Lược sử Giáo hội Công giáo (Chương VIII)
10.05.2008
.
Chương VIII
KITÔ GIỚI - NHỮNG NỀN TẢNG CỦA MỘT XÃ HỘI (Cuối
thế kỷ XI-XIII)
Hạn từ “Kitô giới”
chỉ một hình thức quan hệ giữa Giáo Hội và xã hội thời Trung cổ. Một trong
những nét nổi bật nhất của Kitô giới là vị trí nổi bật nhất của ngôi Giáo
Hoàng. Vị trí này đạt được bằng các cuộc đấu tranh thường là dữ dội với hoàng đế
Đức. Tuy nhiên, thế quân bình lúc nào cũng mong manh. Nếu như nửa đầu thế kỷ
XIII, uy quyền Giáo Hoàng đạt tới đỉnh cao thì những năm cuối thế kỷ, người ta
lại thấy có sự chống đối nghiêm trọng đối với những tham vọng của Rôma, và
những rạn nứt đầu tiên của Kitô giới.
I. CÁC NỀN TẢNG CỦA KITÔ GIỚI THỜI TRUNG CỔ
1. Khẳng định quyền Giáo Hoàng
Năm 1059, tòa thánh
xác định luật bầu giáo hoàng. Giáo Hoàng sẽ do các Hồng Y bầu, các giáo sĩ khác
và dân chúng chỉ còn hoan hô vị đắc cử. Do việc này mà các hồng y đóng vai trò đặc
biệt trong Giáo Hội. Đây là những thành viên quan trọng nhất của hàng giáo sĩ
Rôma. Hoàng đế khó lòng chấp nhận luật trên, vì ông mất quyền chỉ định Giáo
Hoàng. Trong những lúc khủng hoảng sau này, ông sẽ chỉ định Giáo Hoàng của mình
đối nghịch với các vị do Hồng Y đoàn bầu chọn.
Giáo Hoàng Grêgôriô
VII (1073-1085) tiến hành cuộc cải tổ luân lý, nhằm vào tệ nạn mại thánh, vào
các linh mục còn sống tư hôn. Ngài cho rằng mọi tệ hại đều xuất phát từ việc
phong ban của thế quyền, và muốn chấm dứt điều này. Thế nên, ngài cấm các Giám
Mục nhận trách vụ từ tay một người đời, cấm các Tổng Giám Mục tấn phong những
ai đã nhận sự phong ban này. Ngài muốn chức Giám Mục không lệ thuộc vào thế
quyền.
Hoàng đế nước Đức là
Henri IV, chống lại quyết định của Giáo Hoàng vì làm ông mất một phần lớn quyền
bính trong một nước mà các Giám Mục thuộc vào số các lãnh chúa lớn nhất. Hoàng đế
công bố truất phế Giáo Hoàng, Giáo Hoàng cũng hạ bệ hoàng đế và tháo lời thề
tuân phục cho các thần dân. Nhưng cuối cùng Grêgôriô lại chết nơi lưu đày năm 1085.
Các Giáo Hoàng sau đức
Grêgôriô củng cố sự cải tổ này, từ nay can thiệp như những thủ lĩnh trong Kitô
giới, khởi xướng việc triệu tập công đồng bên Tây Phương, giáo luật được áp
dụng khắp nơi trong việc cai trị Giáo Hội Rôma. Quyền Giáo Hoàng lên tới tột đỉnh
thời Giáo Hoàng Innocentê III (1198-1216).
2. Giáo Hội đan viện
Các đan sĩ đóng vai
trò quan trọng trong việc cải tổ và trong tất cả đời sống Giáo Hội thời trung
cổ. Trong một thời gian dài, đan sĩ tượng trưng cho người kitô hữu lý tưởng.
Được thiết lập năm 910, tu viện Cluny
đã phục hồi những qui tắc lớn của qui luật Biển Đức. Thế kỷ XI-XII, Cluny đứng đầu một dòng tu
có mặt khắp châu âu. Vào thời cực thịnh “Nhà nước Cluny” có đến 50 ngàn tu sĩ. Dòng tu đề cao
vai trò của Giáo Hoàng, cung cấp nhiều Giám Mục và Giáo Hoàng. Tu viện thực
hành rộng rãi bác ái đối với người nghèo, phổ biến nghệ thuật Rôman.
Cuối thế kỷ XI, một
phong trào ẩn tu phát triển mạnh, vì muốn sống sám hối và nghèo khó, nhiều người
đi vào rừng sâu, hải đảo... để đền tội. Nổi bật nhất là Phêrô, nhà ẩn sĩ. Thời
Trung cổ còn có lối tu kỳ lạ là biệt tu, sống giam mình suốt quãng đời còn lại
trong một căn phòng nhỏ xây dựa vào nhà thờ.
Năm 1084, khi thành
lập dòng Chartreuse, thánh Brunô muốn kết hợp đời sống ẩn tu và đời sống cộng đồng,
ngài dành ưu tiên cho sự cô tịnh cũng như cho sự đơn sơ khi tiếp xúc với Kinh
Thánh.
Tu viện Sitô lập năm
1098 muốn tìm lại sự nhiệm nhặt của tinh thần Biển Đức mà Cluny dường như lãng quên. Nghèo khó trong
cách ăn, mặc, ở, phụng vụ đơn giản, sống cô tịnh giữa rừng.
Thánh
Bênađô (1090-1153) lập tu viện Clairvaux năm 1115, làm cho dòng Sitô phát triển
đáng kể. Riêng mình ngài lập 66 tu viện. Giữa thế kỷ XII, Bênađô là nhân vật số
một của Giáo Hội.
