GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


_READMORE
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Chín 2024
T2T3T4T5T6T7CN
            1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30            
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 11
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 011
 Lượt tr.cập 058786963
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Diễn đàn Giáo Phận Vinh 14.09.2024
DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH :: Xem chủ đề - Bạn Đường Đức Giêsu

 Chào mừng bạn đến với diễn đàn GIAOPHANVINH.NET


 Xem bài chưa có ai trả lời 
Đăng ký làm thành viênĐăng ký làm thành viên 

gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Sống Lời Chúa Chuyển đến trang Trang trước  1, 2, 3, 4  Trang kế
 Bạn đang theo dõi chủ đề ở chuyên mục : Sống Lời Chúa 
Người đăng Thông điệp
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (22) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (22)

SAO NGƯƠI BẮT BỚ TA?


Các bạn trẻ thân mến,

Theo Chúa là một ơn gọi rất riêng được chính Thiên Chúa ngỏ lời và con người đáp lại. Ơn gọi cũng là con đường dẫn đưa đến với Thiên Chúa, vì vậy, chẳng có con đường chung cho mọi người. Chính qua sự riêng tư ấy, Thiên Chúa đến và mời gọi mỗi người đi theo Ngài, cũng theo một nhịp bước, hành trình rất riêng. Tiếng gọi ấy có thể là ánh mắt trìu mến và khơi lên lòng sám hối như đối với ông Lêvi, người thu thuế; cũng có thể là qua biến cố lạ thường như mẻ cá đầy ắp mà các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đã hết sức ấn tượng đến nỗi bỏ mọi sự mà theo Ngài. Bên cạnh đó, cũng có tiếng gọi mạnh mẽ ngang qua một biến cố đau thương: cú ngã ngựa trên đường đi Đamát của Saolô.

Saolô sinh ra trong một gia đình Do Thái, thuộc dòng dõi Itraen, trong chi tộc Bengiamin. Lớn lên Saolô đi học với thầy Gamaliên, thuộc phái Pharisêu và trở thành một người Pharisêu nhiệt thành, tuân giữ nhiệm nhặt mọi luật lệ của người Do Thái. Hơn thế nữa, Saolô còn là người hăng say bảo vệ tôn giáo của mình bằng việc bắt bớ và ngăn cản những ai theo Đức Giêsu và Hội Thánh của Ngài. Chính vì lòng hăng say ấy mà Saolô xin phép đến các hội đường ở Đamát để “tìm những người theo Đạo, bất kể đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói và giải về Giêrusalem.” (Cv 9,2)

Đang khi hừng hực khí thế và đầy xác tín vào hành động của mình, Saolô hứng chịu cú ngã ngựa đau đớn. Khi đến gần Đamát, một luồng sáng từ trời bao phủ Saolô, ông ngã xuống và nghe tiếng nói: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ ta?” và “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ.” Saolô đứng dậy, hai mắt mở nhưng không còn nhìn thấy và ông được dẫn vào thành Đamát.

Trong biến cố ngã ngựa, Saolô được Chúa gọi bằng tên riêng Saun, được Chúa tỏ cho biết Ngài là ai và việc ông đang làm liên quan đến Ngài như thế nào. Trước mắt ông giờ đây là đêm tối, nhiệt huyết và lửa nhiệt thành bỗng vụt tắt, sức mạnh và quyết tâm dường như biến mất, để đi vào thành ông cần người khác cầm tay dẫn đi. Luồng sáng bao phủ Saolô và làm ông ngã ngựa cũng là nguồn ân sủng biến đổi và thánh hoá ông trở thành lợi khí Chúa chọn để loan báo danh Ngài cho dân ngoại. Cú ngã ngựa trên đường Đamát không chỉ là bước ngoặt đổi đời của Saolô mà còn là biến cố Chúa chiếm lấy ông như một lời mời gọi đặc biệt, mạnh mẽ và không gì cưỡng lại được. Kinh nghiệm trên đường Đamát sau này được chính Phaolô kể lại trong thư gởi tín hữu Philipphê rằng giờ đây ông coi mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô. Biết Đức Kitô là biết quyền năng phục sinh của Người và trở nên đồng hình đồng dạng với Người hầu cũng được sống lại với Người từ cõi chết. Phaolô đã lao mình về phía trước mong chiếm đoạt bởi chính ông đã được Đức Kitô chiếm đoạt. (Pl 3, 1-7. 10-12)

Điều gì đã biến một Saolô hăng say bắt bớ đạo trở thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và chỉ còn biết Đức Giêsu là cùng đích cuộc đời? Chẳng phải mọi sự bắt đầu từ cú ngã ngựa xưa trên đường Đamát, nơi đó Thiên Chúa ngỏ lời và biến đổi ông thành người chứng nhân về ân sủng và ý định của Chúa cho muôn dân. Cú ngã thật đau, mọi thành tựu trước kia theo đó mà tàn lụi, đồng môn xưa giờ đây trở thành đối thủ của nhau. Phaolô bất chấp tất cả vì đã tìm được ơn gọi đích thực của mình là Đức Kitô và trong suốt quãng đời còn lại của mình, Phaolô đã sống hết mình đến hy sinh mạng sống hầu trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu.

Các bạn thân mến,

Chúng ta có thể không có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa cách tỏ tường như thánh Phaolô nhưng chắc chắn Chúa vẫn mời gọi ta mỗi ngày ngang qua tiếng gọi nơi tâm hồn, từ một lời nói bất chợt nghe được hay thậm chí ngang qua những biến cố trong đời. Có những biến cố xảy ra ngoài ý muốn và rất khó chấp nhận, nhưng sau đó khi nhìn lại trong bình an và ơn soi sáng, ta nhận ra bàn tay Chúa dẫn đưa cách kỳ diệu. Để lớn lên trong đức tin, đôi khi cần những thử thách. Một khi được tôi luyện, đức tin sẽ trưởng thành và lớn mạnh hơn.

Xin Chúa giúp ta nhạy bén hơn với những tiếng mời gọi của Ngài để không ngừng lắng nghe và đáp lại lời mời gọi ấy vì biết rằng làm theo lời Chúa dạy, ta sẽ khám phá ra ơn gọi của chính mình, gặt hái được hoa trái tốt lành và là bằng chứng sống động cho Chúa giữa đời sống hôm nay.

