GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


_READMORE
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 26
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 026
 Lượt tr.cập 055575867
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Diễn đàn Giáo Phận Vinh 28.04.2024
DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH :: Xem chủ đề - Bạn Đường Đức Giêsu

 Chào mừng bạn đến với diễn đàn GIAOPHANVINH.NET


 Xem bài chưa có ai trả lời 
Đăng ký làm thành viênĐăng ký làm thành viên 

gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Sống Lời Chúa Chuyển đến trang Trang trước  1, 2, 3, 4  Trang kế
 Bạn đang theo dõi chủ đề ở chuyên mục : Sống Lời Chúa 
Người đăng Thông điệp
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 09.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (12) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (12)

CÁC BẠN TÌM GÌ THẾ?


Các bạn trẻ thân mến,

Trên từng bước đường cuộc sống, mỗi người trẻ đều có những chọn lựa của riêng mình. Mỗi chọn lựa đánh dấu một chặng đường cuộc sống và tổng hợp các chọn lựa sẽ làm nên chính con người. Có thể nói hãy cho tôi biết bạn chọn gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai. Chọn lựa chính là để đạt đến những gì đang tìm kiếm và mong ước sở đắc. Có những chọn lựa đem lại niềm vui nhưng cũng có những tìm kiếm đưa đến thất vọng. Có những quyết định giúp ta lớn lên nhưng cũng có những sở đắc khiến ta thụt lùi. Vậy, giữa muôn vàn lựa chọn và kiếm tìm, người trẻ nên chọn lựa thế nào?

Tin Mừng thánh Gioan chương thứ nhất kể lại rằng có hai môn đệ đi theo Đức Giêsu, Ngài quay lại hỏi hai ông rằng: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1,38) Đi theo Đức Giêsu, chắc chắn hai môn đệ có sẵn trong lòng những lựa chọn và tìm kiếm của riêng mình: các ông muốn đến gặp và theo Đức Giêsu. Các ông muốn trở nên môn đệ của Ngài. Là bạn đường Đức Giêsu, chắc chắn một lúc nào đó Chúa cũng hỏi chúng ta rằng các bạn tìm gì thế? Đi theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng có những lựa chọn và tìm kiếm của mình. Đành rằng theo Chúa, chúng ta hướng đến những giá trị Tin Mừng và khát mong sở đắc những nhân đức thiêng liêng, nhưng bước đi trên mặt đất, chắc chắn ai cũng có những mơ ước riêng tư.

Trong Tin mừng thánh Matthêu chương 19, sau khi nghe Đức Giêsu rao giảng về sự từ bỏ, và ai quyến luyến với của cải quá mức sẽ khó lòng vào được Nước Trời, ông Phêrô hỏi Đức Giêsu rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27) Chúng ta đừng vội trách ông Phêrô về câu hỏi có phần thế gian như thế. Phêrô là người thực tế và thẳng thắn; ông rất nhiệt tình và quảng đại nhưng cũng rất sòng phẳng. Ông theo Chúa là có mục đích rõ ràng, không mông lung mơ mộng. Theo Chúa, ông phải biết rõ mình sẽ được gì.

Lựa chọn trở thành người Kitô hữu giúp chúng ta trong việc trưởng thành và trở nên con cái Chúa. Đồng thời, có lẽ cũng đặt ra cho chúng ta những thách đố nhất định. Có lúc chúng ta đứng trước câu hỏi “các anh tìm gì thế?” và cũng có thời điểm ta muốn hỏi Chúa rằng theo Chúa con sẽ được gì đây? Hai câu hỏi này sẽ bổ túc cho nhau và soi sáng cho chúng ta ít nhiều trên hành trình theo Chúa. Trong hành trình này, chúng ta cũng cần những khao khát và ước muốn của riêng mình bởi chúng sẽ thúc đẩy và hướng chúng ta đến điều ta tìm kiếm. Sống mà không ao ước gì cả, ta sẽ chẳng biết ta đang muốn gì, đang đi về đâu với động lực nào. Ngược lại, nếu có quá nhiều khao khát và ước muốn, nhất là khi chúng không phù phợp hay thái quá, thậm chí lệch lạc, khi đó, chúng ta đang bị nô lệ cho những quyến luyến riêng tư. Chúng ta không tự bước đi trên hành trình cuộc đời nhưng bị chi phối và lôi kéo bởi những lệch lạc ấy. Vậy nếu ước muốn chúng ta nên ao ước gì và như thế nào?

Điều làm ta phân vân có lẽ là không biết ao ước của ta có phù hợp không? Liệu có đúng đắn khi đã muốn theo Chúa mà còn ao ước thái quá những gì thuộc thế gian? Chúng ta có thể có nhiều thắc mắc kiểu như vậy. Lúc này, câu hỏi Chúa đặt ra cho hai môn đệ khi xưa sẽ soi sáng lựa chọn của ta: “Các bạn tìm gì thế?”

Bước đi theo Chúa trong tư cách là người Kitô hữu, chúng ta không tránh khỏi những quyến rũ của nhiều lựa chọn hấp dẫn. Trong số những lựa chọn ấy, có những nẻo đường dẫn chúng ta xa Chúa, có những kinh nghiệm làm chúng làm ta mất dần căn tính Kitô hữu và có những hấp dẫn giam cầm chúng ta trong lầm đường lạc lối. Những lúc ấy, thật khó để nhận ra mình đang ở đâu, đang tìm kiếm gì, đang theo đuổi cùng đích nào.

“Các bạn tìm gì thế?” vang vọng như tiếng gọi giúp ta tỉnh ngộ và soi sáng giúp nhận ra ta đang ở đâu trên hành trình tìm kiếm đến với Chúa. Lời ấy đánh động và thách đố chúng ta dám từ bỏ những gì đang là cản trở và kìm hãm; đồng thời sẽ giải thoát và định hướng ao ước và lựa chọn giúp ta tiếp tục lên đường với đích nhắm và ao ước tốt lành.

Theo Chúa không có nghĩa chúng ta không được lựa chọn gì cho riêng mình. Đến với Chúa, chúng ta vẫn có những lựa chọn thuộc về bản thân. Lời mời gọi của Chúa Giêsu giúp ta nhận ra rõ ràng hơn ta đang tìm kiếm gì và phải chọn lựa thế nào. Ta vẫn có thể chọn cho mình nghề nghiệp, danh lợi, tài lộc và những thứ cần thiết cho cuộc sống. Vấn đề chỉ nảy sinh khi ta hướng toàn bộ cuộc đời mình vào những tìm kiếm ấy; khi ta đặt những chọn lựa ấy trên hết mọi điều khác, kể cả Chúa.

