Giáo Hội và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (2)
09.05.2008
.
GIÁO HỘI
Công
cuộc Phúc Âm hoá nơi các dân tộc ít người chỉ diễn ra rất muộn, từ khoảng cuối
nửa đầu thế kỷ XIX, vì từ trước đó việc giao tiếp bình thường giữa người Kinh
với các DTTS chưa phải là chuyện dễ dàng, nói chi đến việc các thừa sai truyền
giáo cho người thuộc các anh chị em này.
Nhưng
cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật và đà gia tăng dân số
cùng nhu cầu quản lý đất nước, khai thác các tài nguyên tự nhiên trong các vùng
rừng núi, những cuộc tiếp xúc với các DTTS là một nhu cầu.
Trong
quan hệ với các dân tộc ít người, chế độ phong kiến Việt Nam từ nhiều thế kỷ
trước đã duy trì một chính sách kiềm chế, canh chừng có tính chất miệt thị. Đến
khi người Pháp thống trị Việt Nam, họ đã thực hiện những cuộc thám hiểm các vùng
rừng núi nhắm vào các mục tiêu cụ thể, như chính sách “chia để trị”, cô lập các
vùng sơn cước có dân tộc ít người với các vùng người Kinh cư trú, khai thác các
tài nguyên lâm khoáng sản, mở mang đồn điền, kiểm soát các vùng lãnh thổ biên
giới và các vùng rừng núi.
Ngay từ
khi người Pháp xâm nhập Tây Nguyên ở khoảng giữa thế kỷ XIX, các dân tộc ít
người đã chống đối lại việc định cư của người ngoài dù là Việt hay Pháp. Người
Pháp dần dần đã biến vùng này thành Hoàng Triều Cương Thổ, làm bình phong ngăn
ngừa không cho người Việt lên, để giành quyền cho người Pháp vào khai thác.
Vào
cuối thế kỷ XIX, người Pháp thiết lập hệ thống hành chính, chia Tây Nguyên làm
ba tỉnh Kontum, Pleiku và Đăklăk. Việc bình định Tây Nguyên là một quá trình khó
khăn và chậm chạp. Các thừa sai Công giáo cũng như các viên chức và quân sĩ Pháp
đều bị tấn công. Cuộc nổi dậy của Me Sao năm 1905 đã đánh phá vùng đất giữa
M’drac và Buôn Ma Thuột.
Sau khi
đánh tan cuộc nổi dậy của Me Sao, dưới quyền của Công sứ Léopold Sabastier,
người Pháp đã xây dựng một hệ thống quản trị mới dựa trên nghiên cứu và tôn
trọng các luật lệ, tập tục của người DTTS, lập bệnh viện, trường học, làm đường
xá. Từ năm 1925, nhiều nhà khai thác người Pháp đã vào Tây Nguyên và trên các
khu đất đỏ phì nhiêu ở Tây Nguyên, 92.000 hecta đã sớm biến thành các đồn điền
do các chủ nhân Pháp chiếm hữu và quản lý.
Chính
trong bối cảnh này, hoạt động truyền giáo được tiến hành tại vùng Kontum, Pleiku
cũng như Buôn Ma Thuột.
Việc
truyền bá Tin Mừng cho các dân tộc ít người có thể chia thành nhiều giai đoạn
như sau:
Vùng
Kontum, Pleiku, Buôn Ma Thuột
Giai đoạn 1838-1932
1. Khi các
nhà truyền giáo mở đầu công việc ở Tây Nguyên, sau giai đoạn tạm yên ổn với
Nguyễn Ánh, từ năm 1825 dưới triều Minh Mạng, đạo Chúa đã bị ngăn cấm. Trong
thời gian l838-1840, hầu như toàn bộ cơ sở thờ tự của Giáo hội Đàng Ngoài bị tàn
phá, giáo dân bị bức bách phải bỏ đạo. Có thể cuộc bách hại là nguyên nhân trực
tiếp khiến cho những người Công giáo ở miền đồng bằng muốn tìm một nơi an toàn
để giữ đạo và đồng thời cũng ý thức hơn về nhu cầu truyền đạo cho các anh chị em
DTTS.
Từ năm
1838, hai nỗ lực truyền giáo đầu tiên do đoàn của Cả Ninh từ Cam Lộ và Cả Quới
từ Phú Yên lên Tây Nguyên đều bị bỏ dở. Có thể một số vị thừa sai tiên phong này
đã tiếp xúc với người Bru cư trú ở phía Tây Quảng Trị, Thừa Thiên.
