GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


Xem tiếp...
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 30
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 030
 Lượt tr.cập 055697118
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Chuyên mục » Suy niệm Lời Chúa - Giảng lá»… » Suy niệm Lời Chúa má»—i ngày 03.05.2024
Năm phút mỗi ngày: Suy niệm Lời Chúa 16-31/10/2006
25.02.2008

Một đan sĩ

Thứ Hai 16/10/06 Th. Hétvích

Dấu lạ
“Mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa!... Mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa!” (Lc 11,29-32)

Suy niệm: Một trong những khuynh hướng của con người là hiếu kỳ. Nghe đâu có chuyện lạ, phép lạ là ùn ùn kéo nhau tới xem. Thế mà khi người Do Thái xin dấu lạ, thì bị bảo là “gian ác”; hình như Chúa kết án hơi mạnh? Lời giảng của Chúa cho họ hôm ấy không kèm theo điều gì phi thường. Hình như mức độ thuyết phục cũng giảm đi ít nhiều. Không có gì để cho họ xuýt xoa, trố mắt. Cớ cho họ vấp phạm là ở đó. Chỉ tại vì họ thiếu lòng tin! Hôm ấy, cũng như những lần khác, Chúa đã không chiều theo ý họ. Không có điều lạ lùng kèm theo, họ không thể hiểu được. Nhưng ở đây, Chúa Giê-su là chính điều lạ, còn lạ hơn vua Sa-lô-môn, lạ hơn cả chuyện ông Giô-na nữa!

Mời Bạn: Phải sống thế nào để đời sống ki-tô hữu chúng ta là một dấu lạ giữa muôn người, dù rằng chúng ta không làm điều gì phi thường? Sống một cách phi thường trong những điều bình thường, thậm chí rất tầm thường: đó là một dấu lạ rồi! Không phải để biểu diễn, mà rất âm thầm cho chính bạn, vì chính Chúa! Điều đó không dễ dàng chút nào, há chẳng phải đã là rất lạ?

Chia sẻ: Với người không cùng đức tin, bạn tự hào về Chúa bởi quyền năng của Ngài, hay bởi Ngài là Cha? Bởi Ngài im lặng trên thập giá trước những lời chế nhạo của mọi người?

Sống Lời Chúa: Âm thầm dâng việc bạn sắp làm trong ngày hôm nay, với một ý cầu nguyện cho một người bạn tự nhiên không mấy thiện cảm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con đủ ơn để con sống một đời sống phi thường trong những công việc tầm thương nhất của đời con.

Thứ Ba 17/10/06 Th. Inhaxiô Antiôkia

Mạnh tay với tội lỗi
Ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Đức Giê-su không rửa tay trước bữa ăn. (Lc 11,37-41)

Bạn nghĩ sao về cách hành xử của Chúa Giê-su ở đây? Ông Pha-ri-sêu này chỉ “lấy làm lạ vì Đức Giê-su không rửa tay trước bữa ăn” mà không có phản ứng gì khác, kể cũng là quá lịch sự đối với vị khách ‘chướng’ này đấy chứ! Bạn thử tưởng tượng giữa đám tiệc ngay tại nhà ông, Chúa Giê-su đã không “nhập gia tuỳ tục” thì chớ mà lại lớn tiếng đả phá một tập tục đã tồn tại và được chấp nhận từ lâu đời và còn chỉ trích không riêng ông mà còn cả nhóm Biệt phái của ông nữa. Nhưng căn bệnh mãn tính cần một liều thuốc cực mạnh. Thái độ khác thường của Chúa Giê-su cho thấy tính cách khẩn thiết của sứ điệp Ngài muốn nói: Để phá bỏ lối thờ phượng Thiên Chúa chỉ bằng những công việc làm theo tập tục, số đông, dựa trên số lượng và nghi thức bên ngoài, và tái lập việc “thờ phượng trong tinh thần và chân lý” phải dám mạnh tay tận diệt tội lỗi ngay từ cách ăn nết ở hằng ngày của mình.

Mời bạn nhìn lại chính mình: Có thể chúng ta đang sống đạo theo kiểu rập khuôn hình thức và vì thế không nhìn ra khuyết điểm của mình. Có khi vì cả nể, sợ mang tiếng, sợ liên luỵ mà chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước những điều sai quấy khiến cho điều xấu ngày càng lấn lướt và tác hại. Im lặng trước điều xấu, chậm trễ trong việc sửa mình là đi ngược với Tin Mừng của Đức Ki-tô.

Chia sẻ: Thảo luận trong nhóm bạn và đề xuất một phản ứng hợp với Tin Mừng trước những tiêu cực, tệ nạn trong khu xóm, nơi sở làm của bạn.