Chọn Chúa chắc chắn chúng ta phải từ bỏ nhiều thứ, có khi cả những nhu cầu xem ra rất chính đáng. Tuy vậy, lựa chọn đúng sẽ giúp ta lớn lên, trưởng thành hơn trong đức tin và lòng mến. Trên hết, chọn theo Chúa Giêsu ta trở thành con cái của Cha Trên Trời trong tự do và bình an. Lời hứa được gấp trăm cùng với sự sống đời đời làm gia nghiệp dành cho những ai theo Chúa vẫn mãi là bằng chứng và niềm an ủi cho mỗi người chúng ta.

--------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 11.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (13) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (13)

“ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?”


Các bạn trẻ thân mến,

Nếu bất ngờ có người đặt câu hỏi với bạn “Chúa Giêsu là ai?” có lẽ bạn sẽ không gặp khó khăn gì để trả lời rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng Messia, là Đấng Cứu Độ trần gian, … và bạn có thể kể ra nhiều danh hiệu khác dành cho Chúa Giêsu. Tất cả những danh hiệu kể trên hoàn toàn chính xác về Chúa Giêsu và chẳng có ai nghi ngờ về câu trả lời ấy. Đó là những gì chúng ta được nghe và được dạy. Tuy nhiên, biết Đức Giêsu không dừng lại ở kiến thức, không dừng lại ở Đức Giêsu như một con người lịch sử, biết Chúa Giêsu còn hệ ở cái biết cá vị. Có bao giờ bạn tự hỏi, đối với tôi Chúa Giêsu là ai?

Tin mừng thánh Matthêu chương 16 kể rằng khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” Câu trả lời rất nhiều và đến từ nhiều phía: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ.” (Mt 16, 14) Đến khi Đức Giêsu hỏi chính các môn đệ “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Câu trả lời chỉ có một, đến từ một môn đệ mà thôi. Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Ki tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 15)

Là những người bạn đường của Đức Giêsu, chắc chắn có lúc Ngài cũng quay lại hỏi chính mỗi người chúng ta rằng còn con, con bảo Thầy là ai? Đấy là lúc Đức Giêsu muốn nghe câu trả lời cá vị và thiết thân, câu trả lời ngoài những gì ta đã nghe biết về Ngài. Đức Giêsu muốn biết ta nghĩ gì về Ngài, ta cảm thấy Ngài như thế nào, ta tương quan với Ngài ra sao. Câu trả lời không còn là lặp lại những gì đã nghe biết, không phải là “người ta bảo” nhưng là câu trả lời của riêng bản thân mỗi người chúng ta.

Câu trả lời thiết thân chỉ đến từ kinh nghiệm riêng tư, từ tương quan cá vị với Thầy Giêsu. Nếu đã không từng ở với Ngài, không bắt gặp ánh mắt của Ngài, không cùng cảm thức với Ngài, chúng ta khó lòng có được câu trả lời thiết thực Ngài là ai. Biết Chúa Giêsu cách thiết thân là kết quả của một quá trình được mời gọi, đến gặp gỡ, ở với Ngài và biết Ngài cách thâm sâu. Quá trình biết Đức Giêsu là hành trình trở nên môn đệ của Ngài. Không thể nói biết Chúa Giêsu cách đích thực mà lại không được Ngài biến đổi, không trở thành người theo gót bước của Ngài.

Chúng ta thừa hưởng đức tin từ truyền thống giáo hội, từ những chứng nhân gần gụi nơi môi trường sống thường ngày. Có lẽ ít khi nào ta tự hỏi về đức tin của mình và việc biết Đức Giêsu nhiều khi chỉ dừng lại ở những gì ta được nghe biết. Hoặc cũng có khi ta chỉ chú trọng vào việc biết Chúa Giêsu ngang qua kiến thức về Ngài. Tất cả những điều trên đều quan trọng và giúp ta có được cái nhìn đầu tiên về Chúa Giêsu. Bước tiếp theo ta cần có tương quan cá vị và thiết thân với Ngài. Tương quan cá vị chính là câu trả lời của mỗi người cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Con bảo Thầy là ai?”

Đến lượt bạn, câu trả lời này là của riêng bạn.

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.

Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.


(Rabbuni, lời nguyện 33)

------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 11.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (14) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (14)

HÃY THEO THẦY…


Các bạn trẻ thân mến,

Ở tuổi chập chững bước vào đời, nhiều bạn trẻ thường hay băn khoăn lựa chọn cho mình một hướng đi, một con đường, một đích đến. Nói cách khác, các bạn khởi sự hành trình tìm kiếm ơn gọi của bản thân mình. Có thật nhiều lựa chọn mở ra trước mắt bạn trẻ, có nhiều nẻo đường hấp dẫn đang đợi các bạn khám phá, nhưng trong thâm tâm các bạn đều ao ước bước chọn lựa cho mình một hướng đi đem lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống. Không ít bạn trẻ đã khám phá ra ơn gọi của mình, đó là bước đi theo Thầy Giêsu.

Nói đến ơn gọi và đi theo Thầy Giêsu, thoạt tiên không ít bạn nghĩ rằng ơn gọi đó chỉ dành riêng cho những người đặc biệt, những người theo Chúa trong bậc sống tu trì. Thực tế không hẳn như vậy, theo Chúa là ơn gọi của tất cả mọi người dù trong bậc sống nào đi nữa. Điều làm nhiều bạn trẻ e ngại khi nói về ơn gọi theo Chúa có lẽ là điều kiện Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16, 24)

Từ bỏ luôn là một thách đố. Từ bỏ chính mình lại là điều gì đó đụng chạm sâu xa đến chiều sâu của bản thân. “Từ bỏ chính mình và vác thập giá mình” đôi khi gây hoang mang cho tâm hồn nhiều bạn trẻ. Đức Giêsu đã đưa ra một điều kiện quá khó chăng? Vậy chúng ta cần phải hiểu thế nào lời dạy này của Đức Giêsu?

Đức Giêsu đưa ra những lời dạy trên đây trong bối cảnh Ngài loan báo cuộc thương khó của mình. Người môn đệ theo sát gót bước của Thầy Giêsu được mời gọi mặc lấy thân phận tôi tớ như Ngài. Trở nên giống Thầy Giêsu là dám từ bỏ những nghiêng chiều, những quyến luyến lệch lạc để sống cho những giá trị Tin Mừng. Từ bỏ làm chúng ta lo lắng vì chúng ta thường có xu hướng thu vén cho mình càng nhiều càng tốt. Thậm chí, nhiều khi chúng ta lệ thuộc và ao ước thái quá những sở hữu vật chất mà quên rằng cuộc sống hạnh phúc còn được xây dựng bởi những giá trị tinh thần.

