vào các thành phố lớn trong Nam Bộ nói riêng để làm kinh tế, để tìm kiếm công ăn việc làm.

Nếu vấn đề xuất khẩu lao động ra nước ngoài làm kinh tế đã tạo nên nhiều thay đổi xã hội phức tạp - tích cực cũng như tiêu cực - thì vấn đề những thành phần lao động từ các làng mạc đồng quê đi ra các thành phố, từ các tỉnh Bắc Bộ vào trong Nam Bộ, để tìm kiếm công ăn việc làm - mà chúng tôi tạm gọi là «Xuất khẩu lao động nội địa» - cũng có cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Tích cực, vì đi xa lao động đương nhiên sẽ gặt hái được những thuận lợi nào đó về phương diện kinh tế; nhưng về phương diện đời sống luân lý xã hội và đạo đức tín ngưỡng, thì những hậu quả tiêu cực cũng không phải là nhỏ, đến nỗi nhiều khi đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng cho sự đầm ấm và hạnh phúc gia đình cũng như sự ổn định trong thôn xóm hay xứ đạo. Vì thế, chúng ta cần phải can đảm nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích vấn đề một cách khách quan, để thử tìm ra cách giải quyết hợp lý cho vấn đề, chứ không thể tránh né hay tháo chạy được, nếu như chúng ta còn chút tâm huyết đối với hàng chục ngàn thanh niên thiếu nữ lao động liên hệ, đối với gia đình họ và đối với tương lai xã hội cũng như tương lai Giáo Hội.

Trong những dòng sau đây chúng tôi không dám có tham vọng đưa ra được những phân tích đầy đủ và những giải quyết thỏa đáng cho vấn đề, nhưng chỉ cố gắng thử nêu lên một vài gợi ý để chúng ta cùng có được một cái nhìn thực tiễn về vấn đề.

1. Việc bỏ làng mạc đi tìm kiếm việc làm tại các thành thị, một điều không thể tránh

Nếu ngày nay, đất nước chúng ta đang trên đường đổi mới, đã mở cửa gia nhập quốc tế, đang nỗ lực kỹ nghệ hóa đất nước, và chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu là chậm nhất vào năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn toàn là một nước công nghiệp phát triển, thì đương nhiên cuộc sống của các gia đình và của từng người công dân trong nước cũng phải hòa nhập vào nhịp điệu phát triển biến thiên đó, cũng phải được cải tiến dần. Vì thế, đó không phải là một sự xáo trộn khó chịu, nhưng là một thay đổi cần thiết không thể tránh được.

Trước hết, khi đề cập đến cuộc phát triển đất nước, tức là đề cập đến sự phát triển của các thành phần dân chúng. Hay nói cách khác, sự phát triển của các thành phần dân chúng là chính sự phát triển của đất nước, chứ không phải ngược lại. Bởi vì, đất nước không phải là một thực thể hiện hữu độc lập với nhân dân, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào các tầng lớp nhân dân. Vâng, đất nước không gì khác hơn là một sự hội tụ của nhiều người thành một cộng đồng dân tộc trên cùng một vùng lãnh thổ và cùng có chung một hiến pháp. Do đó, nếu trong một đất nước mà các tầng lớp dân chúng đều ngu dốt, chậm tiến và lạc hậu, thì không thể nói là một đất nước tiến bộ và phát triển được.

Nhìn vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam ngày nay, một đất nước đang trong giai đoạn giao thời và trở mình đi lên: Từ nông nghiệp bước sang công nghiệp; từ một nền kinh tế kế hoạch bao cấp bước sang một nền kinh tế thị trường tự do; từ tình trạng khép kín bước sang tình trạng mở cửa hội nhập quốc tế, v.v…, chúng ta thấy rằng sự phát triển kinh tế đất nước đang có những bước tiến tích cực khả quan.

Nhưng một thực tại cụ thể mà người ta không thể phủ nhận được, và hơn nữa đó cũng là tình trạng không thể tránh được của một đất nước trong giai đoạn khởi đầu công cuộc phát triển kinh tế của mình như Việt Nam, đó là sự phát triển không đồng đều giữa thành thị và thôn quê, giữa tỉnh này với tỉnh kia, giữa miền Nam và miền Bắc. Lý do của sự bất đồng đều đó lệ thuộc vào nhiều yếu tố, như điều kiện địa lý thuận tiện sẵn có, các tài nguyên hay các khoáng sản tự nhiên phong phú hoặc nghèo nàn, sự đầu tư của các doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước và có lẽ cả yếu tố thủ tục hành chính của các cơ quan chính quyền địa phương có thuận lợi hay không nữa.

