Ban Giáo lý Đức tin: Tập huấn Giáo lý tại các giáo hạt Nhân Hoà, Xã Đoài, Cửa Lò và Thuận Nghĩa
07.12.2016
1. Giáo hạt Nhân Hòa: GLV hy sinh quyền tự vì một mối lợi duy nhất là được biết Đức Kitô
Sáng thứ Hai, ngày 21/11/2016, hơn 250 Thầy cô
GLV thuộc 7 giáo xứ trong giáo hạt Nhân Hòa, cùng với quí Cha và Ban giảng huấn
đã hội ngộ tại Linh địa Trại Gáo để tham dự tuần tập huấn Giáo lý thường niên
do Ban giáo lý Đức tin của Giáo phận tổ chức và đây cũng là cơ hội hành hương
Linh địa, cầu nguyện trong những ngày cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót
để kín múc những ơn lành của Chúa qua sự chuyển cầu của Thánh cả Antôn.
Tuần tập huấn diễn ra trong những ngày hồng
phúc đặc biệt với 3 sự kiện trọng đại mà Giáo phận nhà vừa đón nhận: Bế mạc Năm
Thánh Lòng Thương Xót, 38 Phó tế lãnh nhận Thiên chức Linh mục và Đại hội Giới
trẻ giáo tỉnh Hà Nội. Trong tâm tình đó, cha quản hạt Antôn Nguyễn Đình Thăng
nhắn nhủ Thầy cô GLV đang qui tụ tại Linh Địa Trại Gáo đền Thánh Antôn - Trung
tâm hành hương Giáo phận, ngoài việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ Giáo lý từ
Ban giảng huấn, đây còn là cơ hội để cùng với Giáo phận nhà tạ ơn Chúa, tri ân
tất cả những ai đã cộng tác, hy sinh bằng nhiều cách khác nhau, hầu làm cho
những hồng ân trên được mẹ Giáo phận đón nhận cách viên mãn, đồng thời các sự
kiện cũng được diễn ra một cách tốt đẹp.
Trước khi kết thúc thánh lễ bế mạc, cha quản
hạt Antôn Nguyễn Đình Thăng nhắn nhủ Thầy cô GLV hãy mặc lấy tâm tình của Thánh
Phaolô, hy sinh những quyền tự do của mình để cho việc rao giảng Tin Mừng, ngài
nói: “Thầy cô GLV thân mến, vì muốn rao giảng Tin Mừng, Phaolô, một
người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu
chinh phục thêm được nhiều người" (1Cor 9, 19). Trong những
ngày tập huấn, Thầy cô đã hy sinh quyền tự do của mình về thời gian, sức khoẻ,
công việc đồng áng, gia đình, để đến với những giờ học tập, trau dồi khả năng
truyền thông Lời Chúa và chân lý Đức tin cho các em. Đó là thái độ đáp lại lời
mời gọi của Thiên Chúa ra đi rao giảng Tin Mừng. Mà ra đi rao giảng Tin mừng
không chỉ đòi chúng ta phải hy sinh những quyền tự do này, mà còn biến chúng ta
thành nô lệ của mọi người, nghĩa là tôi không còn gì cho mình nữa, mà phải "trở
nên tất cả cho mọi người," tôi phải đi theo con đường của Ðức
Kitô là vị Thừa sai gương mẫu đã "hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân nô lệ" (Pl 2:7). Nếu Ðức Kitô đã không giữ lấy địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa để trở nên Lời Thiên Chúa trong xác phàm, thì cũng
thế, Thầy cô GLV rao giảng Lời Thiên Chúa cũng phải trút bỏ mọi thứ "vinh
quang", tự do ở đời này vì đại cuộc Tin Mừng.
Cuối cùng, Cha quản hạt cũng nhắn nhủ thêm với
Thầy cô GLV: “sau những ngày đi vào sa mạc tâm linh kín múc Lời Chúa,
kỷ năng sư phạm Giáo lý, Thầy cô GLV hãy hăng say ra đi, lên đường vào những sa
mạc khô cằn Lời Chúa, khô cằn Đức tin, để tưới mát nơi đó những tâm hồn kho
khan, mê muội bằng một tinh thần, nhiệt huyết mới xuất phát từ một mối lợi duy
nhất là được biết Đức Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ đó, cây Lời Chúa, Đức tin, nếp
sống đạo đức được nẩy chồi và bén rễ sâu trong lòng các em”. 