Đức Giêsu đánh giá người khác không hệ ở những gì họ có nhưng bởi những gì họ là. Đối với Đức Giêsu, những sở hữu cá nhân đôi khi làm cản trở người ta đến với Nước Thiên Chúa và cách làm chủ bản thân và sở hữu của mình lại là lúc ta dám từ bỏ nó. Do vậy, sở hữu vật chất không thực sự phản ánh giá trị bản thân và từ bỏ không phải lúc nào ta cũng chịu thiệt thòi. Từ bỏ cũng là lúc ta đang vác thập giá của mình. Từ bỏ những hấp dẫn tạm bợ là lúc ta gặt hái những giá trị vĩnh cửu. Từ bỏ những nghiêng chiều của bản thân là lúc ta làm chủ những ước muốn và chiến thắng chính bản thân mình.

Bên dưới cách nghịch lý “được – mất” trong lời dạy của Đức Giêsu là chân lý dẫn đưa người ta đến tự do và thanh thản. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16, 25) Có những điều ta khao khát chiếm hữu để rồi nhận ra rằng ta đang là nô lệ và lệ thuộc cho những giá trị chóng qua. Hay có khi ta chạy theo những giá trị tầm thường để rồi nhận ra rằng chúng chẳng đem lại điều gì ích lợi cho bản thân mình. Những lúc ấy, tuy ta được những điều lợi trước mắt nhưng lại đang đánh mất chính bản thân mình. Ngược lại, khi dám từ bỏ những quyến luyến và sống cho những giá trị cao quý, ta đang tích trữ cho mình kho tàng không mục nát và làm đẹp bản thân mình nhờ những giá trị vĩnh cửu.

Các bạn thân mến,

Theo Chúa là ơn gọi của tất cả chúng ta và ước vọng của Đức Giêsu là mỗi chúng ta trở nên con cái Cha Trên Trời ngang qua việc sống tròn đầy ơn gọi ấy. “Từ bỏ mình và vác thập giá mình” không trở thành gánh nặng nhưng giúp ta tìm được chính mình, trở nên người hơn bởi có thể làm chủ bản thân và trên hết, giúp ta sống theo mẫu gương của Thầy Giêsu để trở nên giống Ngài mỗi ngày.

Đi theo Đức Giêsu, sẽ có lúc ta nhận ra rằng mình được nhận lãnh nhiều hơn những gì đã từ bỏ. Chúa luôn đợi chờ chúng ta mở lòng ra với Ngài. Ta dám từ bỏ một chút riêng tư của mình, và chắc chắn Chúa sẽ đổ đầy những khao khát và ước vọng của ta với những quà tặng và ân sủng lớn lao. Ước gì giữa những lựa chọn rất thường ngày của mỗi người, chúng ta cũng có thể thân thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy, chúng con sẽ đến với ai? Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6, 68)

-----------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 14.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (15) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (15)

ĐỨC GIÊSU DẸP YÊN SÓNG GIÓ


Các bạn trẻ thân mến,

Nhìn vào hành trình theo Chúa của các môn đệ, chúng ta chứng kiến nhiều biến cố thú vị, từ những chuyến dong duổi đường dài để rao giảng tin mừng Nước Trời, đến những biến cố lạ thường hoá bánh ra nhiều nuôi sống nhiều ngàn người. Những biến cố ấy đem lại niềm vui và an ủi cho các môn đệ sau những vất vả ngược xuôi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chứng kiến vài biến cố khác nơi mà các ông bị thử thách, phải trải qua những kinh nghiệm khó khăn hơn. Và đó cũng là một phần trên bước đường theo Chúa.

Chuyện xảy ra vào một ngày nọ, Đức Giêsu lên thuyền với các môn đệ và Ngài muốn sang bên kia hồ. Đang khi ở trên thuyền, Đức Giêsu thiếp ngủ và một trận cuồng phong ập đến, thuyền các môn đệ bị ngập nước và lâm nguy. Các ông liền đến bên Đức Giêsu đánh thức Người rằng: “Lạy Thầy, lạy Thầy! Chúng ta chết mất!” (x. Lc 8, 22-24)

Chúng ta có thể nhận ra sự nguy cấp trong lời kêu cứu của các môn đệ. Trong số các ông, ít là có bốn người làm nghề chài lưới, thông thuộc biển hồ, thế mà khi sóng to gió lớn ập đến, các ông vẫn bị nỗi sợ bao trùm. “Chúng ta chết mất!” vừa là lời đánh thức Đức Giêsu, vừa là lời cảnh báo về sự lâm nguy cho cả Thầy Giêsu nữa! Có lẽ các môn đệ đã trải qua thời khắc khó khăn và nguy hiểm, các ông đã kinh nghiệm được sự mong manh giữa sống và chết. Sau khi sóng yên biển lặng, các ông còn chưa hết bàng hoàng nhận ra mình còn sống sót thì lại kinh ngạc hơn khi chứng kiến Thầy mình ra lệnh cho cả sóng gió và chúng phải tuân phục.

Nhìn vào kinh nghiệm của các môn đệ, chúng ta ít nhiều cảm nghiệm tình cảnh của mình trong đời sống thường ngày. Có lẽ cũng có lần chúng ta trải qua thời điểm khó khăn như thế. Kinh nghiệm nỗi đau của bệnh tật, đứng trước sự mất mát của những người thân, hay kinh nghiệm cay đắng của những vấp ngã, thất bại… chúng ta thấy mình bị thử thách tột cùng. Cũng có khi tâm hồn ta rơi vào hoang mang, sợ sệt và sầu khổ. Những lúc ấy, tâm hồn ta rơi vào tình trạng bất an khiến ta thực sự thấy mọi thứ thật tồi tệ, không tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống và những nỗ lực trở nên vô vọng.

Lời kêu cứu khẩn thiết “Lạy Thầy, chúng ta chết mất!” thường vang lên như thể muốn lôi kéo cả Chúa vào cuộc, dường như muốn nói với Chúa rằng nếu con ở trong hiểm nguy, thì Chúa cũng ở trong cùng cảnh ngộ với con đấy! Chúng ta cũng kinh nghiệm rằng những lời kêu cầu của ta dường như không có lời đáp trả, giữa những khó khăn thử thách, dường như Chúa vắng mặt, nơi nhiều tình huống cuộc sống, ta có cảm tưởng Đức Giêsu đang “thiếp ngủ”?