Chính điểm khác biệt về sự phát triển giữa các miền trong nước như thế, đã kéo theo nhiều hậu quả tất yếu về kinh tế, xã hội và nhân văn. Nói cách khác, sự phát triển không đồng đều về kinh tế đó đã tạo ra những vùng phát triển và kém phát triển, giàu và nghèo khác nhau trong cùng một nước, như: thành thị hơn thôn quê; thủ đô hơn các tỉnh lẻ; Nam hơn Bắc. Tiếp đến, còn một hậu quả khó tránh khác nữa, là những làn sóng di dân và đi tìm kiếm công ăn việc làm của các tầng lớp dân chúng: từ thôn quê ra thành thị, từ tỉnh lẻ lên tỉnh lớn, từ vùng nghèo đến vùng trù phú, từ Bắc vào Nam. Đây cũng là một hiện tượng bình thường, có thể xảy ra trong bất cứ một quốc gia nào đang trên đường phát triển kinh tế. Cách đây 50,60 năm về trước, các nước Âu Châu khi bắt đầu kỹ nghệ hóa nền kinh tế của họ cũng đã phải đối mặt với những hiện tượng tương tự và cũng đã phải tìm cách ổn định xã hội. Chẳng hạn ở Đức gần đây, vào năm 1989/90, sau khi thống nhất Đông Tây, hàng triệu người từ Đông Đức nghèo đói hậu tiến đã đổ sang Tây Đức kỹ nghệ giàu có để tìm kiếm việc làm.

Đúng vậy, vì nền kinh tế đất nước phát triển, nên đã làm thay đổi cuộc sống của các tầng lớp dân chúng với những nhu cầu cấp bách mới, như việc trau dồi kiến thức, việc ăn học đầy đủ của con cái, các tiện nghi cần thiết trong đời sống hằng ngày: nhà cửa, máy móc, các phương tiện giao thông, v.v… Nhưng để đáp ứng được những nhu cầu mới mẻ và hầu như bất khả kháng đó, đòi hỏi người dân phải có khả năng tài chánh tương đối ổn định nào đó. Nhưng, nếu người dân chỉ quanh quẩn trong mấy sào ruộng với mức thu hoạch hằng năm được dăm ba tấn lúa, thì tất cả mọi toan tính sẽ hoàn toàn bị cầm chân tại chỗ, quá lắm chỉ đủ nuôi sống gia đình chứ không thể nhìn xa trông rộng đến những lãnh vực quan trọng khác của cuộc sống được.

Đặc biệt đối với tầng lớp trẻ, nam cũng như nữ, không những vì nhu cầu sống của cá nhân và của gia đình trong thời đại đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước thúc bách như chúng ta vừa nói trên, nhưng còn nhu cầu cầu tiến của cá nhân họ đòi hỏi nữa. Vâng, não trạng và quan niệm sống của tầng lớp người trẻ ngày nay đã thay đổi, chứ không còn giống như các tầng lớp tiền nhân cha ông của họ nữa. Họ bỏ làng mạc và rời xa gia đình đi làm ăn nơi những thành thị xa xôi hay vào ở trong Nam Bộ, không hẳn vì do luân lý và đạo đức của họ sút kém hay họ thiếu tinh thần gia đình, thiếu lòng thảo hiếu đối với cha mẹ; nhưng vì họ muốn có một tương lai tươi sáng hơn, sung sướng thoải mái hơn cuộc sống hiện tại của cha mẹ và gia đình họ, và tiếp đến là họ muốn có một đời sống tự lập hơn, muốn học hỏi thêm những kiến thức sống cụ thể và nghề nghiệp cho bản thân, nhất là đối với những thanh niên nam nữ thuộc gia đình nghèo, cha mẹ không đủ điều kiện cho họ học hành và huấn nghiệp đến nơi đến chốn, vì thế họ phải tự bươn chải tìm lối thoát cho tương lai của mình qua sự tìm tòi học hỏi khi ra đi lao động nơi những vùng xa lạ, vì người ta vẫn nói:

«Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.»

hay :

«Đi cho biết đó biết đây,

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!»


Đàng khác, qua hiện tượng «xuất khẩu lao động nội địa» như thế, chẳng những là một hiện tượng xã hội bình thường như đã nói trên, nhưng còn gián tiếp là một đóng góp vào sự quân bình xã hội nữa, vì nó sẽ lấp đầy dần lỗ hổng sự khác biệt giữa những miền phát triển và kém phát triển trong nước, và nhờ đó xóa đi sự chênh lệch giàu nghèo quá cao giữa các miền trên.

