Giáo Hội Việt Nam trong tình hiệp thông (1)
10.05.2008
.
Vì là
phương tiện cứu độ cho toàn thể nhân loại (GH 1), Giáo Hội có bổn phận phải giữ
mối liên hệ với tất cả, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế của ơn gọi Thiên Chúa dành
cho mỗi người. Giáo Hội muốn ngỏ lời “với tất cả mọi người, Công đồng Vatican II
ước ao trình bày cho mọi người biết mình quan niệm thế nào về sự hiện diện và
hoạt động của Giáo Hội trong thế giới ngày nay” (MV 2a).
Cũng
trong tinh thần đối thoại đó, Giáo hội Việt Nam luôn thúc giục tất cả các tín
hữu góp phần của mình trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Kitô giáo
anh em như: các Giáo hội Cải Cách, Hội thánh Tin Lành Việt Nam, Cơ Đốc Phục Lâm…
đối thoại liên tôn với các tôn giáo có mặt lâu đời ở Việt Nam như: Phật giáo,
Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo… và đối thoại với cả những người không tôn giáo. Vì
thế, trong phạm vi bài này, chúng tôi xin được phép giới thiệu một vài nét cơ
bản của các giáo hội và tôn giáo đó, sau khi nói sơ qua những đường hướng về
cuộc đối thoại hiệp thông này cho anh chị em tín hữu Công giáo.
Nhiệm
vụ chung của Kitô giáo là xây dựng cho được sự hợp nhất. Trong số 821, sách Giáo
lý Giáo Hội Công giáo đã tóm tắt những điểm chính yếu cần thực hiện để tiến hành
hữu hiệu công cuộc xây dựng ấy, như sau:
“Để đáp
lại lời Thánh Thần kêu gọi xây dựng hợp nhất cho thích đáng, cần phải có:
- Một nỗ
lực canh tân thường xuyên trong Giáo Hội nhắm tới việc sống ơn gọi của mình cho
trung thành hơn. Nỗ lực canh tân ấy chính là động lực đẩy mạnh đà tiến hướng tới
sự hợp nhất (x. HN 6);
- Một cuộc
thay lòng đổi dạ “để sống Phúc Âm bằng một cuộc sống tinh tuyền hơn mãi” (HN 7),
vì thái độ bất trung của các thành viên đối với hồng ân của Chúa Kitô, chính là
nguyên nhân gây ra chia rẽ;
- Việc cầu
nguyện chung, bởi vì cuộc thay lòng đổi dạ và cuộc sống thánh thiện, cùng với
việc cầu nguyện chung và riêng cho sự hợp nhất các Kitô hữu, phải được coi là
linh hồn của toàn bộ phong trào đại kết, và thật đáng được gọi là “công cuộc đại
kết thiêng liêng” (HN 8);
- Thái độ
hiểu biết lẫn nhau trong tình huynh đệ (x. HN 9);
- Việc đào
tạo tinh thần đại kết cho các tín hữu và nhất là cho các linh mục (x. HN 10);
- Việc đối
thoại giữa các nhà thần học và gặp gỡ nhau giữa các giáo hội và các cộng đoàn
khác nhau (x. HN 4,9,11);
- Việc hợp
tác giữa các Kitô hữu về những lĩnh vực khác nhau trong nỗ lực phục vụ con người
(x. HN 12).
Con
đường hợp nhất không phải là “con đường trở về” với Giáo hội Roma, mà là con
đường, trong đó tất cả đều đồng hành hướng về sự hợp nhất mà Đức Kitô đã mong
muốn.
Sự kiện
bi đát là đa số nhân loại không biết đến hoặc không tin vào Đức Kitô.
“Với sứ
mệnh đem sứ điệp Phúc Âm soi chiếu cả thế giới và quy tụ trong một Chúa Thánh
Thần, tất cả mọi người thuộc bất cứ quốc gia, chủng tộc hay văn hoá nào, Giáo
Hội xuất hiện như dấu chứng của tình huynh đệ, là mối tình có khả năng tạo điều
kiện cần thiết và củng cố cho việc đối thoại chân thành” (MV 92a).