Cuộc sống chắc chắn có những thời điểm khó khăn, đức tin của ta chắc chắn có lúc chịu thử thách. Những biến cố ấy giống như những gam màu tối của một bức tranh, chúng giúp làm nổi bật những màu sắc sinh động khác. Nếu chỉ nhìn vào những khổ đau, ta sẽ chỉ nhìn thấy những gam màu tối và quên đi bức tranh tổng thể cuộc đời được tô điểm bằng nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Chúng ta không tìm nỗi buồn nhưng đó là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống. Một cách tự nhiên, chúng ta có thể lo buồn hay sợ sệt vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, chúng ta không cho phép mình ở mãi trong nỗi buồn ấy. “Đức tin của anh em ở đâu?” là lời tra vấn Đức Giêsu cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta. Chắc chắn, ngang qua thử thách, đức tin của ta được trưởng thành và vững vàng hơn trong niềm trông cậy và Thầy Giêsu.

Đức Giêsu đã trỗi dậy và dẹp yên sóng gió, Ngài cũng đã chỗi dậy từ cõi chết để chiến thắng tội lỗi và sự dữ, đem lại ơn cứu độ và bình an cho nhân loại. Chúa Giêsu đã hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày, Ngài vẫn luôn ở với chúng ta trên cùng một con thuyền. Giữa từng bước đường cuộc sống, Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta để khích lệ, nâng đỡ và giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy và thử thách. Ước gì bước đi với Ngài, chúng ta được củng cố trong đức tin, được gia tăng lòng mến để hành trình cuộc đời của chúng ta thêm ý nghĩa và bức tranh cuộc sống chất chứa hạnh phúc đích thực.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 15.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (16) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (16)

HOA HUỆ NGOÀI ĐỒNG


Các bạn trẻ thân mến,

Các môn đệ theo Đức Giêsu đã từ bỏ mọi sự, lên đường với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thầy mình và tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Để lớn lên trong niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng, các ông đã có lần đi cùng Thầy mà bụng đói đến nỗi phải bứt bông lúa ăn, đã từng vất và chèo chống con thuyền ngược gió trong đêm tối, đã trải qua kinh nghiệm hoang mang lo sợ khi Thầy Giêsu đi vào cuộc thương khó. Đứng trước như nhu cầu thực tế thường ngày, Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ rằng: “Đừng lo lắng cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc.” (Lc 12, 22-23)

Nghe những lời này chúng ta không khỏi ngạc nhiên xen lẫn một chút do dự vì thực tế cuộc sống luôn gắn liền với những nhu cầu thiết yếu nhất. Làm sao chúng ta “đừng lo lắng” như lời Đức Giêsu nói với các môn đệ?

Có thể thấy rằng trong lời nói của mình, Đức Giêsu phân biệt hai khía cạnh mạng sống và của ăn, và thân thể và áo mặc. Theo đó, mạng sống là điều quý giá hơn của ăn, thân thể thì quan trọng hơn áo mặc. Mạng sống là quà tặng ân sủng của Thiên Chúa như là điều thiêng liêng và nhiệm màu, thân thể con người được hiện diện phản ánh dung mạo Thiên Chúa. Để mạng sống và thân thể được an toàn, chúng ta cần đến của ăn và áo mặc, nhưng không vì thế mà ta quên đi giá trị cao quý của mạng sống và thân thể. Vì vậy, Đức Giêsu muốn nhắc nhớ liệu ta đang lo lắng thái quá cho những điều phụ mà quên đi giá trị thực chất của bản thân trước mặt Chúa chăng?

Đức Giêsu đưa ra bằng chứng về chim trời không gieo không gặt mà vẫn được nuôi sống, hay hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi dệt vải mà vẫn được mặc đẹp, những tạo vật chóng qua nhưng được Thiên Chúa yêu thương tô điểm như thế, vậy đối với con người, Thiên Chúa còn quan phòng và yêu thương nhiều hơn gấp bội. Hình ảnh chim trời và hoa huệ cho chúng ta cái nhìn thật thanh thản và bình an trong tình yêu thương của Chúa. Nơi tạo vật nhỏ bé mong manh ấy, chúng ta nhìn ra tình yêu lớn lao của Đấng Tạo Hoá dành cho chúng.

Trong thực tế, chắn chắn chúng ta không khỏi lo lắng cho những nhu cầu thường ngày. Hơn nữa, chăm lo cho mạng sống và thân thể cũng là lúc ta đang trân trọng đúng mức qua tặng của Thiên Chúa là sự sống linh thiêng. Tuy vậy, chăm lo cho những nhu cầu ngày càng tăng của bản thân nhiều khi đưa chúng ta vào thái cực lo lắng quá mức cho riêng mình mà quên đi xung quanh chúng ta còn có nhiều người khác đang cần trợ giúp. Lo lắng thái quá rốt cuộc kéo ta trở lại vào vị trí lệ thuộc nhu cầu và mất dần vẻ thảnh thơi nhẹ nhàng của con cái Chúa. Khi đó chúng ta có nguy cơ không nhìn ra ân huệ Thiên Chúa ban mà chỉ thu vén cho mình một thế giới riêng tư.

Kinh nghiệm cuộc sống cho ta thấy rằng không phải lúc nào ta cũng đạt được thái độ và tình trạng quân bình theo lời dạy của Đức Giêsu. Tuy vậy, sống trong sự tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa cho ta bình an và thanh thản nơi tâm hồn để không quá cậy dựa hay bám víu vào tạo vật, giúp ta biết mở lòng mình ra đối với đồng loại và quảng đại trao tặng cho tha nhân những ân sủng đã lãnh nhận.

Lạy Chúa,
những lúc con cảm thấy đói,
xin ban cho con một ai đó đang cần của ăn.
Khi con khát,
xin gửi đến cho con
một ai đó đang cần nước uống.
Khi con lạnh lẽo,
xin gửi đến cho con
một ai đó đang cần được sưởi.
Khi con bị xúc phạm,
xin ban cho con một ai đó đang cần ủi an.
Khi thập giá của con trở nên nặng nề,
xin ban cho con
thập giá của một người khác để cùng chia sẻ.
Khi con túng nghèo,
xin dẫn đến cho con một người thiếu thốn.
Khi con không có thời giờ,
xin ban cho con ai đó để con giúp họ giây lát.
Khi con nản chí,
xin gửi đến cho con một người cần khích lệ.
Khi con chỉ biết nghĩ đến mình,
xin xoay chuyển tư tưởng con
hướng đến tha nhân.


