Gia Đình Khôi Bình
01.02.2008
Khôi Bình
New Page 1
HỘI ĐOÀN
KHÔI BÌNH

1. Linh đạo Khôi Bình
Khôi Bình là một hội đoàn mang tên của vị sáng lập - Kolping (tiếng Việt dịch là
Khôi Bình), và hội đoàn này còn được gọi bằng một từ gần gũi với đời thường của
con người và phù hợp hơn bản chất của nó, đó là Gia Đình Khôi-Bình. Linh
đạo Khôi-Bình là con đường giúp cho người giáo dân theo Chúa Giêsu ngay trong
môi trường sống của mình. Hay nói cách khác, là giúp người giáo dân sống triệt
để hơn ba vai trò: vương giả, tư tế và ngôn sứ của Chúa Kitô, mà
họ được tham dự khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, ngay trong môi trường nghề
nghiệp của mình (x. Khôi Bình Việt Nam, lưu hành nội bộ, tr. 27 và 40).
Vì linh đạo Khôi Bình có mục đích giúp mọi người giáo dân sống ơn gọi Kitô hữu
cách hữu hiệu hơn trong ngành nghề, chức vị của mình, nên linh đạo này mang nặng
tính xã hội. Tuy nhiên, tính xã hội của linh đạo Khôi Bình được xây dựng trên:
“Sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề xã hội và ý
hướng, tư tưởng và sự nghiệp của cha thánh A-Đôn Khôi-Bình” (Sđd, tr. 40 và
41).
Hội Đoàn Khôi Bình được chia thành những gia đình nhỏ gồm những thành viên trong
một giáo xứ, giáo họ hay trong một nhóm bất kỳ nào đó. Những thành viên trong
một gia đình này phải sống với nhau như anh em trong gia đình, sống tình huynh
đệ để xây dựng và củng cố đức tin cho nhau. Họ gặp nhau mỗi tuần để đọc lời Chúa
và chia sẻ cho nhau những cảm nghiệm về lời Chúa, cũng như những khó khăn đang
gặp phải, rồi cầu nguyện cho nhau và tìm cách giúp đỡ nhau giải quyết những khó
khăn đó, cũng như để cùng nhau làm việc tông đồ, bác ái.
Về đầu trang
2. Đôi nét về Đấng
sáng lập
A-Đôn
Khôi-Bình (Adolph Kolping) đấng sáng lập cộng đoàn Khôi Bình chào đời ngày
08-12-1813 tại làng Kerpen, gần thành phố Koln nước Đức; là con thứ tư của ông
Phê-rô Khôi-Bình và bà An-na Ma-ri-a.
Gia đình Khôi-Bình thuộc thành phần bần nông, ít học nhưng lại rất đạo đức; và
do đó, từ thuở nhò Khôi-Bình đã được hấp thụ bầu không khí đạo hạnh, lễ nghĩa.
Vốn thông minh, cần mẫn lại được cha mẹ quan tâm, thầy giáo tận tình giúp đỡ nên
cậu rất giỏi. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mới lên 13 tuổi Khôi-Bình
đã phải nghỉ học để tìm công ăn việc làm hầu sống qua ngày và hy vọng để giúp đỡ
cho cha mẹ được phần nào.
Tuy là một cậu bé ốm yếu từ nhỏ và chỉ quen với việc học hành, giúp lễ ở nhà
thờ, nhưng khi được nhận vào học nghề tại xưởng giày dép của ông Mai-Dự (Meuser)
trong làng, cậu lại rất siêng năng và khéo tay. Và vì thế, chẳng bao lâu sau
Khôi-Bình đã trở thành một thợ giày giỏi, được chủ quý bạn thương, kể cả khi lên
thành phố Cơ-Lân hành nghề vào độ tuổi 19.
Dự định của Khôi-Bình là đô thị lớn sẽ có cơ hội giúp đỡ gia đình nhiều hơn.
Nhưng mới ở Cơ-Lân được độ một năm thì mẹ anh đã qua đời. Thế là cậu con áp út
đã mất đi cơ hội đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ đức hạnh. Về
quê chịu tang thân mẫu xong, Khôi-Bình trở lại Cơ-Lân để tiếp tục sự nghiệp.