Với sự
điều động của Đức cha E. T. Cuénot Thể, Cả Ân xây dựng một địa điểm liên lạc gọi
là Trạm Gò giữa miền Cao và miền Xuôi. Đến năm 1842, thừa sai J. C. Miche và
Duclos cùng với 11 thầy giảng và 3 giáo dân từ Phú Yên lên Tây Nguyên, nhưng họ
bị bắt ngay.
Năm
1846, một trung tâm truyền giáo mới được thiết lập ở Buôn Đôn, Buôn Ma Thuột do
hai cha Vận và Hoà phụ trách.
2. Năm
1848, sau khi du học từ Penang (1839) trở về, thầy Phanxicô Nguyễn Do được Đức
cha Cuénot tin cậy giao phó cho việc mở đường truyền giáo cho Tây Nguyên qua ngả
An Sơn (An Khê) dưới danh nghĩa đi buôn. “Đoàn buôn Sáu Do” cùng với thừa sai
Jean Pierre Combes Bê, một số thầy giảng và chủng sinh đã từ Gò Thị lên đến Plei
Bong Mor, lại phải về. Họ bắt đầu lần nữa, từ Gò Thị lên Bến, Trạm Gò, rồi bị
voi rượt phải chạy về Bình Định.
Trong
những chuyến đi rừng các thừa sai tiên phong đã tiếp xúc cả với một số người Hrê
và Hroi đi lại sinh hoạt ở vùng rừng núi phía Đông Kontum giáp ranh với Phú Yên,
Bình Định. Một số người tin đạo, nhưng lòng tin của họ chưa bén rễ sâu, vì họ
chưa sẵn sàng từ bỏ nhiều tập quán, nghi thức bộ lạc trước kia của họ.
Năm
1850, cuộc kết nghĩa của những nhà truyền giáo tiên khởi với lãnh tụ Ba Na
(Bahnar) Bok Kiơm mới khai thông bước đầu hoạt động. Một nhà nguyện chòi lá đầu
tiên được dựng lên tại Kon Kơlang.
Năm
1851, bốn trung tâm truyền giáo hình thành tại Kon Kơxâm (do cha Combes phụ
trách cho người Bahnar Re Ngao), Plei Rơhai cha B. Desgouts Đề và thầy Do cho
người Bahnar Jơlong), Kon Trang Mơnei (cha P. Dourisboures cho người Xơ Đăng) và
Plei Chư (cha Fontaine Phẩm cho người Gia Rai). Thừa sai Combes Bê làm Bề trên
tiên khởi miền truyền giáo Tây Nguyên. Các cơ sở truyền giáo dần dần được xây
cất. Cũng trong năm này, thầy Do chịu chức linh mục.
Ngày
28-12-1853, tín đồ DTTS đầu tiên được rửa tội là một người Ba Na, mang tên Giuse
Hmur.
Khi cha
Combes mất năm 1857, thừa sai P. Dourisboures Ân, nối tiếp chức vụ Bề trên miền
truyền giáo Kontum cho đến năm 1881. Cha Ân viết nhật ký truyền giáo Les
Sauvages Bahnars, 1865-1870, và xuất bản Tự điển Ba Na. Có thêm nhiều người DTTS
tin đạo và thêm nhiều họ đạo mới được mở. Cha Vialleton làm bề trên thứ 3 miền
Kontum.
Cha
Guerlach, trong những năm 1880, đã cố gắng tiếp xúc với các người Xơ Đăng và Re
Ngao trong khu vực Kontum qua việc mang thuốc đến chữa bệnh đậu mùa cho họ.
Nhưng trong nhiều năm, họ vẫn tỏ ra nghi ngờ giá trị của thuốc Tây và các thừa
sai Công giáo rất khó thuyết phục họ. Nhưng năm 1883, đã có khoảng 1.500 người
Ba Na và Re Ngao tin đạo. Cũng nhờ có thuốc chích ngừa bệnh do các thừa sai mang
đến, bệnh dịch đậu mùa trong nhiều làng đã bị chặn đứng năm 1893.