(Trích trong PRIER)

------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 16.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (17) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (17)

CHẠNH LÒNG THƯƠNG


Các bạn trẻ thân mến,

Trên hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu và các môn đệ đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều biến cố và bản thân các môn đệ cũng trải qua những kinh nghiệm khác nhau. Nơi những kinh nghiệm ấy, các môn đệ chứng kiến và kinh nghiệm các hành xử của Thầy Giêsu và qua đó, các ông đúc kết thành bài học cho bản thân mình.

Tin mừng Mátthêu tường thuật công việc rao giảng của Đức Giêsu một cách điển hình như sau: “Đức Giêsu đi khắp các thành thị và làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 9, 35) Có lẽ qua những hoạt động của Đức Giêsu đối với dân chúng, các môn đệ cũng được nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá. Bên cạnh đó, giữa những hoạt động tấp nập thường ngày, các môn đệ còn có dịp nhìn ra nơi Thầy mình nét rất riêng, rất đặc trưng của Thầy Giêsu: “Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9, 36)

Như các môn đệ, chúng ta có thể nhìn ra nơi Đức Giêsu nhiều hoạt động cứu giúp người nghèo, chữa lành nhiều bệnh nhân hay những phép lạ lớn lao khiến nhiều người sửng sốt đến kinh ngạc. Bên dưới những hành động ấy chính là con tim biết chạnh lòng thương. Đức Giêsu đã thổn thức khi nhìn cảnh bà mẹ goá đưa tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang, ngài đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông vất vả lầm than, Ngài đã khóc thương khi nghe biết anh bạn Lazarô qua đời. Trên hết, nơi Đức Giêsu, chúng ta thấy rõ những cảm xúc, những rung động của một con tim rất con người.

Bài học đầu tiên Đức Giêsu muốn các môn đệ phải thuộc lòng chính là biết chạnh lòng thương. Đi theo Đức Giêsu, các môn đệ được mời gọi trở nên giống Ngài, biết tạo cho mình thói quen biết rung động trước những hoàn cảnh khốn khó của người khác, trước những người đang thực sự cần giúp đỡ. Chạnh lòng thương không có nghĩa là bày tỏ lòng thương xót, không chỉ là nghĩa cử thương hại nhưng là đồng cảm và đồng hoá mình với người khốn khó.

Chạnh lòng thương là nét đẹp nơi con người Đức Giêsu và cũng là tính cánh nơi mỗi người chúng ta. Một tính cách con người nhưng xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của Tình Yêu Thương. Đức Giêsu cũng đã ở trong cung lòng của Chúa Cha, đã kín múc cho mình ân sủng tình yêu từ nguồn mạch vô biên của Cha. Mở lòng ra với ân sủng là điều cần thiết để có một con tim biết rung động và chạnh lòng thương.

Thực tế cuộc sống có nhiều điều khiến ta đôi khi đóng kín lòng mình lại. Những đòi buộc khắt khe của cuộc sống lôi ta vào những toan tính thiệt hơn để rồi ta chẳng còn đủ thời gian để dừng lại, để chiêm ngắm và mở lòng mình ra với Chúa. Tự do của con người giúp chúng ta làm chủ bản thân nhưng cũng có lúc tự do ấy ngoảnh mặt đi trước những bàn tay đang ngửa xin, trước những ánh mắt hy vọng của tha nhân.

Cuộc sống thường vội vàng và nhộn nhịp, đôi khi ta không kịp dừng lại để con tim có cơ hội rung lên trước những thân phận đang gặp cảnh gian truân. Hay có khi con tim chỉ rung lên theo một cung bậc tạm thời nào đó để rồi sau đó ta lại trở về với thế giới của mình. Chạnh lòng thương như Đức Giêsu giúp ta dám bước vào cuộc đời của ai đó để đồng cảm, để sẻ chia với họ những gian nan sầu khổ.

Chạnh lòng thương không chỉ là nét riêng của Đức Giêsu hay của các môn đệ Ngài nhưng tất cả chúng ta được mời gọi để biết và dám chạnh lòng thương như Ngài. Trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, không phải thầy Lêvi, cũng không phải thầy tư tế, những người đang vội bước đến với công việc của mình, là những người chạnh lòng thương đối với người bị nạn nhưng lại là một người Samari, người bị coi là ngoại đạo, bị đánh giá thiên về thù hận hơn là yêu thương. (x. Lc 10, 29-35)

Ước gì chúng ta được ban tặng con tim biết rung động, dám chạnh lòng thương như Thầy Giêsu vì Ngài đã đến và sống giữa chúng ta như một người với con tim biết rung động và dám chạnh lòng thương chúng ta.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (18) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (18)

NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN GẦN


Các bạn trẻ thân mến,

Khởi đầu hành trình rao giảng của mình, Đức Giêsu loan báo cho người ta một thông điệp mới: “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 15) Thông điệp thật ngắn gọn nhưng chất chứa cả chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người sẽ được hoàn tất nơi Đức Giêsu. Đi theo Đức Giêsu, chúng ta cũng sẽ đón nhận thông điệp này như điểm khởi đầu của hành trình bởi trên hết, đi theo Ngài, chúng ta phải chọn lựa cho mình một hướng đi nhất định, phải chấp nhận bước sang một ngã rẽ khác, một nẻo đường khác, nơi đó chúng ta bước đi với Thầy Giêsu.

Trong thông điệp Đức Giêsu loan bao, chúng ta nghe được những chi tiết sau: “Thời kỳ đã mãn” là điều Đức Giêsu khẳng định với dân chúng về thời điểm Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài, lời hứa được các ngôn sứ loan báo xưa và nay sẽ được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu. “Nước Thiên Chúa đã đến gần” là tin vui cho muôn dân nước khi Thiên Chúa thiết lập vương quyền của Ngài trên mặt địa cầu mà hiện thân chính là Đức Giêsu. Để đón nhận Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu kêu gọi người ta “hối cải và tin vào Tin Mừng”. Hối cải như là điểm khởi đầu cho hành trình đi vào Nước Thiên Chúa.

Trong thông điệp trên chúng ta thấy hối cải là đòi buộc duy nhất để chuẩn bị bản thân cho phù hợp với Nước Trời. Theo đó, hối cải có nghĩa là thay đổi con đường của mình để quay trở về với Thiên Chúa và lời dạy của Ngài. Hối cải vì thế là một quá trình nhận ra và thay đổi chính mình. Quá trình dựa trên tư do và quyết định riêng tư, hối cải không thể ép buộc hay máy móc. Hối cải tự nó là những gì xảy ra bên trong con người dưới tác động của ân sủng. Lời mời gọi hối cải Đức Giêsu ngỏ với dân chúng như một dấu chỉ để người ta nhìn lại đời sống riêng tư của mình.