Ngôn từ
căn bản là đối thoại. Nếu ngày xưa, thái độ đối với dân ngoại là nghi ngờ, đối
lập, cạnh tranh, thì ngày nay là cởi mở, đón nhận, đàm luận. Vatican II đảm nhận
sứ mệnh do Đức Kitô uỷ thác, nhưng trong bối cảnh của một thế giới mới:
“Trong
thời đại chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn; các mối
liên hệ giữa các dân tộc cũng gia tăng, thế nên Giáo Hội càng đặc biệt chú tâm
hơn đến việc tìm xem mình phải giữ quan hệ như thế nào với các tôn giáo ngoài
Kitô giáo” (TD 1).
Nhìn
theo nhãn quan thần học, ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua đường lối
tập thể xã hội (x. GH 9a), và dùng những trung gian sẵn có - thường là các tôn
giáo - vì thế, Giáo Hội nhận thấy rõ là các tôn giáo giữ một vai trò quả thật
tích cực trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Vậy, với chủ trương đối thoại,
không những Giáo Hội nói lên ước muốn liên hệ với các cá nhân, mà còn với cả
những tập thể và tôn giáo nữa.
Trong
Thông điệp Ecclesiam suam, Đức Phaolô VI đã trình bày chi tiết về phương thức
đối thoại. Nói chung, đối thoại đòi hỏi phải biết:
a. Kính
trọng và chấp nhận người đối thoại, coi họ là trung thực và có thiện chí; đăït
mình trên cùng bình diện với họ;
b. Thành
thật muốn tìm hiểu về tư tưởng, tín ngưỡng, tập tục, giá trị… của người đối
thoại;
c. Sẵn
sàng lắng nghe những lý lẽ, vấn nạn, khó khăn, luận chứng bác bỏ của phía bên
kia;
d. Thành
thật phê bình lập trường của phía bên kia và ôn hoà trình bày lập trường của
mình;
e. Xem xét
mọi sự: tư tưởng và những động cơ, sự kiện lịch sử và những hậu quả trong đời
sống tôn giáo của mình và của phía đối thoại.
Trong
cuộc đối thoại, cũng nên lưu ý đến điểm này: chân lý là một chuyện, còn cách
quan niệm về chân lý lại là một chuyện khác. Chân lý tuyệt đối là mầu nhiệm, là
chính Thiên Chúa; và không ai thấu hiểu toàn diện được Thiên Chúa. Vậy, các phía
đối thoại cần phải ý thức rõ mình là những lữ khách đang cố bước tới cho gần hơn
với chân lý toàn vẹn.
Có
nhiều cách đối thoại khác nhau: đối thoại trí thức hoặc thần học, tức là trong
lĩnh vực chuyên môn; đối thoại giữa cuộc sống, và đối thoại qua kinh nghiệm liên
tôn. Lý tưởng là có thể tham dự vào cả ba dạng đối thoại. Đối với đa số các Kitô
hữu, nhất là tại châu Á, đang sống chung với tín đồ các tôn giáo khác, đối
thoại, trước hết là sống đạo cho xứng với danh nghĩa Kitô để làm chứng cho đức
tin của mình, tiếp đó là hợp tác vào những công tác phục vụ công ích, và đơn sơ
chia sẻ niềm hy vọng của mình như Thánh Phêrô đã từng khuyên nhủ (x. 1 Pr
3,15-16). Cùng cầu nguyện chung với nhau và chia sẻ kinh nghiệm một cách sâu đậm
cũng giúp cho đôi bên hiểu nhau hơn về phương diện đích thật tôn giáo.
Lập
trường chính thức của Giáo hội Công giáo là trung thành hoàn toàn với những gì
Tân Ước cho biết về: Đấng trung gian duy nhất (x. Cv 4,12; 1 Tm 2,5), Đấng Nhập
thể và Cứu chuộc “chỉ một lần” duy nhất (x. Dt 9,26-28) và thiên tính của Đức
Kitô (x. Ga 20,28). Giáo Hội công nhận là các tôn giáo có giá trị thật sự về mặt
cứu độ; nhưng nguồn ơn cứu độ là chính Chúa Kitô, và được chuyển thông - một
cách nhiệm mầu như thế nào thì chỉ có Thiên Chúa mới biết- nhờ Giáo Hội là bí
tích cứu độ phổ quát. Những giá trị mà các tôn giáo chứa đựng được coi như “hạt
giống của Ngôi Lời”, bởi vì Thần Khí của Đức Kitô hằng hoạt động qua nghi thức
và giáo lý của các tôn giáo ấy, khiến cho mọi người có thể mở lòng để đón nhận
ơn cứu độ. Tuy nhiên, nhiều điều trong các tôn giáo ấy cũng cần phải được thanh
tẩy cho phùø hợp với ý Thiên Chúa, như được mạc khải trong Thánh Kinh.