2. Giáo hạt Xã Đoài: GLV hâm nóng nhiệt huyết tông đồ
Sáng thứ 5, ngày 24/11/2016, giáo xứ Tràng Nứa
đã hân hoan chào đón quý Cha quản xứ, Ban giảng huấn và 418 Thầy cô GLV của 10
giáo xứ thuộc giáo hạt Xã Đoài về tham dự tuần tập huấn Giáo lý do Ban Giáo lý
đức tin Giáo phận tổ chức.
Năm học Giáo lý 2016 – 2017 đã đi qua gần được
3 tháng, nhưng đến với giáo hạt mẹ Xã Đoài, chúng tôi vẫn còn thấy được sự tràn
đầy nhiệt huyết tông đồ cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Thầy cô GLV qua
mong ước được học thêm từ Ban giảng huấn. Vì thế, Ban Giáo lý hạt đã sắp xếp lại
giờ học sớm hơn 15 phút so với chương trình chung của Ban Giáo lý Giáo phận đưa
ra, ngõ hầu Thầy cô GLV có thêm 1 tiết học nữa trong 3 ngày tập huấn ngắn ngủi.
Ngoài ra, để đem lại kết quả cao đợt tập huấn này, giáo xứ Trang Nứa đã chuẩn
bị 3 lớp học di động được dựng nên, nhằm đáp ứng đủ 10 phòng học cho 10 lớp. Sự
tận tâm và ấm áp của ban Giáo lý hạt cũng được thể hiên trên mỗi khuôn mặt qua
mỗi lần tiếp xúc, nói chuyện. Hẳn đây không chỉ là một công việc thuần tuý mang
tính xã hội con người, nhưng sâu xa nó là một sự dấn thân, quan tâm đặc biệt
của quí cha, Thầy cô GLV đối với những giá trị Tin Mừng cho thế hệ trẻ giáo hạt
nhà?!.
Trong huấn từ khai mạc, cha quản hạt FX. Hoàng
Sỹ Hướng trình bày 3 lợi ích mà chương trình tập huấn mang đến cho Thầy cô GLV:
1- Cung cấp kiến thức Giáo lý, vì Đức Kitô là nguồn mạc khải mà cả nhân
loại khám phá không bao giờ hết. Do đó, muốn hiểu biết về Đức Kitô, nói về Đức
Kitô cho người khác, Thầy cô GLV không chỉ học một mình trên sách vở mà cần
phải học chung, học với, học từ người khác có kinh nghiệm về kiến thức, cách
sống đạo và cả chứng tá nữa, cũng giống như không ai có thể sống đức tin một
mình, mà cần phải có cộng đoàn để sống đức tin.
2- Cung cấp kiến thức chuyên môn sư phạm để
truyền tải Giáo lý đến cho các em học sinh, vì một khi đã biết Chúa Kitô rồi, Thầy cô GLV cần biết
cách nói về Chúa Kitô, giới thiệu Chúa Kitô cho người khác, dù rằng trình độ
học vấn của chúng ta thấp, nhưng chúng ta có trình độ cao về Giáo lý, về đời
sống đức tin. Vì thế, chúng ta đừng đặt nặng về vấn đề trình độ văn hoá cho
bằng được nâng cao khả năng trình bày Giáo lý, nói về Chúa Kitô cho người khác.
3- Cung cấp lòng nhiệt huyết tông đồ, vì cũng giống như bao người khác bề bộn với
công việc hằng ngày của gia đình, nhưng Thầy cô GLV đã gác lại tất cả để đến
với tuần tập huấn. Nhờ sự hy sinh này mà nó thổi vào lòng chúng ta nhiệt huyết
tông đồ, động lực làm GLV như chính tinh thần tông đồ của Thánh Phaolô, khi
Ngài nói: “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,
16), đồng thời còn là câu hỏi chất vấn cho người khác: “tại
sao ông nọ bà kia làm Thầy cô GLV được mà tôi không làm được?”. Hơn
nữa, trong cusộc sống thường ngày, chúng ta là bạn bè, hàng xóm, là người đồng
nghiệp trên cánh đồng, trong công xưởng…., nhưng bây giờ tôi là “thầy”,
là “cô” GLV.