Từ năm
1885, một số giáo dân người Việt chạy nạn Văn Thân từ miền xuôi lên tá túc tại
các họ đạo ở Kontum như Kon Jơdreh, Kon Trang và Plei Tơjai.
3. Trong
các năm 1886 đến 1908, có cả một phong trào các làng theo đạo lập nên nhiều họ
đạo mới, vào chính lúc một sĩ quan phiêu lưu người Pháp xưng danh là Marie I,
vua người Xơ Đăng, muốn lập một quốc gia liên kết ba bộ tộc Ba Na - Re Ngao - Xơ
Đăng ở Tây Nguyên. Đến cuối năm 1901, có 8.000 tín đồ Ba Na, trung tâm Yao Phu
Cuénot được khởi công xây dựng.
Trong
giai đoạn 1908-1932, dưới quyền Bề trên Miền Guerlach Cảnh (1908-1912), Émile
Kemlin Văn (1912-1924), Martial Jannin Phước (1924-1932), trường Cuénot khánh
thành năm 1908, bắt đầu nhiệm vụ đào tạo các nhà truyền giáo người DTTS, cung
ứng cho 94 làng theo đạo và trở thành các họ đạo.
Trong
suốt giai đoạn mở mang miền truyền giáo Tây Nguyên, 1848-1932, có sáu giám mục
quản nhiệm giáo phận Tông toà Đông Đàng Trong chịu trách nhiệm coi sóc miền
truyền giáo Tây Nguyên. Đó là các Đức cha Cuénot Thể (1840-1861), E. Charbonnier
Trí (1864-1878), Louis Galibert Lợi (1879-1883), F.X. Camelbecke Hân
(1884-1901), D. Grangeon Mẫn (1902-1930), Augustin Tardieu Phú (1930-1942).
Giai đoạn 1932-1967
Ngày
18-1-1932, giáo phận Kontum được thành lập, với 3 linh mục Ba Na đầu tiên: Cha
Đen, Hiau và Châu. Ngày 23-6-1933, cha Jannin được bổ nhiệm làm giám mục tiên
khởi Kontum.
Khi đó,
giáo phận Kontum có diện tích 40.000km2, bao gồm các vùng Kontum, Pleiku, Buôn
Ma Thuột và Attâpư (bên Lào), với dân số chung là 750.000 người, trong đó 18.119
tín đồ DTTS, 5.533 tín đồ Kinh, 27 linh mục gồm 3 Ba Na, 11 Việt và 14 Pháp, hai
dòng tu nữ gồm 3 chị Bác Ái, 32 chị Mến Thánh Giá, 19 thầy giảng, 225 Yao Phu và
160 giáo lý viên. Các tu sĩ dòng Thánh Giuse lên dạy học.
Riêng
Kontum có 18.061 tín đồ DTTS và 3.247 tín đồ Kinh phân bố trên 3 xứ và 14 họ lẻ.
Pleiku có 863 tín đồ DTTS, 2.168 tín đồ Kinh phân bố trên 4 họ đạo. Có tất cả 17
làng Công giáo Kinh được thành lập từ năm 1872 đến 1932.
Năm
1933, miền Buôn Ma Thuột được tách thành một khu vực riêng; nguyệt san “Chức
Dịch Thơ Tín” ra đời. Chủng viện Kontum được xây dựng (1934), mở rộng hoạt động
truyền giáo cho các bộ tộc Gia Rai, Xơ Đăng. Dòng Bác Ái đến Kontum lo cho người
phong (1938).
Nhật
chiếm Kontum (13 đến 14-3-1945), tập trung các thừa sai tại Nha Trang.
Cha
Jacques Dournes chuyển đến truyền đạo cho người Hrê (1946).
Năm
1947, tình hình giáo phận như sau: 1 giám mục, 28 linh mục (3 Ba Na, 14 Việt, 11
thừa sai nước ngoài), 33 nữ tu, 215 Yao Phu, 10 chức việc, 23 đại chủng sinh,
2.923 dự tòng, 23 hạt Công giáo gồm 151 cơ sở Ba Na, 27 cơ sở người Kinh, 23 nhà
thờ và 133 nhà nguyện.
Năm
1950, kỷ niệm 100 năm truyền giáo Tây Nguyên.
Năm
1955, lập Trung tâm Dự tòng Gia Rai Cheo Reo-Tơlui. Năm sau, hình thành 2 giáo
điểm Cheo Reo và Chư Mô, rồi lập Ban Giáo dục Người Dân tộc trong giáo phận. Các
tu sĩ dòng La San lên dạy học, các tu sĩ dòng Phaolô đến Cheo Reo.