Như thế, chúng ta thấy được rằng, tự bản chất, hiện tượng các thanh niên trong tuổi lao động bỏ làng mạc sinh quán để đi làm kinh tế, để đi kiếm công ăn việc làm nơi những miền kỹ nghệ trù phú xa xôi là một điều không thể tránh. Tuy nhiên, vấn đề «xuất khẩu lao động nội địa» cũng có mặt trái, cũng có những điểm tiêu cực đáng quan ngại của nó. Vì thế chúng ta cần phải tìm hiểu.

2. Những hậu quả tiêu cực

Nói chung, mọi hiện tượng hay mọi sinh hoạt trong xã hội đều có cả hai mặt, tích cực và tiêu cực. Vì thế, sự việc những người thanh niên nam nữ đi làm kinh tế xa gia đình làng mạc cũng không tránh được những hậu quả tiêu cực, nhiều khi rất nghiêm trọng, được nẩy sinh từ:

2.1. Điều kiện sống và làm việc

Đại đa số những thanh niên nam nữ lao động này đến từ các làng quê thuộc các gia đình nông dân và thường không có nghề nghiệp chuyên môn, nên họ thuộc thành phần «sai đâu đánh đó», hay: «gặp chi làm nấy». Vì thế, khi vào trong Nam họ làm đủ mọi công việc: làm công nhân trong các hãng xưởng, nhà hàng, tiệm ăn, tiệm buôn bán, làm phu khuân vác nơi các bến ghe tàu, làm việc nội trợ, quét dọn vệ sinh, chăm sóc người già yếu, coi giữ trẻ em, hay tự sáng chế ra nghề mới, như nghề tẩm quất đấm bóp, v.v… Do các nghề nghiệp hay công việc đa dạng như vậy, nên cách thức sống của họ cũng rất phức tạp, vì phải tiếp cận với dủ mọi thành phần xã hội khác nhau, nhất là giới «chủ nhân.»

Vì mục đích đầu tiên của những thanh niên nam nữ lao động trẻ này là làm kinh tế, là kiếm tiền, nên kiếm được càng nhiều tiền càng hay, bất kể phương tiện, và càng tiết kiệm chi tiêu được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Vì chủ trương như vậy, nên việc ăn uống của họ rất thất thường; còn chỗ ở thì họ thường chung nhau thuê một căn phòng cốt có chỗ «ngả lưng» mà thôi, cũng vì thế nhiều khi một căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 9,10 mét vuông mà chứa một cách quá tải trên mười thanh niên hay thiếu nữ.

Nguyên hiện tượng quá nhiều người sống chung với nhau trong một không gian quá chật hẹp như thế, tự bản chất đã là cả một vấn đề hoàn toàn thiếu vệ sinh và rất phức tạp về mọi mặt, nhất là tất cả họ còn thuộc tầng lớp «trẻ người non dạ», chưa có lập trường sống, nên rất dễ bị ảnh hưởng và lây nhiễm lẫn nhau trong những thói quen tiêu cực, như nghiện ngập tứ đổ tường, nghiện xì ke, ma tuý, trộm cắp, v.v…!

Đặc biệt về phái nữ, vấn đề còn trăm bề rắc rối và phức tạp hơn. Vì, đa số các «hãng xưởng» ở trong Nam nói chung và ở Sài gòn nói riêng - như về may mặc, về giày dép, xà phòng, nước uống, v.v…- nơi mà các thành phần lao động vô nghề nghiệp này làm, đều thuộc loại «xí nghiệp gia đình», nghĩa là các cơ sở sản xuất nhỏ và công việc sản suất được tổ chức ngay tại trong gia đình của chủ nhân. Còn những hãng xưởng lớn, được tổ chức qui mộ rộng lớn, do những công ty lớn, trong cũng như ngoài nước, làm chủ, thì đa số các thành phần lao động «tạp nham» này lại không hội đủ điều kiện để được thâu nhận, vì thiếu hiểu biết chuyên môn. Còn khi làm công cho các «xí nghiệp gia đình», thì các nhân công nữ thường được chủ nhân bao «trọn gói», tức ăn, ở, ngủ nghỉ tại chỗ luôn. Nhưng cũng chính ở đây phát sinh những phức tạp luân lý khó tránh.

Nhưng có lẽ phức tạp nhất là trường hợp các thiếu nữ được thuê làm việc nhà, như nấu nướng, coi trẻ, vì họ là người làm duy nhất trong nhà. Ở Sài gòn, nhiều gia đình trẻ cả hai vợ chồng đều đi làm hay có văn phòng riêng, hoặc những người đàn ông trẻ góa vợ hay ly dị vợ, và vì thế họ cần những thiếu nữ trẻ trông coi nhà cửa bếp núc, coi sóc con cái. Trong những trường hợp này, nếu chủ nhà là những người thiếu đàng hoàng, thuộc loại có máu «Sở Khanh» - và thường đa số là như thế - thì những thách đố và những cám dỗ đối với các nữ công nhân trẻ trong cuộc sống chung đụng sẽ rất lớn và khó lòng chống trả, nếu như đương sự không có một bản lĩnh chắc chắn và nhất là thiếu đức tin mạnh mẽ cũng như lòng đạo đức sâu xa.