ĐTC
Phaolô VI đã nói trong Thông điệp Ecclesiam suam: “Chúng tôi biết chung quanh
Giáo Hội có nhiều, thậm chí rất nhiều người không theo một tôn giáo nào; chúng
tôi biết nhiều người tự xưng mình vô thần bằng rất nhiều cách. Và chúng tôi biết
có những người công bố rõ ràng thái độ đối nghịch ấy của mình”.
Vậy vô
thần là gì? Đó là lập trường cho rằng ngoài con người và vũ trụ ra, không có một
Thực thể hay một Hữu thể tuyệt đối (thần thiêng) nào. Thánh Kinh dùng từ vô thần
chỉ có một lần (x. Ep 2,12), nhưng với ý nghĩa khác hẳn, để chỉ về người không
biết hay không chấp nhận Đức Giavê và Luật của Người, hoặc là sống theo lối vô
luân bất công. Tuy nhiên, Giáo Hội không dùng từ vô thần với ý nghĩa tiêu cực
đó.
Ngày
nay, chủ trương vô thần là một hiện tượng phổ biến của quần chúng, bên Đông cũng
như bên Tây, giữa lớp trẻ cũng như lớp già, giữa giới trí thức lẫn giới bình
dân. Những biến đổi vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ này đã thanh lọc lối sống
đạo của nhiều người, nhưng cũng đã khiến nhiều người đánh mất niềm tin siêu
nhiên và bỏ hẳn ý niệm về Thiên Chúa với các thực tại siêu việt. Thật ra, quá
trình “thế tục hoá” kéo dài khá lâu tại châu Âu, đã phá vỡ mối dây hợp nhất của
xã hội và Kitô giáo. Các cuộc chiến tôn giáo đã khiến người ta phải đi tìm một
mối dây hợp nhất khác, và tổ chức xã hội theo những nguyên tắc không tôn giáo.
Kết quả là thế giới (văn hoá, chính trị, kinh tế...) phát triển mà không hề quy
chiếu gì đến tôn giáo, đến Thiên Chúa. Hơn nữa, những giá trị vốn là của Kitô
giáo (như nhân quyền, nhân vị, tự do…) lại được nhiều người dùng để giải phóng
mình khỏi một Giáo Hội mà họ cho là quá khích, bảo thủ và coi như kẻ thù. Tình
trạng ngày nay lại còn bi đát hơn nữa, vì trong một vài nước đa số người vô thần
không còn biết gì đến tôn giáo, bởi họ sinh ra trong những gia đình vô thần, học
với thầy dạy vô thần, sống trong bầu khí vô thần… và “dư luận” cho đó là chuyện
thường, là hữu lý; còn tin vào Thiên Chúa mới bị coi là bất thường, vô lý, bị
lên án là mê tín, phản khoa học.
Đã từ
lâu Giáo Hội chú ý đến hiện tượng vô thần. Nhiều giáo hoàng đã đề cập tới, chẳng
hạn như: Đức Piô XI (Divini Redemptoris), Piô XII (Ad Apostolorum
Principis), Gioan XXIII (Mater et Magistra), Phaolô VI (Ecclesiam suam),
Gioan Phaolô II (Sapientia Christiana)… và đặc biệt là Công đồng Vatican II
(MV Gaudium et Spes, số 19-21).
Công
đồng ngỏ lời trước hết với các tín hữu, để kêu mời họ cố gắng san bằng những trở
ngại do chính họ gây nên, bằng cách sống đạo cho sáng suốt và xứng đáng (MV 21).
Công đồng cũng kêu mời người vô thần lấy thái độ vô tư mà nhận định một cách
khách quan những dấu chỉ Thiên Chúa đã ghi khắc ở trong vũ trụ, trong lịch sử và
nơi tâm trí con người. Cũng cần phải ý thức rằng “nếu thiếu căn bản là Thiên
Chúa, và thiếu niềm hy vọng vào đời sống trường cửu, phẩm giá con người sẽ bị
tổn thương trầm trọng, như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự
chết, về tội lỗi cũng như đau khổ vẫn không giải đáp được; vì thế, con người
thường bị dồn vào ngõ cụt tuyệt vọng” (MV 21c).