Hối cải cũng có nghĩa là khiêm tốn chấp nhận con người thật của mình, là biết nhìn nhận mình nhỏ bé trước mầu nhiệm cao cả là Nước Trời. Khiêm tốn đơn sơ giúp người ta dễ mở lòng mình ra trước lời mời gọi của Chúa. Lời mời gọi xuất phát từ con tim chỉ được đáp lại cũng từ con tim chân thành và yêu mến. Thực tế đời sống, ta hay khoác lên mình những áo choàng, hay đến với người khác qua những mặt nạ để rồi cái nhìn của ta về người khác cũng theo cái tiêu chuẩn hào nhoáng bên ngoài. Đối với Chúa, Ngài có cái nhìn khác, cái nhìn vào sâu thẳm tâm hồn con người.

Khi nói về mầu nhiệm Nước Trời, có lần Đức Giêsu đã thốt lên rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn.” (Mt 11, 25) “Kẻ bé mọn” Đức Giêsu nói đến là những ai khiêm tốn mở lòng ra với mầu nhiệm Thiên Chúa, với tinh thần Nước Trời. Khi sở đắc tri thức ngày càng cao, con người có khuynh hướng muốn nắm bắt và giải nghĩa những mầu nhiệm cao siêu và có thể tự cho mình là đã thấu hiểu được Chân Lý. Khi đó, ta có nguy cơ rơi vào việc nhìn các mầu nhiệm Thiên Chúa dưới lăng kính của tri thức, dưới sự hiểu biết của con người.

“Nước Thiên Chúa đã đến gần” sẽ còn vang vọng mãi như một sứ điệp của niềm vui và hy vọng. Sứ điệp ấy đợi chờ sự đáp trả của những tâm hồn khiêm nhu và chân thành, niềm vui và hy vọng sẽ tuôn đổ đầy tràn những con tim rộng mở trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Một khi tâm hồn biết lắng nghe và đón nhận lời mời gọi từ bên trong, khi đó Nước Trời như hạt giống nhỏ bé bắt đầu nảy sinh và tăng trưởng.

Nước Trời không đến như một thực tại từ bên ngoài con người, nhưng bén rễ và sinh trưởng ngay trong tâm hồn những ai đón nhận với lòng khiêm nhu. Nếu để cho lời của Đức Giêsu chấn vấn chúng ta, nếu tự lòng chúng ta ao ước trở nên con cái Nước Trời, chúng ta sẽ được chính Thần Khí dẫn đưa và trợ giúp. Ước gì hạt giống Nước Trời bén rễ và sinh trưởng mãnh liệt trong đời sống chúng ta. Ước gì sứ điệp của Đức Giêsu không mãi là “Nước Trời đã đến gần” nhưng thực sự hiện hữu sống động trong cuộc đời mỗi chúng ta.

------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (19) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (19)

ÔNG DA-KÊU


Các bạn trẻ thân mến,

Phụng vụ Giáo Hội đã bước vào mùa Chay và chúng ta được mời gọi đi vào tiến trình thiêng liêng của tâm hồn qua cầu nguyện, chay tịnh và thay đổi bản thân. Kinh nghiệm được Chúa biến đổi hẳn không thể phai mờ trong tâm trí chúng ta vì biến cố ấy là bước ngoặt khiến chúng ta đổi đời, giúp ta bước sang một hướng đi mới được soi dẫn và trợ lực bởi chính Thiên Chúa trong kế hoạch yêu thương của Ngài. Trên hành trình theo Chúa, chúng ta cũng đôi lần bắt gặp những biến cố ấy được thuật lại trong Tin Mừng.

Một lần nọ Đức Giêsu vào Giêrikhô và Ngài đi ngang qua thành ấy. Có một người tên Dakêu muốn xem cho biết Đức Giêsu là ai nhưng không thể được vì dân chúng thì đông mà ông lại thấp. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu vì Người sắp đi ngang qua đó. (x. Lc 19, 1-4) Câu chuyện đơn sơ được thánh sử Luca kể lại là khởi đầu cho một cuộc đổi đời.

Dakêu là người đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, chỉ cần một câu ngắn gọn trên thôi, người ta có thể thấy cả một lịch sử dài của cuộc đời một con người. Người thu thuế bị coi là người tội lỗi, phản bội đồng bào và thường thu vén của cải cho mình theo cách thức ít nhiều bất chính. Dưới mắt người khác, Dakêu bị coi khinh và kết án như người tội lỗi, cả về mặt dân sự lẫn khía cạnh luân lý. Chắc hẳn, bản thân Dakêu cũng chẳng mấy bình an với cái nhìn thiếu thiện cảm của người khác. Chẳng vui thích gì khi biết mình trở thành quy chiếu cho lòng tham của cải bất chính. Có lẽ ông cũng từng muốn đổi đời để sống cho thanh thản hơn. Nhưng làm thế nào bây giờ?

Nghe biết về Đức Giêsu, Dakêu muốn xem cho biết Ngài là ai. Mong ước bình thường thế mà dường như lại trở nên khó khăn. Lạc lõng và thấp bé giữa đám đông dân chúng như một lần nữa phản ánh thân phận bị loại ra bên lề xã hội của Dakêu. Rất may nhờ vào sáng kiến chạy lên phía trước, vượt ra khỏi đám đông để chọn cho mình một vị thế thích hợp hầu có thể gặp Đức Giêsu, Dakêu đã được chính Đức Giêsu nhìn đến và Ngài còn muốn lưu ngụ lại nhà ông. Trên đường đến với Chúa, có lẽ cũng cần một chút nỗ lực của riêng ta.

Lời khẳng định của Đức Giêsu đối với ông Dakêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” như một bằng chứng về sự công chính của ông trước mặt dân chúng. Lời ấy như xoá đi gánh nặng tội lỗi cho Dakêu, làm mới lại dung mạo của người con cháu ông Apraham, người con cái Chúa. Dakêu được biến đổi vì ông được Thiên Chúa thương mến. Đã chẳng có cuộc gặp gỡ diện đối diện nào trước đó giữa Đức Giêsu và Dakêu nhưng nơi Dakêu có lẽ đã tồn tại từ lâu khát vọng công chính, ông đã ao ước thay đổi cuộc đời. Chỉ cần như thế thôi, và khi đứng trước tình yêu bao dung và vòng tay luôn rộng mở của Chúa, Dakêu đã tìm được nguồn bình an và tâm hồn được tràn đầy niềm an ủi.