Còn phía nam giới, các cám dỗ và thách đố được đặt ra cũng không phải là nhỏ. Chúng ta biết rằng, không phải hễ cứ vào Nam là kiếm được việc làm hay kiếm được việc làm vừa ý. Vì thế, có một số thanh niên không tìm được việc làm, nên ban ngày thì ngủ dài hay đi lang thang đây đó, còn ban đêm thì rảo khắp các đường phố Sài gòn rao tìm khách hàng tẩm quất, đấm bóp, hay nói cho có vẻ Tây một chút, là làm «mát-xa». Nhưng cũng chính do thời điểm làm mát-xa cho khách hàng đủ loại như thế, đã xảy ra không biết bao nhiêu vấn đề phức tạp và tiêu cực.

Và dĩ nhiên, lúc đầu, hầu như tất cả các thanh niên nam nữ lao động trong cuộc, không muốn chọn lựa cho mình những tình huống phức tạp và rắc rối như thế, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn và cuộc sống thực tế đưa đẩy, nên đành bất đắc dĩ cắn răng chấp nhận, đành phải «nhắm mắt đưa chân» để kiếm được tiền. Thế nhưng, lần hồi rồi quen đi, lương tâm cũng đâm ra chai đá, không còn cắt rứt nữa, và coi cảnh sống ngang trái, không bình thường đó như một điều bình thường. Nói cách khác, những lối sống tiêu cực và những thói quen lệch lạc đó đã ngấm sâu vào trong con người những bạn trẻ của chúng ta, trở thành như một tập quán quen thuộc của họ. Khủng khiếp hơn nữa là có người còn hành nghề «đứng đường» nữa. Quả là cái vòng luẩn quẩn đầy oan nghiệt của kiếp sống trần ai không bao giờ ngừng quay.

2.2. Quan niệm và cách sống dị biệt giữa Nam-Bắc

Chúng ta biết rằng, vì hoàn cảnh địa lý xa cách ngăn trở, vì khí hậu thiên nhiên khác biệt, vì lý do nhân văn và vì lý do xã hội giữa hai miền Nam Bắc, nhất là sau bao thập niên dài phân tranh giữa hai vùng lãnh thổ của đất nước, đã tạo nên hai quan niệm, hai tính tình, hai lối sống giữa hai miền Nam Bắc khác nhau một cách rõ rệt. Thêm vào đó yếu tố tổ chức cơ cấu xã hội giữa hai miền Nam Bắc từ bao thế kỷ qua còn phân biệt rõ ràng não trạng của những đồng bào sống trên hai miền đó.

Đúng vậy, ở Bắc Bộ đất đai vốn hẹp nhưng dân cư lại đông, vì thế cơ cấu làng xã từ hàng thế kỷ qua đã được tổ chức một cách rất qui mô chặt chẽ. Tất cả dân làng đều được qui tụ sau lũy tre xanh với quyền lợi và nghĩa vụ thật nghiêm minh và khắt khe, đến nỗi «phép vua thua lệ làng.» Chính môi trường sống gắn bó liên kết chặt chẽ với nhau như thế, đã tạo cho người dân ở Bắc Bộ những tính tình, lối sống và cách hành xử mang nhiều tính cách lễ nghi, câu nệ, gò bó và phụ thuộc nhau hơn.

Trong khi đó, Nam Bộ vốn là một miền đất rộng người thưa, được Tạo Hóa ban tặng cho những ưu đãi thiên nhiên dồi dào. Hơn nữa, tự bản chất, dân chúng Nam Bộ là một tập thể hỗn hợp gồm người từ Bắc Bộ di cư vào trong những thế kỷ và những thập niên trước kia, tiếp đến còn có người Trung Hoa cũng đến lập cư, người Chiêm Thành (người Chăm), người Cao miên, v.v…, vì thế miền Nam Việt Nam có thể gọi được là «Tân thế giới» của Việt Nam, nơi đón nhận mọi làn sóng di cư, tản cư hay tị nạn của các sắc dân từ các miền trong nước kéo tới. Trong một môi trường «hợp chủng quốc» như thế, đương nhiên hệ thống tổ chức làng xóm chỉ có tính cách hành chính trên giấy tờ, chứ trong thực tế người dân sống rải rác rời rạc, không quây quần gắn bó với nhau như ở Bắc Bộ. Vì thế các quan hệ của họ với nhau cũng chỉ là quan hệ «lân bang», chứ không có tính cách tình làng nghĩa xóm keo sơn chặt chẽ như nơi người miền Bắc. Hơn thế nữa, người Nam vốn là «thuộc địa» trực tiếp của người Pháp trên dưới một thế kỷ, có nhiều quan hệ giao tiếp với người Âu Châu. Do đó quan niệm và kiểu sống của họ cũng bị ảnh hưởng Tây phương ít nhiều: tự nhiên, phóng khoáng, thoải mái, cởi mở và tự do hơn.

