GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


_READMORE
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 26
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 026
 Lượt tr.cập 055369795
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Diễn đàn Giáo Phận Vinh 20.04.2024
DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH :: Xem chủ đề - Thần Học Về Thập Giá

 Chào mừng bạn đến với diễn đàn GIAOPHANVINH.NET


 Xem bài chưa có ai trả lời 
Đăng ký làm thành viênĐăng ký làm thành viên 

gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Hỏi đáp về Thánh Kinh, Giáo Lý
 Bạn đang theo dõi chủ đề ở chuyên mục : Hỏi đáp về Thánh Kinh, Giáo Lý 
Người đăng Thông điệp
dangngocan
Quản trị viên
Quản trị viên


 

Ngày tham gia: 13/11/2007
Bài gửi: 2466
Số lần cám ơn: 1
Được cám ơn 295 lần trong 287 bài viết

Bài gửigửi: 31.03.2010    Tiêu đề: Thần Học Về Thập Giá Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ


Trải qua lịch sử Kitô giáo đã có nhiều thứ thần học về Thập giá, bắt nguồn từ đường lối suy tư và chiêm ngắm khác nhau khi người tín hữu đứng trước Thập giá. Không ai chối cãi được sự quan trọng của Thập giá đối với Kitô giáo. Không những các Kitô hữu đeo ảnh Thập giá trên người để tỏ lòng mộ mến hay để tỏ ra căn cước của mình, mà thậm chí người ngoại đạo cũng coi Thập giá như là biểu tượng của Kitô giáo. Chính vì thế mà tổ chức từ thiện “Hội Chữ Thập đỏ” đã bị các nước Hồi giáo bắt sửa lại phù hiệu thành “vầng trăng đỏ” để tránh lẫn lộn công tác nhân đạo với Kitô giáo. Mặt khác, nhiều người Kitô hữu đã gắn liền Thập giá với hy sinh đau khổ, và họ có cảm tưởng rằng không còn gì khác để nói ngoài đề tài đó. Cảm tưởng đó chỉ đúng một phần, theo nghĩa là từ hai mươi thế kỷ nay, mỗi lần nói tới Thập giá thì không thể nào tránh được vấn đề đau khổ. Tuy nhiên, ngoài đề tài đau khổ ra còn có những khía cạnh khác nữa. Một điểm đáng ghi nhận khác nữa là tuy rằng đã có nhiều suy tư về ý nghĩa của Thập giá trải qua suốt lịch sử Kitô giáo, nhưng mãi tới thập niên 70 của thế kỷ này, mới nảy ra một ngành thần học mang tựa đề là “Thần học về Thập giá” (staurologia), theo nghĩa là Thập giá trở thành trung tâm của thần học: chính nhờ Thập giá mà chúng ta biết được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

A.THẦN HỌC KINH THÁNH VỀ THẬP GIÁ
Trong phần này, xin đề cập đến 3 vấn đề:
1. Thập giá trong khung cảnh lịch sử của nó.
2. Bốn tác giả Phúc âm đã nghĩ gì về việc Đức Giêsu phải chịu chết trên Thập giá.
3. Thần học của Thánh Phaolô về Thập giá.

I. Nhục hình Thập giá Vào thời của Đức Giêsu, Thập giá tiên vàn là một nhục hình. Trong đế quốc Rôma, Thập giá là một hình phạt dành cho các tội trọng. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức Thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang. Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là bị lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị dốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các công dân Rôma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước đoạt quyền công dân. Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình phạt Thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá. Cũng vì lý do đó mà việc tôn kính Đức Kitô trên thập tự là cả một chuyện điên rồ hèn hạ, không những thánh Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng 20 năm sau biến cố xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng 150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I, 13,4), thánh Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn tên tử tội trên Thập giá là Đấng Tạo dựng đất trời.