Sống Lời Chúa: Xét mình và quyết tâm mạnh mẽ sửa đổi một nết xấu nơi bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn dũng cảm, dám mạnh tay loại trừ tội lỗi, bắt đầu từ chính bản thân con.

Thứ Tư 18/10/06 Th. Luca

Tin Mừng bình an
“Anh em hãy ra đi, này Thày sai anh em như chiên đi vào giữa bầy sói… Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này.” (Lc 10,1-9)

Suy niệm: “Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng kiếm tìm: đó là sự bình an”, đại thi hào Dante (Đan-tê) của Ý đã nói như thế. Vâng, thì ai cũng khát vọng hoà bình, đặc biệt trong thời đại chúng ta hôm nay. Chiến tranh, khủng bố cứ liên tiếp bùng nổ hết nơi này đến nơi khác. Chúa Giê-su đã đến đem an bình cho trần thế; Ngài còn sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng bình an, sự bình an sẽ đến với những ai đón nhận. Mà chính Đức Ki-tô là hiện thân của sự bình an đó.

Mời Bạn: Là ki-tô hữu, chúng ta chỉ là môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô khi chúng ta là nhân tố đem lại bình an cho tha nhân trong môi trường mình đang sống: trong gia đình, nơi trường học, ở công sở, ngoài phố xá, v.v… Muốn được như thế, bạn cũng như tôi phải sống với Chúa Giê-su để có thể nói được như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gal 2,20). Khi đó sự bình an của Chúa nơi bạn sẽ toả sáng cho mọi người sống chung quanh bạn.

Chia sẻ: “Phúc cho kẻ kiến tạo hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Đề nghị một việc “kiến tạo hoà bình” cụ thể để làm chung trong nhóm.

Sống Lời Chúa: Mời một người khác cùng với bạn giúp hoà giải một trường hợp bất hoà (đặc biệt trường hợp cợ chồng bất hoà) trong khu xóm của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban bình an của Chúa cho chúng con; xin Chúa ở lại trong chúng con, nhờ đó chúng con sẽ luôn luôn gieo rắc Tin Mừng bình an cho những người chúng con gặp gỡ trong cuộc sống.

Thứ Năm 19/10/06 Th. Gioan Brêbớp

Khốn thay!
“Các ngươi đã giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” (Lc 11,47-54)

Suy niệm: Luật sĩ và Pha-ri-sêu thay vì dùng kiến thức và địa vị của họ trong xã hội để phục vụ cộng đồng, họ lại thường ‘lên mặt ta đây’, thích phô trương, chú trọng những việc chi li hình thức mà “xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa”, “thích ngồi ghế đầu trong Hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng”, “thích chất lên vai kẻ khác những gánh nặng nề nhưng chính mình thì không đụng ngón tay vào” (x. Lc 11,37-46). Sau khi ‘kể tội’, Chúa Giê-su ‘tổng kết’ bản cáo trạng Luật sĩ và Pha-ri-sêu bằng ‘tội danh’ “giấu chìa khoá” vì hai lý do: - lời giảng dạy của họ giết chết tinh thần YÊU THƯƠNG là cốt lõi của lề luật, biến luật trở thành gánh nặng; - lối sống giả hình của họ là cớ vấp phạm cho nhiều người.

Mời Bạn: Trong bối cảnh cá nhân chủ nghĩa của thế giới hôm nay, “bản chất luật sĩ và Pha-ri-sêu” càng dễ có cơ hội bùng phát nơi các giáo xứ, cộng đoàn tu trì, nơi những người được coi là “công giáo” nhất. Liệu bạn có mắc tội “giấu chìa khoá”, trở thành vật ‘cản mũi kỳ đà’ chắn ngang cửa vào Nước Trời không?

Sống Lời Chúa: Sau một ngày làm việc, học hành… bạn dành ít phút để nhìn lại chính mình để phát hiện “bản chất luật sĩ và Pha-ri-sêu” nơi chính bạn. Bạn nêu quyết tâm cụ thể để sửa đổi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là chủ tể muôn loài, thế nhưng Chúa đã đến trong thế gian “không phải để được người ta phục vụ nhưng là để được phục vụ muôn người” (Mt 20,28). Xin cho chúng con biết hoạ lại mẫu gương KHIÊM TỐN PHỤC VỤ của Chúa trong cách sống của chúng con. Amen.