Tiếp đến, như đã nói trên, đa số những thanh niên thiếu nữ từ các tỉnh Bắc Bộ vào Nam Bộ nói chung và vào Sài gòn nói riêng để sinh sống và lao động, thuộc các gia đình nông dân ở thôn dã: hiền lành, chất phác, suy tư đơn thuần và còn ít kinh nghiệm đời, nên rất khó lòng hiểu và thích ứng cách đúng đắn, hợp lý với tính tình và lối sống của người trong Nam. Trong khi đó, muốn có việc làm hay muốn tiếp tục công việc, họ chỉ có được hai lựa chọn: hoặc chịu thất thủ và nhượng bộ chấp nhận, hoặc chối từ và tháo lui. Nhưng dĩ nhiên hầu như tất cả họ đều chấp nhận chọn giải pháp thứ nhất, bởi vì áp lực của yếu tố kinh tế, yếu tố tiền bạc quá mạnh, không cho phép họ chọn con đường nào khác. Thực ra ngoài hai sự lựa chọn trên, người ta còn có thể có một sự lựa chọn thứ ba, nhưng sự lựa chọn thứ ba này lại đòi hỏi họ phải có một tư cách và một bản lĩnh rõ ràng chắc chắn, biết sống khôn ngoan, và biết cư xử hợp lý, những điều mà đa số trong họ chưa có được.

Nhưng nếu một khi vì lý do kinh tế mà họ phải chịu thất thủ, chịu nhượng bộ chấp nhận tối đa những đòi hỏi của hoàn cảnh oan nghiệt trái ngang, thì không chóng thì chầy, họ sẽ rơi vào tình huống «đã đâm lao nên đành phải theo lao». Và từ đây cuộc đời đạo đức và luân lý của họ được đánh dấu bằng một cột mốc mới với mũi tên đi xuống; từ đây đồng tiền sẽ chi phối và điều khiển mọi hành động của họ; vì tiền, họ sẽ không từ nan làm bất cứ công việc gì. Nhất là những người nữ công nhân đã lập gia đình lại càng khó cầm cự được trước những cám dỗ của hoàn cảnh, vì theo tâm lý, họ cứ nghĩ mình «đâu còn gì nữa» để mà giữ. Nhưng cũng chính từ đó cái vòng luẩn quẩn oan nghiệt của đời họ lại bắt đầu quay đều.

Và dĩ nhiên, khi trở lại với gia đình và làng xóm nơi quê cũ ở Bắc, dù để thăm viếng hay để định cư - họ cũng mang theo trọn bộ những cách sống phóng khoáng «thả giàn» đó, với những hậu quả tiêu cực của chúng. Do đó, những bất bình đố kỵ trong gia đình, những lo lắng đau buồn nơi cha mẹ, và sự xích mích cãi cọ giữa anh chị em, v.v…sẽ khó tránh được, và như thế cảnh sống hài hòa ấm cúng xưa nay trong thôn xóm và xứ đạo cũng bị họa lây.

Vâng, những lối sống phóng đãng ngoại lai, thiếu luân lý đó được du nhập vào trong gia đình và vào trong các Giáo xứ qua chính những con em của mình như thế, có thể sẽ là một mối đe dọa làm băng hoại và tê liệt đời sống luân lý, đời sống đạo của cả Giáo xứ, nếu người ta không tìm cách kịp thời ngăn chặn và sửa sai. Vậy, các bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo tinh thần phải làm gì để có thể tránh đi những hậu quả tiêu cực kia?

Sau đây chúng tôi xin thử đưa ra một vài suy tư đề nghị.

3. Một đề nghị Mục Vụ cho vấn đề

Thực ra, đây là một vấn đề xã hội, nên xã hội cũng phải quan tâm tìm cách giải quyết, nhưng trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, thì chỉ ai có thân người đó phải tự lo lấy. Vì thế, xét về phương diện xã hội, chỉ Giáo Hội là đơn vị duy nhất còn lại, luôn biết băn khoăn lo lắng cho vấn đề, làm thế nào để có thể giúp đỡ cho các tầng lớp thanh niên thiếu nữ trong cuộc một cách hữu hiệu và thiết thực.

