Suy niệm Lời Chúa các ngày trong tuần II thường niên
19.01.2015
Lời Chúa là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn, là ánh sáng soi đường dẫn lối cho cuộc sống. Việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa sẽ giúp mỗi người nhận biết lối đường để đi, phương cách để hành động, đồng thời bổ dưỡng tâm hồn con người trên đường về với Chúa.
Ước chi mỗi kitô hữu biết đọc, suy niệm và áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Xin Chúa cho mọi kitô hữu biết suy nghĩ, cư xử theo gương Chúa làm và Lời Chúa dạy, hầu trở nên khí cụ bình an của Chúa và chiếu ánh sáng tin yêu trong cuộc sống, hầu giúp cho anh chị em lương dân nhận biết và tin theo Chúa để cùng được hưởng ơn cứu độ.
SUY NIỆM LỜI CHÚA
Các Ngày Trong Tuần II Thường Niên
Thứ Hai
Thứ Ba
Thứ Tư
Thứ Năm
Thứ Sáu
Thứ Bảy
**************
Thứ Hai
Bài đọc 1: Dt 5,1-10
Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên
thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội.
Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc
phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân
thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh
dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Ðức
Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người
rằng: "Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con". Cũng có nơi khác
Ngài phán: "Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". Khi
còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn
nguyện lên Ðấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được
nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người
chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả
những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm
Menkixêđê.
Tin mừng: Mc 2,18-22
Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt
phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và
các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?" Chúa
Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn
ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được.
Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải
mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách
lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ
bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".
Suy niệm
PHÙ HỢP
Trong mỗi giai đoạn của lịch sử cứu độ đều có
những ngôn sứ hay những chứng nhân khác nhau để giới thiệu Thiên Chúa cho con
người hoặc kêu gọi con người sống phù hợp với lời mời gọi của Thiên Chúa và đưa
con người đến với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh “bình mới rượu
mới và bình cũ rượu cũ” để nói đến một đời sống của con người trong thời
đại.
Ông Gioan tẩy giả là một ngôn sứ. Ông đến để
kêu gọi con người trong thời đại của ông chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế đến.
Chính vì thế các môn đệ Gioan sống với tâm tình sám hối, dọn đường và chờ đợi.
Chúa Giêsu, chính là Đấng Cứu Thế đã đến, đã
hiện diện và đã sống với con người để cứu vớt con người, đưa con người trở về
với Thiên Chúa. Vì thế các môn đệ của Chúa phải sống trong tâm tình vui tươi
phấn khởi vì có Chúa đang ở cùng.
Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở tôi cần có một
đời sống phù hợp. Đó là phù hợp với đức tin, phù hợp với bổn phận, phù hợp với
ơn gọi, phù hợp với môi trường, phù hợp với lời mời gọi của Chúa trong cuộc
sống hiện tại.
Xin Cho con biết lắng nghe và đón nhận lời
Chúa dạy, lắng nghe và đón nhận những chỉ dẫn của những người có trách nhiệm,
lắng nghe và đón nhận chính bản thân mình để đời sống của con phù hợp ý Chúa
trong cuộc đời. Amen. [Mục Lục]
Thứ Ba
Bài đọc 1: Dt 6,10-20
Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến
nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người,
anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong
ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng
đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin
tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.
Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham,
Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng:
"Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều". Do đó,
Abraham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào
kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh
tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý
định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất
dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi
niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong
niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm
vào tận bên trong bức màn, nơi Ðức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta,
Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.
Tin mừng: Mc 2,23-28
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng
lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người
rằng: "Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép
như vậy?" Người trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà
Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà
Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình
thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?" Và Người bảo
họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì
ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Suy niệm
CẢM THÔNG HAY KẾT ÁN
Lời Chúa trong bài đọc 1 nhấn mạnh đến đời
sống yêu thương cũng như việc thực thi bác ái với tha nhân. Thật vậy, tác giả
thư Do thái nhấn mạnh: Thiên Chúa không quên những việc làm và đời sống bác ái
của chúng ta.