Thứ Sáu 20/10/06

Thành tích thật
“Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” (Lc 12,1-7)

Suy niệm: Thành tích là điều tốt đẹp khi nó đánh giá đúng với khả năng thực sự. Nhưng nó biến thành ‘căn bệnh’ - quen gọi là bệnh thành tích - khi nó chỉ là một hình nộm trong ruột rỗng tuếch được phủ lên một lớp vỏ thành tích mà người ta kiếm được bằng những phương thế gian dối. Căn bệnh thành tích này đã có từ lâu nhưng nay đã lan tràn vào hết mọi lĩnh vực: nào là mua điểm, mua bằng, chạy trường, nào là gian lận, báo cáo thống kê bằng những ‘con số đẹp’… Kiểu đạo đức giả của luật sĩ và biệt phái cũng là một thứ bệnh thành tích mà Chúa Giê-su lên án một cách nặng nề. Trước mắt Thiên Chúa, “không có gì che giấu mà không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” Sống với người thật, việc thật trước mặt Thiên Chúa cũng như anh em mới là giá trị thật.

Mời Bạn: Trong xã hội mà bệnh thành tích lan tràn, sống trung thực theo Phúc Âm là một lời chứng mạnh mẽ và đầy thuyết phục. Bạn hãy tin tưởng và can đảm lên vì chúng ta “còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ”.

Chia sẻ: Thử xét xem những báo cáo của chúng ta có bị nhiễm căn bệnh thành tích này chưa? Con cái của chúng ta có thói quen gian dối không?

Sống Lời Chúa: Tôi cần thời gian để tĩnh tâm, cầu nguyện vì đó là thời điểm thuận tiện để tôi đặt mình trước nhan Chúa.

Cầu nguyện: Xin Chúa cho chúng con hiểu và sống tinh thần đạo đức của Chúa để chúng con được biến đổi sâu xa từ bên trong lan tỏa tinh thần của Chúa ra chung quanh.

Thứ Bảy 21/10/06

Dám sống chứng nhân Tin Mừng
“Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” (Lc 12,8-12)

Suy niệm: Nhiều tín hữu kể lại những lần mình bị tra vấn trước mặt “người đời” vì danh Chúa. Khi nhìn lại những sự việc đó, họ vui mừng vì thấy quả thật Thánh Thần thúc đẩy họ làm chứng đức tin bằng những lời nói và hành động mà tự sức họ không thể hoặc không dám nghĩ tới. Phải chăng đó là bằng chứng rõ rệt về lời Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay? Có một nghịch lý thú vị là hễ ta nói theo ý người đời ta sẽ được ‘chấm giải’; ngược lại ta phải dám chấp nhận bị ‘đánh trượt’ nếu muốn nói bằng tiếng nói của Thánh Thần! Đó thật là một thách đố cho đời sống chứng nhân của ta.

Mời Bạn: Thách đố ấy làm nhiều người không dám tuyên xưng niềm tin của mình. Không cần phải tìm đâu xa, nó ở ngay trong cuộc sống của bạn và tôi. Ở giữa một tập thể không cùng niềm tin với bạn, bạn không dám sống như người ‘có đạo’ vì sợ bị cho rằng mình gàn dở và tụt hậu, dù bạn vẫn biết phải làm gì để gọi là chứng nhân của Chúa. Để vượt qua thách đố ấy có thể dễ dàng với một số người, nhưng không dễ với phần đông chúng ta. Chẳng có cách nào đẹp lòng Chúa hơn là tin tưởng vào Chúa Thánh Thần và mạnh dạn sống theo sự hướng dẫn của Ngài; dần dần ta sẽ quen phản ứng theo tác động của Ngài.

Chia sẻ: Nhiều người biện minh cho thái độ ‘thiếu can đảm’ đó bằng quan niệm: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.” Phần bạn, bạn nghĩ sao?

Sống Lời Chúa: Chọn sống theo một giá trị Tin Mừng (trung thực, công bằng…) như một lời tuyên xưng đức tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đốt lên trong con tình yêu Chúa, để con đủ nghị lực sống cho tình yêu ấy, dù có phải bị coi là người ‘không giống ai’.

Chúa Nhật XXIX TN 22/10/06 Khánh Nhật Truyền Giáo

Làm người phục vụ
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,35-45)

Suy niệm: Hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an khiến cả nhóm mười môn đệ bực mình vì họ háo thắng, ích kỷ, muốn mình trổi vượt hơn anh em. Môn đệ Chúa Giê-su sống với anh em, làm việc chung và chia sẻ chung một số phận với họ: tất cả cùng nằm gai nếm mật với nhau, cùng chia vui sẻ buồn với nhau. Họ chia sẻ thành công và cả thất bại của nhóm. Họ không tìm một chỗ nào đó bên tả, hay bên hữu nhưng một chỗ ở giữa anh em để cùng đồng hành với anh em. Họ quan tâm những sự thuộc về Chúa, những vấn đề chung, đặt quyền lợi chung lên trên những tính toán cá nhân.