Một điều quan trọng đầu tiên mà chúng ta không được phép bỏ qua khi trực diện vấn đề gai góc này, là chúng ta đừng quá bức xúc nhìn vấn đề như một gánh nặng phụ trội thêm cho công việc Mục Vụ hằng ngày hầu như đã quá tải của chúng ta với ý nghĩ : «Ách giữa đàng quàng vào cổ», nhưng hãy coi nó như một điểm nóng trong «chương trình nghị sự» của trách nhiệm Mục Vụ của mình. Như thế, chúng ta mới có thể bình tĩnh tìm hiểu và khách quan nhận thức đúng đắn được những phải trái của vấn đề, nhất là chúng ta mới có thể giúp đỡ được tầng lớp lao động trẻ liên hệ và gia đình họ với tất cả sự thông cảm và tình yêu thương được.

Chẳng những thế, «con người với những hoàn cảnh cụ thể của nó vốn là đường đi của Giáo Hội» (Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp ‘Redemptor Hominis – Chúa Cứu Thế’). Do đó, vấn đề chăm sóc lo lắng cho tầng lớp lao động trẻ này là một bổn phận Mục Vụ quan trọng bất khả kháng của Giáo Hội, như đã được ghi rõ trong Văn kiện của Tòa Thánh «Về những đường hướng mục vụ đường phố», do ĐHY Renato Martino, Chủ tịch «Hội đồng Toà Thánh về Mục Vụ di dân và lưu động» giới thiệu ngày 19.06.2007 tại Roma và vào ngày 11.07.2007 tại Brussels/Bỉ, Đức TGM Agostino Marchetto, Tổng thư ký của cùng Hội đồng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải chăm sóc cho người di dân và tôn trọng nhân phẩm của họ.

Nhưng một câu hỏi vẫn chưa được trả lời, là làm thế nào để chúng ta có thể tìm ra được lối thoát thỏa đáng cho vấn đề?

Khách quan mà nói, để tìm ra được giải đáp cho một vấn đề thời sự nóng bỏng và gai góc như thế, không phải là một điều đơn giản mà một cá nhân lẻ loi nào đó có thể làm được, nhưng nó đòi hỏi ý kiến và sự cộng tác đầy nhiệt tâm của nhiều người, của cả tập thể.

3.1. Giải pháp ngắn hạn

Vâng, việc giải quyết những điểm tiêu cực chung quanh vấn đề «xuất khẩu lao động nội địa» phải là nỗi lo chung, phải là trách nhiệm của tập thể, của nhiều người, nhất là của những người có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề: Từ cấp Giáo xứ, Giáo hạt và Giáo phận, nơi có những thanh niên nam nữ đi lao động như thế.

Trước hết là trách nhiệm của vị Linh mục Quản xứ và của cộng đồng Giáo xứ của những con em lao động đó, là phải lo quan tâm liên lạc săn sóc đến con em của mình. Nhưng ở đây, người ta cũng phải thành thật nhìn nhận rằng, một mình vị Linh mục Quản xứ và cộng đồng Giáo xứ của ngài mà thôi, sẽ khó lòng tìm ra được một giải quyết đầy đủ, hữu hiệu và dài hạn được, nhưng cần phải có sự cộng tác của các cộng đồng Giáo xứ khác và của toàn Giáo phận nữa.

Để thực được điều đó một cách cụ thể, người ta có thể lập ra một Ủy ban hỗn hợp, gồm các Linh mục và giáo dân có khả năng và hiểu biết về tâm lý, xã hội, nhân văn và kinh tế, đặc trách về vấn đề.

Nhưng dĩ nhiên, công tác Mục Vụ lo cho tầng lớp thanh niên thiếu nữ lao động này không chỉ là bổn phận của những Giáo xứ, Giáo hạt hay Giáo phận sinh quán của họ ngoài Bắc mà thôi, nhưng còn là trách nhiệm mục vụ hàng đầu của những Giáo xứ, Giáo hạt và Giáo phận trong Nam, nơi các thanh niên nam nữ đó tạm trú và làm việc. Sự cộng tác chặt chẽ và sát cánh của cả hai phía sẽ là một hy vọng to lớn cho việc giải quyết vấn đề. Vì thế, các Giáo xứ, Giáo hạt và Giáo Phận liên hệ ở hai phía cần phải liên hệ chặt chẽ với nhau.

Nhưng trong vấn đề này, một điểm tối quan trọng không thể bỏ qua được, đó là sự cộng tác của các gia đình có con em đi lao động. Nếu không có sự cộng tác chân thành và hăng hái của các gia đình liên hệ này qua những trao đổi thông tin cần thiết của họ, thì những cố gắng của các Linh mục Quản xứ và của các Giáo xứ liên hệ sẽ là một điều bất khả hay sẽ rất khó khăn phức tạp và sẽ bị giới hạn rất nhiều.