Biết Khôi-Bình không chỉ siêng năng, khéo tay, mà còn là con người đức độ, nên
ông Bách (Beck) chủ xưởng giày tính gả cô Lê-na (Lena), người con gái duy nhất
của mình cho anh. Nhưng anh đã từ chối vì anh vẫn còn nhớ lời trăn trối ngày xưa
của cha xứ Gio-an Hải-Đệ (Johannes Heyde): “Khôi-Bình, cha chúc lành cho con.
Không chừng có ngày Chúa sẽ gọi con làm những việc lớn lao cao cả”, và trong
lòng anh luôn cảm thấy một sự thúc đẩy phải trở lại với trường học.
Năm 23 tuổi Khôi-Bình bị lao lực. Anh phải trở về quê dưỡng bệnh. Trong thời
gian đó anh đã lên nhà xứ nhờ các cha dạy tiếng La-tinh cho mình.
Sau khi phục hồi sức khỏe, anh lại lên Cơ-Lân để tiếp tục nghề đóng giày. Nhưng
chẳng bao lâu sau anh quyết định bỏ nghề để trở lại trường trung học. Mặc dù đã
lớn tuổi nhưng Khôi-Bình vẫn luôn đạt kết quả học tập xuất sắc. Anh còn trở
thành gia sư cho những bạn học để kiếm thêm tiền sinh sống.
Việc học đang tiến triển tốt, thì bệnh cũ tái phát khiến anh lại phải nghỉ học.
Sau một thời gian chữa bệnh, anh trở lại trường và kết thúc chương trình trung
học vào độ tuổi 28 với một thành tích rực rỡ khiến Hội Đồng Khảo Thí Hoàng Gia
đã phê tặng: “Hội Đồng chúc mừng và hy vọng rằng những nỗ lực nghiêm túc và
bao hy sinh trò đã đổ ra để đạt mục đích sẽ được tưởng thưởng bội phần, và cũng
mong cho trò được hưởng nhiều ân phúc và đem phân phát những ân phúc ấy cho muôn
người…”.
“Mong cho trò được hưởng nhiều ân phúc và đem phân phát những ân phúc ấy cho
muôn người”. Lời cầu chúc này như là một khởi điểm cho một chặng đường mới. Sau
một tháng trời suy nghĩ đắn đo, anh quyết định đi tu để làm linh mục.
Thánh 5-1841, chia tay những người thân yêu trong nước mắt, Khôi-Bình lên thành
phố Minh-sơn (Munchen) để vào đại học, nhập khoa thần học.
Điều mà anh lo nhất khi lên đại học là vấn đề tài chính. Nhưng do luôn đặt tin
tưởng và hy vọng vào Đức Mẹ, nên anh đã được một ân nhân giúp đỡ cho trong suốt
bốn năm tại đại học Minh-sơn và Bon (Bonn).
Sau mấy năm trời ở chủng viện Cơ-Lân, ngày 13-04-1845, thầy phó tế Khôi-Bình
được thụ phong linh mục. Nhưng điều xót xa nhất là thánh lễ mở tay của cha
Khôi-Bình chính là thánh lễ an táng cho người cha thân yêu của mình. Và vì thế,
không chỉ tân linh mục Khôi-Bình mà hầu như mọi người trong nhà thờ đều rơi lệ
vì chia sẻ niềm hạnh phúc và nỗi đau đớn với ngài.
Ước mong của cha Khôi-Bình là được coi sóc một xứ đạo nghèo nàn nhỏ bé ở nông
thôn. Nhưng cha lại được bổ nhiệm làm cha phó thứ hai của xứ Lô-ren-sô
(Laurentius) nằm ngay trung tâm công nghiệp Vu-pơ-tan (Wuppertal). Bên cạnh việc
mục vụ ở xứ, cha Khôi Bình còn dạy giáo lý ở trường trung học, làm linh mục đồng
hành của những người thợ trẻ. Và vì muốn nâng cao thân phận của những người thợ
mà cha đã từ bỏ ý định đi học lấy bằng tiến sĩ thần học để ở lại với họ.