Mời Bạn: Chỗ của người môn đệ không là ‘bên tả’ hay ‘bên hữu’ nhưng là dưới chân Chúa và anh em: dưới chân Chúa để nghe Lời Chúa; dưới chân anh em để phục vụ. Một chỗ trong Nước Chúa là để phục vụ và phục vụ theo điều mình đã học được nơi Chúa.

Chia sẻ: Khi chọn người vào các chức vụ trong cộng đoàn, chúng tôi có quan tâm đến khả năng cống hiến và chu tòan công tác của người được chọn hay chỉ có ý trao ban một tước vị, một danh dự cho người đó? Có những biểu hiện của tình trạng lạm dụng quyền hành hay tham quyền cố vị hay không?

Sống Lời Chúa: Tôi truyền giáo bằng đời sống khiêm tốn phục vụ. Tôi sẵn sàng đảm nhận những công tác âm thầm, không ai biết đến để làm sáng danh Chúa và mở rộng vương quốc của Tình Yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ anh em mà không đòi một quyền lợi nào.

Thứ Hai 23/10/06 Th. Gioan Capétranô

Coi chừng mọi thứ tham lam
Chúa Giê-su nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” (Lc 12,13-21)

Suy niệm: Vừa qua, bà hiệu trưởng trường Lê Quí Đôn tại thành phố Hồ Chí Minh bị đình chỉ công tác vì đã nhận tiền của một số phụ huynh khi họ muốn chạy cho con họ vào học tại trường này. Báo chí còn phanh phui bà nhận được 600 đô cho mỗi vụ chạy trường này. Sống trong xã hội chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ này, nhiều người lầm tưởng rằng tiền bạc của cải vật chất có giá trị tối cao, nên đã dùng bất cứ thủ đoạn nào để tìm kiếm nó, bám vào nó như chỗ dựa an toàn, bảo đảm cho hạnh phúc cho họ cả đời này lẫn đời sau. Họ đã suy nghĩ và hành động chẳng khác gì ông phú hộ trong dụ ngôn Tin Mừng.

Mời Bạn: Người ta thường nói đồng hành với chúng ta có ba thứ là bà con, bạc tiền và việc lành phúc đức. Giờ chết đến, bà con họ hàng bỏ tôi tại cửa mồ giữa trời đất. Tiền bạc còn phũ phàng hơn bỏ tôi ngay tại giường chết. Chỉ có việc lành phúc đức tôi đã làm sẽ chung thủy cùng tôi qua bên kia thế giới. Lời Chúa hôm nay cảnh báo bạn cũng chân lý đó: hãy coi chừng mọi thứ tham lam, vì của cải không phải là chỗ dựa bảo đảm an toàn cho bạn mãi đâu.

Chia sẻ: Trong đời sống bạn, gia đình hoặc cộng đoàn bạn, có dấu hiệu nào của căn bệnh chủ nghĩa hưởng thụ không?

Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,26)

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con. Xin đừng để chúng con vì quá đam mê của cải mà quên lo cho phần rỗi đời đời của mình.

Thứ Ba 24/10/06 Th. Antôn Maria Clarét

Hạnh phúc cho người tôi trung
“Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.” (Lc 12,35-38)

Suy niệm: Chủ nhân các xí nghiệp ngày nay muốn tăng hiệu suất làm việc của công nhân thường dùng ‘chiêu’ tạo cho họ có cảm tình gắn bó với xí nghiệp như là gia đình của mình. Còn người tôi tớ trong dụ ngôn của Chúa Giê-su không phải là người thợ làm công ăn lương sau khi lao động ngày tám tiếng rồi về nhà mình; trái lại, người ấy ở luôn tại nhà chủ như người ăn kẻ ở trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ để mở cửa khi chủ trở về. Hạnh phúc cho kẻ phụng sự Chúa như người tôi trung không phải là sẽ được tăng lương mà thật bất ngờ: chủ sẽ đổi thân phận làm đầy tớ phục vụ họ: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).

Mời Bạn: Phải chăng Chúa đã không gọi các môn đệ Ngài là bạn hữu đó sao? Ngài đã không thân hành rửa chân cho họ đó sao? Và phải chăng Chúa đã không yêu các bạn hữu Ngài đến nỗi chịu chết vì những người Ngài yêu đó sao? Thật phúc dường nào khi được phụng sự Chúa và được Ngài đối xử như bạn hữu, như con cái, được thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu với Ngài.