Tuy nhiên, muốn có được sự cộng tác đắc lực của các bậc cha mẹ liên hệ, thì người ta nên tổ chức những buổi gặp gỡ họp mặt phụ huynh, để cắt nghĩa cho họ hiểu rõ được hoàn cảnh thực tế khó khăn và đầy đe dọa mà con cái họ đang phải đối mặt, dù chúng có ý thức được hay không. Nhất là cho họ biết rằng chính gia đình họ mới là người có trách nhiệm đầu tiên phải lo cho con em của mình, chứ không chỉ là người cộng tác thụ động trong vấn đề, và hoàn toàn khoán trắng cho xã hội hay Giáo Hội được.

Vâng, các bậc cha mẹ và gia đình có con em đi lao động như thế cần phải ý thức cách rõ ràng rằng họ có bổn phận lương tâm phải kiểm chứng lại số tiền - ít hay nhiều - mà các con cái họ đi lao động trong Nam gửi về cho họ hàng tháng, hàng quý hay hàng năm là tiền gì, nguồn gốc chúng kiếm được bằng cách nào, v.v…, chứ không chỉ vui vẻ nhận và đưa tiêu xài cách vô trách nhiệm được. Nói cách khác, các bậc cha mẹ và các gia đình liên hệ phải biết rõ nơi ăn chốn ở, công việc, nơi làm việc và hoàn cảnh sống của con em mình, phải thường xuyên thăm viếng và liên lạc chặt chẽ với chúng, phải khuyến khích và động viên chúng trong công việc và đời sống đạo giữa cảnh xa lạ.

Nếu chúng ta thành công được trong việc cộng tác bộ ba «chân kiềng» này, tức giữa các gia đình liên hệ, các Giáo xứ/Giáo phận nơi sinh quán và nơi hành nghề của các thanh niên nam nữ lao động, thì vấn đề sẽ có nhiều hy vọng được cải tiến hơn.

3.2. Giải pháp dài hạn

Tuy nhiên, muốn giải quyết được vấn đề một cách tận gốc hơn, người ta cần phải tìm cách giải quyết vấn đề một cách dài hạn. Đó chính là việc tổ chức dạy Giáo lý cho con em trong Giáo xứ một cách có qui mô, chặt chẽ, có sư phạm và hợp lý hơn, để con em trong Giáo xứ thấu triệt và xác tín sâu xa ngay từ bé đời sống đức tin Công Giáo. Đây quả là một công tác khó khăn vất vả, đòi hỏi nhiều tâm huyết Mục Vụ của mọi thành phần Dân Chúa - từ Chủ chăn cho tới các giáo dân - chứ người ta không thể tiếp tục có thái độ «lè phè», hoặc «được chăng hay chớ» được. Vấn đề có khó khăn vất vả, nhưng không phải là bất khả thi. Hơn nữa, đó cũng chính là đòi hỏi bất khả kháng của Phúc Âm: «Các con hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ của Thầy…, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền dạy cho các con!» (Mt 28,19).

Nhìn lại tình trạng dạy Giáo lý hiện nay tại một số không nhỏ các Giáo xứ ở Việt Nam, chúng ta phải thành thật công nhận rằng cách học từ chương vẫn còn bám trụ trong phương pháp dạy Giáo lý của chúng ta. Vì thế, nhiều thế hệ các giáo dân, nhất là các lớp cao niên, đã có thể đọc thuộc lòng các Sách Kinh và Sách Bổn «trừ bìa», nhưng nội dung các câu Kinh và câu Bổn trong đó lại rất lơ mơ, chỉ hiểu qua loa đại khái mà thôi. Cả đến khi khảo hạch các lớp trước khi chịu các phép Bí tích, như Xưng tội Rước Lễ lần đầu, chịu Thêm Sức hay Hôn phối, người ta cũng chỉ đòi hỏi các đương sự phải đọc thuộc lòng trọn bộ các Kinh Sáng/Tối hay các câu Bổn liên hệ với các Bí tích mà các đương sự sắp chịu, chứ sự hiểu biết về Thiên Chúa, về Phúc Âm, về Giáo lý Công Giáo, v.v… lại thường không được nhấn mạnh đủ.