Các bạn thân mến,

Kinh nghiệm hoán cải của Dakêu và cuộc hội ngộ đổi đời của ông với Đức Giêsu cho chúng ta những hiểu biết hơn về tình thương của Chúa, gợi lên trong chúng ta niềm an ủi vì biết rằng lòng bao dung của Chúa lớn lao hơn cả những yếu đuối của con người, và giúp chúng ta dám cất bước quay trở về với đường nẻo tốt lành bằng những nỗ lực nho nhỏ của mình.

Đức Giêsu đã đến và ở lại nhà ông Dakêu giữa những tiếng xì xầm rằng: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ.” (Lc 19, 7) Chắc chắn Đức Giêsu biết điều này nhưng Ngài không ngại đi bước trước đến với Dakêu. Sự quảng đại của Dakêu chỉ đến sau khi ông đã lãnh nhận và cảm nghiệm cách thiết thân tình yêu lớn lao Thiên Chúa dành cho mình. Đứng trước tình yêu cao cả ấy, con người chỉ có thể đáp lại bằng trọn cả con tim và tâm hồn mình và thực hành bác ái đối với anh chị em đồng loại. Cuộc đời Dakêu giờ đây đã đổi khác vì “hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.”

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đến và xin được cư ngụ trong ngôi nhà tâm hồn của chúng ta. Lời đề nghị ấy có thể chịu lạc lõng giữa những tiếng mời gọi khác hấp dẫn hơn đến từ nhiều phía cuộc sống. Nhưng chắc chắn, Chúa Giêsu không ngại chờ đợi ta đáp trả và đón tiếp Ngài vào nhà mình. Tình yêu thương của Chúa luôn tràn đầy, điều còn lại tuỳ thuộc nơi chúng ta đón nhận thế nào mà thôi.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (20) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (20)

KHÔNG KẾT ÁN


Các bạn trẻ thân mến,

“Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.”
(Tv 32,1)

Lời Thánh Vịnh trên đây diễn tả niềm vui và bình an sâu thẳm nơi tâm hồn khi nhận được tình yêu thương tha thứ và hoà giải với Thiên Chúa. Người lỗi lầm nếu có bị lên án thì cũng là lẽ thường tình, nhưng đối với Thiên Chúa, lên án không phải là lựa chọn tốt nhất.

Chuyện xảy ra vào một buổi sáng khi Đức Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, có một nhóm kinh sư và người Pharisêu dẫn đến một phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Theo Luật thì người phụ nữ phải chịu ném đá nhưng đây lại là cơ hội tốt để những kinh sư và người Pharisêu đặt Đức Giêsu vào tình huống khó xử. Họ hỏi: “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Một câu hỏi nhẹ nhàng có vẻ tỏ lòng khiêm tốn nhưng bên trong lại chứa đầy thâm ý với ý định tìm bằng chứng tố cáo Người.

Khung cảnh hội đường lúc ấy thật căng thẳng, mọi người im lặng chờ đợi. Chị phụ nữ lo lắng và run sợ chờ đợi cái chết nhục nhã đang đến gần, những khi sư và người Pharisêu chờ đợi giây phút Đức Giêsu lỡ lời hay phải bẽ mặt trước toàn dân, những người khác đang lăm lăm những viên đá trong tay chờ đợi được thoả cơn tức giận hay là để hoà vào với đám đông tự cho mình là công chính và có quyền kết án người khác.

Trong cái im lặng chết người ấy, con người đang thách đố Thiên Chúa bằng chính tự do và lựa chọn của mình. Đức Giêsu, Đấng ban tặng sự sống cho con người giờ đây đứng trước lựa chọn cứu sống hay lên án, duy nhất một mình Người là Đấng Công Chính có quyền lên án giờ đây đứng trước nguy cơ bị chính con người tội lỗi lên án. Đức Giêsu cũng đang im lặng chờ đợi, Ngài chờ đợi và hy vọng con người biết nhìn ra yếu đuối của mình hơn là xăm soi lỗi lầm người khác. Im lặng và lấy ngón tay viết trên đất, Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi sự thức tỉnh của tâm hồn người ta.

Tin Mừng nói rõ rằng “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông không có tội, thì cứ lấy đá ném chị này trước đi.’” (Ga 8, 7) Đức Giêsu đã không đưa ra ý kiến về câu hỏi của họ, Ngài cũng chẳng kết luận về chị phụ nữ nhưng nhắc nhớ người ta về thân phận con người bất toàn của họ. Chẳng có ai muốn mình bị kết án, và cũng chẳng ai yêu thích kẻ kết án mình. Hơn nữa, thân phận con người bất toàn và yếu đuối, kết án và bị kết án nào có lợi gì, có lẽ chỉ đào sâu thêm ngăn cách và thù hận. Về khía cạnh luân lý, chẳng ai có thể lên án người khác ở vị thế của người công chính, thế nên Đức Giêsu hiểu, thông cảm và muốn hoà giải tất cả mọi người, hoà giải họ với Thiên Chúa và với đồng loại.

Nghe Đức Giêsu nói vậy, họ lần lượt bỏ đi, cũng trong thinh lặng. Từng bàn tay buông rơi viên đá xuống đất, họ cũng để cho lòng mình nhẹ vơi những giận ghét và phẫn nộ. Nhẹ nhàng hơn để thấy rõ bản thân mình, soi vào tấm gương của Đức Giêsu để biết mình nhiều hơn. Họ rút lui trong thinh lặng, không phải cái thinh lặng căng thẳng và chết người như cách đây ít lâu, nhưng là thinh lặng của tâm hồn, của con tim hối cải. Rút lui khỏi việc lên án chị phụ nữ, họ đã tiến một bước trong việc biết mình và hoán cải cõi lòng.

Đám đông bỏ đi hết, Đức Giêsu nói với chị phụ nữ: “Không ai kết án chị sao?” Chị đáp: “Thưa Ngài, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu! Chị về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 7, 10-11) Chắc chắn chị phụ nữ đầy tràn niềm vui và hạnh phúc: vui vì không bị kết án, vui vì chị dường như vừa trở về từ cõi chết; hơn thế nữa, chị hạnh phúc vì được tha thứ, được giao hoà với Thiên Chúa và anh chị em mình. Chị đã trải nghiệm sự việc từ đầu và hiểu rằng hôm nay chị gặp được một vị ngôn sứ, một người không giống ai trong số các kinh sư, người Pharisêu và đám đông kia. Chị đã gặp Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu, từ việc là trung tâm của âm mưu lên án, trở thành nguồn của hoà giải và bình an. Đức Giêsu đã không phá bỏ luật Môsê nhưng kiện toàn luật ấy trong tình yêu và tha thứ.