Ngoài ra, Cha quản hạt cũng đánh giá cao
phương thức mới của Ban tập huấn trong những năm gần đây là đi vào thực tế của
từng khối, cụ thể từng bài học để hướng dẫn cách dạy mẫu. Từ đó, Thầy cô GLV
không còn xa lạ như trước, mà thực tế đi vào từng thủa ruộng của mình, nơi đó
Thầy cô GLV biết cần trồng những loại cây gì, trồng cách nào, bón loại phân nào
cho phù hợp…? Do đó, phương thức này dễ hiểu và mang lại kết quả cao hơn trong
mỗi lần tập huấn Giáo lý.
Tuần tập huấn đã diễn ra cách tốt đẹp, dẫu
sáng ngày thứ nhất thời tiết có mưa vừa, kèm với cái lạnh đầu mùa, nhưng cũng
không làm giảm sút lòng nhiệt huyết tông đồ và con số tham dự viên vì những giá
trị vĩnh cữu của Tin Mừng cho các em học sinh. Hy vọng sau những ngày tập huấn
này, Thầy cô GLV luôn giữ được sự tràn đầy nhiệt huyết tông đồ, hầu giúp cho
Lời Chúa bám rễ sâu vào lòng của mỗi học sinh!
3. Giáo hạt Cửa Lò: GLV là tông đồ đích thực
của Đức Kitô
Như thường lệ trong chương trình tập huấn
chung của Giáo phận nhà, giáo hạt Cửa Lò cũng chào đón quí Cha, ban giảng huấn
và 190 Thầy cô GLV của 7 giáo xứ về tập huấn Giáo lý. Nhưng trong tinh thần
chia sẻ và gánh vác trách nhiệm cho nhau, năm nay giáo hạt Cửa Lò đã quyết định
luân phiên nhau tập huấn tại các giáo xứ, không như các năm trước tập trung tại
sở hạt Tân Lộc. Do đó, sáng ngày 28/11/2016, tuần tập huấn Giáo lý viên đã diễn
ra tại giáo xứ Lập Thạch, nơi có đền thờ và quảng trường Cha Thánh Phêrô Lê
Tuỳ, nguyên là cha sở và chịu tử đạo ngày 11/10/1833; có trường học, phòng ốc,
không gian rộng rãi, môi trường trong sạch, thoáng mát, thuận lợi cho công tác
tổ chức và tập huấn.
Trong thánh lễ bế mạc, dưới ánh sáng Lời Chúa
và qua gương sáng của Thánh Anrê, Tông đồ, mà Giáo Hội mừng lễ kính hôm nay,
ngày 30/11/2016, cha quản hạt Giuse Phan Sỹ Phương chia sẻ bốn chiều kích hội
tụ để là “tông đồ đích thực” của Đức Kitô:
1 - Khả năng lắng nghe. Trong Cựu Ước, để lãnh đạo được dân, vua
Salômon cầu xin Chúa cho mình được biết lắng nghe bằng cả tấm lòng. Cũng thế,
Thánh Phaolô khẳng định người ta có được niềm tin là nhờ lắng nghe (Rm
10, 16). Đức Maria cũng đã lắng nghe với tấm lòng thao thức, “bối rối, động
đến cõi lòng” khi Sứ Thần Thiên Chúa truyền tin, để có thể đón nhận
Lời Chân Lý và để Lời trở thành xương thành thịt trong cung lòng Mẹ. Nhờ đó mà
Mẹ đã sinh ra Chúa và mang Chúa đến cho con người. Thánh Anrê, tông đồ, trước
đó cũng đã nghe biết về Chúa Giêsu và đã thao thức, nên khi được Chúa gọi: “hãy
theo Ta, Ta sẽ làm cho anh thành kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1, 17), thì
ngay lập tức ngài bỏ lại tất cả để lên đường vì tiếng gọi này.