Nội dung bài Tin mừng nói đến một ví dụ về tinh
thần bác ái. Trước sự kiện các môn đệ bứt lúa trong ngày sabat, những người
Pharisiêu tỏ ra khó chịu và bắt bẻ các môn đệ. Họ thiếu lòng cảm thông và bác
ái. Ngược lại, với cách cư xử và tinh thần bác ái, Chúa Giêsu đã thông cảm với
các môn đệ.
Trong cuộc sống thường ngày tôi cũng gặp gỡ
tha nhân mỗi ngưỡi mỗi vẻ khác nhau, tôi cũng đối diện với những biến cố và sự
kiện khác nhau. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở cho tôi biết đón nhận và
đối xử với tha nhân, với các sự kiện bằng tinh thần bác ái. Khi sống bác ái,
không những tốt cho người khác, nhưng còn có ích cho chính bản thân của tôi.
Xin cho con biết đón nhận tha nhân và
các sự kiện trong cuộc sống bằng tinh thần bác ái. Vì đó là điều đẹp ý Chúa.
Amen. [Mục Lục]
Thứ Tư
Bài đọc 1: Dt
7,1-3.15-17
Anh em thân mến, Menkixêđê này là vua Salem,
tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Abraham đang trên đường về sau khi
đánh bại các vua, ông chúc lành cho Abraham. Và Abraham dâng cho ông một phần
mười các chiến lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước tiên thấy tên ông mang tên
vua công chính, rồi ông lại còn là vua Salem, nghĩa là vua hoà bình. Ông không
cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh
với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.
Việc còn hiển nhiên hơn nữa, nếu một tư tế
khác được thiết lập theo phẩm hàm Menkixêđê, không phải chiếu theo luật xác
thịt quy định, nhưng chiếu theo quyền năng của sự sống bất diệt. Vì đã chứng
thực về ngài rằng: "Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn
đời".
<Tin mừng: Mc 3,1-6
Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó
có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh
trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng:
"Ngươi hãy đứng ra giữa đây". Rồi Người bảo họ: "Trong ngày
Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?" Nhưng
họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ
chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: "Hãy giơ tay ra". Người đó giơ tay
ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với
những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.
<Suy niệm
VIỆC LÀM TỐT ĐẸP
Tôi cảm thấy rằng trong cuộc sống mỗi ngày,
tôi phải đối diện diện với các luật lệ và các qui tắc. Thật ra, luật lệ và qui
tắc cũng cần thiết cho đời sống của tôi. Bởi vì, luật lệ và những qui tắc được
xem như người bảo vệ và hướng đẫn tôi sống đúng và tốt trong cuộc sống và bổn
phận của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ giữ luật theo hình thức và sống theo những
qui tắc một cách mù quáng, thì khi đó tôi đã đánh mất ý nghĩa thực sự và mục
đích căn bản của lề luật đó là: giúp tôi sống tốt, hướng dẫn tôi làm những điều
tốt đẹp.
Bài tin mừng hôm nay là một minh họa về việc
giữ luật. Những người Pharisêu đã giữ luật theo hình thức và đánh mất mục đích
căn bản của lề luật. Vì thế họ không chấp nhận việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong
ngày Sabbat cho dù đó là một việc làm tốt đẹp. Việc làm của Chúa Giêsu nhắc nhở
cho tôi ý thức về việc giữ luật và hiểu rõ ý nghĩa của lề luật.
Trong cuộc sống mỗi ngày, trong bổn phận và
trong công việc, nhiều khi tôi cũng chỉ giữ luật theo thói quen và quên đi mục
đích căn bản của lề luật. Ví dụ như: tôi đọc kinh, tôi đi lễ nhưng chỉ làm theo
thói quen và theo lề luật. Vì thế tôi đọc kinh, tôi đến nhà thờ nhưng tâm hồn
tôi đang ở xa Chúa. Khi tôi yêu mến và sống theo lề luật đúng với ý nghĩa căn
bản của lề luật thì tôi mới gần Chúa thực sự.