Các bạn thân mến,

Đến với Đức Giêsu, chúng ta cũng thử đặt mình vào vị trí của một người chứng kiến sự việc, một người trong đám đông ấy, để nhìn ngắm dung mạo của từng người. Qua họ, ta cũng có cơ may nhìn ra dung mạo của mình và để được chính Đức Giêsu thánh hoá và làm cho dung mạo ấy trở nên giống Ngài hơn.

------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (21) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (21)

GẦN VÀ XA


Các bạn trẻ thân mến,

Nhắc đến Tin Mừng Luca chương 15, chúng ta nghĩ ngay đến dụ ngôn người cha nhân hậu, câu chuyện cảm động về tình phụ tử như một quy chiếu hữu hình thánh sử Luca dùng để loan báo về lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa. Về phía hai người con trai, chúng ta còn thấy những bộc lộ tình cảm khác nhau của họ đối với cha mình. Họ khác nhau về tính tình, khác nhau về cách cư xử với cha nhưng lại giống nhau ở một điểm: không thích ở gần cha mình.

Người con thứ đúng là một mẫu người ăn chơi, dám đến xin cha chia gia tài khi đang còn ở với cha. Sau đó, anh ta thu gom hết của cải rồi lên đường, rời xa ngôi nhà cùng người cha của mình để vui hưởng tháng ngày tự do rong chơi, phung phí tiền bạc, thoả mãn ước mơ. Anh ta có vẻ vui thích khi không ở trong nhà mình. Để rời xa cha, anh ta đã toan tính kế hoạch kỹ càng và chẳng một chút do dự bước ra khỏi nhà.

Số phận thật chớ trêu, khi anh ta tiêu hết tiền của thì lại xảy ra nạn đói trong vùng, anh lâm cảnh túng thiếu và phải đi làm thuê một công việc bị coi là nhục nhã đối với dân tộc mình. Trong đơn độc, túng thiếu và đói ăn, anh thanh niên tự nhủ rằng: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha mình được cơm dư gạo thừa, mà mình ở đây lại chết đói!” Có lẽ do tình cảnh khốn cùng và thêm một chút tự ái, anh thanh niên quyết định quay trở về xin được như người làm công cho cha. Anh biết mình đã lỗi phạm với Trời và với cha, chẳng còn đáng là con nữa, vì thế vị trí thích hợp hơn cả là người làm công cho cha vậy.

Anh đã rời xa ngôi nhà và người cha thân thương. Ước vọng và thú vui khiến anh không nhận ra tình yêu thương cha dành cho mình. Khi đi xa và rơi vào khốn khó, anh nhận ra rằng mình còn thua một kẻ làm công trong nhà, những kẻ mà có lẽ khi còn ở nhà anh không bao giờ chú ý đến. Xa cha, anh dần dần đánh mất tư cách làm con. Anh không chỉ tiêu hết tiền mà còn làm nghèo chính bản thân mình, tự coi mình như người làm công trong chính nhà của mình.

Điểm sáng duy nhất nơi anh còn sót lại là quyết định quay trở về, thú nhận lỗi lầm với cha và hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Anh thanh niên ắt hẳn rất bất ngờ trước tình yêu thương của cha. Anh không bị trách mắng, không phải làm người giúp việc, nhưng trở lại làm con của cha. Quay về là để ở với cha, là để được làm con cái trong nhà. Anh tuy xa mà gần.

Việc anh trở về và được cha đón nhận là biến cố vui cho cả nhà trừ một người: người con cả. Anh nổi giận vì biết rằng đứa em hư hỏng trở về mà cha lại mở tiệc ăn mừng và quyết định không vào nhà. Đáp lại lời năn nỉ của cha, anh đáp: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng bao giờ trái lệnh, thế mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê nhỏ để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng nó!” (Lc 15, 29-30)

Những gì anh con cả bộc lộ chính là tâm tình thật của anh với cha bao lâu nay. Anh ở trong nhà, vâng lệnh cha trong mọi điều chỉ để mong ước cha cho một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Anh là người không đi hoang như cậu em, nhưng anh cũng không thực sự sống như con của cha. Mọi nỗ lực của anh chỉ nhắm đến món quà nho nhỏ hy vọng cha sẽ cho. Ở trong nhà nhưng anh coi cha như ông chủ hà khắc, chẳng bao giờ cho mình cái gì. Ở bên cha nhưng lòng anh thật xa. Anh không thốt lên xin làm người làm công cho cha nhưng thực tế anh hành xử như một người làm công hơn là người anh cả.

“Tất cả những gì của cha đều là của con” là ý định lâu nay của cha đối với anh thế mà anh không hề nhận ra. Đối với anh, con dê nhỏ có lẽ đã trở nên quá to lớn đến độ khiến anh không nhận ra tình thương yêu bao la của cha dành cho mình chăng?

Các bạn thân mến,

Dụ ngôn trên cho chúng ta những hiểu biết và cảm nghiệm về tình yêu thương của Chúa, cho chúng ta cơ hội ngắm nhìn từng khuôn mặt các nhân vật và sau đó chúng ta khám phá ra chính dung mạo của mình, trong tương quan với Chúa, với anh chị em đồng loại.

Đi hoang không nhất thiết phải ra khỏi nhà và xa cha không nhất thiết phải đi cho khuất bóng. Soi mình trong những trang Tin Mừng, chúng ta biết được mình đang ở xa hay gần, là con hay là người làm công, đang vui tươi hạnh phúc hay thất vọng giận dữ… và dù thế nào đi nữa, Cha Trên Trời vẫn đang từng ngày ngóng trông, đang mở rộng vòng tay đón mời và tình yêu thương của Ngài bao la hơn mọi lỗi lầm của ta. Quay trở về hay chấp nhận vào nhà Cha, đó là lựa chọn tự do của mỗi chúng ta.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Trình bày bài viết theo thời gian:   
« Xem chủ đề trước | Xem chủ đề kế »
gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Sống Lời Chúa Chuyển đến trang Trang trước  1, 2, 3, 4  Trang kế


 
Chuyển đến
 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn
Bạn không được phép gởi kèm file trong diễn đàn
Bạn có thể download files trong diễn đàn


Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net