Vì thế, cha mẹ chẳng bao giờ giáo dục được con
cái nếu không có khả năng lắng nghe. Tôi cũng chẳng bao giờ nói được cho người
khác nếu tôi nghe không chuẩn. Nghe không chuẩn thì sẽ trở thành ông nói gà, bà
nói vịt. Thầy cô GLV vừa là thầy nhưng cũng đồng thời là học. Nếu các Thầy cô
không có khả năng lắng nghe, thì cũng không có khả năng chuyển tải lời được
nghe. Nếu không nghe bằng cả tấm lòng, thì lời của mình nói ra nó không ăn nhập
vào đâu cả. Cha Giuse mời gọi mỗi Thầy cô GLV hãy nhìn lại mình: Liệu tuần tập
huấn tôi có nghe tiếng Chúa hay không, hay nghe điện thoại nhiều hơn? Đến với
tuần tập huấn vì con số hay vì sợ cha xứ nói? Tôi có nghe bằng cả trái tim để
cho Lời Chúa trở thành xương thành thịt trong tôi không?
2 - Tinh thần làm việc: Đọc thấy tất cả các ơn gọi từ Cựu Ước
đến Tân Ước, Chúa không gọi ai đi chơi lang thang, vô công rồi nghề để làm tông
đồ cho Chúa. Chúa gọi những con người đang làm việc, có công ăn việc làm và
biết làm việc, như: Môsê đang chăn chiên cho nhạc phụ; Isaia đang đi sau đoàn
chiên và hái trái sung; ông Ghit-ôn, chiến sĩ can trường đang đạp lúa; nhất là
các Tông đồ như hôm nay hai ông Phêrô và Anrê đang thả lưới trên biển; Gioan và
Giacôbê đang vá lưới trong thuyền với cha và những người làm công. Cũng thế,
Thầy cô GLV là những người rất bận rộn, người làm việc, biết làm việc, có thế
Chúa mới gọi vào làm việc trong vườn nho của Ngài. Những ai rãnh rỗi thì không
chịu làm việc, mà không chịu làm việc thì cử vào họ cũng không làm việc. Do đó,
nếu Thầy cô làm việc thì mới chuyển tải được chân lý của Chúa. Nếu không làm
việc, chỉ sắp sách vở tới lớp thì chỉ chuyển tải kinh nghiệm vô hồn, không phải
chuyển tải Lời Chúa linh hứng trong làm việc.
3 - Sự chọn lựa: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan những con người
có việc làm, nhưng khi Chúa yêu thương kêu gọi thì họ đã từ bỏ tất cả, kể cả
người máu thịt của mình là cha mẹ để theo tiếng gọi của Chúa. Để trở thành tông
đồ phải biết từ bỏ, dẫu rằng có những cái từ bỏ làm ta đau đớn. Cũng thế, nếu
đến với tuần tập huấn Giáo lý không bỏ ý riêng, điện thoại, thì không thu được
kết quả gì. Khi đứng lớp, nếu không bỏ ý riêng để chuyển tải ý Chúa thì Thầy cô
GLV không hoàn thành mục đích bài Giáo lý. Người môn đệ đích thực thì luôn chọn
ý Chúa, không chọn ý mình; ý Chúa thì bao giờ cũng gắn liền với thập giá, đau
lòng. Càng sống tư cách môn đệ bao nhiêu thì càng từ bỏ và càng nhận thập giá
bấy nhiêu. Lúc đó, bản chất và tư cách của người thầy, người học trò được tỏ
lộ.
4 - Chuyển tải chân lý cách đơn giản: Giảng dạy Giáo lý của Chúa không cần
thiết đòi hỏi diễn tả ngôn ngữ cao siêu, văn hoa nhưng với ngôn ngữ đơn giản,
dễ hiểu và thực tế để dẫn con người đến với Đấng là Chân lý, cảm được Ngài và ở
lại với Ngài như chính Thánh tông đồ Anrê đã loan báo cách đơn giản: “tôi đã
gặp Đấng Mêsia”. Cô dạy hay thật, vui thật mà người ta không gặp và cảm
được Chúa thì bài Giáo lý không có nội dung.