Giai
đoạn 1967-1999
Năm 1969, lập giáo điểm Ia Rbol gồm 11 làng Gia Rai. Các tu
sĩ dòng Con Đức Mẹ VN, dòng Chúa Quan Phòng (1970), anh em dòng Tiểu Đệ (1974)
lên Pleiku, và dòng Chúa Cứu Thế với Trung tâm Truyền giáo Gia Rai Pleikly.
Chủng viện Kontum bị pháo kích phải chuyển đi Tùng Lâm (1972).
Năm
1975, xảy ra cuộc di tản ở Tây Nguyên ngày 17-3.
[Xem Bảng
tổng kết phong trào tin đạo nơi người Gia Rai (1988-1997) ở trang bên]
Vùng
Buôn Ma Thuột
Ngày 22-6-1967, thành lập giáo phận mới Ban Mê Thuột, gồm
tỉnh Buôn Ma Thuột, Quảng Đức, Phước Long (2 tỉnh sau tách từ gp. Đà Lạt). Đức
cha Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm làm giám mục chính toà tiên khởi, ngày 15-8.
Ngay từ
năm 1846, hai thừa sai người Việt đã đến Buôn Đôn, vùng Buôn Ma Thuột để mở mang
việc truyền giáo nơi người Êđê và M’nông. Nhưng các hoạt động ở khu vực này bị
hạn chế do nhiều nguyên nhân: hệ thống giao thông từ Buôn Ma Thuột đi đến các
buôn làng Thượng chưa được phát triển, phản ứng của các DTTS ở Tây Nguyên chưa
thuận lợi, chưa đủ các nhà truyền giáo để đảm nhiệm các công việc, viên chức
Pháp ở vùng Buôn Ma Thuột cũng gây khó khăn cho các thừa sai Pháp ở Tây Nguyên.
Năm
1934, bắt đầu có gia đình truyền giáo Tin Lành, ông bà G.H. Smith, đến Buôn Ma
Thuột lo cho cả miền Tây Nguyên, mọi nỗ lực truyền bá đạo Công giáo ở khu vực
này vẫn bị các viên chức người Pháp giới hạn.
Năm
1938, chỉ có một nhà thờ duy nhất ở thị xã Buôn Ma Thuột, gắn liền với giáo xứ
Pơlei Po (La Sơn) ở địa giới Pleiku, với khoảng 50 tín hữu.
Chỉ sau
năm 1954, trong điều kiện có sự phân bố di dân từ miền Bắc vào các tỉnh vùng Tây
Nguyên, phần lãnh thổ nay thuộc giáo phận Ban Mê Thuột mới chứng kiến việc tiếp
xúc mở rộng của các nhà truyền giáo Công giáo với các anh chị em DTTS.
Khoảng
năm 1963, có 51.105 tín hữu do 49 linh mục di cư từ miền Bắc vào chăm sóc ở khắp
41 giáo xứ. Năm 1975, có 61.289 tín hữu, 69 linh mục ở 42 xứ. Số tín hữu DTTS
không đáng kể.
Sau
ngày 11-3-1975, cả giáo phận Ban Mê Thuột rơi vào những năm khó khăn chung.
Từ năm
1987 đến nay, giống như tại giáo phận Kontum, có phong trào anh chị em DTTS ở
Buôn Ma Thuột tìm đến các họ đạo Công giáo để xin chuẩn bị tòng giáo, bất chấp
mọi khó khăn, gian khổ. Họ nhận ra Giáo hội Công giáo biết tôn trọng có chừng
mực các tập quán văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc họ. Khi tòng giáo,
họ được thêm đức tin vào Chúa, vẫn tìm thấy Chúa trong chính các giá trị văn hoá
tích cực của họ. Khi gia nhập vào một cộng đoàn Giáo Hội, họ được đối xử như
những thành viên bình đẳng, được mến yêu, được tạo điều kiện để hiểu đạo và sống
đạo như các anh chị em đồng đạo khác.
Năm
1995, giáo phận có 56 linh mục coi 48 họ đạo với số giáo dân lên đến 185.000, kể
cả các anh chị em dân tộc. Năm 2000, giáo phận có 49 họ đạo với 253.158 giáo
dân.