------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (23) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (23)

YÊU MẾN NHIỀU


Các bạn trẻ thân mến,

Sống tâm tình mùa Chay là sống thái độ sám hối, thay đổi đời sống và xin ơn tha thứ. Qua bí tính hoà giải, chúng ta được giao hoà với Chúa và tha nhân. Có bao giờ ta tự hỏi hệ quả của ơn tha thứ là gì và bí tính hoà giải giúp tôi sống ơn tha thứ ra sao? Chúng ta không nghi ngờ hiệu quả của bí tích hoà giải nhưng đồng thời ta cũng cần sống tròn đầy ơn tha thứ đã lãnh nhận. Hệ quả của ơn tha thứ không gì khác hơn là lòng yêu mến. Một lần, chúng ta bắt gặp kinh nghiệm này trong Tin Mừng.

Thánh Luca kể câu chuyện chị phụ nữ khóc dưới chân Đức Giêsu, lấy tóc mình mà lau, hôn lên chân Người và lấy dầu thơm mà xức lên. (Lc 7, 36-50) Ông Simon, người Pharisêu đã mời Đức Giêsu dùng bữa lấy làm ngạc nhiên vì Đức Giêsu để người phụ nữ đụng đến mình mà chị ta vốn là một người tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu khẳng định rằng: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (c.47)

Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể nghĩ rằng có lẽ chị phụ nữ đã gặp gỡ với Đức Giêsu trước đó và đã lãnh nhận ơn tha thứ, những gì chị thể hiện ra bên ngoài là kết quả của những tâm tình biết ơn, hối hận và yêu mến trong tâm hồn và con tim của mình. Lòng biết ơn sâu xa không thể đo lường bởi những giá trị bên ngoài. Chị phụ nữ không chỉ thể hiện lòng biết ơn đó bằng nước mắt, cử chỉ yêu mến, dầu thơm nhưng còn bằng tâm hồn chân thành và con tim được gia tăng lòng mến.

Kinh nghiệm của chị phụ nữ được tha thứ giúp chúng ta phản tỉnh lại bản thân, nhìn lại những hoa trái thiêng liêng nào đã nảy sinh nơi chúng ta như hệ quả của bí tích hoà giải. Và cũng là dịp ta làm mới lại thái độ sống ơn tha thứ đã được lãnh nhận với ao ước gia tăng lòng yêu mến đối với Đấng đã chết và sống lại cho ta. Hiểu biết hơn để yêu mến và theo bước Chúa Giêsu hơn trở thành tâm niệm sống của chúng ta khi cất bước theo Ngài. Giống như các môn đệ xưa, ngang qua chính cuộc sống thường ngày, ta kinh nghiệm các biến cố xảy đến và qua đó, đọc ra thánh ý Chúa muốn trên cuộc đời mình. Cùng đích chính là để yêu mến hơn hầu có thể theo Ngài sát gót bước hơn.

Có thể ta cũng từng kinh nghiệm rằng sau mỗi lần đến với bí tích hoà giải, ta được giúp sức và vững vàng hơn trên đường thiêng liêng. Dù vậy, có những lỗi lầm cố hữu xảy đến nhiều lần mà ta khó lòng vượt thắng, thậm chí có những vấp ngã khiến niềm tin chao đảo, khi đó, ta cảm nghiệm ơn tha thứ dường như xa vời, sức mạnh thiêng liêng dường như vẫn chưa đủ để vượt thắng bản thân. Những lúc ấy, ta cần một chút can đảm và yêu mến hơn. Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ ta tiến bộ, đến lượt mình, ta cũng phải kiên nhẫn với chính bản thân mình. Và chính lòng yêu mến hơn giúp ta vượt thắng những yếu đuối cố hữu bởi nếu thực sự yêu mến Chúa, ta không bao giờ muốn làm Chúa buồn.

Đức Giêsu nói với chị phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” (c. 50) như là lời nhắn nhủ và khích lệ ta sống tròn đầy hơn ơn cứu độ của Chúa, để cho ân sủng Ngài nảy sinh hoa trái tốt lành trong đời sống thường ngày. Quả vậy, ơn tha thứ và tình yêu Chúa giúp ta yêu mến Chúa hơn và chỉ tình yêu thiết thân với Chúa giúp ta sống trọn vẹn ơn gọi con cái Chúa.

Đến với bí tích hoà giải, lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, và với lòng tin tưởng vào lòng khoan dung vô biên, chúng ta tiếp bước trên hành trình thiêng liêng của mình với lòng yêu mến Chúa hơn. Ước gì bí tích hoà giải không trở nên một thông lệ, ơn tha thứ của Chúa không chỉ là xoá mọi tội lỗi nhưng còn gia tăng lòng mến, giúp chúng ta biết yêu mến Chúa ngày một nhiều hơn.

Lạy Chúa, trong những ngày cuối cùng của mùa Chay, xin giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón nhận ơn cứu độ Chúa ban. Khi ngắm nhìn Chúa trong cuộc thương khó, xin giúp con nhận ra tình yêu của Chúa để con dám đáp lại tình yêu ấy bằng cuộc sống thường ngày tốt lành. Xin tình yêu tha thứ của Chúa thánh hoá chúng con trở nên tinh tuyền trong tình mến và trung kiên trong đức tin. Amen.

------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (24) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (24)

YÊU THƯƠNG NHƯ THẦY


Các bạn trẻ thân mến,

Tam Nhật thánh khởi đầu bằng biến cố tiệc ly của Đức Giêsu với các môn đệ thân tín nhất. Đức Giêsu đi vào cuộc vượt qua một mình, các môn đệ dù muốn, cũng chưa thể theo Thầy ngay bây giờ được. Tiệc ly là thời khắc cuối cùng họ ở với nhau, để chia sẻ tâm trạng và nghĩa cử sau cùng. Tuy vậy, tiệc chia tay trở thành mối liên kết vĩnh cửu nhờ hành động yêu thương và dâng hiến trọn vẹn: Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ.