Chia sẻ: Chúa muốn bạn làm gì khi nói: “Các con cũng hãy rửa chân cho nhau”?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chu toàn thật tốt việc bổn phận của bạn với tấm lòng tận tuỵ của người tôi trung.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, kể sao cho xiết ơn Chúa dành cho con; tình yêu Chúa đánh động tận đáy lòng con. Con sẽ bội bạc với Chúa biết chừng nào nếu con không yêu Chúa với tất cả con người của con. Lạy Chúa, con xin dâng hiến cuộc đời con để phụng sự Chúa như người tôi trung.

Thứ Tư 25/10/06

Nhận lãnh và đáp trả
“Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.” (Lc 12,39-48)

Suy niệm: Có một sự kiện thời sự mà cả nước từ cấp lãnh đạo cao nhất trong chính quyền đến người dân đen đều quan tâm đó là dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập càng nhiều thì càng nộp thuế nhiều. Vì thế mà lắm kẻ đâm lo. Lo vì có của chưa chắc đã dám xài, vì phải kê khai tài sản, phải giải trình nguồn gốc. Lo vì các khoản thu nhập bất chính ‘ngoài luồng’ phải ‘rửa’ thế nào đây? Tài năng, tiền bạc, thời giờ, sức khoẻ, quyền hành và ngay cả sự có mặt của tôi ở trên đời này, tất cả những thứ đó đều là tài sản Thiên Chúa giao cho tôi để quản lý nghĩa là để chăm sóc cho các nhu cầu của tha nhân “đúng giờ đúng lúc”. Quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Càng nhận lãnh nhiều, càng phải chia sẻ, cống hiến, phục vụ nhiều hơn.

Mời Bạn: kiểm điểm lại số ‘vốn liếng’ Chúa giao cho bạn quản lý để sinh lời bằng việc phục vụ tha nhân. Hãy cẩn thận đừng ngủ quên trong sự tự mãn kiêu căng, hoặc tham lam hưởng thụ để rồi ức hiếp, cư xử bất công đối với người khác, bởi vì sẽ tới lúc Chúa hỏi bạn về ‘cả vốn lẫn lời’ mà Ngài đã ‘đầu tư’ cho bạn đó.

Chia sẻ: Nêu rõ vai trò người quản lý tài sản của Thiên Chúa: “Coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc” một cách cụ thể có ý nói gì?

Sống Lời Chúa: Dù thu nhập của bạn ít hay nhiều, bạn hãy tự định cho mình một khoản trích ra để dành vào việc chia sẻ cho những người lâm cơn túng ngặt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sử dụng đúng đắn những tài sản Chúa ban để phục vụ Nuớc Chúa và mưu cầu lợi ích cho anh em con. Amen.

Thứ Năm 26/10/06

Lửa thần khí
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng lên!” (Lc 12,49-53)

Suy niệm: Lửa, một chủ đề khá quan trọng trong toàn bộ Kinh Thánh, là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng của Ngài: nơi Bụi gai cháy rực Mô-sê bắt gặp; ngọn lửa bão tố trên núi Si-nai; lửa thiêu đốt các lễ Vật Hy Tế trong Đền thờ; lửa là biểu tượng cho việc đốt cháy tinh luyện mọi sự nhơ uế trong Ngày Phán Xét cuối cùng. Trong Tân Ước Đức Giêsu cũng đã nói rất nhiều về lửa trong các Bài Giảng của Người: lửa thiêu đốt cỏ lùng, Lửa Thần Khí ngự xuống trên các Tông Đồ ngày lễ Hiện Xuống; lửa nóng rực tâm hồn hai môn đệ Em-mau, khi họ được nghe Đấng Phục sinh giảng dạy trên đường.

Mời Bạn: Thứ Lửa mà Đức Giê-su đã ném vào “mặt đất này” tức là “lòng con người” là thứ lửa nào? Lửa thiêu hủy? Lửa nóng bỏng của những khao khát ước mong thánh thiện? Ngài đã ném thứ lửa nào vào lòng bạn rồi?

Chia sẻ: Có những trang Tin Mừng Đức Giê-su kêu mời chúng ta phải sẵn sàng sống theo Tôn Ý Thiên Chúa, Ngài đã nên gương mẫu cho chúng ta về niềm ước mong nóng bỏng, lo cho việc Nước Thiên Chúa mau đến. Hôm nay, bạn có cảm thấy Chúa muốn khơi dậy trong bạn, ngọn lửa Thần Khí đời Ki-tô hữu của bạn, cho nó bùng cháy sáng đốt nóng lên không? Ngọn lửa ấy có thúc đẩy bạn dứt bỏ, lột xác và ra khỏi những gì là tầm thường của cuộc sống, để đời Ki-tô hữu của bạn được Tin-Mừng-hóa không?