Lạy Chúa, xin cho con biết hiểu rõ ý nghĩa của
lề luật để con biết đối xử và làm những điếu tốt đẹp cho tha nhân. Amen. [Mục Lục]
Thứ Năm Bài đọc 1: Dt 7,25-8,6
Anh em thân mến, Chúa Giêsu có thể cứu độ cách
vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để
chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh
thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên
các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước
là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có
một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm
tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm thượng tế đến
muôn đời.
Ðiểm chính yếu về các điều đang đề cập đến là:
chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Ðấng Tối Cao trên trời, với tư
cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật mà Chúa - chứ không
phải người phàm - đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được đặt lên là để hiến
dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có gì để hiến dâng. Vậy
nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư tế, vì đã có những
người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự mà họ làm chỉ là
hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Môsê khi ông sắp dựng
nhà tạm rằng: Chúa phán: "Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự theo mẫu Ta
đã chỉ cho ngươi trên núi". Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một
chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt
hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành.
Tin mừng: Mc 3,7-12
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ
biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia
sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả
những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho
Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành
nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người.
Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con
Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.
Suy niệm
NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA
Đoạn tin mừng này là bản tóm lược cuộc truyền
giáo của Chúa Giêsu ở Galilê. Qua đó cho tôi thấy những thái độ khác nhau của
con người đối với sự hiện diện của Chúa Giêsu.
- Những người biệt phái và kinh sư: Họ không
tin Chúa Giêsu và tìm cách loại trừ Ngài.
- Dân chúng: Theo Chúa Giêsu vì những lợi ích
vật chất như được ăn no nê, được chữa khỏi bệnh...
- Các môn đệ và bà con thân thiết của Chúa
Giêsu: Chưa hiểu đúng về Ngài, còn có những vụ lợi, tham vọng.
- Ma quỉ: Nhận biết Chúa Giêsu, nhưng là hận
thù, ganh ghét.
Trước những thái độ như vậy, Chúa Giêsu đã đối
xử nhẹ nhàng, không tranh luận với những người chống đối khi thấy không cần
thiết. Chúa Giêsu cũng không muốn khua chiêng đánh trống hay quảng cáo ồn ào.
Ngài đã dùng tình thương chứ không dùng tài nghệ để đối xử với mọi người.
Những thái độ của con người đối với Chúa Giêsu
trong bài Tin mừng này gợi ý cho tôi xem lại thái độ của tôi đối với Chúa
Giêsu, đối với Lời Chúa dạy tôi mỗi ngày. Thái độ của Chúa Giêsu trong Lời Chúa
hôm nay cũng là tấm gương cho tôi trong việc phục vụ tha nhân và thi hành bổn
phận. Đó là thái độ khiêm tốn hiền hòa trong tương quan đối với tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết Chúa nhiều, để
con yêu mến Chúa và trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen. [Mục Lục]
Thứ Sáu
Bài đọc 1: Dt 8,6-13
Anh em thân mến, hiện giờ vị Thượng tế của
chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của
một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt
lành. Vì nếu giao ước thứ nhất không khuyết điểm, thì thật sự không cần phải có
giao ước thứ hai nữa. Vì Chúa khiển trách họ rằng: "Này đến ngày Ta thực
hiện một giao ước mới cho nhà Israel và cho nhà Giuđa. Không phải như giao ước
Ta ký kết với cha ông chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dẫn ra khỏi đất Ai-cập.
Bởi chúng không trung thành với giao ước Ta, nên Ta đã bỏ chúng. Vì chưng, giao
ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày ấy, Ta sẽ đặt các lề luật của Ta
trong trí chúng, và khắc nó vào lòng chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và
chúng sẽ là dân Ta. Không còn ai phải dạy bạn hữu mình, hay mỗi người không còn
phải bảo anh em mình rằng: "Hãy nhìn biết Chúa", vì mọi người, từ
người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta; bởi Ta dung thứ các điều gian ác của
chúng, và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa". Người tuyên bố giao
ước mới, thì Người làm cho giao ước thứ nhất ra cũ đi. Nhưng điều gì đã cũ đã
già, thì gần tiêu mất đi.