Rửa chân cho người khác theo văn hoá thời ấy là hành động thấp hèn, là công việc của người nô lệ, và thậm chí người nô lệ Do Thái cũng không phải làm việc này. Đức Giêsu đã không ngần ngại chọn hành động này để bày tỏ tình yêu thương đối với các môn đệ. Cúi xuống và rửa chân cho môn đệ là để họ luôn gắn kết với nhau và được ở cùng nhau trong gian nay hay hạnh phúc, trong đau khổ hay vinh quang. Hạ mình để rửa chân cho môn đệ là hành động mẫu cho lòng yêu thương đến tận cùng. Rửa là để được trở nên sạch. Hành động cúi xuống và rửa chân còn tượng trưng cho cuộc thương khó khi Đức Giêsu hạ mình xuống trong cái chết đau đớn và nhục nhã để rửa sạch tội lỗi nhân loại. Để yêu thương đến cùng, Đức Giêsu đã cúi xuống thấp nhất, đã yêu đến hiến cả mạng sống của mình để cho nhân loại được sống.

Khi Đức Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa: “Lạy Chúa! Chúa mà rửa chân cho con sao?” Ông Phêrô không thể hiểu được sự việc này, không thể chấp nhận cái nghịch lý to lớn như thế. “Thầy mà rửa chân cho con! Không đời nào!” Chấp nhận để cho Chúa rửa chân cũng là để được thông phần với Ngài, để được trở nên giống Ngài hầu được cùng Ngài trong vinh quang. Có thể ta cũng từng thốt lên tâm trạng như tông đồ Phêrô. Chúa mà chịu khổ vì con ư? Chúa mà lại chết cho con sao? Ta bị bất ngờ và thảng thốt hoặc không chấp nhận sự thật khi thấy Chúa hạ mình đến tận cùng.

Điều Đức Giêsu nhắn nhủ không phải đòi buộc chúng ta thương cảm cho Ngài nhưng mong muốn chúng ta yêu thương như Ngài đã yêu thương. Chúa đã rửa chân cho môn đệ và Ngài cũng nhắn nhủ chúng ta hãy rửa chân cho nhau, hãy cúi xuống để yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại. Và trên hết là học nơi Chúa Giêsu lòng khiêm nhường và tình yêu dâng hiến vô vị lợi.

Các bạn thân mến,

Nhìn vào cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta rùng mình khiếp sợ; nhưng cũng chính trong cái chết đau đớn ấy, chúng ta nhìn ra tình yêu cao cả của Đức Giêsu, một con người với con tim bao la của Thiên Chúa. Trên thập giá, khi con tim tuôn chảy những giọt máu cuối cùng, khi Đức Giêsu trao hiến cả mạng sống mình cho nhân loại, tình yêu ấy không thể đo lường, con tim ấy không còn giới hạn.

Các bạn trẻ không xa lạ với tình yêu. Chúng ta vẫn cầu chúc cho nhau yêu và được yêu. Nhưng nhiều khi ta quan niệm yêu là chiếm lấy cho mình, yêu là thuộc về riêng ta mà thôi. Tình yêu ấy đóng kín và thu vén trong những toan tính thiệt hơn. Tình yêu chiếm hữu thường dẫn đến mất tự do, nghi kỵ và thiếu tin tưởng. Ngược lại, tình yêu dâng hiến trọn vẹn luôn hướng đến người khác cách vô vị lợi, khởi xuất từ tự do nội tâm và lòng tin tưởng chân thành.

Nhìn lên thập giá Đức Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nhìn ra tình yêu dâng hiến trọn vẹn của Ngài để học biết yêu thương như Ngài. Đức Giêsu là Thiên Chúa đến với con người và hiến mạng sống mình vì nhân loại. Tình yêu tự hiến đến cùng thể hiện trong suốt cuộc đời Ngài và tột đỉnh là cái chết trên thập giá. Trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, Đức Giêsu không ngừng mở rộng con tim để yêu mến nhiều hơn, để trao tặng và cống hiến trọn vẹn. Tình yêu ấy không sợ bị chiếm hữu, hao mòn, không toan tính riêng tư và luôn hướng đến tha nhân. Và do đó, tình yêu ấy mỗi ngày một lớn lên và trường tồn.

Ước gì tình yêu của các bạn trẻ được gợi hứng và phản chiếu tình yêu nhưng không của Thầy Giêsu để cuộc đời người trẻ không thiếu tình yêu đích thực, cho Chúa và cho nhau. Khởi xuất và được nuôi dưỡng trong tình yêu Chúa, tình yêu của bạn trẻ triển nở mạnh mẽ và trổ sinh hoa trái tốt lành trong cuộc sống và hoa trái ấy tồn tại mãi.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (25) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (25)

NGÔI MỘ TRỐNG


Các bạn trẻ thân mến,

Một câu chuyện kể rằng có hai tù nhân bị giam giữ gần nhau, qua song sắt nhà tù, họ thường nhìn ra bên ngoài mơ ước cuộc sống tự do. Một người thường nhìn xuống những con đường ngoằn nghoèo của phố thị trong những lúc trời mưa và chỉ thấy bùn nước lầy lội. Và cuộc sống đối với anh dường như chỉ là chán nản thất vọng. Người kia thì ngược lại, trong đêm tối anh thường hướng mắt lên trời, ngắm những ánh sao đang toả sáng và lấy đó làm niềm vui và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hai con người cùng cảnh ngộ nhưng hướng trọng tâm về những thực tại khác nhau và cuộc sống họ phản ảnh nhãn quan của chính bản thân mình.

Điều tương tự như thế xảy đến cho các môn đệ Đức Giêsu sau khi Ngài phục sinh. Họ hối hả chạy ra mộ Ngài vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần để chỉ tìm thấy ngôi mộ trống trơn, không thấy xác Thầy Giêsu đâu cả. Hoang mang, tiếc nuối và lo sợ, những người đầu tiên ra mộ Chúa chỉ đăm đăm nhìn vào mộ trống, tâm trí luôn nghĩ tới xác của Chúa mà thôi. Tin mừng thánh Luca kể cho chúng ta kinh nghiệm sợ hãi của các phụ nữ khi diện kiến các thiên thần của Chúa dưới hình dạng hai người y phục sáng chói: “Đang lúc các bà sợ hãi, cúi mặt xuống đất, thì hai người kia nói ‘Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không có ở đây, nhưng đã trỗi dậy rồi.’” (Lc 24, 5)

Sợ hãi và nhìn xuống là điều con người thường cư xử khi gặp biến cố khó khăn bởi ít ai còn đủ lạc quan và can đảm để ngước nhìn lên. Những người phụ nữ ra viếng mộ Chúa dường như còn bị cái chết của Chúa ám ảnh, họ ra để viếng xác và hoàn tất việc táng xác Chúa đã làm vội vã vài ngày trước đó. Không thấy xác Chúa, họ cũng không biết làm gì hơn. Đôi mắt và tâm trí họ còn gắn chặt nơi ngôi mộ trống.