Sống Lời Chúa: Chúa ơi, xin cho con luôn sẵn sàng để Lời Chúa như ngọn Lửa Thần Khí bùng cháy lên trong con, thiêu đốt mọi thứ rác rởm, tầm thường, tội lỗi để con được nên thánh như lòng Chúa ước mong hôm nay ! AMEN.

Thứ Sáu 27/10/06

Khôn ngoan nhận định
“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải.” (Lc 12,54-59)

Suy niệm: Để điều trị bệnh, trước hết bác sĩ phải chẩn đoán, xét nghiệm (bắt mạch, đo nhiệt độ, sinh thiết…). Để xúc tiến một cuộc đầu tư sản xuất hay kinh doanh, nhà doanh nghiệp bắt đầu bằng việc nghiên cứu thị trường (tình hình cung cầu, khả năng cạnh tranh, những cơ hội, những rủi ro…). Trước khi sắp xếp một chuyến đi, người đi lại tìm hiểu diễn biến của thời tiết. Nói chung, trong mọi lãnh vực, việc bắt mạch và dự báo là rất quan trọng. Dự báo sai có thể dẫn tới những thảm họa khôn lường (như trường hợp dự báo sai đường đi của cơn bão Chanchu hồi tháng 5). Cũng vậy, cung cách sống đạo và loan báo Tin Mừng của chúng ta hôm nay, để được đúng hướng, cần bao gồm việc nghiêm túc XEM và XÉT các ‘dấu chỉ của thời đại’, chứ không thể chỉ nhắm mắt chúi mũi LÀM! Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: “Sao các người không tự mình xem xét cái gì là phải?”

Mời Bạn: Mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống đều có chuyển tải những thông điệp của Chúa. Chúng ta cần phải khôn ngoan nhận định để biết đâu là điều Thiên Chúa muốn cho mình, trong những chọn lựa hằng ngày và nhất là khi phải đưa ra những quyết định quan trọng. Và để chọn lựa đúng thánh ý Chúa, ta cần có sự bình tâm.

Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về ích lợi của việc áp dụng phương pháp Xem-Xét-Làm? Cách nào để đạt được sự bình tâm?

Sống Lời Chúa: Nhìn mọi biến cố trong đời sống với cái nhìn của Chúa. Siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống có bao điều con phải cân nhắc và chọn lựa. Xin cho con luôn biết khôn ngoan nhận định, luôn đủ quảng đại và dũng cảm để chọn lựa những gì đẹp lòng Chúa.

Thứ Bảy 28/10/06 Th. Simon và Tađêô

Việc không thể thiếu
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. (Lc 6,12-19)

Suy niệm: Trước một việc hệ trọng như việc chọn Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha để biết thánh ý Ngài về những con người sẽ tiếp nối sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Và đây không phải là ngoại lệ đối với Chúa Giê-su. Mọi công việc lớn nhỏ Ngài đều nối kết với thánh ý Chúa Cha. Các tông đồ cũng đã học noi gương Đức Ki-tô. Các ông đã xin Thầy dạy cho biết cầu nguyện. Và trong ngày lễ Ngũ Tuần các tông đồ đã cùng với Đức Ma-ri-a, người Mẹ cầu nguyện, để xin Chúa Thánh Thần ngự xuống. Hội Thánh tiên khởi được ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ cũng là một Hội Thánh chuyên cần cầu nguyện. Cầu nguyện là một việc không thể thiếu trong đời sống ki-tô hữu. Đời sống cầu nguyện sẽ làm tăng thêm niềm xác tín vào Thiên Chúa đầy yêu thương và quan phòng để sống trọn vẹn sứ mạng của mình.

Mời Bạn kiểm điểm đời sống cầu nguyện của mình: Tham dự thánh lễ có nghiêm túc không? Gia đình bạn có giờ cầu nguyện chung hằng ngày không? Trước khi làm bất kỳ việc gì lớn nhỏ, bạn có cầu nguyện không?

Chia sẻ: Nhắc nhở người thân trong gia đình siêng năng cầu nguyện.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn nhớ cầu nguyện (bằng cách nguyện tắt, làm dấu thánh giá, chẳng hạn).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con, để mỗi giây phút sống, con luôn thuộc trọn vẹn về Chúa. Xin cho con thấy rằng, những lúc con tham dự các lễ nghi phụng vụ là con gặp đuợc Chúa. Vậy xin cho biết con tham dự cách sốt sắng. Amen.