Sau
4 năm, cha Khôi-Bình lại được bổ nhiệm về làm phó xứ chính tòa Cơ-Lân. Mặc dù
rất bận rộn với công việc giáo xứ, nhưng cha Khôi-Bình không bao giờ quên hình
ảnh những người thợ trẻ. Vượt qua nhiều chống đối gièm pha, cha đã lập nên hội
thợ mới tại thành phố Cơ-Lân. Cứ thế, lòng nhiệt thành, lửa yêu thương thúc đẩy
khiến cha tìm mọi cách để quy tụ những anh em thợ ngõ hầu có thể nâng đỡ đời
sống tinh thần và vật chất của họ; giúp họ nhận ra giá trị của chính họ, của lao
động và nhận ra tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống đời
thường của họ. Những cơ sở cha Khôi-Bình xây lên lúc này không chỉ có những
người trẻ, mà còn nhiều người nghèo đói khổ sở khác nữa. Bất cứ ai đến đây đều
được cha tìm cách để nâng cao kiến thức đạo đời và tay nghề.
Năm 1862, cha Khôi-Bình nhận bài sai về coi xứ Mi-no-rít, nơi 17 năm trước cha
đã lãnh sứ vụ linh mục. Với lòng nhiệt tâm trong vai trò phục vụ giáo xứ và nhất
là công việc nâng cao phẩm giá, cải thiện đời sống của những người thợ lâu nay,
giúp họ ý thức về vai trò chứng tá cho Tin Mừng ngay trong môi trường của mình,
nên ngày 22-04-1862, cha được Đức giáo hoàng Piô IX phong làm Đức ông Quản lý
Hội đồng Tư vấn Giáo hoàng.
Năm 1864, cha được bầu làm Tổng Đồng Hành của toàn Hội cho đến được Chúa gọi về
vào ngày 04-12-1865. Cha Khôi-Bình được người ta gọi đến với nhiều tước hiệu
như: “Thầy của dân”, “Cha của thợ” và “Tông đồ của giáo dân”.
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong cha A-Đôn Khôi-Bình lên hàng chân
phước vào ngày 27-10-1991. Vì vậy, các thành viên trong gia đình Khôi-Bình gọi
ngài là cha thánh Khôi-Bình.
Về đầu trang
3.
Tổ chức Khôi Bình
3.1. Ban lãnh đạo quốc tế
Ban lãnh đạo cao nhất của Cộng Đoàn Khôi-Bình là Ban Quản Gia Khôi–Bình Quốc Tế
(BQGKBQT, International Excutive Board), tức là Ban thường vụ của Hội Đồng Chỉ
Đạo Khôi-Bình Quốc Tế (HĐCĐQT, International Board Of Directors), điều hành mọi
hoạt động của Cộng Đoàn Khôi-Bình trên toàn thế giới, gồm có 7 vị:
-
Tổng Đồng Hành Khôi-Bình Quốc Tế,
- Tổng Quản Lý Khôi-Bình Quốc Tế,
- Tổng Thư Ký Khôi-Bình Quốc Tế
- 4 vị Ủy viên.
Nhiệm kỳ cho các chức vụ này là 5 năm.
Bên cạnh sự chỉ đạo của BQGKBQT, mỗi năm Cộng Đoàn Khôi-Bình còn được HĐCĐQT gồm
Gia Trưởng Khôi-Bình các quốc gia hội họp một lần để duyệt xét các nghị quyết
trước đó và đưa ra những đường hướng mới cho năm kế tiếp.
3.2. Ban lãnh đạo quốc gia
Ban lãnh đạo quốc gia là Ban Quản Gia Khôi-Bình của mỗi nước, được bầu bằng
phiếu kín và có nhiệm kỳ 5 năm, gồm:
- Linh mục đồng hành Khô-Bình quốc gia
- Gia Trưởng Khôi-Bình quốc gia
- Phó Gia Trưởng Khôi-Bình quốc gia
- Quản lý Khôi-Bình quốc gia
- Thư ký Khôi-Bình quốc gia
3.3. Ban lãnh đạo giáo phận
Ban lãnh đạo cấp giáo phận là Ban Quản Gia Khôi-Bình của mỗi giáo phận, được Ban
Quản gia Quốc gia bổ nhiệm dựa theo sự bầu chọn của Hội Đồng chỉ đạo Khôi-Bình
giáo phận, có nhiệm kỳ 3 năm, gồm:
- Đồng hành Khôi-Bình giáo phận
- Gia Trưởng Khôi-Bình giáo phận
- Phó Gia Trưởng Khôi-Bình giáo phận
- Quản lý Khôi-Bình giáo phận
- Thư ký Khôi-Bình giáo phận.