Điều các bà cần làm là ngước nhìn lên. Là để đôi mắt tâm hồn soi sáng hầu nhìn ra thực tại bên trong của biến cố này. Là lắng nghe tiếng nói của tâm hồn được soi sáng bởi Lời Chúa: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” (c. 6b-7)

Các bạn thân mến,

Kinh nghiệm của những phụ nữ trong Tin Mừng không xa lạ vì trong cuộc sống chúng ta có thể cũng trải qua kinh nghiệm tương tự. Thực tế khó khăn và cảm xúc tự nhiên khiến ta nhiền lần rơi vào ưu tư lo lắng hay hoang mang sợ sệt. Thậm chí, ta còn muốn ở lại trong tâm trạng thất vọng và buồn chán. Có những nỗi đau khiến ta mãi không nguôi hay có mất mát làm ta không sao vơi đi được nỗi buồn. Sức nặng của đau khổ và thất vọng kéo ta xuống thật sâu và thật xa. Những lúc ấy, ta chẳng còn đủ sức mạnh để ngước nhìn lên, chẳng còn nhiều hy vọng để nhìn được xa hơn. Nhưng đó lại là thực tế mà nhiều khi ta phải đối mặt.

Đau khổ thật khó mà giải thích cho thoả đáng nhưng ta được an ủi và có thêm hy vọng nếu nhìn đau khổ trong viễn cảnh phục sinh của Chúa Giêsu. Cuộc thương khó của Chúa có lẽ vượt sức chịu đựng của các môn đệ và những người thân tín. Và nếu chỉ dừng lại ở cuộc thương khó, có lẽ cuộc đời thật bi đát. Nhưng dưới ánh sáng và vinh quang phục sinh, các môn đệ được bình an, tìm được nguồn hy vọng và sức sống mới. Niềm đau mất mát và nỗi buồn chia xa giờ đây được thay thế bằng niềm vui hội ngộ và hy vọng sự sống vĩnh cửu.

Bình an và hy vọng như hoa trái phục sinh của Chúa cũng là sức mạnh và động lực cho chúng ta trên những bước thăng trầm cuộc sống. Chúng ta không tránh né đau khổ, cũng không để khổ đau ghì chặt mình trong thất vọng, hơn hết, chúng ta dám ngước nhìn lên, biết chiêm ngắm những niềm vui và hy vọng, dù nhỏ nhoi, trong lúc khó khăn, để cuộc đời không dừng lại ở đau khổ nhưng hướng đến hy vọng, không tìm quên trong thất vọng nhưng tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Ước gì khi sống niềm vui phục sinh của Chúa, chúng ta được bình an trong tâm hồn và tràn đầy niềm hy vọng bước theo Chúa ngày một gần hơn.

------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 17.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (26) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (26)

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA


Các bạn trẻ thân mến,

Niềm vui phục sinh đến với bà Maria Macdala khởi đi từ nước mắt. Bà là người đầu tiên ra viếng mộ Chúa và không còn nhìn thấy xác của Chúa nữa. Thương tiếc và buồn bã, bà ngồi lại trước mộ Chúa, vừa nhìn vào mộ trống, vừa khóc. Cuộc thương khó của Chúa để lại trong bà niềm tiếc thương khôn nguôi, giờ đây, đến cả xác Chúa cũng không còn. Bà Maria Macdala có lẽ cảm nhận sự trống vắng và hụt hẫng trong tâm hồn vì Chúa là chỗ dựa tinh thần của bà. Ngồi trước mộ trống, bà chỉ biết nghĩ rằng: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” (Ga 20,13b)

Chúng ta hiểu tình cảnh của bà Maria Macdala đang bối rối thế nào vì khi Chúa hiện ra với bà, thoạt đầu bà còn chưa nhận ra Ngài; lại còn tưởng là người làm vườn và bà lặp lại cùng một ý tưởng như trên là muốn đi tìm xác Chúa. Chỉ đến khi Chúa gọi bằng chính tên riêng, bà mới nhận ra Ngài. Lần gặp gỡ ấy, diện đối diện với Chúa phục sinh giúp xoá tan đi mọi lo âu sợ hãi, đem lại niềm vui và nụ cười cho bà. Đúc kết kinh nghiệm của mình bà chỉ tuyên bố ngắn gọn: “Tôi đã thấy Chúa.”

Thấy Chúa, có lẽ đó là niềm ao ước của cả chúng ta. Không chỉ gặp gỡ diện đối diện với Chúa mới là thấy Chúa, nhưng chúng ta vẫn có thể “thấy” Ngài hiện hữu trong thế giới này, ngang qua chính những biến cố trong cuộc sống. Kinh nghiệm của bà Maria Macdala cho thấy, Chúa đến gặp bà trong thời điểm bà cần Chúa nhất, lúc bà đang đau khổ, đang trong nước mắt. Có thể Chúa đã gõ cửa lòng ta vào lúc nào đó mà ta không nhận ra. Có khi đó là lúc tâm hồn ta đang chịu sầu khổ hay bối rối, cũng có thể là lúc ta đang ở giữa những ồn ào quá mức hay tất bật với nhiều kế hoạch và công việc. Dù ở thời điểm nào đi nữa, ta cũng cần được Ngài gọi bằng tên của mình. Tiếng gọi ấy không thể nhầm lẫn, không thể không nghe thấy.

Lắng nghe tiếng Chúa đồng thời cần một tiếng đáp trả tức khắc và dứt khoát. Cả tiếng gọi lẫn lời đáp đều rất cá vị và thật riêng tư. Lời gọi ấy vang lên theo cung bậc rất riêng, còn lời đáp vọng lại cũng khởi đi từ tương quan cá vị với Chúa của mỗi người. Chúa Giêsu phục sinh cũng vẫn đến và cất tiếng gọi riêng tư với chúng ta. Ước gì ngay trong những sôi động của tuổi trẻ hay thậm chí trong nước mắt của những yếu đuối và vấp ngã, Chúa gọi ta bằng tên riêng và ta đáp lại thật mau mắn và quảng đại, để cuộc đời ta được Chúa Phục sinh đồng hành, để nỗi đau và vết thương của ta được chữa lành và để niềm vui của ta được trọn vẹn nơi Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.