Không
chỉ vì yêu mến Thiên Chúa, mà còn vì yêu thương người vô thần, nên Giáo Hội
không những chẳng kết án, mà còn muốn giúp đỡ họ như bà mẹ chăm sóc tất cả mọi
người con yêu quý của mình. Giáo Hội luôn sẵn sàng đối thoại với người vô thần.
FELIPPE GÓMEZ, S.J.
Để giúp
các tín hữu Việt Nam có tinh thần hiệp thông với các tôn giáo khác và với cả các
anh em không tôn giáo, Hội đồng Giám mục (miền Nam) Việt Nam đã ra thông cáo
ngày 14-6-1965 về việc thờ cúng tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Ngày
14-11-1974, các giám mục đã khai triển thêm những điểm cụ thể về vấn đề này. Từ
năm 1974 đến nay, chắc chắn tinh thần cởi mở của các bản thông cáo dưới đây còn
tiến xa hơn nữa theo tinh thần của những văn kiện gần đây của Toà Thánh, và
những hoạt động liên tôn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, các thông điệp của
ngài như: Redemptor hominis (1979), Redem-ptoris missio (1991), Veritatis
splendor (1993), Ut unum sint (1995), Fides et ratio (1998) và Ecclesia in Asia
(1999).
THÔNG CÁO CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ VIỆC TÔN
KÍNH ÔNG BÀ TỔ TIÊN VÀ CÁC BẬC ANH HÙNG LIỆT SĨ
“Ngày
20-10-1964, Toà Thánh, qua Bộ Truyền giáo, đã chấp thuận đề nghị của các Giám
mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane compertum est, về việc tôn kính tổ tiên
và các bậc anh hùng liệt sĩ cho giáo dân Việt Nam. Để hiểu rõ tinh thần Giáo Hội
trong việc chấp thuận này, và để có những chỉ thị hướng dẫn trong việc áp dụng,
Hội đồng Giám mục muốn nêu lên mấy điểm sau đây:
I. Giáo hội Công giáo đối với nền văn hoá và truyền
thống các dân tộc
1. Giáo
Hội Chúa Kitô bao giờ cũng tha thiết thực hiện mệnh lệnh Đấng Sáng Lập, để hiện
diện khắp nơi và tuyên giảng Phúc Âm cho mọi người. Cố gắng đầu tiên của Giáo
Hội là giúp sao cho con người được nên hình ảnh đích thật của Thiên Chúa và được
trung thực với sứ mệnh Kitô hữu của mình, để đạt cứu cánh sau hết là hạnh phúc
đời đời. Công trình đó được thực hiện trong nội tâm của mỗi cá nhân, nhưng nó có
âm vang đến toàn diện cuộc đời và trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người.
2. Mặt
khác, từ nguyên thuỷ cho đến ngày nay, Giáo hội Công giáo vẫn tuân theo tiêu
chuẩn Phúc Âm. Theo đó, Giáo Hội không huỷ bỏ hay dập tắt những giá trị thiện
hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc. Có lẽ cũng vì bản tính nhân loại,
dù còn mang dấu vết sự sa ngã của tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn
bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng Thiên Chúa có thể soi chiếu, dinh dưỡng và
nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thật. Cũng vì
vậy, Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật
hoặc văn hoá của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần
thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã
thánh hoá những phong tục cũng như những truyền thống chân chính của các dân
tộc. Giáo Hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này xứ nọ sáp nhập vào nền
phụng vụ của mình, sau khi đã tu chỉnh cả tinh thần và hình thức, để ghi nhớ Mầu
Nhiệm hoặc để tôn vinh các bậc thánh nhân hay các vị tử vì đạo.
3. Đối với
các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ
nhiên, Giáo Hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc
coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không
muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc khải một Đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa
được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo Hội không từ chối công
nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác.