II. Từ tường thuật hình khổ Thập giá tới suy niệm về ý nghĩa Thập giá dựa theo bốn tác giả Phúc âm.

Việc Đức Giêsu chết trên Thập giá là một biến cố lịch sử, được tất cả bốn tác giả Phúc âm thuật lại; biến cố đó cũng được ghi chép nơi các sử gia Rôma (như Tacitus, Annales XV, 44-45) và Do Thái (Josephus Flavius, Antiquitates Judaicae XVIII, 64). Những người hoài nghi về sử tính của Phúc âm thì chỉ nêu nghi vấn chung quanh những đoạn viết về lời giảng hay về phép lạ của Đức Giêsu, chứ không hề đụng tới câu chuyện chết trên Thập giá. Các Kitô hữu cũng không hổ thẹn gì để chấp nhận sự kiện thầy mình đã bị xử án giống như các tên trộm cướp. Thậm chí M. Kaeler cho rằng lúc đầu Phúc âm là bản tường thuật về cuộc tử nạn của Đức Giêsu trên Thập giá, rồi về sau người ta mới thêm một phần dẫn nhập để giải nghĩa lý do gì đã đưa tới sự cố đó. Dù những giả thuyết về tiến trình sự hình thành của bốn Phúc âm thế nào đi nữa, một điều rõ ràng mà chúng ta nhận thấy là tất cả bốn thánh sử đều khá đồng nhất khi thuật lại cuộc tử nạn của Đức Giêsu, với ba hồi chính: * Ngài bị bắt; * Bị xét xử; * Bị đóng đinh.

1. Trong hồi thứ nhất (xức dầu ở Betania, tiệc ly, hấp hối trong vườn cây dầu), chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã biết và đã báo trước điều sắp xảy ra cho mình, và giải thích lý do và ý nghĩa của nó: điều đó cần phải xảy ra để hoàn tất sứ mạng. Tuy bề ngoài Ngài bị bắt nhưng kỳ thực là Ngài đã được trao nộp theo chương trình của Chúa Cha.