(Trích Rabbouni, lời nguyện 86)

------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 22.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (27) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (27)

NHÌN XEM TAY THẦY


Các bạn trẻ thân mến,

Câu chuyện "Chiếc đĩa vỡ" trong "Quà tặng cuộc sống" kể rằng bà mẹ nọ có cô con gái mới lớn, bắt đầu giúp mẹ làm việc nhà. Một lần, khi rửa chén bát, cô sơ ý làm vỡ chiếc đĩa thuỷ tinh rất đẹp. Cô bé rất lo sợ bị mẹ trách mắng vì mẹ rất quý chiếc đĩa ấy. Nhưng thật ngạc nhiên, thay vì nặng lời, mẹ chỉ cho cô bé một chiếc đĩa khác trưng bày trong phòng khách và kể rằng: ngày xưa, mẹ cũng đã làm mẻ chiếc đĩa này của bà ngoại và thay vì trách mắng, bà nhìn mẹ cách trìu mến và dặn mẹ phải cẩn thận hơn. Chiếc đĩa mẻ ấy, từ bao năm nay, được giữ gìn như bằng chứng lòng yêu thương tha thứ của bà.

Có những rạn nứt và đổ vỡ khiến ta không vui, thất vọng hay không bao giờ muốn nhớ đến. Đơn giản là vì nó nhắc nhớ về một quá khứ, một kinh nghiệm đau thương. Tuy nhiên, không phải luôn luôn như thế. Có những vết thương là dấu chỉ của tình yêu, có những vết sẹo là kết quả của tha thứ.

Khi Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với các tông đồ, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Chính dấu đinh ở tay và chân, vết thương ở cạnh sườn là bằng chứng tỏ tường rằng Thầy Giêsu đã vượt qua cuộc thương khó để trỗi dậy, các môn đệ không còn gì phải nghi hoặc. Trong số các ông, tiếc là ông Tôma không hiện diện lần ấy. Khi được các môn đệ khác thuật lại: “Chúng tôi đã được thấy Chúa.” Ông Tôma không ngần ngại đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20, 25)

Xác tín của ông Tôma có thể là nhất thời phản ứng lại các môn đệ khác, hoặc để thoả mãn óc duy thực tế, duy lý của ông, nhưng cũng có thể là ao ước thâm sâu muốn thấy tận mắt những vết thương của Chúa để ông tin. Kinh nghiệm của ông Tôma còn là kinh nghiệm thiêng liêng của cả chúng ta ngày nay. Chúng ta không thấy Chúa kiểu ông Tôma, không dám thách thức Chúa như thế nhưng ta vẫn cần chiêm ngắm các vết thương, vẫn muốn “nhìn thấy” chúng trong đức tin của mình. Những vết sẹo ấy không chỉ là bằng chứng sống động Chúa đã phục sinh nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu đến cùng, của tình bạn đến hy sinh mạng sống, và của lòng tha thứ vô hạn của Thiên Chúa.

Các bạn thân mến,

Chúng ta không lạ với những vết thương trong đời. Có vết thương đã thành sẹo, có vết thương tiếp tục gây đau đớn. Có vết sẹo vẫn thường gợi lại cho ta một quá khứ, một kinh nghiệm nào đó, đáng nhớ hay để quên. Dù thế nào đi nữa, chúng ta được mời gọi hiệp thông với Đức Giêsu trong đau khổ để cùng với Ngài thông phần vinh quang. Không phải hy sinh nào cũng vô nghĩa. Đôi khi để yêu thương và tha thứ, ta cần phải hy sinh, có thể phải chịu những vết thương.

Đặt những hy sinh và đau khổ dưới ánh sáng phục sinh, chúng ta hiểu được giá trị của khổ đau và thử thách. Qua đó, ta được mời gọi mở rộng vòng tay yêu thương đến tha nhân để hoà giải, tha thứ và chữa lành. Khi đó, có thể ta sẽ còn nhìn thấy những vết sẹo, nhưng chúng không gợi lại một biến cố đau thương nhưng là bằng chứng của tình yêu và tha thứ. Ước gì khi đọc lại Tin Mừng, chiêm ngắm Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh thiêng liêng để sống bình an mỗi ngày, với lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, Đấng đã chiến thắng Sự Dữ, nhờ yêu mến và vâng phục.

Xin Chúa Giêsu Phục sinh đến với chúng ta để bình an của Ngài thắp sáng niềm tin và gieo rắc niềm vui cho mỗi ngày sống của chúng ta.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 29.04.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (28) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (28)

CON TIM BỪNG CHÁY


Các bạn trẻ thân mến,

Lời bài hát Trên đường Emmau của Linh mục Thành Tâm phác hoạ cho chúng ta hình ảnh hai môn đệ đang trên đường về quê sau cái chết của Thầy Giêsu:

Trên đường Emmau, hai người lữ khách bước đi bên nhau
Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài...


Hai môn đệ đã không còn gì để hy vọng, không còn đủ nghị lực để tiếp tục hành trình theo Chúa. Họ trở về nhà mà lòng trĩu nặng. Những kỳ vọng và lý tưởng từng ấp ủ giờ đây tan như bọt nước. Đường về nhà không xa nhưng sao lê thê buồn bã.

Trên đường về, hai môn đệ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm khi theo Chúa, tuy thật ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng sâu sắc. Theo lời hai ông, Đức Giêsu là “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” thế mà các thủ lãnh của chúng ta lại nộp Người và để Người chịu án tử hình và bị đóng đinh vào thập giá. Mọi việc đã xảy ra đến ngày thứ ba rồi. Tất cả đều đang dần trôi vào thinh lặng, mọi kỷ niệm với Thầy Giêsu có lẽ chỉ còn trong dĩ vãng mà thôi.

Trong hoàn cảnh ấy, Chúa Giêsu phục sinh hiện đến, đi giữa họ, chia sẻ và đồng cảm với nỗi ưu tư và niềm tiếc nuối của từng người. Và khởi đi từ các Sách Thánh, Người giải thích và mở trí cho hai ông hiểu mọi điều liên quan đến Người phải được ứng nghiệm. Tuy nhiên, các ông chỉ nhận ra Chúa khi đồng bàn với Người và chứng kiến việc Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho hai ông.