Tuần tập huấn khép lại với những tâm tình tri
ân Chúa, cảm ơn nhau vì Chúa đã mời gọi mỗi người qui tụ nhau để gặp gỡ, tĩnh tâm, chia sẻ, cầu
nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. Nhờ đó, mỗi người biết ý thức sống xứng đáng
hơn với ơn gọi trong mỗi bậc sống, sứ vụ của mình.
4. Hạt Thuận Nghĩa: GLV
là nhà truyền giáo năng động của Đức Kitô
Sáng thứ Năm, ngày
1/12/2016, quí Cha, Ban giảng huấn và cùng với gần 503 Thầy cô GLV đã quy tụ về
sở hạt Thuận Nghĩa để khai mạc khóa tập huấn thường niên do Ban giáo lý Đức tin
Giáo phận tổ chức. Đây là giáo hạt cuối cùng trong 22 giáo hạt mà Đoàn tập huấn
Giáo lý dừng chân và cũng kết thúc chương trình tập huấn GLV năm học Giáo lý
2016 – 2017, sau một hành trình dài hơn 3 tháng rảo bước khắp 3 giáo tỉnh Bình
– Tĩnh – Nghệ.
Sau thánh lễ khai mạc,
các GLV tập trung tại thánh đường nhà thờ để cùng nhau làm sống lại những đức
tính cần thiết của GLV với sự hướng dẫn của cha Trưởng đoàn tập huấn Giuse Phạm
Ngọc Quang, đó là: Hiền lành, Quảng đại phục vụ và hi sinh, Lịch sự, Vui vẻ;
Đức tin sống động, lòng Cậy trông, Lòng mến; và những hành trang của GLV như
tinh thần hăng say truyền giáo, am hiểu Giáo lý, biết trình bày Giáo lý, sống
gương mẫu, và ý thức sứ mạng của mình. Bởi vì công việc giáo huấn được uỷ thác
cho Giáo lý viên có nguồn gốc và chủ đích vừa tự nhiên vừa siêu nhiên, nên nó
đòi hỏi các Giáo lý viên nhiều đức tính nhân bản và siêu nhiên.
Kết thúc tuần tập huấn
trùng vào ngày 03-12-2016, mừng lễ kính Thánh Phanxicô Xavie, bổn mạng các xứ
truyền giáo và cũng là bổn mạng giáo họ Thuận Nghĩa, là cơ hội cho chúng ta suy
tư về một nhà truyền giáo năng động với 3 chiều kích cần có:
1- Ra đi và lưu lại: Để trở thành nhà
truyền giáo, trước hết là người được sai đi và phải ra đi. Đối với Thầy cô GLV
được sai ra đi, từ bỏ những quyền lợi, những tự do cá nhân, thời gian nghỉ ngơi
…để đến, để mang Lời Chúa đến cho các em. Hơn thế nữa, Thầy cô GLV còn trở nên
nô lệ như chính thánh Phaolô “trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục
thêm được nhiều người... trở nên tất cả cho mọi người... vì Tin Mừng” (1 Cr
9,19-23). Đây là lý do mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn một Giáo Hội luôn
“ra đi,” đi ra ngoài để truyền giáo, dù phải bị thương tích và dơ bẩn, hơn là
chấp nhận một Giáo Hội “bệnh tật vì đóng kín và an toàn bám víu vào những thứ
bảo đảm cho mình” (NVTM 49); một Giáo Hội luôn ở trong năng động “lên đường
truyền giáo.”
Tuy nhiên, nếu Thầy cô
GLV chỉ có biết “ra đi” mà thôi, thì có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa duy hoạt
động. Cần phải duy trì sự “lưu lại với Chúa”, nghĩa là gặp gỡ Chúa bằng các giờ
cầu nguyện, chầu Thánh Thể, tham dự các Bí tích để có Chúa cùng hoạt động với Thầy
cô GLV. Các Tông đồ xưa đã lưu lại để gặp gỡ Đấng Phục Sinh trong nhà Tiệc
Ly và đón nhận Chúa Thánh Thần trước khi đi loan báo Tin Mừng (x. Cv
1,14). Cũng thế, với Thầy cô GLV hôm nay, để có khả năng nói Lời
Chúa, phải có khả năng cầu nguyện. Để có khả năng ra đi, phải biết lưu lại với
Chúa.