3.4. Ban lãnh đạo giáo xứ
Ban lãnh đạo Khôi-Bình cấp giáo xứ là Ban Quản Gia Khôi-Bình giáo xứ, được bầu
bằng phiếu kín và có nhiệm kỳ 2 năm, gồm:
- Linh mục đồng hành
- Gia trưởng
- Phó gia trưởng
- Quản lý
- Thư ký
Trong trường hợp thiếu nhân sự, Gia trưởng Khôi-Bình giáo xứ được quyền kiêm
nhiệm Phó Gia trưởng Khôi-Bình giáo xứ.
3.5. Thành viên
Để gia nhập Cộng Đoàn Khôi-Bình , đương sự phải hội đủ điều kiện:
- Là tín hữu thuộc giáo hội Công giáo, không phân biệt thành phần, lứa tuổi,
giới tính;
- Tự nguyện chấp nhận những mục tiêu, đường hướng hoạt động và các nghĩa vụ của
cộng đoàn;
- Được Ban Quản gia Khôi-Bình giáo xứ chấp nhận.
Các thành viên có nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của Cộng Đoàn Khôi-Bình.
Về đầu trang
4.
Gia đình Khôi Bình giáo phận Vinh
Trước
khi nói về Cộng đoàn Khôi-Bình giáo phận Vinh, thiết nghĩ chúng ta cũng nên biết
qua một chút về sự ra đời của Khôi-Bình Việt Nam. Khôi-Bình Việt Nam được thành
lập 1993, do linh mục người Đức Robert Henrich. Hiện Khôi-Bình Việt Nam có mặt
trên 18 giáo phận là Hải Phòng, Phát Diệm, Hà Nội, Thái Bình, lạng Sơn, Bắc
Ninh, Hưng Hóa, Bùi Chu, Thánh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Xuân Lộc, Phú
Cường, Đà Lạt, TP. HCM, Mỹ Tho và Cần Thơ.
Khôi-Bình Việt Nam ra đời được 11 năm, thì Khôi-Bình Vinh được thành lập.
Ngày 31-10-2003, sau khi được phép của Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, cha
Robert Henrich và anh Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa, Gia trưởng Khôi-Bình Việt Nam đã tổ
chức cuộc nói chuyện về Hội Đoàn Khôi-Bình tại nhà thờ Chính Tòa Xã Đoài, và từ
đó cộng đoàn Khôi-Bình được thành lập tại giáo phận Vinh.
Sau bốn năm hiện diện ở giáo phận Vinh, Cộng đoà Khôi-Bình đã được mở rộng đến
11 giáo xứ với số thành viên là 1272, gồm:
1. Giáo xứ Xã Đoài: 362 thành viên
2. Giáo xứ:Tân Lộc: 443 thành viên
3. Giáo xứ: Lộc Mỹ: 95 thành viên
4. Giáo xứ: Lập Thạch: 51 thành viên
5. Giáo xứ: Rú Đất: 28 thành viên
6. Giáo xứ: Thuận Nghĩa: 53 thành viên
7. Giáo xứ: Yên Đại: 50 thành viên
8. Giáo xứ: Cầu Rầm: 39 thành viên
9. Giáo xứ: Trang Nứa: 25 thành viên
10. Giáo xứ: Ngọc Liễn: 90 thành viên
11. Giáo xứ: Làng Anh: 36 thành viên

Ban Gia Trưởng Khôi-Bình giáo
phận Vinh hiện nay:
1. Cha Phanxicô Xaviê Võ Thanh Tâm, linh mục đồng hành.
2. Phêrô Nguyễn Minh Châu, Gia trưởng
3. Anphongsô Trần Đức Hoa, Phó Gia trưởng
4. Phêrô Nguyễn Công Lịch, Thư ký
5. Antôn Trần Đức Khánh, Quản lý
Về đầu trang
Gia Đình Khôi Bình
|