II. CÁC CÔNG TRÌNH CỦA ĐỨC TIN
1. Tôn giáo đan viện và tôn giáo bình dân
Tôn giáo thời Trung
cổ vay mượn nhiều nét của xã hội phong kiếïn và nông nghiệp. Thiên Chúa ở trên
chóp đỉnh của phẩm trật phong kiến. Ngài là Chúa tối cao, mọi lãnh chúa trần
gian chỉ là chư hầu và nông nô của Ngài.
- Vào thời mà chỉ các
giáo sĩ biết dùng chữ viết để tự diễn tả mình, người Kitô hữu lí tưởng chính là
đan sĩ. Niên lịch Chư Thánh hầu như chỉ chấp nhận các Giám Mục, đan sĩ và nữ
tu. Bênađô so sánh thế gian như một biển cả phải vượt qua để đạt tới phần rỗi.
Các giáo sĩ sử dụng con thuyền thánh Phêrô, còn người có gia đình phải bơi và
nhiều kẻ chết đuối. Vì không được làm đan sĩ, cuối đời, nhiều giáo dân xin được
chôn cất trong bộ áo dòng.
- Tuy nhiên, nếu hình
dung đời sống đạo của dân chúng qua các thí dụ điển hình này, thì sẽ hoàn toàn
thiếu chính xác. Có một khoảng cách lớn lao giữa các tổng hợp đẹp đẽ của các
nhà thần học, với tôn giáo của người dân quê thô lỗ, mù chữ, phải đấïu tranh
với thời tiếït bất thường và ôn dịch để sinh tồn.
2. Sự tiến triển của bí tích và phục vụ
Thế kỉ XII-XIII, Giáo
Hội ấn định giáo lí về bảy bí tích, cố gắng tái lập một kỉ luật chung.
- Khắp nơi trẻ em được
Rửa tội một vài ngày sau khi sinh, thay việc dìm bằng cách đổ nước trên đầu.
- Không cho trẻ sơ
sinh rước lễ dưới hình rượu như xưa.
- Công Đồng Latêranô
IV (1215) qui định phải xưng tội rước lễ ít nhất một lần trong năm vào mùa Phục
sinh, trong giáo xứ của mình.
- Bí tích sám hối, từ
nay gọi là xưng tội.
- Thế kỉ XIII Hôn
nhân được xác định là một trong bảy bí tích và chỉ thuộc quyền Giáo Hội. Giáo
Hội xác định các ngăn trở và các điều kiện để hôn phối thành sự.
Thời này chưa có giáo
lí đúng nghĩa, đức tin thấu nhiễm nơi trẻ em qua cộng đồng. Con số 7 được dùng
như thuật nhớ để dạy đạo.
3. Đời sống tôn giáo và trần tục
Đặc điểm của thời
Trung cổ là sự có mặt khắp nơi của một tôn giáo thuộc về đời sống công cộng. Đó
là sự pha trộn trần tục và thiêng liêng :
tôn giáo không biết đến những ô
ngăn như ngày nay.
Thánh lễ Chủ nhật là
luật buộc trên nguyên tắc, nhưng cách tham dự không khá lắm. Có sự pha trộn
giữa những nghi thức tôn giáo đích danh với những phong tục có nguồn gốc và ý
nghĩa mơ hồ. Khách hành hương và lính thập tự chinh muốn thấy và chạm đến những
nơi Đức Kitô và các thánh đã sống. Ước muốn này giúp hiểu được sự phát triển kì
lạ của việc tôn kính hài cốt các thánh.
III. VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT
1. Một văn hóa xây dựng trên đức tin
Như đã thấy trong
thời Thượng - Trung cổ hoạt động trí thức là một nét chuyên biệt của đan viện.
Việc phát triển Kitô giới vào các thế kỉ VII-XIII làm gia tăng những nhu cầu
trí thức. Cuộc cải tổ của Đức Grêgôriô khuyến khích các môn luật. Trong truyền
thống đan viện, công tác trí thức chủ yếu là diễn giải Thánh Kinh.
Trong bộ tổng luận
thần học của thánh Thomas, ngài thực hiện một tổng hợp hài hòa giữa tri thức cổ
đại và mạc khải Kitô giáo. Nghiên cứu suy lí lệ thuộc vào cứu cánh của con người.
Cho nên, triết học là nữ tì của thần học.
2. Nghệ thuật dân gian Kitô giáo
Đức tin của người
Kitô hữu còn được diễn tả qua kịch tuồng tôn giáo bình dân. Các vở kịch phụng
vụ trình diễn Cựu Ước và Tân Ước ngay trong nhà thờ hoặc ở tiền đường.
Các kịch phép lạ minh
họa sự can thiệp của Đức Trinh Nữ và các thánh. Sau này, các kịch mầu nhiệm
trình diễn dài và phức tạp, các trích đoạn Thánh Kinh, thí dụ tuồng thương khó
do các nhóm trình diễn.
Nghệ thuật Rôman có
nguồn gốc từ các đan viện, phát xuất từ Địa Trung Hải, phát triển vào cuối thế
kỉ XI có đặc điểm là các vòm bán nguyệt, các chạm trổ ở trần và đầu cột. Tiếp đến
là nghệ thuật Gothique thay thế nghệ thuật Rôman. Đây là nghệ thuật của thành
thị chứng tỏ sự quân bình của thế kỉ XIII.
Kính màu và kỹ thuật
làm tượng phát triển, điêu khắc, kính màu và bích họa tạo nên một cuốn Thánh
Kinh và một pho giáo lí bằng hình ảnh.Các nghệ nhân ghi trên đá những lo âu và
hi vọng của người tín hữu : mong đợi thiên đàng, kinh sợ hỏa ngục.
|