Giáo Hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn
giáo nào. Giáo Hội luôn luôn rao truyền Đức Kitô “là Đường đi, là Chân Lý và là
Nguồn Sống” và, trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm hoà với muôn vật. Tuy nhiên, Giáo
Hội thành tâm và lưu ý cứu xét những hành động và sinh hoạt, những luật pháp và
lý thuyết của các tôn giáo khác, tuy có sai biệt với những điểm Giáo Hội đề ra,
song vẫn mang lại một tia sáng nào đó của chính chân lý hằng soi sáng mọi người.
Vì thế, Giáo Hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo
toàn vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng
liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hoá, gặp được trong các tôn giáo
khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các
tôn giáo này.
Chính
lập trường đó của Giáo Hội được đúc kết trong tư tưởng của các Đức Giáo hoàng và
trong Công đồng Vatican II, đã giải thích lý do quyết định của Toà Thánh, khi
cho áp dụng Huấn thị Plane compertum est tại Việt Nam ngày nay.
Và cũng
chiếu theo tinh thần đó, các giám mục họp hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày
13 và 14-6-1965 đã cho công bố thông cáo này.
II. Thể thức áp dụng Huấn thị Plane Compertum est
1. Nhiều
hành vi, cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự
tiếp xúc bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là
những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh
hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã
giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và
khuyến khích cho chúng được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước,
mỗi xứ và tuỳ theo trường hợp.
Vì thế,
những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục
rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ
tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo hình, ảnh, dựng tượng, nghiêng mình
bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách
chủ động.
2. Trái
lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể
chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn
cảnh, có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế,
các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công giáo (như bất
cứ nghi lễ nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ
tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng
mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự… thì giáo hữu không được
thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách
thụ động như đã ấn định trong Giáo luật, khoản 1.258 (Bộ Giáo luật năm 1917).
3. Đối
với những việc mà rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này,
là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự
tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ tâm
tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin Công giáo, nên được thi
hành và tham gia. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo
tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách
khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.
Đó là
những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và
hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng
mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Toà Thánh và bàn hỏi với các giáo sĩ
thành thạo.
Yêu
cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những
trong các nhà thờ mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cho cả
người ngoài Công giáo. Các vị phụ trách Công giáo Tiến hành cũng phải lấy thông
cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khoá huấn
luyện”.
Sacerdos
Linh Mục nguyệt san, số 43, tháng 7-1965, tr. 489-492
HỘI NGHỊ NHA TRANG
Ngày
14-11-1974, bảy giám mục Việt Nam (Tgm. Philipphê Nguyễn Kim Điền, Gm. Giacôbê
Nguyễn Văn Mầu, Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Gm. Phaolô Huỳnh Đông Các,
Gm. Giuse Trần Văn Thiện, Gm. Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Gm. Phêrô Maria Nguyễn
Huy Mai) chủ toạ khoá Hội thảo về Phúc Âm hoá ở Nha Trang, đã xác định cụ thể
hơn về vấn đề thờ cúng tổ tiên trong 6 điểm. Chúng tôi xin trích nguyên văn sau
đây:
1. Bàn thờ
gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình,
miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như hồn bạch…
2. Việc
đốt hương, nhang, đèn, nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ gia
tiên và trước giường thờ tổ tiên là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính,
được phép làm.
3. Ngày
giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa
phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín như đốt vàng mã… và giảm
thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương ý nghĩa thành kính biết ơn ông bà như
dâng hoa trái, hương đèn…
4. Trong
hôn lễ, dâu rể được làm “lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên”
vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.
5. Trong
tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục
địa phương để tỏ lòng tôn kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến,
xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được
tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng quen gọi là “phúc thần” tại đình làng để
tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc
là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các “yêu thần, tà
thần”.
Trong
trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có điều gì hiểu lầm nên khéo léo giải
thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần giải
thích cho hiểu việc tôn kính tổ tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục
địa phương là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là
những việc tôn kính có liên quan đến tín ngưỡng, và chính Chúa cũng truyền “phải
thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa”.
Trong
tinh thần hiệp thông và đối thoại với các tôn giáo, chúng tôi xin trân trọng
giới thiệu một vài nét sơ lược về một số tôn giáo cùng chung sống với Giáo hội
Công giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam sau đây:
1. Hội
Thánh Tin Lành Việt Nam.
2. Giáo
hội Phật giáo.
3. Phật
giáo Hoà Hảo.
4. Đạo Cao
Đài.