Nhận ra Chúa giúp họ bừng tỉnh và nghiệm ra những gì Người đã nói, những điều giúp tâm hồn họ bừng cháy. Niềm vui phục sinh làm sống lại nơi hai môn đệ toàn bộ hành trình theo Chúa: niềm tin được củng cố, niềm vui được đong đầy và hy vọng và nhiệt huyết ngập tràn. Và ngay lập tức, không quản ngại chiều tối, họ liền quay trở lại Giêrusalem để loan báo cho các môn đệ khác niềm vui Chúa phục sinh. Cũng đoạn đường ấy nhưng giờ đây nỗi buồn được thay bằng niềm hoan hỷ, tiếc nuối và buồn chán được thay bằng lửa mến và hy vọng. Họ bước đi trong đêm tối nhưng tâm hồn và con tim bừng cháy. Niềm vui lớn lao này không thể giữ lại cho riêng mình nhưng phải loan báo ngay lập tức cho anh chị em đồng loại.

Các bạn thân mến,

Nếu có ai trong chúng ta từng thất vọng và buồn nản vì những ao ước và kỳ vọng bất chợt tan biến, hay vì không còn nhìn ra ý nghĩa nào cho cuộc đời, chúng ta có lẽ đồng cảnh ngộ với hai môn đệ trên đường Emmau. Cũng dễ hiểu nếu trong tình cảnh ấy, ngọn lửa mến và nhiệt huyết của ta vơi cạn đến nỗi có thể Chúa đã đến và cùng đi với ta nhưng ta không nhận ra Ngài. Giữa thế giới ồn ào và vội vã, nhiều khi người ta tương đối hoá mọi sự khiến ngày càng khó phân biệt thật giả, trắng đen, chúng ta cũng phần nào chịu ảnh hưởng và bị cuốn vào lối suy nghĩ ấy. Bước đi giữa những nghịch cảnh đôi khi lại trở thành cơ hội để Chúa đến, đồng hành và giải thích cho ta về ý nghĩa cuộc sống, trao tặng ta niềm vui của Ngài và thắp lên nơi ta niềm hy vọng không bao giờ vụt tắt.

Để lớn lên về thể lý, cần trải qua những khủng hoảng. Đức tin cũng vậy, cần trải qua thử thách và tôi rèn để trở nên vững mạnh, sáng suốt. Quãng đường Emmau trở nên hành trình của niềm tin và ân sủng, nơi đó Chúa Giêsu hiện đến, cùng đi và dẫn đưa chúng ta về với Ngài. Ước gì trên những hành trình Emmau thời nay, chúng ta tiếp tục bước đi trong niềm hy vọng. Xin Chúa Giêsu Phục sinh đến và ở lại với Chúng ta mỗi ngày.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 07.05.2010    Tiêu đề: Bạn Đường Đức Giêsu (29) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (29)

CA TỤNG NHƯ MẸ MARIA


Các bạn trẻ thân mến,

Trong tháng Năm này, Giáo Hội dành thời gian đặc biệt kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể. Chúng ta không tìm thấy nhiều trình thuật Tin Mừng nói về Mẹ Maria nhưng cả cuộc đời Mẹ luôn là lời ca tụng dâng lên Thiên Chúa. Mẹ ca tụng vì cảm nghiệm được những ân huệ lớn lao Thiên Chúa làm cho mình, Mẹ ca tụng vì nhìn ra tình thương đặc biệt của Chúa cho những ai bé nhỏ khó nghèo, Mẹ cất lời ca tụng vì chứng kiến bàn tay quyền năng của Chúa che chở, nuôi dưỡng và dẫn đưa dân Ít-ra-en như lời Ngài đã hứa. Tất cả lời ca tụng được gói gọn trong bài ca “Tán Dương” - Magnificat (Lc 1, 46-55) mà thánh sử Luca đã ưu ái cho vang lên trên môi miệng Đức Trinh Nữ Maria và qua đó, Mẹ cũng là người cất lên lời ca tụng Chúa cho tất cả chúng ta.

"Linh hồn tôi tán dương Đức Chúa, thần trí tôi hoan hỷ vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi" mở đầu lời ca tụng xuất phát từ tâm hồn cảm nghiệm sự an vui và thần trí được hoan hỷ trong Thiên Chúa. Vui mừng và hoan hỷ vì nhận ra mình được cứu độ và người đã ra tay giải cứu không ai khác chính là Thiên Chúa của tôi. Lời ca tụng này khởi đi từ sâu thẳm tâm hồn với sức mạnh của toàn thể thần trí con người.

Nghiệm ra những ân huệ Chúa ban trên cuộc đời, Mẹ Maria xác tín rằng: Bởi Người đoái thương nhìn tới, phận nữ tỳ hèn mọn. Này từ đây, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc, bởi Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi nhưng điều cao cả, và danh Người thật là thánh! Thân phận người nữ nhỏ bé và thường bị xem nhẹ trong bối cảnh thời ấy. Mẹ đã ở trong tình cảnh của người bình dị và khó nghèo nhưng được Chúa đoái thương và tặng ban ân sủng làm mẹ Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa. Điều kỳ diệu lớn lao này vượt suy nghĩ và ước muốn của Mẹ nhưng đó là điều Đấng Toàn Năng đã làm. Mẹ Maria biết rằng mình được khen ngợi, không chỉ hôm nay nhưng còn tiếp mọi đời sau, không phải vì những gì Mẹ làm nhưng vì được Thiên Chúa đoái thương.

Đứng trước những kỳ công Chúa làm, con người cảm thấy xúc động và ngỡ ngàng, tâm tình tự nhiên là dâng lên lời ca tụng. Mẹ Maria là người ý thức trọn vẹn những điều Chúa bày tỏ cho mẹ qua thiên sứ. Kế hoạch của Chúa thật khác lạ, làm cho Mẹ Maria ngỡ ngàng và lo lắng, nhưng dù đó là gì đi nữa, nếu là ý định của Chúa thì Mẹ hết lòng vâng theo và xem như ân huệ lớn lao, như kỳ công của Đấng Toàn Năng. Mẹ Maria hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa vì Danh Ngài là Thánh. Mẹ xác tín và sống niềm tin tưởng ấy trong mọi hoàn cảnh, giữa mọi biến cố, lúc nào Mẹ Maria cũng tin rằng tất cả những gì Chúa làm đều tốt đẹp vì Danh Thánh Chúa muôn đời trung tín.