Chẳng
hạn tại giáo xứ Vinh Hoà, hiện có khoảng 700 tín hữu DTTS chính thức, và 1.200
tín hữu dự tòng. Các nữ tu dòng Nữ Vương Hoà Bình hiện đang góp phần tích cực
trong việc giảng dạy giáo lý và giúp đỡ họ về các mặt xã hội, thể hiện tinh thần
bác ái, để củng cố đức tin còn non nớt của họ.
Tại giáo
xứ Bù Đăng, hạt Phước Long, có hơn 8.000 giáo dân, trong đó đã có trên 6.000 tín
hữu DTTS người M’nông, Xtiêng, Tày, Nùng (di chuyển từ miền Bắc vào)… chung
quanh vùng thị trấn Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Vùng
Bình Phước
Từ năm 1846, thừa sai người Pháp là cha Pierre Arnoux đã đến
với người Xtiêng, sau một thời gian nghiên cứu về địa thế và tìm hiểu con người,
cha đã lập nên một giáo điểm tại Brơlâm. Brơlâm là địa danh chỉ một vùng rộng
lớn từ Lái Thiêu qua Thủ Dầu Một đến phía Bắc tỉnh Bình Dương. Đây chính là địa
bàn sinh sống lâu đời của người Xtiêng. Công việc ban đầu của cha thật gian khổ
vì rừng sâu nước độc, lại có nhiều muỗi gây bệnh sốt rét. Cha vẫn chịu đựng, học
tiếng Xtiêng để có thể giao tiếp và cảm thông với cuộc sống hằng ngày của họ.
Ròng rã 15 năm vất vả, cha vẫn không thu lượm được kết quả bao nhiêu.
Năm
1861, dưới thời Đức cha D. Lefèbvre, hai thừa sai Henri Azémar và Jean Éveillard
được bổ nhiệm tăng cường việc truyền giáo. Nhưng môi sinh tự nhiên thật khắc
nghiệt: cha Arnoux bị sốt rét nặng phải về Hong Kong điều trị và mất tại đó, cha
Éveillard chuyển về chủng viện, chỉ còn một mình cha Azémar.
Năm
1866, trong cuộc nổi dậy Poucom-bo chống Pháp xảy ra ở vùng biên giới Việt-Miên,
giáo điểm Brơlâm bị tàn phá và nhiều tín đồ Xtiêng bị giết chết. Cha Azémar chạy
thoát về Thủ Dầu Một và được giao trông coi họ Lái Thiêu.
Nhưng,
cha không quên anh chị em dân tộc Xtiêng. Cha tìm kiếm những anh chị em sống
sót, quy tụ được tất cả được 6 cháu cô nhi do biến cố Poucom-bo, và đưa về dưỡng
nuôi tại Lái Thiêu, xây dựng gia đình cho họ, giúp họ thành những giáo lý viên
cho chính đồng bào của họ. Cha Azémar đã để lại 1 tự điển, 1 sách giáo lý và 1
sách kinh tiếng Xtiêng, nhưng chỉ có tự điển được xuất bản. Trong thập niên
1860-1870, có nhiều người Xtiêng tin đạo, nhưng sau đó không một tài liệu nào
nói đến cộng đoàn Công giáo Xtiêng ở Brơlâm nữa.
Trong
suốt nhiều đợt cấm đạo, thời kỳ 1825-1882, người Công giáo không thể cư trú cố
định một nơi. Nhiều người tìm đến những nơi xa chốn thị tứ, có người tìm đến Đá
Trắng hay Bố Mua ở sâu trong vùng Bình Phước, kết thành một họ đạo. Năm 1867,
ngôi nhà thờ được dựng lên quy tụ 264 người, cả Việt lẫn Xtiêng, dưới sự chăm
sóc của cha Azémar. Cha Arnoux cũng có lúc tới đây để giúp về mục vụ. Dần dần
chỉ còn các tín hữu người Việt, vì anh chị em Xtiêng chuyển lên các vùng cao
hơn. Việc truyền giáo cho người Xtiêng bị gián đoạn.
Năm
1994, tại một làng Xtiêng ở sâu trong rừng giáp với một khu đồn điền ở Bình
Long, còn có những gia đình Công giáo Xtiêng tiếp tục giữ đạo và tôn kính ảnh
đạo trong nhà của họ.
|