Chúa Nhật XXX TN 29/10/06

Nhờ tin nên thấy
“Thưa Thầy, xin cho tôi được thấy.” (Mc 10,46-52)

Suy niệm: Anh mù Ba-ti-mê thật đáng mến. Mù lòa, ăn xin lòng thương của mọi người, anh hiểu thân phận khốn khổ cùng cực của mình, nên khi nghe biết Chúa Giê-su đi ngang qua, không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở, anh mạnh dạn ăn xin lòng thương của Chúa. Anh có một lòng tin đáng nể phục: 1. Anh chẳng chút sợ hãi những tiếng quát nạt của người khác, cứ việc tin tưởng gào to lên. 2. Khi nghe Chúa gọi, anh vất áo choàng, đứng phắt dậy mà đến bên Chúa. Lời anh thưa Chúa, lòng anh với Chúa, là cả một niềm tin vững mạnh. 3. Khi đã hết mù, anh đáp lại Chúa bằng cách đi theo Người. Anh để cho chúng ta bài học đức tin.

Mời Bạn học hỏi kinh nghiệm của anh Ba-ti-mê. Bạn xét mình xem mỗi khi gặp hoàn cảnh éo le hay đau khổ, bạn đã cư xử thế nào: Tin tưởng hay thất vọng? Bền chí hay nản lòng? Đến với Chúa hay xa lánh Ngài? Khi ra khỏi cảnh éo le, bạn có còn nhớ đến Chúa mà cảm tạ tôn vinh Ngài không? Khi gặp trường hợp khốn khổ bất lực, bạn hãy cùng với anh Ba-ti-mê đặt cả niềm tin tưởng và bền chí vào lời cầu nguyện với Chúa và cứ đến với Chúa. Khi cảm nghiệm Chúa thương bạn, bạn hãy cùng anh Ba-ti-mê hân hoan bước theo Chúa, ca ngợi Ngài.

Sống Lời Chúa: Bạn xem chung quanh mình hiện có ai đang gặp thử thách gian truân, bạn hãy kể cho họ câu truyện của Ba-ti-mê, và mời gọi họ tin tưởng cậy trông vào Chúa.

Cầu nguyện: - Lạy Chúa, con đặt niềm cậy trông nơi Ngài (Domine, in Te speravi). - Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương con. - Lạy Chúa, con ca tụng Chúa, vì Chúa đã cứu con.

Thứ Hai 30/10/06

Đứng thẳng và tôn vinh Chúa
Tức khắc Bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. (Lc 13,10-17)

Suy niệm: Có người bị còng lưng vì tuổi già, vì bệnh tật khiến cột sống không thể kham nổi sức nặng của cơ thể. Cũng có khi người ta bị còng lưng dưới sức nặng của bạo lực, áp bức, bất công. Chưa hết, có những chứng còng lưng vì tôn thờ những đồng tiền dơ bẩn, vì nô lệ cho những đam mê dục vọng thấp hèn, hay do luồn cúi chạy theo những danh vọng hão huyền. Bàn tay tác quái của ma quỷ ngày càng lộ rõ hòng trói buộc con người cả tâm hồn lẫn thân xác dưới sự thống trị của chúng: đó là thảm cảnh của người phụ nữ “bị quỷ làm cho tàn tật… lưng bà còng hẳn xuống, và bà không thể đứng thẳng lên được.” Chúa Giê-su giải thoát bà khỏi nỗi đau phải gánh chịu trong suốt mười tám năm. Bà ta “đứng thẳng lên được”, cảm được tấm lòng của Thiên Chúa và một mực tôn vinh danh Ngài.

Mời Bạn: Tình, tiền, tài tự nó vốn không xấu, còn tốt nữa là khác, thế nhưng chúng cũng có thể trở thành những cạm bẫy tinh vi, những gông cùm bắt chúng ta phải “còng lưng” dưới sức nặng của chúng khi chúng ta tìm kiếm chúng với lòng tham lam, chiếm đoạt, hưởng thụ ích kỷ. Bạn có lắng nghe và sống Lời Chúa để Lời giải thoát bạn khỏi những thứ gông cùm đó rồi bạn mới có thể giải thoát tha nhân khỏi mọi thứ nô lệ, áp bức, bất công.

Chia sẻ: Làm thế nào để những phương thế lành mạnh (trò chơi điện tử chẳng hạn) không biến giới trẻ thành những nô lệ bị “còng lưng” vì chúng?

Sống Lời Chúa: Tập chế ngự những đam mê bằng cách trung thành theo một chương trình sống điều độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con vượt qua những đam mê đang làm “còng lưng” con xuống, cho con “đứng thẳng và tôn vinh Thiên Chúa.”