Tâm tình của Mẹ Maria cũng là điều mà các tác giả Thánh Vịnh từng cất lên lời ca tán tụng Chúa khi nhìn thấy những công trình kỳ diệu Chúa làm:

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân:
Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng,
nào chim trời cá biển,
mọi loài ngang dọc khắp trùng dương.

(Tv 8, 4-9)

Nhìn ra việc Chúa làm thật tốt đẹp, con người ai ai cũng cất lên lời ca tụng:

Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!

(Tv 8, 10)

Để có thể cất lên lời ca tụng, trước tiên cần nhìn ra ân huệ Chúa ban, những kỳ công Chúa thực hiện; và để nhìn ra những điều tốt đẹp Chúa làm, con người cần nhìn bằng đôi mắt của lòng khiêm nhường và tín thác nơi Chúa. Sẽ chẳng thể chiêm ngắm Chúa bằng đôi mắt của kẻ kiêu căng, bằng con tim chứa đầy ghi kỵ, bằng tâm hồn không biết kính sợ trước Mầu Nhiệm Tối Cao.

Mẹ Maria đã nhìn ra ân huệ Chúa ban và cất lên lời ca tụng. Lời ca tụng ấy cũng vẫn áp dụng cho chúng ta mỗi ngày khi nghiệm thấy ơn Chúa tuôn đổ đồi dào từng ngày cách nhưng không và quảng đại. Ước gì lời ca tụng của Mẹ Maria xưa cũng trở nên lời kinh thường hằng của chúng ta hôm nay.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 14.05.2010    Tiêu đề: re: Bạn Đường Đức Giêsu Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (30)

TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA


Các bạn trẻ thân mến,

Trong bài trước, chúng ta cùng khởi đầu lời kinh “Tán Dương”- Magnificat của Mẹ Maria với lời ca tụng của bản thân khi nghiệm thấy Chúa thực hiện nơi mình những kỳ công và quà tặng lớn lao là được mời gọi làm mẹ Con Thiên Chúa Làm Người. Những câu tiếp theo của lời kinh chúc tụng tiếp tục đưa chúng ta đến khía cạnh khác của tâm tình ca tụng tạ ơn - nhận ra tình thương đặc biệt của Chúa đối với người khiêm nhường và kính sợ Chúa:

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Người đã giơ tay biểu dương sức mạnh,
phân tán phường lòng trí kiêu căng.
Người đã hạ bệ những ai quyền thế,
và nâng cao những kẻ khiêm nhường.
Ai đói nghèo Chúa ban của đầy dư,
kẻ giàu có Người đuổi về tay trắng.
(Lc 1, 50-53)

Kinh nghiệm bản thân của Đức Trinh Nữ Maria giúp Mẹ nghiệm thấy đường lối chính trực ngàn đời của Chúa là luôn quan tâm đến những ai kiếm tìm Ngài với lòng khiêm nhường. Mẹ đã thấy cánh tay thần lực của Đức Chúa thực hiện điều lạ lùng nơi Mẹ. Giữa muôn người nữ, Mẹ được nâng lên làm Mẹ Thiên Chúa; ngay nơi nhà quê hẻo lánh, Chúa cho Mẹ bừng sáng bởi vinh quang của Đấng Tối Cao; trong thân phận nữ tỳ đơn nghèo, Chúa tặng ban cho Mẹ món qua vô giá là Chúa Giêsu.

Đây là cung cánh hành xử của Chúa, là đường lối chính trực của Ngài từ đời nọ tới đời kia. Người thương xót ai có lòng kính sợ Chúa; những kẻ kiêu căng, Ngài phân tán; ai quyền thế, Người hạ bệ; người giàu có thì về tay trắng, còn kẻ nghèo hèn được ban của đầy dư. Thiên Chúa nâng cao người khiêm nhường để người kiêu căng nhận ra chính mình hầu từ bỏ con đường bất chính. Xác tín về đường lối Chúa là điều Mẹ Maria đã thấy, đã kinh nghiệm và cất lên lời ca tụng.

Cách Thiên Chúa đến với người hèn yếu là bảo vệ họ, giải cứu họ khỏi tay kẻ thù và nuôi dưỡng họ trong cảnh an bình. Lời ca tụng của Mẹ Maria không xa lạ vì những lời ca tương tự đã từng được cất lên xuyên suốt dòng lịch sử. Đó là lời ca tụng của người lâm cảnh khốn khó, họ kêu cầu Chúa và Ngài đáp lại, giải thoát họ khỏi cơn nguy khốn:

Con yêu mến Ngài, lạy CHÚA là sức mạnh của con;
lạy CHÚA là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con;
lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.
Tôi kêu cầu CHÚA là Đấng xứng muôn lời ngợi khen,
và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.
(Tv 18, 2-4)

Tác giả Thánh Vịnh, người được giải cứu mô tả kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện. Ngài như núi đá, như thành luỹ để những ai tin cậy Chúa có nơi ẩn náu. Ngài bảo vệ họ như khiên mộc an toàn và giải thoát họ khỏi tay quân thù. Lời ca tụng cũng là lời xác tín bày tỏ lòng yêu mến Chúa vì người đã giơ tay biểu dương sức mạnh và cho họ được an bình. Chẳng còn niềm vui nào hơn là niềm vui của người ở trong cảnh cùng khốn, kêu cứu và được đáp lời, người gặp hoạn nạn mà được cứu thoát, người tưởng như đã chết mà được cứu sống.

Lời ca tụng của tác giả thánh vịnh phản ảnh lời ca tụng của toàn bộ dân tộc, dân tộc bước theo Chúa. Nói rộng hơn, đó là lời ca tụng của những ai tin vào Chúa, và do đó còn là của tất cả chúng ta. Khác biệt về không gian và thời gian không làm cho lời ca tụng vụt tắt nhưng những tương đồng giữa chúng ta và tác giả thánh vịnh giúp lời ca tiếp tục vang xa. Lời ca tụng của Mẹ Maria khởi đi từ truyền thống và kho tàng thiêng liêng của dân tộc. Kinh nghiệm ấy tiếp tục xảy đến cho chúng ta ngày nay. Và giữa những gian nan khốn khó, chúng ta vẫn thấy cánh tay sức mạnh của Chúa thực hiện những việc lạ lùng. Cùng nhau cất lên lời ca tụng, chúng ta trở nên gần gụi với Mẹ Maria, với tác giả Thánh Vịnh và trên hết là bởi tất cả chúng ta được Thiên Chúa thương xót và yêu mến.