Đàng khác, trong thực tế, việc dạy Giáo lý tại một số lớn các Giáo xứ thường được khoán trắng cho các «lớp huynh trưởng»; nói cách khác, các lớp lớn dạy các lớp nhỏ, anh dạy em, thế thôi. Trong trường hợp này, dù các huynh trưởng có thiện chí đến đâu đi nữa, thì họ cũng chỉ có thể trao lại cho các lớp nhỏ ít nhiều trong số vốn Giáo lý hạn hẹp mà họ đã hấp thụ được mà thôi, vì như người La-mã xưa đã nói: «Nemo dat quod non habet» - không ai cho điều mình không có được.

Nhưng với một số vốn Giáo lý nông cạn và lỏng lẻo như thế, thì khi xông pha vào đời, con em chúng ta phải đối mặt với những thử thách đa dạng của cuộc sống cụ thể, đương nhiên chúng sẽ bị choáng váng và khả năng đứng vững của chúng là rất mong manh.

Nói tóm lại, vấn đề «xuất khẩu lao động nội địa» của tầng lớp thanh niên lao động nói chung và của những thanh niên thiếu nữ Công Giáo nói riêng, đang đặt ra cho chúng ta những vấn nạn cấp bách, đòi tất cả chúng ta cần phải trả lời một cách đúng đắn, kịp thời và hợp lý.

Nhưng để có thể hiện thực được sứ mệnh Mục Vụ đó, chúng ta cần phải cùng cộng tác chặt chẽ với nhau – giữa Cha Xứ và giáo dân, giữa gia đình và Giáo Hội – và tiếp đến, chúng ta cũng cần phải kiểm điểm lại phương pháp dạy Giáo lý cho các con em trong các Giáo xứ của mình, hầu có thể soạn sửa cho chúng có được một hành trang tinh thần tương đối đầy đủ trước khi chúng bước chân vào đời. Nếu được thế, thì không những chúng ta đã giúp cho các con em chúng ta có thể đứng vững được trước các phong ba bão táp của đời, mà còn cống hiến cho biển trần gian mịt mờ những cột «hải đăng đức tin» sáng chói.



Lm. Nguyễn Hữu Thy



  In bài này    Lưu dạng file    Gửi bài này qua Email


Những bài khác:



Gửi bài
Lên đầu trang
  Tin - bài mới nhất 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Văn phòng TGM: Thông báo về Thánh lễ cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Tuần Chầu Lượt
Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Giáo chủ Giáo hội Chính thống Czech và Slovak
Giáo xứ Yên Đại: Khai mạc Tuần Chầu lượt trong Năm Thánh Thể Giáo Phận
Vòng loại Cuộc thi Tri thức Tôn giáo Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội 2018: Cử hành và Sống Đức Tin
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Hội Dòng Chị Em Bác Ái Gioanna Antida Thouret: Thông báo tuyển sinh năm 2018
Giáo xứ Hòa Ninh: Khánh thành nhà thờ giáo họ Minh Lệ
Tòa Giám mục Giáo phận Vinh: Thông báo Lễ Truyền chức Phó tế cho các Đại Chủng sinh khóa XII
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh: Thông báo Khóa học âm nhạc hè 2018
Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria
Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam: Bế mạc Giải Bóng đá Truyền thống Cúp Phục Sinh lần thứ VII
Thư Rao về việc truyền chức Phó tế cho Thầy G.B. Đoàn Văn Huy
Tuần Chầu lượt tại các giáo xứ Nghi Lộc, Làng Anh và Vĩnh Phước (Hà Tĩnh)
Thánh lễ Cao điểm Tuần Chầu giáo xứ Kẻ Mui: 14 tân tòng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm

  Hỗ trợ Web GPVinh 

  Nghe Lời Chúa 


  5 phút suy niệm 


  Các Giờ Kinh Phụng Vụ 


  Vị Thánh trong ngày 


  Web Lam Hồng 


  Đăng nhập/Đ. ký 
Bí danh
Mật khẩu
Mã kiểm traMã kiểm tra
Lặp lại mã kiểm tra
Ghi nhớ

  Giáo Lý - Đức Tin 


  Bác ái xã hội - Caritas 


  Tài liệu mới 
  Danh sách các thầy khóa XII được truyền chức Phó tế
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa XII
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa 12
  HÆ°á»›ng dẫn Mục vụ Thánh nhạc
  "Sống Và Yêu Thật Lòng" / Lm. Micae – Phaolô Trần Minh Huy, PSS
  Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu ThÆ°Æ¡ng) của Đức Phanxicô
  Yêu ThÆ°Æ¡ng là sứ mệnh của chúng ta - Để gia đình sống dồi dào
  Văn bản Đàng Thánh Giá do ĐTC chủ sá»± ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 03/04/2015
  Æ n Gọi Và Sứ Mạng Của Gia Đình Trong Giáo Há»™i Và Trong Thế Giá»›i Ngày Nay
  ÄÃ ng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ - 2015
Xem tiếp...

  Radio Công giáo 



Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net