5. Hồi
giáo.
1. HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM
Khái quát : Phong trào
cải cách tôn giáo ở châu Âu vào thế kỷ XVI do Martin Luther và Jean Calvin khởi
xướng đã dẫn đến việc ly khai khỏi Tông toà Roma, hình thành một tôn giáo mới -
Đạo Tin Lành (ở Việt Nam gọi là đạo Tin Lành theo cách dịch từ Evangelical: Phúc
Âm - Tin Lành). Trải qua gần 500 năm tồn tại và phát triển, đến nay đạo Tin Lành
gồm 300 hệ phái với khoảng 550 triệu tín đồ ở 108 nước trên tất cả các châu lục
nhưng tập trung nhiều ở Tây Âu, Bắc Âu và Bắc Mỹ.
Đạo Tin
Lành là tôn giáo cùng tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi và dựa vào nền tảng Thánh Kinh
- “cùng một đức tin, cùng một phép rửa” như Công giáo, trừ một số tín điều về
Giáo Hội và Thánh Mẫu học của Công giáo. Giáo hội Tin Lành tổ chức theo hệ phái
và giữ quyền độc lập quản trị trong các hệ phái.
Đạo Tin Lành ở Việt Nam
Đạo
Tin Lành đến Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do tổ chức Liên Hiệp
Phước Âm Truyền giáo còn gọi là Hội Truyền giáo CMA (Christian and Missionary
Alliance - CMA) bảo trợ và tổ chức. Năm 1911, cơ sở Tin Lành đầu tiên được
thành lập tại Đà Nẵng. Gần chục năm sau (1918), 5 Chi hội được thành lập ở miền
Bắc, 6 Chi hội được thành lập ở miền Trung và 5 Chi hội ở miền Nam.
Từ năm
1924-1927, các Đại Hội đồng Tin Lành được tổ chức tại Đà Nẵng dẫn đến việc thành
lập tổ chức Hội Tin Lành Việt Nam Đông Pháp vào năm 1928 và ban hành điều lệ đầu
tiên của Hội. Năm 1945, đổi tên thành Hội Thánh Tin Lành Việt Nam với cơ quan
lãnh đạo là Tổng Liên Hội.
Sau
hiệp định Genève (1954), đất nước bị chia cắt, một số mục sư, truyền đạo và tín
đồ miền Bắc di cư vào Nam. Số mục sư, truyền đạo và tín đồ còn ở lại tiến hành
Đại hội đồng lập tổ chức Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), còn gọi là Hội
Thánh Tin Lành miền Bắc, với cơ quan lãnh đạo là Tổng hội.
Cũng
từ sau năm 1954, đạo Tin Lành ở miền Nam trải qua nhiều thăng trầm lịch sử.
Ngoài Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành miền Nam, còn xuất hiện nhiều hệ phái Tin
Lành khác. Trước năm 1975, có nhiều tổ chức hệ phái Tin Lành xây dựng nhiều cơ
sở như Cơ Đốc Phục Lâm, Báp Tít, Ngũ Tuần, Mennonite, Môn đệ Đấng Christ, Nhân
chứng Đức Giêhôva... Dù vậy 80% tín đồ Tin Lành vẫn hoạt động trong hệ thống tổ
chức của Tổng Liên Hội.
Năm
2001, Tin Lành miền Nam tổ chức Đại hội đồng, ban hành Hiến chương Điều lệ mới
với danh xưng Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), gọi tắt là
Hội Thánh Tin Lành miền Nam. Hiện nay, Hội Thánh Tin Lành ở Việt Nam có khoảng
gần một triệu tín đồ với đội ngũ mục sư, truyền đạo và 1 Học viện Thánh Kinh
Thần học đào tạo mục sư, truyền đạo phục vụ Giáo hội.
Bản
dịch Kinh Thánh (KT) phổ thông đang lưu hành trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
là bản dịch đã hoàn tất từ năm 1925, ngoài ra còn có bản dịch diễn ý (1994) và
bản dịch mới (1997).
(Lược
ghi theo bài viết của Mục sư Huỳnh Thiên Bửu; Một số tôn giáo ở Việt Nam, Tư
liệu Ban Tôn giáo của Chính Phủ, HN 1993; Văn phòng Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin
Lành miền Nam).
|| Trang sau >>
|