Ước gì cùng với Mẹ Maria, chúng ta tiếp tục ca tụng Chúa bằng cả con người và cuộc sống, vì chính ngang qua tất cả mà Chúa đến với chúng ta. Ca tụng Chúa không là của riêng ai nhưng một khi cất lời ca tụng chúng ta được hiệp nhất với nhau.


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Levitan
Chuyên viên


 

Ngày tham gia: 11/08/2007
Bài gửi: 823
Số lần cám ơn: 35
Được cám ơn 440 lần trong 288 bài viết

gửi email Yahoo Messenger
Bài gửigửi: 21.05.2010    Tiêu đề: re: Bạn Đường Đức Giêsu Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (31)

DÂN CỦA CHÚA


Các bạn trẻ thân mến,

Phần thứ ba của lời kinh “Tán Dương” tiếp tục là lời khẳng định của Mẹ Maria về tình thương yêu của Thiên Chúa, lần này là đối với cả dân tộc Ít-ra-en. Khởi đi từ kinh nghiệm bản thân, Mẹ dâng lên lời ca tụng, đó là
phần thứ nhất. Phần thứ hai là lời ca tụng phổ quát hơn về tình thương Chúa cho tất cả những ai bé nhỏ khó nghèo. Trong phần cuối cùng, lời ca tụng đã vươn tới mức độ rộng lớn nhất, phổ quát nhất: cho cả một dân tộc, và ngang qua dân riêng của Chúa, là cho tất cả mọi dân nước, mọi nơi và mọi thời.

Chúa đã độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
vì nhớ lại lòng thương xót,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
dành cho ông Áp-ra-ham
và dòng dõi ông đến muôn đời.
(Lc 1, 54-55)

Với tổ phụ Ap-ra-ham, Thiên Chúa thiết lập giao ước làm cho ông và dòng dõi của ông thành một dân đông đúc, dân riêng của Chúa. Chính bản thân ông Áp-ra-ham từng chứng kiến những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho ông, cho gia đình và cho cả dân tộc. Chúa đã tặng ban cho ông người con nối dõi khi ông và vợ tuổi đã cao. Chúa đồng hành với ông trên từng bước đường hình thành nên một dân tộc và Chúa tiếp tục làm cho dân ấy phát triển vững mạnh. Nhìn lại lịch sử là để nhìn vào những dấu chỉ để đọc ra tình yêu thương của Thiên Chúa, nhìn ra bàn tay quyền năng của Người và những điều kỳ diệu Người đã làm. Mẹ Maria đã đặt mình trong lịch sử của dân tộc để cùng cất lên lời tạ ơn đã đang và sẽ còn vang lên mãi bởi Mẹ cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, cũng là người tin tưởng vào tình Chúa yêu thương.

Giờ đây, với việc chấp nhận lời đề nghị của Chúa để hạ sinh Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ Maria được cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Chúa. Lời Chúa hứa khi xưa với tổ phụ Áp-ra-ham, giờ đây được hoàn tất với lời xin vâng của Mẹ Maria để Chúa Giêsu tiếp tục là hiện thân tình yêu thương của Chúa giữa lòng dân tộc và ngang qua đó là cho muôn dân nước, để lời hứa về một dòng dõi được tồn tại đến muôn đời.

Kinh nghiệm về việc Thiên Chúa yêu thương chăm sóc dân Người được các tác giả Thánh Vịnh ví von như người mục tử tốt lành chăn dắt đoàn chiên của mình, đưa chúng tới đồng cỏ xanh tươi và dòng nước mát lạnh để chiên được bồi dưỡng và nghỉ ngơi. Chúa Giêsu đến làm sống động vai trò chủ chăn nhân hậu và yêu thương đàn chiên đến hy sinh mạng sống mình. Thời gian có thay đổi, con người có khác lạ nhưng tình thương Chúa mãi mãi không thay đổi, vẫn luôn dư tràn từ khởi đầu cho đến kết thúc.

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
(Tv 23, 1-3)

Được bình an thư thái trong sự quan phòng che chở của Chúa, ai ai cũng hoan hỷ vui mừng, tin tưởng và cậy trông nơi Chúa. Lời ca tụng được cất lên là tâm tình tự nhiên và có lẽ lời kinh đẹp nhất chính là lời ca tụng tạ ơn. Tạ ơn vì đã nhìn ra việc tốt đẹp Chúa làm cho mình. Tạ ơn vì cảm nghiệm tình yêu thương Chúa dành cho con người luôn bền vững và trung tín qua mọi thời đại. Tạ ơn vì thấy mình nhỏ bé nhưng được Chúa quan tâm và thương yêu che chở. Lời ca tụng của người thấp bé vì thế mà bay cao và hằng đẹp lòng Chúa.

Sống trong tình thương của Chúa, chúng ta thấy mình được tràn đầy, nơi thân xác lẫn tâm hồn; chúng ta thấy mình trọn vẹn vì nơi Chúa, ta tìm thấy tất cả. “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” chính là để nói lên cái trọn vẹn và đầy đủ của tâm hồn nương ẩn nơi Chúa. Nơi Chúa, chúng ta biết mình muốn gì và cần gì và cũng từ Ngài, chúng ta tìm thấy điều ta tìm kiếm. Tình thương yêu của Chúa luôn nhiều hơn những gì ta mong đợi.

Ước gì cùng cất lên với Mẹ Maria lời ca tụng, chúng ta được thêm lòng yêu mến Chúa và vững tin nơi Người về những ân huệ lớn lao, những công trình kỳ diệu Chúa thực hiện nơi mỗi người trong cuộc sống để khi một ngày kết thúc, chúng ta nhìn lại ngày sống và có thể cất lên lời ca tụng Chúa:

Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng CHÚA,
sống bao lâu, nguyện đàn ca kính Chúa Trời.
(Tv 146, 2)


------------------------
Đặng Thế Nhân
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn gửi email Website của thành viên này Yahoo Messenger
Trình bày bài viết theo thời gian:   
« Xem chủ đề trước | Xem chủ đề kế »
gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Sống Lời Chúa Chuyển đến trang Trang trước  1, 2, 3, 4  Trang kế


 
Chuyển đến
 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn
Bạn không được phép gởi kèm file trong diễn đàn
Bạn có thể download files trong diễn đàn


Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net