Tin mừng: Mc 3,13-19
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ
Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và
sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon
mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả
hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê,
Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt
tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Suy niệm
SỨ MẠNG
Các môn đệ mà Chúa Giêsu chọn gọi trong đoạn
Tin mừng này là những con người bình thường. Có thể nói họ là những con người
tầm thường nữa. Thế nhưng sau những vấp ngã, sau những lỗi lầm, với ơn Chúa và
nhờ ơn Chúa, họ trở nên những người mạnh mẽ rao giảng Tin mừng và làm cho nhiều
người trở về với Chúa.
Việc chọn gọi các Tông đồ của Chúa Giêsu gợi
lên cho tôi những suy nghĩ sau đây:
Tôi cũng được Chúa mời gọi theo Chúa và là môn
đệ của Chúa trong ơn gọi và bổn phận của tôi thường ngày. Chúa cũng mong muốn
tôi trở thành những người rao giảng Tin mừng cho người khác trong môi trường mà
tôi đang sống. Tôi sẽ sống tốt sứ mạng của mình trong cuộc sống thường ngày nếu
tôi cậy dựa vào ơn Chúa và nhờ vào ơn Chúa như các Tông đồ ngày xưa.
Chúa Giêsu tôn trọng, quí mến và mời gọi các
Tông đồ cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Chúa Giêsu là một tấm gương
cho tôi về thái độ đối với tha nhân, đó là thái độ cảm thông, tin tưởng, yêu thương
và chia sẻ.
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn Chúa và xin cho
con luôn sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Chúa với đời sống dấn thân hy sinh và
phục vụ, để đời sống của con là chứng nhân cho Tin mừng của Chúa trong cuộc
sống thường ngày. Amen. [Mục Lục]
Thứ Bảy
Bài đọc 1: Dt
9,2-3.11-14
Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong
gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh.
Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.
Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của
mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không
phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng
không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một
lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta
rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của
Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng
lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh
sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
Tin mừng: Mc 3,20-21
Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà,
và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những
thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã
mất trí".
Suy niệm TRỐN TRÁNH
Dân chúng ái mộ và đến với Chúa Giêsu, thì
ngược lại, những người bà con thân thuộc của Ngài lại không tán thành và họ cản
trở công việc của Ngài. Thậm chí họ cho rằng Ngài bị mất trí. Tại sao vậy?
Có lẽ vì họ sợ bị liên lụy? Khi rao giảng Chúa
Giêsu phải vất vả hy sinh. Ngài còn bị chống đối. Ngài bị những người cầm quyền
và những nhà chức trách lúc bấy giờ nghi ngờ và loại trừ. Vì lẽ đó mà những
người bà con họ hàng của Ngài sợ gặp những rắc rối liên lụy đến bản thân họ.
Có lẽ vì Chúa quá yêu thương con người và
những việc Ngài làm ngoài sức tưởng tượng của họ. Họ thấy bị mất nhiều hơn
được. Họ thấy có hại nhiều hơn được lợi nên họ đã tránh né sự thật. >
Trong đời sống đạo hay trong ơn gọi của mình, nhiều
lúc tôi cũng có những suy nghĩ và thái độ giống như những người bà con và họ
hàng của Chúa Giêsu. Tôi cũng tính toán hơn thua. Tôi cũng so đo hẹp hòi vì
không muốn mất mát hy sinh. Tôi cũng trốn tránh hay thoái thác những công việc
hay những bổn phận mà lẽ ra tôi phải làm trong cuộc sống thường ngày.
>Lạy Chúa, xin ban cho con ơn Chúa để mỗi ngày
con chu toàn bổn phận của mình, nhất là dấn thân trong việc loan báo tin mừng
cho dù phải gặp nhiều thử thách và cản trở. Amen. [Mục Lục]
|