2- Nói và làm: Sống trong một đất
nước của các khẩu hiệu, đâu đâu cũng thấy các biểu ngữ lan tràn, chen chúc
nhau, nhưng nhiều câu rất vô bổ, vô nghĩa và thậm chí là rất phản cảm nữa. Ví
dụ: “Tất cả là của dân, do dân và vì dân.” “Cán bộ là đầy tớ của nhân nhân.”
“Vượt đèn đỏ chỉ dành cho những người ít học” v.v...Người ta đã chán ngấy với
những kiểu tuyên truyền như thế. Bởi lẽ, khoảng cách giữa môi miệng và bàn tay
là biển cả! Xã Hội và cả Giáo Hội chúng ta hiện nay đang thừa những người nói
nhiều làm ít, nhưng lại thiếu những người nói ít làm nhiều.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống năng động “nói và làm”.
Nói gắn liền với làm.
Giảng dạy Giáo lý đi kèm với đời sống. Thầy cô GLV không phải là một người nói
thao thao bất tuyệt, cũng không phải là những loa phóng thanh tuyên truyền. Bởi
vì, dạy Giáo lý không phải là tuyên truyền. Chúa Giêsu rao giảng bằng lời
nói, bằng hành động và nhất là bằng đời sống. Tôi có thể nói: Nơi Đức Giêsu,
không có khoảng cách giữa nói và làm. Đức Phaolô VI cũng quả quyết trong
Evangelii Nuntiandi: “Con người ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là thầy
dạy và nếu con người lắng nghe các thầy dạy, bởi vì họ là những chứng nhân” (s.
41).
Như thế, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không chỉ giảng dạy bằng lời nói, nhưng
bằng những việc làm và bằng chứng tá cuộc sống.
3- Dấn thân và ơn Chúa: Không cố gắng dấn thân
trong việc dạy Giáo lý cho thấy hai nguy hiểm: Một là sự ù lì, lười biếng,
không làm gì và khoán cho người khác hay cho Thiên Chúa làm mọi sự; hoặc chỉ
dấn thân nữa vời 50%. Hai là nguy cơ coi việc dạy Giáo lý chỉ là những hoạt
động thuần túy của con người mà lãng quên yếu tố ân sủng. Hậu quả dần dần đánh
mất nguồn mạch dồi dào của Lời Chúa cũng như những hiệu năng của ân sủng và
việc tham dự cử hành phụng vụ.
Chúa Giêsu mời gọi chúng
ta hãy tích cực làm việc, nỗ lực hết mình, dấn thân 100% cho sứ vụ loan báo Tin
Mừng. Thao thức nói Lời Chúa cho các em, lòng nhiệt tâm tông đồ phải trở thành
nhu cầu thiết yếu luôn canh cánh bên lòng như Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu
tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Nhưng đồng thời phải biết mở ra
với chương trình của Thiên Chúa, biết trông cậy vào ơn Chúa, và nhạy bén với
tác động của Chúa Thánh Thần. Bởi lẽ, xét cho cùng, Chúa Thánh Thần là linh hồn
của mọi công cuộc loan báo Tin Mừng. Người là tác nhân chính của việc Phúc Âm
hóa. Vì vậy, chúng ta được mời gọi phải dấn thân 100% và phải biết cậy dựa vào
ơn Chúa 100%.
Sau bản tổng kết đánh giá
thi đua tinh thần và kỷ luật của Ban giáo lý hạt, khoá tập huấn kết thúc với
giờ Chầu Thánh Thể trọng thể. Khóa tập huấn là cơ hội để GLV hạt Thuận Nghĩa
cũng cố và kiện toàn lại đội ngũ GLV; cũng là thời gian thuận tiện để gặp gỡ,
xét lại cách thức truyền giáo. Dẫu trước mắt còn bao nhiêu khó khăn về hoàn
cảnh gia đình, hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh xã hội, nhưng tin chắc rằng Thầy cô
GLV với sức mạnh của Chúa sẽ vượt qua tất cả.
Paulus Nguyễn Văn Đức
|