2. Hồi diễn thứ hai diễn ra ở hai tòa: Do thái và Rôma, kết thúc với án tử hình được thi hành ngay tức khắc. Các thánh sử đều quả quyết rằng bản án đó bất công vì Đức Giêsu không có tội tình gì hết.
3. Hồi thứ ba gồm có việc đóng đinh vào Thập giá, chết và an táng. Giọng văn kín đáo, gọn gàng, không có những chi tiết lâm ly bi đát. Nên biết thêm là ngoài những chương thuật lại cuộc Tử nạn, Phúc âm ít khi nói tới Thập giá. Xem ra các Kitô hữu đầu tiên chấp nhận việc Đức Giêsu chịu đóng đinh vào Thập giá như một sự kiện đã xảy ra, nhưng họ ngượng ngùng khi nhắc tới chuyện kinh hoàng ô nhục đó. Họ tìm cách lục lọi các bản văn Kinh Thánh (mà ta gọi là Cựu ước) để tìm hiểu lý do và ý nghĩa của nó trong chương trình của Thiên Chúa: tại sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giêsu bị trao nộp và chết cách thảm thương như vậy? Vì thế, dần dần các tín hữu ít nghĩ tới chính cây Thập giá cho bằng suy gẫm nhiều hơn về việc Đức Kitô chết trên Thập giá. Nói khác đi, các thánh sử không chú trọng tới cây Thập giá xét trong toàn thể sứ mạng của Ngài. Việc đóng đinh trên Thập giá chỉ là một hồi trong tấn kịch dài hơn.
Thánh Matthêu và Marcô trình bày Đức Giêsu như một người hoàn toàn công chính đã bị bắt bớ và bị hãm hại vì sứ mạng của mình. Việc thiết lập bí tích Thánh thể (được đặt ở hồi thứ nhất của cuộc tử nạn) đã trình bày ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu như là sự trao hiến mạng sống của mình cho người anh chị em. Kế đó, người công chính đã lần lượt bị các bạn hữu của mình bỏ rơi, bị những người đồng đạo Do thái xét xử và nộp cho quân Rôma để bị giết. Hơn thế nữa, (Mt 27,46) và (Mc 15,34) còn nhấn mạnh tới việc Đức Giêsu bị bỏ rơi trên thập tự: “Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Chúa bỏ con?”. Đã có nhiều giải thích khác nhau về ý nghĩa của lời than ấy, chẳng hạn như: đó là tiếng kêu tuyệt vọng, tiếng kêu phản kháng, hoặc chỉ bộc lộ tình trạng tối tăm trong tâm hồn vì không thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Dù sao thì Thiên Chúa vẫn thinh lặng; hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã trả lời qua sự thinh lặng. Thực vậy, vào lúc mà tối tăm bao trùm khắp mặt đất, ra như vùi lấp hết những công trình của Thiên Chúa, thì này viên đội trưởng đã thốt lên: “Ông này quả thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Chính lúc xem ra tuyệt vọng hơn cả, lúc mà xem như Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, thì viên đội trưởng lại nhận ra được ánh sáng mặc khải để khám phá ý nghĩa hoàn toàn trái ngược: không phải là Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng mà chính Đức Giêsu đã phó mặc mạng sống mình cho Thiên Chúa, và Chúa Cha đã trao ban mình cho Con.
Luca đánh dấu thêm một bứơc tiến nữa trong việc suy niệm về ý nghĩa Thập giá. Không những viên đội trưởng đã tuyên xưng rằng Đức Giêsu hoàn toàn vô tội, nhưng nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người được ơn trở lại: Simon Phêrô đã khóc lóc sau khi chối bỏ thầy, Simon Cirênê đã hoán cải từ chỗ bị cưỡng bách phải tháp tùng Đức Giêsu tới chỗ vác Thập giá như một môn đệ theo thầy; một số phụ nữ đã đấm ngực than khóc thống hối; một tên tử tội cũng ăn năn. Nhất là những giây phút chót của Đức Giêsu trên Thập giá đã trở thành cao điểm của ơn cứu chuộc: Đức Giêsu đã xin Chúa Cha tha tội cho những lý hình; và ơn cứu chuộc được thể hiện cách cụ thể khi mà tên trộm lành được hứa vào nước trời ngay hôm ấy. Sau cùng, lời cuối cùng của Đức Giêsu trước khi tắt thở biểu lộ lòng tín thác vô biên nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy, đối với Luca, việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá không còn phải là chuyện hành hình của một tử tội nữa, nhưng là một biến cố cứu rỗi. Gioan thì nhìn Thập giá như sự bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo trên Thập giá là biểu trưng của việc Ngài được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình (Ga 12,32).

Trong Phúc âm thứ bốn, cuộc tử nạn bắt đầu với việc rửa chân cho các môn đệ và di chúc về tình yêu: Đức Giêsu giải thích ý nghĩa cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện để bộc lộ tình yêu dành cho các bằng hữu. Chính Ngài đi ra đón những kẻ lùng bắt mình. Cuộc tra tấn dã man biến thành lễ nghi phụng vụ, khi Đức Giêsu khoác tấm áo đỏ với vòng gai, và bản án là Vua (Ga 19,14.19).
Thánh Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Đức Giêsu trên Thập giá, ghi chú những cử chỉ nhằm hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác bà mẹ cho môn đệ, việc nhắp những giọt giấm cho tới việc bị ngọn giáo đâm thủng sườn; nhất là Gioan nhận định về những hậu quả của cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiệu của mạch sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con Một mình cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, Thập giá không phải là một nhục hình nhưng là ngai toà mà Ngài hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu.
Như vậy, ta thấy nơi bốn cuốn Phúc âm đã có một diễn trình từ chỗ tường thuật một biến cố kết liễu cuộc đời của Đức Giêsu cho đến chỗ khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Linh Mục Nguyễn Hữu An

(Còn tiếp)
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
« Xem chủ đề trước | Xem chủ đề kế »
gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Hỏi đáp về Thánh Kinh, Giáo Lý


 
Chuyển đến
 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn
Bạn không được phép gởi kèm file trong diễn đàn
Bạn có thể download files trong diễn đàn


Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net