Thứ Ba 31/10/06

Dùng dụ ngôn ví với Nước Trời
Chúa Giê-su nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?” (Lc 13,18-21)

Suy niệm: Để rao giảng về Nước Trời, Chúa Giê-su đã phải cân nhắc “phải ví Nước ấy với cái gì đây”. Nước Trời, một thực tại nhiều người mong đợi nhưng chưa ai nhìn thấy, đã được nói đến nhiều nhưng thường hay bị hiểu lầm. Chúa Giê-su cân nhắc rồi Chúa đã chọn cách dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời.

Mời Bạn: Có người kể chuyện một gánh xiếc về miền quê lưu diễn. Đang chuẩn bị diễn buổi khai trương thì gánh xiếc bốc cháy. Một diễn viên đang đóng bộ cánh chàng hề chạy vội vào làng để kêu người đến giúp chữa cháy. Dân làng được một phen cười no bụng và cho rằng gánh xiếc đã nghĩ ra một lối quảng cáo thật hay. Đến khi họ hiểu ra anh hề có ý báo tin đám cháy thực sự thì cả gánh xiếc đã ra đống tro tàn. Bạn thân mến, việc loan báo Tin Mừng của chúng mình cũng trở thành trò hề nếu chúng mình không nói được thứ ngôn ngữ cho người đương thời hiểu được sứ điệp tình yêu của Đức Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Xin bạn đọc lại và suy gẫm giáo huấn của Giáo Hội: - “Nên theo phương pháp sư phạm có tính khơi gợi, dùng những câu chuyện, dụ ngôn, biểu tượng rất đặc trưng với phương pháp giảng dạy của Á Châu.” - “Để chân lý Phúc Âm trở nên trong suốt, dễ hiểu, dễ đón nhận, ta phải dùng những phương tiện phù hợp với con người hôm nay. Đó là biết sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả phù hợp với văn hoá và tâm lý người đương thời.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ loan báo Tin Mừng bình an cho những người anh chị em đồng bào của con.





  In bài này    Lưu dạng file    Gửi bài này qua Email


Những bài khác:



Gửi bài
Lên đầu trang
  Tin - bài mới nhất 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Văn phòng TGM: Thông báo về Thánh lễ cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Tuần Chầu Lượt
Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Giáo chủ Giáo hội Chính thống Czech và Slovak
Giáo xứ Yên Đại: Khai mạc Tuần Chầu lượt trong Năm Thánh Thể Giáo Phận
Vòng loại Cuộc thi Tri thức Tôn giáo Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội 2018: Cử hành và Sống Đức Tin
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Hội Dòng Chị Em Bác Ái Gioanna Antida Thouret: Thông báo tuyển sinh năm 2018
Giáo xứ Hòa Ninh: Khánh thành nhà thờ giáo họ Minh Lệ
Tòa Giám mục Giáo phận Vinh: Thông báo Lễ Truyền chức Phó tế cho các Đại Chủng sinh khóa XII
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh: Thông báo Khóa học âm nhạc hè 2018
Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria
Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam: Bế mạc Giải Bóng đá Truyền thống Cúp Phục Sinh lần thứ VII
Thư Rao về việc truyền chức Phó tế cho Thầy G.B. Đoàn Văn Huy
Tuần Chầu lượt tại các giáo xứ Nghi Lộc, Làng Anh và Vĩnh Phước (Hà Tĩnh)
Thánh lễ Cao điểm Tuần Chầu giáo xứ Kẻ Mui: 14 tân tòng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm

  Hỗ trợ Web GPVinh 

  Nghe Lời Chúa 


  5 phút suy niệm 


  Các Giờ Kinh Phụng Vụ 


  Vị Thánh trong ngày 


  Web Lam Hồng 


  Đăng nhập/Đ. ký 
Bí danh
Mật khẩu
Mã kiểm traMã kiểm tra
Lặp lại mã kiểm tra
Ghi nhớ

  Giáo Lý - Đức Tin 


  Bác ái xã hội - Caritas 


  Tài liệu mới 
  Danh sách các thầy khóa XII được truyền chức Phó tế
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa XII
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa 12
  HÆ°á»›ng dẫn Mục vụ Thánh nhạc
  "Sống Và Yêu Thật Lòng" / Lm. Micae – Phaolô Trần Minh Huy, PSS
  Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu ThÆ°Æ¡ng) của Đức Phanxicô
  Yêu ThÆ°Æ¡ng là sứ mệnh của chúng ta - Để gia đình sống dồi dào
  Văn bản Đàng Thánh Giá do ĐTC chủ sá»± ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 03/04/2015
  Æ n Gọi Và Sứ Mạng Của Gia Đình Trong Giáo Há»™i Và Trong Thế Giá»›i Ngày Nay
  ÄÃ ng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ - 2015
Xem tiếp...

  Radio Công giáo 



Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net